Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài

Thứ năm - 31/08/2023 08:59
 
  Hoàng Thị Thu
Khoa Lý luận cơ sở
 
Thực tiễn chứng minh: việc “trọng dụng người hiền tài” có tác dụng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ghi rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế các bậc thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi vì, kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết nhường nào”.
Phát huy truyền thống và phương sách dùng người của ông cha, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề trọng dụng nhân tài. Khẳng định “…có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”1, Người đặt ra yêu cầu “Phải trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài được thể hiện ở một số điểm sau:
Trước hết, “Dùng người vì chính lợi ích của mọi người”. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt và đã trở thành triết lý trong cách dùng người của Hồ Chí Minh. Trong cách dùng người của Hồ Chí Minh, không có sự phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng, mấu chốt là họ thực sự có đức, có tài, có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Người chỉ rõ: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở nhiều nhân tài ngoài Đảng, chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích cho công cuộc kháng chiến cứu nước”3. Ngay sau khi chính quyền mới ra đời, với tư duy, tầm nhìn sáng suốt trong trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa, thuyết phục, quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước tài giỏi như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… về với Đảng, cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn nhất quán tiêu chí hàng đầu để lựa chọn nhân tài là phải hội tụ cả hai yếu tố “đức” và “tài”. Theo Người, “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, “tài” thể hiện ở cái trí, cái tầm, nhưng phải gắn chặt với cái tâm. Nhân tài không chỉ thể hiện năng lực làm việc, công tác xuất chúng, mà còn phải luôn tiên phong đi đầu, mẫu mực trong việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, trong trọng dụng nhân tài, Hồ Chí Minh luôn nhất quan quan điểm “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”.
Thứ ba, tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ “dùng người đúng và khéo”. Với quan niệm “dụng nhân như dụng mộc”, Người đã quy tụ nhân tài và “khéo” sử dụng họ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”. Theo Hồ Chí Minh, nhân tài cần được nhìn nhận, đánh giá theo từng thước đo, mức độ, lĩnh vực và trường hợp cụ thể; đồng thời Người cũng đặt ra yêu cầu trong bố trí, sắp xếp con người, công việc không được đóng khung, bó buộc, cứng nhắc, mà phải linh hoạt, khéo léo, mềm dẻo, làm thế nào vừa phát huy tối đa giá trị mà nhân tài mang lại cho cơ quan, tổ chức, vừa tạo động lực để họ có thể bộc lộ hết mọi tài năng của mình. Để làm được điều này, theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo, quản lý trong sử dụng nhân tài cần “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”4; “muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo... bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”5.
Mỗi thế hệ cán bộ sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, mỗi người lại có những sở trường, sở đoản, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo quản lý phải thấy được cái giới hạn khắc nghiệt của thời gian để tạo nguồn thay thế, bổ sung cho tổ chức những lớp người mới, có đủ sức lực và tài năng đảm đáp ưng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ; công việc ngày càng nhiều, càng mới, Đảng phải dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ trẻ, mặt khác cán bộ già phải cố gắng chịu khó học hỏi. Việc đổi mới cán bộ phải thực sự khách quan, công minh, lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá, phải tổng kết từ phong trào thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, những cán bộ trẻ có đức, có tài và sẳn sàng giao nhiệm vụ cho họ. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ cấp trên, cán bộ già, phải là mực thước cho cán bộ cấp dưới và những nhân tài ngoài Đảng, nêu cao tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”… có như vậy mới thu phục, cảm hóa, giáo dục được cấp dưới và mọi người.
Cho đến nay, mặc dù đã đi xa nhưng những chỉ dẫn của Người về trọng dụng, thu hút nhân tài vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo trong việc thực hiện công tác đào, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Trong quá trình lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về thu hút, trọng dụng nhân tài: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”6. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nghị quyết khẳng định một bộ phận của trí thức Việt Nam là những trí thức Việt kiều luôn hướng về quê hương đất nước. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03 (Khóa VIII), Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) xác định một trong những nhiệm vụ rất cần thiết là “triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”. Trong Báo cáo chính trị Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tào vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”7. Đại hội XI khẳng định: “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”, “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài”, “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài…”8. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”. Đồng thời, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh đến việc: Thực hiện chính sách nhân tài trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Gần đây nhất, một trong những nội dung rất quan trọng trong phương hướng công tác xây dựng Đảng được Đại hội XIII của Đảng thông qua đó là: “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”9. Đồng thời, khi xác định các đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ (2021 - 2025), thì đột phá chiến lược thứ hai là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quan điểm trên của Đảng là sự phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong thời kỳ mới.
Thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút nhân tài như: vinh danh, tuyên dương sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, tuyển dụng các thủ khoa xuất sắc, những người trẻ tuổi có học vị cao, có chính sách trả lương cao gấp nhiều lần lương cơ sở để thu hút người tài… Qua thực tế, nhiều nhân tài đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của ngành, địa phương. Tính đến hết năm 2021, trên cả nước có 1.994.264 cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, hành chính, đơn vị sự nghiệp ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; hơn 210.333 cán bộ, công chức cấp xã; trong đó có 1.751.827 cán bộ, công chức viên chức có trình độ từ đại học trở lên10. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu hút, trọng dụng nhân tài của các cơ quan khối Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Chính sách tuyển dụng nhân tài vẫn còn quá chú trọng vào bằng cấp; Môi trường làm việc cho nhân tài có nơi còn chưa tốt, thiếu tính năng động đã làm hao hụt trí tuệ, giảm đi sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của nhân tài; Chính sách đãi ngộ nhân tài vẫn còn những bất cập, chế độ đãi ngộ vẫn còn thấp so với mặt bằng xã hội hiện nay… Từ thực tiễn nêu trên, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút, trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới thì vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là một giải pháp hết sức quan trọng. Để góp phần vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác thu hút, trọng dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau:
Trước hết, cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách quyết định đến sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Hai là, cần xác định rõ hơn nữa những tiêu chí về tài năng, đức độ của nhân tài; phải lượng hóa được những được những tiêu chí đó để có căn cứ, có cơ sở rõ ràng trong việc tiến cử, giới thiệu, lựa chọn và trọng dụng người tài, nhất là những người tài ở ngoài Đảng. Có chính sách khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức đã có công phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tốt và sử dụng đúng nhân tài mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, phải xử phạt thật nghiêm khắc những người lợi dụng việc tiến cử người tài để sắp xếp, bố trí, thu nạp người thân hoặc lợi dụng mọi cơ hội để ăn đút lót, thu lợi cá nhân, không quan tâm đến hậu quả.
Ba là, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho nhân tài phát triển. Môi trường làm việc là yếu tố trực tiếp quyết định đến việc giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Môi trường làm việc ở đây được hiểu là phải đặt nhân tài vào đúng vị trí để họ có khae năng phát huy trí tuệ, sáng tạo, cống hiến và có cơ hội thăng tiến; đồng thời phải tạo ra một cơ chế cạnh tranh, kích thích lành mạnh sự phát triển của nhân tài. Có chính sách đãi ngộ về vật chất; chính sách khung về tiền lương đối với nhân tài để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Bốn là, không ngừng hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tôn vinh, khen thưởng người tài. Chính sách khen thưởng, tôn vinh người tài thể hiện qua các biện pháp khuyến khích như: các danh hiệu vinh dự quốc gia, các khả năng lựa chọn trong việc phát triển sự nghiệp, các giải pháp lựa chọn sau nghỉ hưu…
 Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài không những có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu, học tập tư tưởng của Người là việc làm hết sức cần thiết và phải biết vận dụng vào trong công việc hàng ngày của mỗi người góp phần xây dựng đội ngũ người tài hoạt động có chất lượng, hiệu quả./.
-----
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.280.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.313.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.315-316.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.314.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.281.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. 56, tr. 347.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 296.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 242.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110.
[10] Trang thông tin https://moha.gov.vn/ của Bộ Nội vụ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây