Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ ba - 02/01/2024 15:32
 
                                                            ThS. Lê Thị Huyền
                                                    Trường Chính trị Lê Duẩn
 
      Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”[1], trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo lý luận chính trị. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giảng dạy lý luận chính trị là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
       Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, nhận thức được vai trò của CNTT trong giảng dạy lý luận chính trị, Trường Chính trị Lê Duẩn đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTN vào giảng dạy lý luận chính trị, cụ thể:
      Nhà trường luôn chú trọng, quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, đến nay Nhà trường có 27 giảng viên; trong đó có 24/27 có trình độ thạc sỹ; 03/27 tiến sỹ; 03 cử nhân; 17/27 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 18/27 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính; 27/27 giảng viên được bồi dưỡng về CNTT và hầu hết các giảng viên đều được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực. Đến nay, tất cả các giảng viên của trường đều có thể tự soạn giảng và sử dụng hiệu quả các thiết bị hỗ trợ để phục vụ công tác soạn, giảng. Qua khảo sát, đánh giá chất lượng giảng dạy thông qua phiếu đánh giá từ phía học viên, kết quả các học viên đều đánh giá cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
      Thực tế cho thấy, ứng dụng CNTT góp phần quan trọng vào việc tăng hiệu suất giảng dạy và học tập. Chương trình học lý luận chính trị thường có đặc điểm thiết kế thời lượng chương trình phù hợp với đối tượng người học là các học viên vừa học tập, vừa tham gia công tác. Do đó, việc ứng dụng CNTT để hiển thị slide bài giảng, video minh họa, hình ảnh minh họa giúp giảng viên có nhiều thời gian để phân tích, giải thích kĩ hơn các nội dung cần truyền đạt, giúp học viên tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn và có nhiều thời gian để thảo luận, luyện tập và có cách nhìn hệ thống hơn về bài học trên lớp.
Đồng thời, việc ứng dụng CNTT giúp phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo trong việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy và học là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại, lấy người học làm trung tâm.
      Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: một số slide còn nhiều chữ, tư liệu chưa phong phú; cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy mặc dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn hạn chế, các thiết bị hỗ trợ dạy học như: micro, máy chiếu… xuống cấp, dễ bị hư hỏng; một số giảng viên chưa thành thạo về CNTT nên việc sử dụng các tính năng của phần mềm trình chiếu vẫn chưa khai thác được tối đa.
Để việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy lý luận chính trị ngày càng có hiệu quả hơn, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
      Một là, mỗi giảng viên phải làm chủ được kiến thức chuyên môn, am hiểu lý luận và các kiến thức liên quan đến lĩnh vực giảng dạy và sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đồng thời, có cơ chế phù hợp khuyến khích đội ngũ giảng viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu sáng tạo, thiết kế giáo án điện tử, bài giảng điện tử...giảng viên khi thiết kế bài giảng điện tử cần chuẩn bị trước kịch bản, cần lưu ý về font chữ, màu chữ và hiệu ứng thích hợp. Nội dung bài giảng điện tử cần thiết kế một cách cô đọng, súc tích nhất, các hình ảnh, các mô phỏng cần xác định rõ tính mục đích, tính giáo dục thuyết phục, thiết kế dưới dạng sơ đồ hóa… phù hợp với chuyên đề.
      Hai là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi người giảng viên cần phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là nâng cao trình độ về CNTT thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Thực hiện được điều này thì Nhà trường cần có sự khảo sát, đánh giá đúng thực trạng năng lực sử dụng CNTT của đội ngũ giảng viên, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về CNTT cho cán bộ, giảng viên; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tạo điều kiện cho giảng viên vừa phát huy được nội lực bản thân, vừa tận dụng được ngoại lực để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giảng viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua những hình thức như: tra cứu, tìm kiếm thông tin, soạn giảng, sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề…  
      Ba là, bảo đảm tính khoa học khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Việc chuẩn bị một bài giảng có ứng dụng CNTT cần đảm bảo không những tính nội dung khoa học mà còn phải đặt mạnh tiêu chí về tính mô phạm. Tính mô phạm ở đây bao gồm: sự phù hợp về mặt nắm bắt tâm lí người học, tính thẩm mỹ của slide trình chiếu, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc và các phương pháp giảng dạy. Mỗi giảng viên còn phải biết thiết kế bài giảng một cách khoa học sẽ tận dụng được tối đa tính ưu việt của CNTT.
      Bốn là, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề cấp khoa, cấp trường về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Thông qua các buổi hội thảo, giảng viên trong trường sẽ có cơ hội để trao đổi, thảo luận về cách thức thiết kế, nội dung một bài giảng điện tử chất lượng, phương pháp trình chiếu hiệu quả, chia sẻ những ý tưởng hay, những vướng mắc trong công việc.
      Năm là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống trang thiết bị CNTT hiện đại, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy lý luận chính trị. Phải có được hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phù hợp, đồng bộ để giúp giảng viên và học viên chủ động, tích cực trong nghiên cứu và học tập, cụ thể như: hệ thống giảng đường, mạng nội bộ… (phục vụ việc giảng dạy và thảo luận, làm việc nhóm của học viên); hệ thống phòng đọc, phòng truy cập mạng (phục vụ việc tự học, tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan)...
      Tóm lại, CNTT đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị. Ứng dụng CNTT vào giảng dạy lý luận chính trị là việc làm hết sức cần thiết, cần phải phát huy có hiệu quả những ưu điểm, đồng thời khắc phục tối đa những hạn chế của việc sử dụng CNTT trong giảng dạy. Để CNTT trở thành công cụ hỗ trợ dạy học tích cực góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo nên sự thành công của mỗi bài giảng./.
       Tài liệu tham khảo:
      [1].  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.182-183.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây