Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Quảng Trị - Vấn đề đang đặt ra hiện nay

Thứ năm - 03/08/2023 10:05
 
                                                               ThS. Trần Hoàng
Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị
 
      Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có vị trí, vai trò rất quan trọng trong cơ cấu chính quyền địa phương; là nền tảng của bộ máy nhà nước, là chỗ dựa, là công cụ sắc bén để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chính quyền cấp xã là nơi nhân dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua hai hình thức cơ bản là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
     Quảng Trị có diện tích tự nhiên 4.739,8 Km2, dân số 647,79 nghìn người, được phân bố ở 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 125 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 101 xã, 13 phường và 11 thị trấn). Theo số liệu được đề cập tại Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn tỉnh Quảng Trị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có 2.837 cán bộ, công chức; thực hiện bố trí số lượng theo quy định 2.578 cán bộ, công chức và nhiệm kỳ 2021-2026 có 2.821 đại biểu HĐND cấp xã.
     Từ khi có Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19 tháng  6 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, nguyên tắc tập trung dân chủ được tôn trọng, dân chủ trong sinh hoạt được phát huy, tính hình thức trong hoạt động giảm và đã tăng được tính thực quyền của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; chất lượng các kỳ họp Hội đồng nhân dân từng bước được nâng lên. Nhận thức được kỳ họp là hoạt động quan trọng và chủ yếu nhất của Hội đồng nhân dân cấp xã đã đảm bảo được số lượng các kỳ họp đúng theo quy định của pháp luật; công tác tổ chức, điều hành kỳ họp từng bước được cải tiến nhằm phát huy dân chủ một cách tối đa. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân có chất lượng, các nghị quyết đề ra đảm bảo đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát từng bước được nâng lên. Việc gần dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân được tăng cường, các đại biểu đã thường xuyên tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
     Tuy nhiên, trước yêu cầu về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, thì chất lượng, hiệu quả và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã cũng như các ban của Hội đồng nhân dân cấp xã chưa thể đáp ứng được yêu cầu để phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Đảng bộ đã đề ra. 
      Qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy những hạn chế của chính quyền cấp xã mà trước hết là Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do cả yếu tố chủ quan từ các đại biểu và yếu tố khách quan do quy định của hệ thống pháp luật.
     Về phía chủ quan, đa số đại biểu Hội đồng nhân dân có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác nhưng hầu hết đều kiêm nhiệm và giữ các cương vị chủ chốt trong Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, các đoàn thể, trưởng thôn cho nên thời gian dành cho hoạt động của Hội đồng nhân dân rất hạn chế. Một số Đại biểu Hội đồng nhân dân còn ít tham gia hoạt động với vai trò là người đại biểu nhân dân mà chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri còn hạn chế, thậm chí có đại biểu Hội đồng nhân dân xã chưa thật sự tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân và của cá nhân đại biểu, e ngại, thiếu tự tin, ngại va chạm trên diễn đàn trong hoạt động giám sát, chất vấn, cũng như trong tiếp xúc cử tri… Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân bị hạn chế, còn hình thức và chưa thực chất.
     Ở góc độ quy định của pháp luật, qua khảo sát bước đầu của chúng tôi cho thấy, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách quá ít, trong khi đó, cấp xã là cấp gần dân nhất, các công việc cụ thể nhiều, quyền lợi tác động trực tiếp tới dân. Nếu các đại biểu đều kiêm nhiệm, thời gian cho công tác chuyên môn sẽ ảnh hưởng nhiều tới công tác đại biểu. Hơn nữa, cơ cấu đại biểu HĐND cấp xã hiện nay phần lớn số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc hệ thống chính trị cấp xã, các đại biểu từ dân không nhiều. Vì vậy, thời gian để đại biểu nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phần nào còn hạn chế.
Chế độ phụ cấp của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã còn thấp. Theo Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định đại biểu HĐND cấp xã hoạt động không chuyên trách, không hưởng lương từ ngân sách hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội, hưởng tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ bằng 0,1 mức lương cơ sở/ngày, hoạt động phí hàng tháng bằng hệ số 0,3 mức lương cơ sở. Với mức quy định này, để một đại biểu không đảm nhận bất kỳ chức danh, chức vụ nào thực hiện công tác đại biểu ở cấp xã thì chưa đảm bảo điều kiện để đại biểu chuyên tâm công tác.
     Về các ban của Hội đồng nhân dân, mặc dù quy định là ít nhất là 05 thành viên, đảm bảo chế độ hoạt động tập thể nhưng tất cả các chức danh này đều là kiêm nhiệm. Trưởng ban và Phó Trưởng ban các ban của Hội đồng nhân dân hiện nay đang ở một số vị trí là Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc có cả các công chức của UBND như công chức tư pháp - hộ tịch. Do đó, một vị trí, vừa tham mưu soạn thảo văn bản, vừa thẩm tra, vừa phản biện trong kỳ họp của Hội đồng nhân dân là chưa hợp lý, dẫn tới có thể xảy ra tình huống là sự thống nhất, xuôi chiều theo ý chí của UBND, có thể không đảm bảo tính khách quan trong đóng góp ý kiến của đại biểu, trong hoạt động giám sát, điều này cũng dễ dẫn tới tăng vai trò hành chính của UBND, “lấn át” vai trò của Hội đồng nhân dân.
     Về tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, theo quy định hiện nay ở cấp xã không thành lập tổ đại biểu HĐN. Tuy nhiên, đây chính là khó khăn đối với hoạt động của HĐND cấp xã ở một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, dân cư sống phân tán. Bởi vì, kỳ họp Hội đồng nhân dân một năm diễn ra ít nhất hai kỳ. Nếu không thành lập các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp xã hiện nay sẽ gây khó khăn cho việc trao đổi, thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp, trước tiếp xúc cử tri.
    Hội đồng nhân dân cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp xã, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương ở cấp xã, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo ý chí, mong muốn của nhân dân địa phương. Nhưng thẩm quyền ban hành quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay không được quy định trong nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã, mà chỉ còn ở cấp tỉnh và cấp huyện, với các tính chất quyền lực, tầm chiến lược khác nhau.  Đến nay, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung thêm thẩm quyền của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn bằng quy định, Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền “thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm” của cấp xã trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt. Nhưng thiết nghĩ đây vẫn là hạn chế cho Hội đồng nhân dân cấp xã, bởi với vai trò là cơ quan quyền lực của địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội của địa phương nhưng không có thẩm quyền “quyết định” kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ là “thông qua” và phải trình cấp huyện phê duyệt.
      Về mối quan hệ của Hội đồng nhân dân cấp xã với cử tri địa phương. Đây là mối quan hệ mang tính chất hai chiều, mật thiết. Một mặt, Hội đồng nhân dân do cử tri địa phương bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương về hoạt động của mình; cử tri có quyền đề nghị bãi miễn đại biểu nếu như đại biểu hoạt động không xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Nhưng các cơ chế để đảm bảo tính hai chiều của mối quan hệ này chưa thực sự cụ thể. Hội đồng nhân dân cấp xã nếu làm thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của nhân dân địa phương chỉ có trách nhiệm duy nhất là giải tán. Việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã do Hội đồng nhân dân cấp huyện giải tán trên cơ sở sự phê chuẩn của Hội đồng nhân dân tỉnh, mà thiếu đi “bóng dáng” của quyền lực nhân dân, trách nhiệm xin lỗi trước dân nên quy định này cũng chỉ mang tính chất hình thức.
     Bước đầu nghiên cứu, khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Quảng Trị hiện nay đang bộc lộ những hạn chế do cả về khách quan, quy định của pháp luật và cả về chủ quan. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải khảo sát đánh giá đúng hiện trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Quảng Trị hiện nay là rất cần thiết để thực hiện tốt chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề ra./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây