Nguyễn Ngọc Tuấn - Phòng LLCT và LS Đảng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), miền tây Quảng Trị nói chung, Ba Lòng nói riêng có vị trí chiến lược rất quan trọng. Là vùng chiến khu của ta trong kháng chiến chống Pháp, Ba Lòng được Mỹ - ngụy xác định là vị trí trọng yếu, then chốt nhằm kiểm soát, khống chế miền tây Quảng Trị. Từ năm 1958, Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng quận Ba Lòng gồm 7 xã: Ba Lương, Ba Xuân, Ba Hy, Ba Bình, Ba Thành, Ba Đăng, Ba Lình. Chính quyền Sài Gòn ra sức xây dựng quận Ba Lòng thành một căn cứ quân sự mạnh ở miền tây Quảng Trị. Với lực lượng đông, bố trí canh giữ vòng trong, vòng ngoài dày đặc; trang bị vũ khí hiện đại; công sự kiên cố, vững chắc bậc nhất trong toàn tỉnh.
Từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Ba Lòng, hưởng ứng phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” do Trung ương Cục miền Nam phát động, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định mở cuộc tấn công vào căn cứ Ba Lòng, giải phóng vùng chiến khu Ba Lòng, xây dựng Ba Lòng thành nơi đứng chân an toàn của cơ quan đầu não của tỉnh và lực lượng của ta. Đêm mồng 08 rạng ngày 09/02/1964, được sự phối hợp của một đơn vị đặc công Quân khu, C55 - đại đội bộ đội địa phương tỉnh tổ chức đột nhập vào quận lỵ Ba Lòng. Sau 25 phút hiệp đồng tác chiến, quân ta đã làm chủ hoàn toàn quận lỵ. Quận trưởng Trần Đình Lãm bỏ mặc quân lính, tìm đường tẩu thoát. Ta diệt và làm bị thương 66 tên, bắt sống 32 tên (có tên quận phó), thu 98 súng, nhiều quân trang, quân dụng và toàn bộ hồ sơ tài liệu của quận lỵ Ba Lòng.
Sau ngày 09/2/1964, tin chiến thắng Ba Lòng lan truyền nhanh chóng khắp trong và ngoài tỉnh. Nhân dân các dân tộc càng thêm tự tin ở khả năng, ở sức mạnh của mình, tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Để khuếch trương chiến thắng, Tỉnh ủy và Mặt trận tỉnh đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Trấm, thu hút gần 3.000 người tham dự. Tại cuộc mít tinh, đồng bào được nghe vị đại diện lãnh đạo tỉnh nói rõ ý nghĩa chiến thắng quận lỵ Ba Lòng, truyền đạt đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía địch, Ba Lòng thất thủ, nhiều gia đình có con em bị địch bắt đi lính đóng chốt ở Ba Lòng đã ùn ùn kéo đến quận lỵ, tỉnh lỵ đòi phải trả lại chồng, con, em của họ. Sỹ quan, binh lính ngụy đóng ở các đồn bốt, vị trí, biết tin quận Ba Lòng bị tiêu diệt càng hoang mang, dao động. Một số giả vờ ốm đau, một số khác xin nghỉ phép về nhà ăn Tết với gia đình, vợ con.
Để đối phó với tình hình đang chuyển biến bất lợi sau khi mất Ba Lòng, Mỹ - ngụy ra lệnh báo động, rải quân về đóng chốt các vùng ven thị, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, khống chế việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết. Song thực tế diễn ra trái với ý muốn của bọn đầu sỏ. Có viên chỉ huy địch nói với lính: “Cứ tập trung súng lại một chỗ, cắt người luân phiên giữ, rồi ai có gia đình gần thì về, ai không có gia đình ở đây thì đi ăn Tết với đồng bào…”.
Phát huy tinh thần chiến thắng Ba Lòng, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, đồng bào các dân tộc Nam Hướng Hóa phát động phong trào thi đua trên mặt trận sản xuất và mặt trận chiến đấu: thi đua giết giặc lập công, thi đua bắn máy bay địch, phục kích đánh địch đi càn; thi đua làm chông, bẫy, tên, nỏ, bố trí trận địa đánh địch, tiêu diệt các toán biệt kích... Cán bộ, đảng viên đi sát quần chúng, có kế hoạch hướng dẫn nhân dân sản xuất, chăn nuôi, bố trí cách ăn, ở, sinh hoạt, học tập phù hợp với tình hình địa phương đang có chiến tranh.
Trên mặt trận chiến đấu, sau chiến thắng Ba Lòng, tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi lên cao. Tối 25/02/1965, tiểu đội du kích xã Hướng Hiệp đột nhập sân bay Sa Mưu cài mìn, phá hỏng một máy bay trực thăng địch, đốt cháy 02 kho xăng dầu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tiếp đó, du kích xã Hướng Hiệp phối hợp với du kích xã Hướng Sơn bẻ gãy trận càn quy mô lớn của địch tại đồi Ka Lăng, diệt 63 tên địch, thu trên 50 vũ khí các loại, 3 máy bộ đàm và nhiều phương tiện chiến tranh. Tháng 02/1965, du kích xã Tà Long bí mật tấn công đồn địch ở vùng giáp ranh, tiêu diệt 12 tên, thu 6 súng AR15. Tại Triệu Nguyên, du kích xã bí mật cài mìn tại thác Leo diệt 5 tên địch và thu nhiều vũ khí. Từ thực tế chiến đấu, nhân dân các dân tộc càng thêm tự tin ở khả năng, ở sức mạnh của mình, tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ba Lòng giải phóng và ngày một lớn mạnh trở thành cái gai trong mắt của Mỹ - ngụy, địch tăng cường dồn lực lượng đối phó, gồm ngụy quân, ngụy quyền, thám báo, mật vụ, cố vấn Mỹ; dùng các phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ để tấn công vào Ba Lòng như xe tăng, đại bác, pháo đài bay B52, rải thảm chất độc hóa học để tàn phá mọi sự sống. Tuy vậy, Ba Lòng vẫn hiên ngang đứng vững, là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của ta: Mặt trận 7, Tỉnh ủy, Huyện ủy Cam Lộ, Bệnh viện Quân y 105; Tiểu đoàn K8, K10, K13, K14, K15 và bộ đội địa phương Quảng Trị.
Ngày 28/7/1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ VI được triệu tập tại Khe Su, Ba Lòng. Đại hội có gần 200 đại biểu, đại diện cho hơn 1.800 đảng viên trong toàn tỉnh đến dự. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ được tổ chức ở căn cứ Ba Lòng càng khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chiến thắng Ba Lòng đối với sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền núi Hướng Hóa nói riêng và Quảng Trị nói chung. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của toàn tỉnh, riêng đối với miền núi Hướng Hóa, Đại hội chủ trương: “Xây dựng miền núi Hướng Hoá thành vùng căn cứ cách mạng vững chắc, giải phóng đường 9, bảo đảm an toàn trục hành lang chiến lược Bắc - Nam và của tỉnh” [1].
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI ở miền núi Hướng Hóa gặp rất nhiều khó khăn. Đêm 13/8/1965, địch mở cuộc tấn công quy mô lớn vào chiến khu Ba Lòng. Lần đầu tiên địch sử dụng pháo đài bay B52 ném bom hỗ trợ để bộ binh đánh chiếm các vị trí quan trọng: “… Đồi không tên, đồi 365, đồi 367, động Chè, động ông Gióng, đồi HO, động Trâu. Địch khống chế trên một chiều dài khoảng 30 km từ đồi 41 đến đập Tràn” [2]. Như vậy, sau gần một năm rưỡi giải phóng, đến ngày 13/8/1965, Ba Lòng bị địch tạm chiếm trở lại. Để địch chiếm lại Ba Lòng có phần do ta chủ quan, mất cảnh giác, đánh giá địch chưa sát. Việc địch đánh chiếm lại Ba Lòng đã gây ảnh hưởng không tốt đến tâm tư cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng cách mạng, không chỉ đối với đồng bào các dân tộc miền núi Hướng Hóa mà còn ảnh hưởng trong toàn tỉnh.
Sau khi khống chế Ba Lòng, địch có điều kiện thuận lợi để bình định, đánh phá miền núi Hướng Hoá. Mỹ - ngụy tăng cường đánh phá bằng phi pháo, bom napan, chất độc hoá học tàn phá rừng, rẫy từ Khe Bắp, Ba Lê, Pa Hy đến A Cho, A Ven, dọc tuyến hành lang chiến lược. Diện tích bị chất độc hoá học phá trụi trên 1.500km2, gồm cả hoa màu và rừng rậm. Chúng gom 5.000 người dân các dân tộc đang làm ăn sinh sống hai bên trục đường 9 vào các khu tập trung Tà Cơn, Làng Vây. Đi đôi với các cuộc càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, Mỹ - ngụy tăng cường thủ đoạn mua chuộc, chiêu hồi, nhất là đối với các vùng có phong trào cách mạng đang phát triển tốt. Căm phẫn trước những hành động điên cuồng, dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, du kích các xã A Túc, A Xin, Tà Muồi, A Ngo, Tà Rụt... đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ, trong đó có chiến công du kích dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay Mỹ đang rải chất độc hoá học, làm 5 tên Mỹ bị chết, thu 1 đại liên 12 ly 7, 1 côn đu, 2 máy bộ đàm.
Riêng ở Ba Lòng, để chuẩn bị mở chiến dịch mùa khô 1966 - 1967, ngày 12/3/1966, địch tập trung càn quét các thôn từ Đá Nổi về Văn Vận, Văn Trà. Du kích và nhân dân Ba Lòng phối hợp với bộ đội địa phương đánh trả quyết liệt. Sau 3 ngày chiến đấu, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên địch, bắn rơi 01 máy bay L19. Trên mặt trận sản xuất, nhân dân Ba Lòng và đồng bào các dân tộc miền tây Quảng Trị không quản ngày đêm, dưới bom đạn của kẻ thù ra sức trồng trọt, thu hoạch vừa đảm bảo cuộc sống hàng ngày, vừa đảm bảo một phần lương thực ủng hộ kháng chiến.
Bám sát diễn biến chiến trường và tình hình cách mạng miền Nam, tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp, đề ra nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở hai miền: “Thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược mới”. Thực hiện chủ trương đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gấp rút xây dựng kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Quân ủy Trung ương xác định rõ: “cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là hướng đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố trên quy mô toàn miền Nam…”. Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên hạ quyết tâm: “động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong Khu tập trung sức lực và trí tuệ, khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm chấp hành triệt để chỉ thị và mệnh lệnh cấp trên”.
Tình hình miền núi Hướng Hóa từ sau khi địch đánh chiếm lại Ba Lòng rất khó khăn. Mỹ ném bom rải thảm, kết hợp với rải chất độc hóa học tàn phá bản làng, nương rẫy, gia súc; đại bộ phận nhân dân các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vừa trải qua nạn đói khủng khiếp kéo dài 2,3 năm liền. Đến trước Tết Mậu Thân, sức khoẻ của mọi người chưa bình phục, nhưng khi được tuyên truyền, phổ biến về tình hình và nhiệm vụ mới, về chiến dịch giải phóng Khe Sanh, đông đảo đồng bào một mặt động viên nhau tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm; mặt khác hăng hái tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch. Tính từ ngày chiến dịch Khe Sanh mở màn (20/01/1968) đến khi chiến dịch Khe Sanh toàn thắng (9/7/1968), đồng bào các dân tộc miền núi Hướng Hóa không quản ngại hy sinh, gian khổ, xung phong ra trận với niềm tin thắng lợi. Vừa làm nhiệm vụ san lấp hố bom, nối thông lại tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, vừa tham gia gùi hàng, tải đạn, tiếp lương, cứu chữa thương binh, dồn toàn lực phục vụ chiến dịch giải phóng Khe Sanh. Ngày 09/7/1968, quân và dân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn, chiến dịch Tà Cơn - Khe Sanh toàn thắng, huyện Hướng Hóa với hơn 10 vạn dân được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam.
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng gặp nhiều khó khăn trước sự đàn áp, khủng bố của Mỹ - ngụy, từ chiến thắng Ba Lòng đã tạo “cú hích” quan trọng về tinh thần, đồng thời tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để ta xây dựng, củng cố vững chắc miền núi Hướng Hóa về mọi mặt, tiến tới cùng với bộ đội chủ lực giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Tà Cơn - Khe Sanh 1968, giải phóng Hướng Hóa, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris từ năm 1968.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, in tại TP. Hồ Chí Minh, tr. 190.
[2]. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đakrông (2006), Lịch sử Đảng bộ huyện Đakrông 1930 - 2005, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, in tại Đà Nẵng, tr. 151.