Phát huy tinh thần khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện Đại hội XIII trong tình hình mới

Thứ hai - 16/10/2023 08:16

 
                                                                             ThS. Dương Thị Châu Phụng
                                                                                      Khoa Lý luận cơ sở
          Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, yếu tố khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã trở thành một nội hàm mới của các đột phá chiến lược, được xây dựng với tư duy sáng tạo và kế hoạch hành động cụ thể. Đây là điểm nhấn quan trọng, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
          Văn kiện Đại hội XIII đã đề cập xuyên suốt về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể là:
          - Trong chủ đề Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII khẳng định: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh của thời đại…”.  Thực tiễn lịch sử thế giới, cũng như lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn. Chính ý chí, khát vọng cháy bỏng phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức mạnh to lớn để nước ta đánh thắng mọi kẻ thù. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta có những thuận lợi, cơ hội to lớn để phát triển. Vì vậy cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo nên động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn đưa đất nước phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây là yêu cầu khách quan, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước.
             -  Trong quan điểm chỉ đạo, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Đây chính là điểm nhấn mới trong nhận thức về động lực phát triển đất nước của Đại hội XIII. Nếu như các kỳ đại hội trước, Báo cáo chính trị không có nội dung trình bày riêng về quan điểm chỉ đạo thì đến Đại hội XIII, Báo cáo chính trị nêu 5 quan điểm cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ quan điểm thống nhất, bao quát những tư tưởng chỉ đạo lớn đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, ở quan điểm về động lực phát triển, Đại hội đã nhấn mạnh ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Như vậy, quá trình nhận thức của Đảng về động lực phát triển được nâng lên tầm mới và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là nguồn năng lượng nội sinh to lớn, động lực phát triển chính của một quốc gia trên con đường phát triển.
          - Trong mục tiêu phát triển, Đại hội XIII khẳng định: “… Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Văn kiện Đại hội XIII thể chế hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế. Đó là:
          “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. 
          Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. 
          Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.    
          Ðại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025 mà còn xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và bổ sung nhiều điểm mới. Mục tiêu mà Đảng ta đưa ra xuất phát từ thực tế đất nước ở thời điểm hiện tại, thể hiện khát vọng đưa đất nước phồn vinh, hạnh phúc hoàn toàn có cơ sở thực hiện. Để đạt mục tiêu đó, cần sự cố gắng nỗ lực, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
          - Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Đại hội XIII chỉ rõ: “…Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới. Trong đó có nhiều vấn đề mới, thể hiện rõ “Khát vọng phát triển đất nước” của dân tộc ta, là cơ sở bảo đảm sự kiên định, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng lớn lao về phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
          - Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII xác định, nhiệm vụ thứ tư Đảng ta đã nhấn mạnh: “ Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Việc xác định nhiệm vụ trọng tâm nêu trên không phải là ngẫu nhiên, duy ý chí mà hoàn toàn dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn phong phú của Đảng ta. Nhiệm vụ trọng tâm này được trình bày toàn diện, cụ thể, phản ánh đầy đủ hơn yêu cầu khách quan và những nguyện vọng chính đáng của con người, của nhân dân, đặc biệt là khát vọng phát triển đất nước, khát vọng hạnh phúc của nhân dân.
             Như vậy, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên nội dung “khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển của đất nước. Điều này cho thấy sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn để khơi dậy, hiện thực hóa khát vọng này trong giai đoạn mới hiện nay. Do đó, lồng ghép khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giảng dạy ở Trường Chính trị Lê Duẩn là hết sức cần thiết. Hiện nay, Nhà trường phấn đấu thực hiện Đề án xây dựng Trường Chính trị Lê Duẩn chuẩn mức 1 vào năm 2025, đến năm 2030 phấn đấu đạt chuẩn mức 2. Nhà trường huy động sự đồng sức, đồng lòng của toàn bộ cán bộ, viên chức Nhà trường. Trong đó, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng Nhà trường đạt chuẩn của đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt. Theo tôi để vận dụng tinh thần trên vào bài giảng cần thực hiện những giải pháp:
          Một là, mỗi giảng viên cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần quan điểm của Đảng về khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đội ngũ giảng viên tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo liên quan đến Văn kiện XIII của Đảng có nội dung gắn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường; tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tinh thần khát vọng xây dựng đất nước. Mỗi giảng viên Nhà trường tham gia giảng dạy mỗi học phần khác nhau. Do đó, giảng viên phải tự giác học tập, nghiên cứu, chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung Văn kiện XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Giảng viên nắm chắc lý luận và thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và am hiểu sâu sắc thực tiễn.
          Hai là, nâng cao phẩm chất, năng lực, tính nêu gương của đội ngũ giảng viên. Bản thân giảng viên cần nâng cao trình độ, chuyên môn; không ngừng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và tâm huyết với nghề. Trong quá trình nghiên cứu, giảng viên biết lựa chọn, khai thác chuẩn thông tin để đưa vào bài giảng phù hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên tích cực nâng cao vốn kiến thức thực tiễn của bản thân bằng hoạt động cụ thể, có chương trình, kế hoạch tích lũy cho riêng mình. Giảng viên cần tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo khoa học… Để từ đó, việc vận dụng vào nội dung bài giảng sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên, góp phần củng cố niềm tin, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
          Ba là, giảng viên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy qua từng bài giảng, tiết giảng. Căn cứ vào nội dung bài giảng và đối tượng học viên, trong quá trình soạn giảng, giảng viên cần có kế hoạch chi tiết lồng ghé nội dung này vào mục nào, tiết nào để chủ động nghiên cứu, trao đổi. Tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm, biến bài giảng thành báo cáo nghị quyết. Giảng viên phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để lồng ghé tinh thần khát vọng xây dựng quê hương, đất nước vào những bài giảng, tiết giảng hấp dẫn, sinh động. Mỗi bài giảng phải thay đổi căn bản phương pháp truyền thụ cho thích hợp với từng đối tượng học viên như: thảo luận, làm việc nhóm, nêu vấn đề… trên cơ sở lấy người học làm trung tâm.
          Vận dụng, lồng ghép khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện Đại hội XIII vào hoạt động giảng dạy ở trường Chính trị Lê Duẩn sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập, Trường Chính trị Lê Duẩn nhất định đạt chuẩn đúng thời hạn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
 
          Tài liệu tham khảo
          1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 13, 109, 111, 112.
          2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây