Vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với sự ra đời Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Thứ năm - 05/10/2023 14:33
 
                                                TS. Trần Thanh Thủy
                                                            Khoa Xây dựng Đảng
 
          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng chí Lê Duẩn với cương vị là Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam đã có những chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, linh hoạt, kịp thời, đóng góp lớn về mặt lý luận đối với cách mạng nước ta. Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 6-6-1969 trên cơ sở Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác có vai trò rất lớn của đồng chí Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.
          1. Vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
            Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), đồng chí Lê Duẩn nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại miền Nam để cùng với Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng. Với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với thực tiễn hoạt động cách mạng, cộng với sự sắc sảo trong tư duy, đồng chí đã sớm dự đoán được việc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm muốn phá hoại Hiệp định Genève, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vì thế, đồng chí đã chủ động, sáng tạo, xác định hướng đi đúng đắn cho cách mạng miền Nam thông qua Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam (cũng có sách ghi: Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam), sau đổi thành Đề cương cách mạng miền Nam (8-1956).
          Trong Đề cương cách mạng miền Nam, sau khi phân tích ba nhiệm vụ của cách mạng cả nước, đồng chí chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”[1]. Bản Đề cương cách mạng miền Nam chính là cơ sở để Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (năm 1959) thông qua Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào “Đồng khởi” bùng lên mạnh mẽ ở miền Nam trong những năm 1959 - 1960. Hệ quả tiêu biểu của phong trào này là một mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn bị phá vỡ. Chính quyền cách mạng đã được thành lập trên một vùng rộng lớn có ý nghĩa chiến lược, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Đông và miền Tây Nam Bộ, xuống giáp đồng bằng các tỉnh ven biển miền Trung.
          Trong thư Gửi Trung ương Cục miền Nam, ngày 18-7-1962, đồng chí Lê Duẩn đánh giá 10 khẩu hiệu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam “đã cụ thể hoá cái mức yêu cầu thông thường của một chế độ dân chủ thông thường. Đó là chiến thuật hay, thích hợp, đúng mức”[2]. Đồng chí luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng lực lượng chính trị để mở rộng lực lượng cho Mặt trận: “Trước khi nói đến việc xây dựng lực lượng quân sự ngày càng mạnh, ta cần phải nhận định lại một cách đầy đủ rằng lực lượng quân sự cách mạng của quần chúng không thể lớn mạnh được, nếu nó tách khỏi lực lượng chính trị của quần chúng”[3].        
          Tháng 11 năm 1965, trong bức thư/điện gửi Trung ương Cục miền Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tiếp tục nhấn mạnh phải ra sức tập hợp mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, lôi kéo cả những người trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm xây dựng khối đoàn kết dân tộc thật rộng rãi, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai[4].
          Về vấn đề sử dụng thuật ngữ chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, để phù hợp với những tuyên bố công khai của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (thời điểm đó trong miền Nam đã sử dụng thuật ngữ chiến lược “Chiến tranh cục bộ”), tại Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng (12-1965), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đề nghị Trung ương Đảng “để cho Bộ Chính trị tìm một cách diễn đạt nhận định này như thế nào cho thích hợp”[5]. Trước những bước tiến thắng lợi về ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cũng khiến đồng chí rất vui mừng: “Tôi mừng là ông Xihanúc thừa nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam là Chính phủ hợp pháp, cái đó là thắng lợi lớn lắm”[6]. Tháng 1-1967, đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị yêu cầu cách mạng miền Nam phải chú ý đề cao vai trò, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở cả trong và ngoài nước[7].
          Chấp hành những chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị, từ ngày 15 đến ngày 20-8-1967, Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại rừng Cây Da - suối Chò (Tân Biên, Tây Ninh) để bàn nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng miền Nam, trọng tâm là việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đại hội thông qua Cương lĩnh chính trị gồm 4 chương: “I- Đoàn kết toàn dân chống Mỹ, cứu nước; II- Xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh; III- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; IV- Thi hành chính sách ngoại giao hòa bình và trung lập”[8].
         Vấn đề ruộng đất cho nông dân miền Nam cũng được đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo rất sát sao.  Sách “Cải cách ruộng đất ở Việt Nam” của Viện nghiên cứu Stanford (1968) thừa nhận: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn đều có chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu về ruộng đất của người nông dân. Trong khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thi hành những chính sách linh động kết hợp với các biện pháp hữu hiệu, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ giữa điền chủ và tá điền, thực tế đã đem lại ruộng đất cho người nông dân, thì các chính quyền Sài Gòn vẫn rất trì trệ và kém cỏi trong thực hiện vấn đề ruộng đất… “Trong cuộc đấu tranh với Mặt trận ở nông thôn, chính quyền Sài Gòn đã mất vai trò chủ động trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất. Các chương trình cải cách ruộng đất của Sài Gòn thi hành cho đến năm 1968 đã tác động rất ít vào nông thôn”[9].
          2. Vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với sự ra đời của Mặt trận thứ hai: Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam
          Ngày 27-1-1967, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 154-NQ/TW về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam. Bên cạnh việc đánh giá cao Bản Tuyên ngôn 5 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng[10], lần đầu tiên Bộ Chính trị bàn tới Mặt trận thứ hai: “Trong khi đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cần xúc tiến việc thành lập một mặt trận liên hiệp hành động rộng rãi ở các đô thị và những vùng nông thôn do địch kiểm soát, đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập. Mặt trận này được hình thành dần dần từ trong phong trào đấu tranh của quần chúng, cho nên nó có tính chất rộng rãi, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở liên minh công nông”[11]. Thành phần của Mặt trận thứ hai bao gồm: công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, học sinh, trí thức, những người tiến bộ thuộc tầng lớp trên của các giáo phái, những nhân sĩ thuộc các giai cấp và tầng lớp khác tán thành độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập[12].
          Trên cơ sở chuẩn bị về nhiều mặt, tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng (tháng 01-1968) ra Nghị quyết xác định “… thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng, lấy một tên thích hợp với cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Mặt trận thứ hai này sẽ giữ thái độ độc lập đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nhưng tuyên bố thực hiện liên minh với Mặt trận Dân tộc giải phóng và tất cả những người muốn phấn đấu cho miền Nam Việt Nam có độc lập, chủ quyền, dân chủ, hòa bình và trung lập”[13]. Mục đích của việc thành lập Mặt trận thứ hai là nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống đế quốc Mỹ và tay sai ở đô thị; kêu gọi Nhân dân đấu tranh cho độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập, quan hệ bình thường giữa 2 miền Nam, Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Mặt trận thứ hai có nhiệm vụ liên kết chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các địa bàn trọng điểm - các đô thị trên toàn miền Nam.
          Trung ương Đảng cũng yêu cầu cần chuẩn bị những người tiêu biểu gồm nhiều thành phần để đưa vào chính quyền liên hiệp dân tộc và cơ quan lãnh đạo Mặt trận thứ hai, đồng thời phải chuẩn bị tuyên ngôn, chương trình hành động, chính sách, sách lược của các tổ chức này. Tiếp đó, Trung ương Đảng điện gửi Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo: Mặt trận lấy tên là Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Đồng thời định ra khẩu hiệu đấu tranh của liên minh, quy định cờ của Mặt trận có hình chữ nhật, trên và dưới màu đỏ, giữa màu xanh da trời, có ngôi sao vàng ở chính giữa[14].
            Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 “đã tạo điều kiện cho một số nhân sĩ, trí thức rời các đô thị ra vùng giải phóng, đi theo tiếng gọi của Mặt trận với chính sách đại đoàn kết dân tộc và chủ trương hòa bình, trung lập”[15]. Ngày 20 và 21-4-1968, Đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được tổ chức ở vùng giải phóng Bắc Tây Ninh. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam là ngọn cờ hiệu triệu mới đối với các tầng lớp, giai cấp khác nhau ở miền Nam, nhất là giới trí thức. Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ ở miền Nam đã được mở rộng.
           Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận thứ hai đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất ở địa bàn các đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, v.v… Mặt trận này đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành Hội nghị hiệp thương mở rộng với các phe, phái khác ở miền Nam, thành lập một nội các hòa bình đại diện cho chính thể miền Nam Việt Nam đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: từ khi ra đời trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 “Liên minh ngày càng phát huy tác dụng to lớn của mình, tập hợp đông đảo các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở các thành thị miền Nam, luôn luôn sát cánh với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, để cùng nhau đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”[16]. Cách mạng miền Nam có thêm cơ sở chính trị để tiến tới thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
          3. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời trên cơ sở Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác
          Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vừa là ngọn cờ tập hợp đông đảo quần chúng đứng lên chống Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm vừa giữ chức năng của một chính quyền cách mạng, tổ chức nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
          Theo lời kể của Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bài viết “Những năm tháng hoạt động quốc tế sôi nổi của Mặt trận” thì vào cuối năm 1963, đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Tổng Thư ký của Mặt trận dẫn đầu, cùng đồng chí Nguyễn Thị Bình (Ủy viên Trung ương Mặt trận), đồng chí Nguyễn Văn Tiến (Ủy viên Trung ương Mặt trận) đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia. Đây là lần đầu tiên một đoàn cao cấp của Mặt trận đi thăm một nước lớn của châu Á. Đoàn đi từ Liên Xô sang. Khi làm thị thực nhập cảnh, Đại diện sứ quán Inđônêxia hỏi: Các ông bà có thể cho tôi biết chức vụ của các ông bà là thế nào không? Bà Nguyễn Thị Bình mạnh dạn trả lời: “Trung ương Mặt trận chúng tôi như là một chính phủ vì Mặt trận hiện nay lãnh đạo cuộc đấu tranh về mọi mặt, quản lý một vùng đất đai rộng lớn. Các ủy viên trung ương như là những bộ trưởng vậy”[17].
          Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng khẳng định: “Đến cuối năm 1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kiểm soát dưới các hình thức khác nhau đến 1/3 dân số miền Nam, hình thế “da beo” giữa chính quyền giải phóng và chính quyền Sài Gòn xen kẽ khắp lãnh thổ miền Nam, từ Quảng Trị trở vào. Ủy ban Trung ương Mặt trận thực tế là một chính phủ Trung ương song song tồn tại với chính phủ Sài Gòn”[18]. Đến năm 1965, tuy chưa phải là chính phủ nhưng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã được 20 nước công nhận, cuối năm này Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Mặt trận. Các cơ quan đại diện của Mặt trận được hưởng tất cả những quyền lợi của sứ quán.
          Sau thắng lợi mang tính bước ngoặt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhu cầu thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp bách cả về đối nội và đối ngoại của cách mạng nước ta trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trở nên cấp thiết.
          Được sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị, ngày 6-6-1969, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng các lực lượng yêu nước khác tiến hành Đại hội quốc dân và bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn. “Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một thắng lợi hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện chính quyền cách mạng ở miền Nam”[19]. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời đã đề ra Cương lĩnh chính trị hợp lòng dân, được quân, dân miền Nam và nhân dân thế giới nhiệt tình ủng hộ.
          Qua những phân tích trên đây, chúng tôi rút ra một số nhận định sau:
          Thứ nhất, từ thực tiễn phát triển của cách mạng miền Nam cũng như cách mạng nước ta từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo chúng ta có thể khẳng định không có mặt trận tập hợp mọi giai tầng xã hội thì cách mạng không thể thắng lợi. Nhưng để có được thắng lợi đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối quan trọng, trong đó, nổi bật là những đóng góp to lớn của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định đường lối cho cách mạng miền Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập.    
          Thứ hai, vai trò của đồng chí Lê Duẩn còn thể hiện rõ nét ở việc làm cho nhân dân miền Nam “tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng ta về cách mạng miền Nam”[20]. Đồng chí đã xây dựng cho quân đội và Nhân dân ta một ý chí quyết chiến, quyết thắng không gì lay chuyển, đồng bào ta nhận thức được một cách sâu sắc tư tưởng đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, khơi dậy ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết, yêu nước nhiệt thành, hy sinh cứu nước vô điều kiện để thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhờ đó cách mạng miền Nam ngày càng phát triển, đưa đến sự ra đời của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
          Thứ ba, thông qua bài viết này chúng ta càng nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn tác động tích cực của những chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của đồng chí Lê Duẩn đối với phong trào cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đặc biệt là công tác xây dựng và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Từ đó, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn (bài học về phân tích bối cảnh lịch sử và âm mưu của địch; bài học về xác định nhiệm vụ trọng tâm; bài học về đoàn kết toàn dân, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất; bài học về vấn đề bám sát thực tiễn, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng...) để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... của đất nước ta hiện nay./. 
 
Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Duẩn (2007), Tuyển tập, Tập 1 (1950 - 1965), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 98.
[2], [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 23 (1962), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 712, 717.
[4] Lê Duẩn (2005), Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 140.
[5], [20] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 26 (1965), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 558, 591.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 30 (1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 152.
[7], [10], [11], [12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 28 (1967), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.165, 150, 165-166, 166.
[8], [9], [17], [18], [19] Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (2010), Chung một bóng cờ - Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Sđd, tr. 561, 154, 450, 1090, 539.     
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 29 (1968), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 61. 
[14] Đoàn Thị Hương, Chu Thị Diễm Hương (2018), “Thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, một sáng tạo của Đảng”, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 4-2018, tr. 16.  
[15] Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến (2010), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960 - 1977), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 129.  
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập (2011), Tập 15 (1966 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 572.    
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây