Kinh tế đối ngoại của tỉnh Quảng Trị năm 2022, thực trạng và giải pháp

Thứ ba - 25/04/2023 09:13
 
TS. Trần Thanh Thủy
Khoa Xây dựng Đảng
 
     Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, kinh tế đối ngoại có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược, nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, giáp với Biển Đông, vì vậy, hoạt động kinh tế đối ngoại có đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh trong hiện tại và tương lai, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra, “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”[1].
     Trong năm 2022, trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại tỉnh Quảng Trị có những thành tích đáng ghi nhận. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 864,5 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 306 triệu USD; nhập khẩu đạt 558,4 triệu USD; góp phần đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước của cả tỉnh đạt 4.520,516 tỷ đồng, đạt 109% dự toán địa phương và 132% dự toán Trung ương[2].
     Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông giữa 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) - Mukdahan (Thái Lan); nghiên cứu xây dựng Đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani”; tổ chức thành công Hội chợ Thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mê-kông mở rộng - Quảng Trị 2022; tham dự Hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư về thương mại, du lịch và nông nghiệp giữa các địa phương của Việt Nam (Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Dương) với 4 tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu) tại Pakse, tỉnh Champasak (Lào); tổ chức thành công hội đàm cấp cao giữa đoàn đại biểu 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan - Savannakhet (Lào); phối hợp với tỉnh Savannakhet nghiên cứu xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây; tham dự Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc và có phiên tiếp xúc bên lề với Tham tán Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa[3]; tổ chức thành công Hội thảo Công nghệ năng lượng tái tạo Israel - Quảng Trị ở Đông Hà… Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế với nhiều nước khác trên thế giới cũng được tăng cường.
     Trong năm 2022, vốn thực hiện các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đạt 6,12 triệu USD (bằng 103,55% so với cùng kỳ năm 2021), doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 81,16 triệu USD (bằng 79,64% so với cùng kỳ năm 2021), giá trị xuất khẩu đạt 54,0 triệu USD (bằng 72,61% so với cùng kỳ), giá trị nhập khẩu đạt 26 triệu USD (bằng 78,38% so với cùng kỳ), giải quyết việc làm thường xuyên cho 2181 lao động tại địa phương (bằng 83,12% so với cùng kỳ) và nộp ngân sách 2,09 triệu USD (bằng 113,39% so với cùng kỳ 2021)[4].         
     Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.484,52 triệu USD. Trong đó: 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,582 triệu USD; 06 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.434,94 triệu USD[5]. Như vậy, so với năm 2020, quy mô tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị năm 2022 đã có chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2020 tỉnh Quảng Trị có 17 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ là 79,85 triệu USD (không có dự án FDI có quy mô vốn đăng ký đầu tư trên 50 triệu USD)[6].  
     Tuy vậy, hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế:
    Thứ nhất, quy trình, thủ tục về thẩm định, phê duyệt, quản lý và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế còn phức tạp, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư và tiến độ triển khai các chương trình, dự án. Công tác quy hoạch, lập dự án xúc tiến thương mại, vận động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGOs), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hạn chế, thiếu kết hợp đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Việc xác minh về vị trí pháp lý và năng lực tài chính của các công ty, đối tác, tập đoàn, vận động người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế với địa phương, kinh nghiệm hỗ trợ giải quyết tranh chấp kinh tế, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các sự kiện, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Biểu hiện của vấn đề này là có những dự án được các công ty nước ngoài đăng ký đầu tư với số vốn rất lớn nhưng không triển khai được hoặc triển khai rất chậm; các chỉ số của tỉnh Quảng Trị năm 2022 đạt mức thấp so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị chỉ đạt 61,26 điểm, xếp hạng 59/63; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 41,76 điểm, nằm trong nhóm trung bình thấp.  
     Thứ hai, các doanh nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới chưa đến tìm hiểu, đầu tư tại Quảng Trị; một số dự án FDI tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với hiệu quả thấp; một số dự án FDI đã được cấp phép nhưng tiến độ triển khai còn chậm; chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác với các địa phương nước bạn thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây; khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của một số cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại còn hạn chế. 
     Do đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm thu hút được nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật tiên tiến từ các nước phát triển để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nhằm hoàn thành mục tiêu “Xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030”[7].
     Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại trong năm 2023 và các năm tiếp theo, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
     Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân về luật pháp quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại; nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.
     Thứ hai, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại - đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; kịp thời xử lý các dự án hoạt động kém hiệu quả, các dự án tác động xấu đến môi trường; ưu tiên các đối tác là những tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu...
     Thứ ba, tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại. Tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, chú trọng nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của địa phương, giải quyết tốt các tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế. Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Trị, mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện nghiêm các cam kết với các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài; tạo được mối liên hệ mật thiết với đồng bào Việt kiều gốc Quảng Trị ở hải ngoại.
     Thứ tư, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào và nhiều nước khác.
     Với các địa phương của Lào: Cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương có biên giới tiếp giáp với nhau cùng phối hợp thực hiện công tác quy hoạch tổng thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi tỉnh; trong đó ưu tiên quy hoạch tại khu vực các cửa khẩu nhằm tạo sự kết nối đồng bộ cửa khẩu hai bên biên giới; cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi theo mức cao nhất mà Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại của các địa phương hai nước.
     Hai bên cần tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; từng bước xây dựng khu vực Lao Bảo - Đensavan trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS), con đường thương mại kết nối Ấn Độ - ASEAN. Trước mắt, trong giai đoạn 2023 - 2030, cần tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 01 khu công nghiệp có quy mô 100 - 200 ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, gia công; thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan.
     Với các đối tác ở khu vực Đông Nam Á: Tập trung xúc tiến trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, vận tải, công nghiệp điện - điện tử - điện lạnh, sản xuất, chế biến gỗ, nông sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, kho vận logistics, các dịch vụ giáo dục, y tế, du lịch.
     Với các đối tác ở khu vực Đông Bắc Á: Tập trung xúc tiến trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông thủy sản; xây dựng cảng biển, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; sản xuất cơ khí, công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, sản xuất ôtô, công nghệ xử lý môi trường tiên tiến.  
     Với đối tác Ấn Độ và các nước Trung Đông: Tập trung xúc tiến trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; sản xuất thép và các sản phẩm từ sắt thép.
      Những thành tựu đã đạt được của tỉnh Quảng Trị về hoạt động kinh tế đối ngoại trong giai đoạn hiện nay đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Về ý nghĩa thực tiễn, bài viết này bổ sung thêm một nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị./.
     Tài liệu tham khảo
     [1]. Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị, tr. 161.
     [2]. Sở Tài chính Quảng Trị (2022), Báo cáo Công khai thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022, Số: 4707/BC-STC, ngày 08/12/2022, tr. 1-2.
     [3]. Sở Ngoại vụ Quảng Trị (2022), Báo cáo Tình hình thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2022, kế hoạch, phương hướng công tác đối ngoại năm 2023, Số: 1264/BC-SNgV, ngày 9/11/2022, tr. 3.
     [4]. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị (2023), Báo cáo V/v tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài Quý IV năm 2022, cả năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Số: 40/BC-SKH-DN, ngày 13/01/2023, tr. 2.
     [5]. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị (2023), Báo cáo V/v tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài Quý IV năm 2022, cả năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Tlđd, tr. 3.
     [6]. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (2020), Báo cáo Công tác đối ngoại năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, Số: 278/BC-UBND, tr. 4.
     [7]. Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tlđd, tr. 62.

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây