Vận dụng, phát huy giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ hai - 29/05/2023 15:31
 
ThS. Trần Văn Toàn
Khoa Xây dựng Đảng
      “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 đã tạo bước ngoặt lớn đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa mới. Những giá trị của bản Đề cương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối, tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam trong công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà.
      Cách đây 80 năm, Đảng ta đã thông qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đề cương có gần 1.500 chữ, ngắn gọn, súc tích, được xem như cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng.
      Trải qua 8 thập kỷ với rất nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày nay.
      Từ khi Đề cương ra đời đến nay, nhiều định hướng quan trọng đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
      Để quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.
      Quảng Trị, vùng đất có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết và thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó là: “cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, cùng với việc nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương qua các kỳ Đại hội Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng vai trò của văn hóa thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xác định đây là yếu tố quan trọng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cụ thể là:
      Tỉnh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có nhà văn hóa; 100% thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đi vào chiều sâu. Đến cuối năm 2022 có 94,3% (163.789/173.671) gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 98,9% (789/797) làng, bản, khu phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; có 91,2% (752/824) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; có 62,5% (15/24) phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị;. Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa rộng khắp.
      Các giá trị văn hóa của Quảng Trị đã được tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả: Các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng đã được quan tâm ưu tiên trùng tu và phát huy giá trị, đóng vai trò tích cực trong giáo dục truyền thống và phục vụ có hiệu quả các hoạt động du lịch. Nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn mang tầm quốc gia được tổ chức thành công. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền đã được tổ chức liên tục, đều khắp, tập trung hướng về cơ sở, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
      Cùng với các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian được tổ chức thường xuyên, đặc biệt,  Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức vào ngày 30-4 hàng năm hàng năm ở di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là nơi chứng kiến đất nước yêu thương bị chia cắt thành hai miền Nam  - Bắc với mục đích tôn vình những giá trị lịch sử với các chiến thắng và những anh hùng đã ngã xuống hy sinh cho đất nước. Để tổ quốc được thống nhất, nhân dân được ấm no.
      Cùng với đó, nhiều loại hình nghệ thuật, hội chợ, các cuộc trưng bày và triển lãm mỹ thuật và các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh… đã góp phần giữ gìn và tôn tạo những giá trị văn hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng của văn hóa và con người Quảng Trị.
      Tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thấm nhuần quan điểm con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển và phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; trong những năm qua tỉnh Quảng Trị có nhiều chủ trương, chính sách để tập trung phát triển con người Quảng Trị có sức khỏe, tri thức, nhân cách, phẩm chất đạo đức. Đặc biệt, Quảng Trị rất chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2012 – 2022, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 55.800 lao động nông thôn, đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 27,3% năm 2012 lên 50% năm 2022.
      Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 65/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 16,1 tiêu chí/xã (tăng 12,5 tiêu chí/xã so với năm 2010), có 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mãu, thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực nông thôn tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2010; văn hóa xã hội ngày càng nâng cao về chất lượng; hệ thống chính trị ngày càng được cũng cố; an ninh, trật tự được đảm bảo. Những kết quả xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị là minh chứng rõ nhất, thể hiện vai trò của văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
      Với việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của “Đề cương văn hóa Việt Nam” để xây dựng một nền văn hóa “Khoa học, dân tộc, đại chúng” và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7,17% vượt kế hoạch đề ra là 6,5 % -7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 9,14%. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
      Trong thời gian tới, trước tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song xu thế hoà bình, hợp tác vẫn là chủ đạo. Đất nước ta tiếp tục kiên trì đường lối văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam với những đức tính tiêu biểu theo tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh đó, Quảng Trị  có nhiều thuận lợi để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.
      Trên tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; phát huy những giá trị tốt đẹp của Đề cương văn hóa Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh, thời gian tới công tác tuyên truyền cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
      Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa.  Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, nhân dân các nội dung cũng như ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam; kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; nội dung phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; việc triển khai thực hiện chuyên đề toàn khóa và hằng năm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
      Hai là, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền những thành tựu và kết quả nổi bật về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong 80 năm qua và sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng tuyên truyền văn hóa, đạo đức trong Đảng và xã hội.
      Ba là, tuyên truyền những vấn đề đặt ra trong công tác văn hóa thời gian tới; kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
      Bốn là, đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử, vai trò quan trọng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa - văn nghệ, xây dựng con người Việt Nam.
      Công tác tuyên truyền cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng; bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, thuyết phục, chất lượng, hiệu quả.
      Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa; tiếp tục quan tâm đầu tư, chế độ, chính sách trên lĩnh vực văn hóa. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, đúng đường lối của Đảng, hướng về Nhân dân, phục vụ sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác, cái bất công, cái xấu; hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ; đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng, quan điểm sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn hóa tỉnh nhà.
      Kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, Đảng bộ, chính quyền và nhân Quảng Trị càng thêm trân trọng vai trò của Đề cương và những nỗ lực của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong việc vận dụng linh hoạt các giá trị, nguyên tắc của Đề cương để phát huy giá trị văn hóa, con người với khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển, văn minh giàu đẹp, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh thuộc trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây