Nghĩ về chuyến thăm của Chủ tịch FIDEL CASTRO đến Quảng Trị năm 1973

Thứ năm - 15/06/2023 10:35
 
                                               Th.S.Lê Thị Thu Huyền
                                              Khoa Xây dựng Đảng
      Cách đây 50 năm, ngày 15/9/1973, trên đất lửa Quảng Trị còn ngổn ngang đạn bom, sự kiện Chủ tịch Cuba Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới Quảng Trị - vùng giải phóng Nam Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (1/1973) có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí, sức mạnh, lòng quả cảm cho quân và dân Quảng Trị cùng cả nước trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
      Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ngày nay, nơi con sông từng là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Đây từng là điểm dừng chân của Fidel trước lúc vào thăm vùng đất Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà vừa mới giải phóng năm 1973. Cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đón đoàn tại khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại huyện Cam Lộ, có Trung tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, ông Hồ Sỹ Thản Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị,  ông Lê Xích, Chủ tịch Mặt Trận, ông Lê San, Chủ tịch Ủy Ban Quảng Trị, ông Võ Anh Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Cu Ba.
      Trong những ngày đó, Chủ tịch Fidel Castro đã vượt qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Tại Cao điểm 241 thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, còn gọi căn cứ Carol lúc bấy giờ đang ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Fidel đã nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói nổi tiếng này đã đi vào lịch sử, trở thành một trong những biểu tượng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Cu Ba. Phát biểu này không chỉ là phương châm hành động của mối quan hệ thủy chung trong sáng Việt Nam - Cuba trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại và tương lai. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một đất nước, một đảng cách mạng, một nhà lãnh đạo ở một quốc gia nhỏ bé như Cuba lại quan tâm và gắn bó chặt chẽ với cách mạng Việt Nam ngay từ khi cách mạng Cuba mới thành công và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách? Câu trả lời của Fidel rất đơn giản là: Cách mạng Cuba và Việt Nam đều có một điểm chung là đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập tự do cho các dân tộc cần lao bị áp bức trên thế giới. Nhờ đó, mà trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, Fidel và Đảng Cộng sản Cuba đã giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư, trong sáng dựa trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế cao đẹp.
      Sau chuyến thăm này, Cuba đã giúp Việt Nam xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi, cử chuyên gia xây dựng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cũng như nhiều công trình khác. Vào tháng 9/1973, sau chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị còn vương mùi khói đạn, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã gửi một số thiết bị máy thi công trị giá khoảng 6 triệu USD và cử 73 chuyên gia Cuba sang giúp Việt Nam tiếp thu công nghệ xây dựng đường giao thông hiện đại. Với sự giúp đỡ đó, lần đầu tiên trên tuyến đường mòn len lỏi giữa những cánh rừng già Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị đã được trải nhựa 6 km nối gần lại huyện Cam Lộ, nơi đặt trụ sở Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nơi đây, trong những năm 1972-1975, tại địa điểm này đã hiện diện một chiếc cầu treo bằng sắt nối Quốc lộ 9 với Quốc lộ 14A, khơi thông tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới và đi tiếp vào Tây Nguyên, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
      Sau ngày đất nước thống nhất, được sự giúp đỡ của nước bạn Cuba, một chiếc cầu treo hiện đại dài 100 m, rộng 6 m thay thế cho cầu sắt cũ. Năm 1999, do thời gian sử dụng quá hạn, cầu bị hỏng nặng. Một lần nữa, được sự quan tâm của Trung ương và nước bạn Cuba, cầu treo Đakrông mới đã được xây dựng lại khá quy mô, trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của huyện miền núi Đakrông.
      Ngoài ra, Cầu treo Bến Tắt cũng in đậm dấu ấn của các bạn Cuba. Cầu treo Bến Tắt được xây dựng vào năm 1973, bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, có chiều dài 150m, rộng 6m với 8 sợi dây cáp treo 2 bên. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên và duy nhất do các kỹ sư Cuba thiết kế, xây dựng trên tuyến đường vận tải Hồ Chí Minh huyền thoại. Cách đây 14 năm trước (2006), ông Abelardo Pérez Ayllón, chuyên viên cao cấp của Viện Quy hoạch Cuba sang giúp tỉnh Quảng Trị lập quy hoạch tổng thể đảo Cồn Cỏ. Những ý tưởng sáng tạo của ông Abelardo Pérez Ayllón trong công tác quy hoạch tại đảo Cồn Cỏ trước hết là hạn chế sự tác động của con người vào thiên nhiên, nhất là thảm thực vật, rừng và biển. Mặt khác, Cồn Cỏ gắn với lịch sử đấu tranh quật khởi của người dân Quảng Trị nói riêng và Nhân dân Việt Nam nói chung, do đó quá trình phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị lịch sử của đảo. Những công trình xây dựng trên đảo phải có chiều cao hợp lý và dựa vào vị trí, địa hình để xây dựng nhằm khai thác hết lợi thế và vẻ đẹp của đảo. Và cũng thật cảm động, nơi đảo xa Cồn Cỏ, có một bãi cát vàng tuyệt đẹp mang tên bãi Hirôn.
      Trong thời gian Công viên trung tâm thành phố Đông Hà đang thi công, lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời. Để thể hiện tình cảm với vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên đến thăm Quảng Trị sau ngày giải phóng, đồng thời nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Cuba, tỉnh Quảng Trị có nguyện vọng và đã báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép lấy tên Chủ tịch Fidel Castro để đặt tên cho công viên mà Quảng Trị đang xây dựng. Đây là một trong những nơi mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm vào năm 1973. Nguyện vọng của tỉnh đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý. Bây giờ, sau khi đưa vào sử dụng, Công viên Fidel là nơi đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần hoàn thiện không gian đô thị cho thành phố Đông Hà, quảng bá hình ảnh của tỉnh đối với khách du lịch khi đến với Quảng Trị…
      Đã năm thập kỷ trôi qua, trong trái tim của người dân Việt Nam và Quảng Trị, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Fidel Castro vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Cuba và của các dân tộc anh em trên thế giới. Đối với Quảng Trị, tình cảm chân thành của lãnh tụ Fidel Castro và Nhân dân Cuba dành cho Quảng Trị vẫn luôn hiện hữu qua bức ảnh được lưu giữ, những cây cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cả trong ký ức của nhân dân Quảng Trị ngày ấy – bây giờ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây