ThS. Lê Thị Thanh Nhạn
Khoa Xây dựng Đảng
Mỗi độ mùa thu Tháng Tám về, người dân Việt Nam nói chung và người Quảng Trị nói riêng rất đỗi tự hào khi nhớ về những ngày tháng lịch sử. Mùa thu năm ấy, cả dân tộc Việt Nam muôn người như một, với ý chí căm thù giặc sâu sắc, Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên chống lại thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quảng Trị là mãnh đất anh hùng, cách mạng. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã sục sôi khí thế cách mạng góp phần cùng với cả nước làm nên mùa thu lịch sử năm 1945.
1. Đảng bộ Quảng Trị chủ động, kịp thời quán triệt và triển khai chủ trương tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, quyết tâm hành động trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà
Năm 1945, cục diện chiến tranh trên thế giới và phong trào cách mạng ở Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng, ở Việt Nam mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng lên cao. Phát xít Nhật càng xúc tiến âm mưu tiêu diệt thực dân Pháp để trừ mối lo về sau.
Đêm ngày 9/3/1945, quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp, nắm quyền thống trị trên toàn Đông Dương. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị mở rộng nhận định tình hình cách mạng và đề ra chủ trương mới. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó nêu rõ kẻ thù chính lúc này là phát xít Nhật và phát động “Cao trào kháng Nhật cứu nước” sâu rộng trong toàn quốc. Cùng với nhân dân cả nước, cao trào kháng Nhật của quần chúng nhân dân Quảng Trị lúc này phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp diễn ra.
Ngày 25/3/1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu chính trị phạm được trả tự do, lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo chủ chốt được bổ sung tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Đảng bộ. Trước tình hình trong nước có những chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức Đảng ở Quảng Trị xúc tiến kiện toàn và đề ra phương hướng hoạt động. Lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo cốt cán được bổ sung. Các đồng chí đã nhanh chóng móc nối cơ sở, truyền đạt đường lối hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 4-1945, tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh), Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập. Hội nghị quyết định tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ bản chất của phát xít Nhật; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng Đảng và quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Bùi Trung Lập làm Bí thư. Các Ủy ban Việt Minh ra đời, phong trào cách mạng trong tỉnh phục hổi và phát triển mạnh mẽ. Cuối tháng 7-1945, khu giải phóng Triệu Phong được thành lập. Ủy ban giải phóng dân tộc Triệu Phong ra đời.
Ngày 18/8/1945, Hội nghị Đại biểu toàn tỉnh được triệu tập tại Phước Lễ (Triệu Phong). Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị, thảo luận sôi nổi về phong trào quần chúng, phân tích thái độ từng lực lượng đối lập, thống nhất những vấn đề còn tồn tại. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Hữu Dực truyền đạt lệnh khởi nghĩa của Trung ương và thành lập Ủy ban kháng chiến của tỉnh.
Theo tinh thần đó, từ ngày 19-22 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa vừa tập trung lực lượng huấn luyện, vừa chọn cán bộ chỉ huy, phát động các lò rèn, rèn giáo mác, đồng thời tìm cách mua, tìm kiếm vũ khí của quân đội Nhật; vận động quần chúng chuẩn bị lương thực phẩm cho tự vệ và lực lượng cách mạng. Đồng thời vạch ra kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng để đánh chiếm từng căn cứ điểm của giặc.
2. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi trong toàn tỉnh
Trong không khí cách mạng sục sôi cả nước, chiều ngày 22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã chính thức phát lệnh khởi nghĩa. 19 giờ, ngày 22/8/1945, ba đội tự vệ vũ trang dưới sự điều khiển của đồng chí Trần Hồng Chương đã tiến vào thị xã Quảng Trị.
1 giờ ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các đơn vị tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và dự bị đều đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước; cùng lúc đó, các lực lượng làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị, từ các hướng, cờ dong, trống thúc hô vang các khẩu hiệu rầm rập kéo vào thị xã. Đúng 5 giờ ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực lên tầng trên dinh tỉnh trưởng hạ cờ ba que xuống treo cờ đỏ sao vàng lên. Đến 9 giờ ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng1. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị kết thúc thắng lợi.
Cùng với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị, trong những ngày 22, 23, 24 tháng 8, công nhân các công sở, đồn điền đã sát cánh cùng nông dân và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh nổi dậy.
Đêm 22, rạng ngày 23/8/1945, các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đều đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đến 6 giờ sáng ngày 24/8/1945, tại Cam Lộ khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Tại thị trấn Đông Hà, sáng 25/8/1945, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Riêng huyện Hướng Hóa, trước ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở các địa phương khác, chính quyền địch đã tự tan rã. Chính quyền cách mạng ở Hướng Hóa được thành lập vào ngày 25/8/19452.
3. Bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám đối với Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh và phức tạp của các tầng lớp nhân dân, kể từ lúc thực dân Pháp đặt chân lên đất Quảng Trị. Đó cũng là tất yếu của những cuộc diễn tập nhiều xương máu, hi sinh của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, đó cũng là kết quả của khối đại đoàn kết toàn nhân dân Quảng Trị vì lợi ích tối cao của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít thực dân - phong kiến trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
Khởi nghĩa thắng lợi ở Quảng Trị càng chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị khẳng định: Đảng bộ Quảng Trị đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối khởi nghĩa của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Từ đây nhân dân Quảng Trị cùng nhân dân cả nước đã làm chủ vận mệnh của mình.
Từ thực tế hoạt động của Đảng bộ Quảng Trị trong quá trình lãnh đạo toàn quân toàn dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu như sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Đảng bộ Quảng Trị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể của mình, đồng thời ra sức chỉ đạo thực tiễn nên tiến trình cách mạng ở Quảng Trị đã giành được nhiều thắng lợi.
Thứ hai, xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng bộ và Nhân dân. Mối quan hệ đó vừa là nguồn gốc sức mạnh của Đảng bộ, vừa là yếu tố, là điều kiện tiên quyết để các cấp bộ Đảng phát huy vai trò lãnh đạo của mình đối với quần chúng nhân dân.
Thứ ba, xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và Nhân dân, phấn đấu vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Đảng bộ Quảng Trị đã thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí trong Đảng, đấu tranh chống các tư tưởng và hành động gây ảnh hưởng bất lợi đối với sự đoàn kết của các cấp bộ Đảng. Nhờ đó Đảng bộ Quảng Trị đã vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi cho cách mạng, cảnh giác với các thủ đoạn chia rẽ của kẻ thù.
Thứ tư, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên.
Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt sau 34 năm tái lập tỉnh Quảng Trị, hào khí Cách mạng Tháng Tám lại được Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị biến thành tiềm lực của cải, vật chất to lớn, tạo tiền đề cho chặng đường mới. Hôm nay, trên vùng đất gió Lào, cát trắng hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại với đủ loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển đã hình thành. Nhiều cơ sở sản xuất hiện đại có quy mô lớn, sản phẩm chất lượng cao đang ngày một nhiều lên. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xoá đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu lớn lao; đời sống người dân đã có những bước cải thiện đáng kể...
Năm nay, kỷ niệm 78 thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945-2023) chúng ta có dịp nhìn lại những ý nghĩa to lớn của nó. Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho quá trình lãnh đạo của Đảng. Dẫu còn khó khăn trên chặng đường đi tới, Quảng Trị vẫn đang là tỉnh nghèo, nhưng người dân nơi khúc ruột miền Trung luôn mang trong mình những truyền thống quý báu mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên để tiếp tục làm nên những điều diệu kỳ...Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra sớm đưa Quảng Trị vững bước tiến lên trên chặng đường phát triển mới.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị , tập 1 (1930-1954), tr.197-213.
[2]. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị , tập 1 (1930-1954), tr.197-213.