Hoàng Tiến Dũng
Khoa Xây dựng Đảng
Năm 2023, mốc đánh dấu “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vừa tròn 80 năm. Đây là một văn kiện quan trọng của Đảng, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Đề cương văn hoá là một công trình khoa học thực sự, nội dung trong đó đã trình bày văn hóa như một hệ thống bao gồm nhiều mặt, nhiều yếu tố, nhiều quá trình khác nhau, nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau: giữa tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; giữa văn hóa, kinh tế và chính trị; giữa các nguyên tắc dân tộc, đại chúng và khoa học…đặc biệt, đã đặt các mặt, các yếu tố, các quá trình trên đây trong mối quan hệ qua lại tất yếu với nhau, qua đó, làm nổi bật hệ thống các quy luật đã và đang chi phối sự vận động và phát triển của văn hóa Việt Nam. Đề cương ra đời như ngọn đèn pha soi rọi cho nền văn hoá cách mạng phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc . 80 năm qua, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, chỉ đạo tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta. Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu những giá trị cốt lõi mà “Đề cương về văn hoá Việt Nam” đã chỉ ra:
Thứ nhất, Đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất tư tưởng, nhận thức, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ. Những vấn đề căn cốt như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh); sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng,... Chính vì vậy, bản Đề cương không chỉ có ý nghĩa thời sự, cấp bách, đáp ứng nhu cầu cách mạng khi đó, mà còn trở thành kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển dài lâu của văn hóa Việt Nam.
Thứ hai, Đề cương đã khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới: “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Tại thời điểm đó ở Việt Nam có nhiều đảng hoạt động như Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng, phái Việt Nam Cách mạng Đồng Minh... nhưng đều không đủ sức tập hợp toàn dân và lãnh đạo cách mạng. Nhiều chí sĩ yêu nước kiệt xuất đã tìm mọi con đường khác nhau để giải phóng dân tộc và phát triển văn hóa như Phan Đình Phùng với phong trào Cần Vương; Hoàng Hoa Thám với khởi nghĩa Yên Thế; Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng với phong trào Duy Tân,... nhưng đều thất bại. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể đảm đương được sứ mệnh này, và đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám cũng như dẫn dắt toàn thể dân tộc trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.
Thứ ba, Đề cương đã thể hiện khả năng dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian khi khẳng định tiền đồ, tương lai của văn hóa Việt Nam: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Điều đó sau này đã trở thành hiện thực, Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh một nhà nước độc lập và nền văn hóa Việt Nam thực sự được tự do và cất cánh.
Thứ tư, với những nội dung, quan điểm, vấn đề quan thiết như vậy, bản Đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Nhiều hồi ký, phát biểu, suy ngẫm của giới văn nghệ sĩ đều cho thấy sự thuyết phục, sức lôi cuốn, dẫn dắt của bản Đề cương giúp họ khai mở nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập, ý chí tự cường để giải phóng dân tộc và sáng tạo một nền văn học, nghệ thuật mới.
Thứ năm, Đề cương có giá trị thực tiễn quan trọng ở chỗ đã xác lập rất chuẩn xác ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Không những thế, bản Đề cương còn chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu đó. Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc nêu trên có tác dụng lớn lao biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Với năm giá trị cốt lõi nhất đã nêu trên, một sự thật lịch sử là, từ khi Đề cương văn hoá ra đời cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn của Đề cương đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Để tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hoá, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần phải làm tốt những nội dung sau đây:
Thứ nhất, khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta; xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức rõ hơn vai trò, sự đóng góp của các thành tựu về phát triển văn hoá; về đầu tư cho văn hoá cũng là đầu tư đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. Bên cạnh đó, có thêm quyết tâm đột phá nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư.
Thứ tư, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Cùng với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ những người làm công tác văn hoá rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh.
Thứ năm, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư không chỉ cho hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mà đặc biệt cần quan tâm đến hạ tầng văn hoá - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia".
Có thể thấy, sự kế thừa phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Trong đó, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, đứng trước những thách thức của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và để thực hiện được những mục tiêu mà Đảng ta đã xác định trong Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần phải nắm vững, kế thừa, bổ sung, phát triển những giá trị cốt lõi của “Đề cương về văn hoá Việt Nam”, đồng thời đảm bảo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cả hệ thống chính trị nhằm củng cố, phát huy những giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc trong Đảng.
Nếu như, tháng 11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, có giá trị như “Hội nghị Diên Hồng” về nghị lực và ý chí xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thời độc lập, tự chủ, hướng tới chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và thực sự văn hóa chính trị là ngọn đuốc soi sáng chế độ mới ở nước ta. Thì, tháng 11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự tái hiện “Hội nghị Diên Hồng” trên mặt trận văn hóa, bồi đắp thêm trí tuệ, nhiệt huyết và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng văn hóa, con người mang bản sắc truyền thống yêu nước, thương nòi, khát vọng hòa bình, độc lập, tự lực, tự cường; bồi đắp cho văn hóa chính trị thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục thật sự là động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh cho Đảng bất diệt và dân tộc trường tồn.
Sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với các phương pháp tiếp cận đương thời về vị trí, tiền đồ của nền văn hóa dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới trong 37 năm qua đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hôm nay. Trước những yêu cầu mới của đất nước, cần tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm văn hóa và phát triển, phải làm cho văn hóa thấm sâu mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị./.