ThS. Đinh Thị Thu Hoài
Phòng QLĐT&NCKH
Trường Chính trị Lê Duẩn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hiện nay, biên chế Nhà trường gồm có 41 đoàn viên công đoàn, trong đó có 2 tiến sỹ, 01 nghiên cứu sinh, 25 thạc sỹ, 11 cử nhân. Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ khác nhau. Hiện nay, bên cạnh việc thường xuyên chú trọng tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng giảng dạy Nhà trường vẫn tập trung vào hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Nhà trường hướng tới đạt trường chính trị chuẩn trong thời gian tới.
Nghiên cứu khoa học là điều kiện cần thiết để đoàn viên công đoàn nhận thức đầy đủ hơn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lĩnh vực mà mình trực tiếp phụ trách. Trên cơ sở đó nhằm bổ sung những kiến thức đã lỗi thời, chưa chuẩn xác trong quản lý, giảng dạy.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, trong thời gian vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nghiên cứu khoa học đối với tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên Nhà trường, trên cơ sở đó đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, cụ thể:
Về đề tài khoa học các cấp: Về số lượng, từ năm 2018 đến năm 2022, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã thực hiện 13 đề tài khoa học các cấp, trong đó: 11 đề tài khoa học cấp cơ sở; 01 đề tài khoa học cấp tỉnh đã hoàn thành; 01 đề tài khoa học cấp tỉnh đang triển khai thực hiện. Về chất lượng, ưu tiên những đề tài có tính khả thi, áp dụng thực tế, chính vì vậy các đề tài đều được xếp loại khá trở lên, đặc biệt đề tài khoa học cấp tỉnh thực hiện năm 2018-2019 đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao và xếp loại xuất sắc. Riêng năm 2023, Nhà trường đang tiến hành triển khai thực hiện 04 đề tài khoa học cấp cơ sở và 01 đề tài khoa học cấp tỉnh. Các đề tài khoa học đều thể hiện được tính thực tiễn cao, phù hợp với các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của Nhà trường. Đặc biệt, thành viên thực hiện đề tài khoa học ngoài các công đoàn viên là giảng viên còn có thêm công đoàn ở các phòng chức năng tham gia nhằm giúp phát huy hết mọi khả năng của các đoàn viên công đoàn.
Về hội thảo, tọa đàm khoa học: Từ năm 2018-2022, Nhà trường đã tổ chức 14 buổi hội thảo, tọa đàm khoa học. Quá trình tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp đã được tổ chức đảm bảo đúng theo quy định của Học viện. Nhà trường đã chủ động ban hành kế hoạch từ đầu năm, trên cơ sở đó các khoa, phòng chủ động triển khai thực hiện đối với những buổi tọa đàm, hội thảo do các khoa chủ trì tham mưu. Chủ đề của các buổi tọa đàm, hội thảo bám sát nội dung của chương trình đào tạo, bồi dưỡng và gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm, thu hút sự tham gia của các công đoàn viên và đại diện học viên các lớp. Nội dung các bài viết tham gia đa phần đều được đánh giá chất lượng khá cao. Các bài viết đã đi sâu vào làm rõ từng chủ đề, thể hiện được sự nghiên cứu nghiêm túc của các giảng viên và học viên. Một số buổi tọa đàm, hội thảo khoa học Nhà trường đã chủ động mời thêm các cơ quan khác tham gia viết bài tạo nên sự phong phú và khách quan khi đánh giá, nhận xét những vấn đề đặt ra.
Về Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn: hằng năm Nhà trường đã tiến hành xuất bản 03 bản tin/ năm nhằm đảm bảo số lượng yêu cầu của việc xây dựng Trường Chính trị chuẩn. Các bản tin đã thu hút sự tham gia hầu hết tất cả các công đoàn viên là giảng viên Nhà trường. Các bài viết đã có sự phong phú về nội dung, đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt, Bản tin số 1 năm 2023 đã có sự cải cách về nội dung, dung lượng bài viết, phù hợp với yêu cầu của Bản tin Nhà trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường vẫn còn có những hạn chế như sau:
Đề tài khoa học cấp cơ sở số lượng nhiều nhưng chất lượng một số đề tài còn hạn chế, đề tài được đánh giá đạt loại xuất sắc còn rất ít. Đối với đề tài cấp tỉnh việc đăng ký triển khai thực hiện khá khó khăn vì số lượng công đoàn viên là giảng viên không nhiều.
Số lượng các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học mặc dù đã có sự gia tăng trong những năm trở lại đây nhưng quy mô chỉ mới dừng ở cấp khoa, cấp trường chứ chưa triển khai nâng tầm lên cấp tỉnh; vẫn còn một số bài viết chất lượng chưa cao và thiếu tính thực tiễn; hoạt động trao đổi, thảo luận trong các buổi hội thảo còn chưa sôi nổi, chưa phát huy hết tính tích cực, tự giác của thành viên tham gia.
Kinh phí sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường còn hạn chế, chưa tạo động lực cho các công đoàn viên khi tham gia.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Đảng ủy, Ban Giám hiêu và Công đoàn Nhà trường cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về hoạt động nghiên cứu khoa học bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn.
Các khoa, phòng Nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu và triển khai tổ chức thực hiện đối với các hoạt động khoa học.
Các công đoàn viên Nhà trường nói chung và công đoàn viên là giảng viên nói riêng cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên để nâng cao chất lượng giảng dạy và bổ sung thêm lượng kiến thức vốn có.
Lãnh đạo Nhà trường và tổ chức công đoàn Nhà trường cần bổ sung nguồn kinh phí phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học. Có sự khen thưởng, động viên kịp thời để tạo động lực cho các công đoàn viên thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn.
Trên đây là một số kết quả về công tác nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị Lê Duẩn trong những năm vừa qua. Có thể thấy răng, với những kinh nghiệm vốn có của Nhà trường, sự nỗ lực của tất cả các đoàn viên công đoàn, hi vọng rằng trong thời gian tới hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao nhằm đưa Nhà trường đạt được các tiêu chí của trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025.