Quảng Trị - từ nỗi đau chia cắt đến điểm hẹn vì hòa bình

Thứ năm - 06/06/2024 08:30

 
                                                                   TS. Trần Thanh Thủy
                                                                                    Khoa Xây dựng Đảng
 
          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị cùng chung nỗi đau chia cắt với hai miền Bắc - Nam của cả nước. Trên mảnh đất này, dòng sông Bến Hải và dòng sông Thạch Hãn lần lượt được lựa chọn làm đường ranh giới; hai Mặt trận (B.4 và B.5) hình thành trên cùng một địa phương là minh chứng cho tính chất ác liệt của cuộc chiến nơi đây. Với ý chí kiên cường, lòng yêu nước cháy bỏng, Nhân dân Quảng Trị đã cùng Nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp nối tinh thần bất khuất: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau!”[1], từ vùng đất hứng chịu nỗi đau chia cắt, bom đạn, hi sinh, mất mát ròng rã 21 năm (1954 - 1975), Quảng Trị đang dần hồi sinh, đổi thay từng ngày. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân Quảng Trị quyết tâm phấn đấu vươn lên, biến vùng đất bị cày xới bởi bom đạn xưa kia thành điểm hẹn của hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển.   
          Nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân của chiến tranh,  xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, từ năm 2019, Quảng Trị đã đưa ra ý tưởng tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. Tán thành với ý tưởng này, ngay năm sau (2020), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương tổ chức một lễ hội với thông điệp hòa bình tại Quảng Trị (Công văn số 4254/VPCP-KGVX ngày 29/5/2020). Sau nhiều năm chờ đợi, Nhân dân Quảng Trị phấn khởi, vui mừng khi hay tin Lễ hội Vì Hoà bình dự kiến sẽ được khai mạc vào tối 06/7/2024, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải[2]. Với Lễ hội Vì Hòa bình, Quảng Trị sẽ là nơi hội ngộ của Nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế, nơi họp mặt, chia sẻ của những dân tộc từng chịu chung số phận chiến tranh hủy diệt như Quảng Trị trên toàn thế giới. 
          Trở lại với Hội nghị Genève (1954), từ chỗ ban đầu không nằm trong dự định của ta khi đến bàn đàm phán nhưng do sự sắp đặt của các cường quốc nên sông Hiền Lương - vĩ tuyến 17 đã trở thành đường ranh giới tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Bắc - Nam. Do sự phá hoại Hiệp định Genève (21/7/1954) của Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, cuộc tổng tuyển cử tái thống nhất dự kiến tổ chức vào tháng 7/1956 đã không được tiến hành theo kế hoạch. Hai năm tạm thời chia cắt đã kéo dài đến 21 năm đằng đẵng, cùng với đó là sự chia ly, mất mát, đau thương của người dân Quảng Trị cũng như Nhân dân cả nước.
          Quảng Trị từ chỗ là giới tuyến quân sự tạm thời đã trở thành nơi đối đầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong thời kì Chiến tranh lạnh, trở thành vùng đất “địa đầu giới tuyến”, con đê ngăn chặn làn sóng đỏ của chủ nghĩa cộng sản lan tràn xuống Đông Nam Á, bàn đạp để Mỹ thực hiện âm mưu lâu dài hỗ trợ quân đội Sài Gòn vượt sông Bến Hải “Bắc tiến”.
          Với sự ngoan cố của mình, Mỹ đã tiến hành leo thang khiến cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng mở rộng và khốc liệt hơn, cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai bên cách mạng và phản cách mạng càng trở nên quyết liệt. Quảng Trị trở thành chiến trường trọng điểm, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Vĩnh Linh cũng trở thành địa phương bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh phá hoại của địch. Từ chỗ là đòn nghi binh chiến lược, Khe Sanh đã trở thành nơi đánh bại nỗ lực cao nhất của Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), góp phần hỗ trợ cho phía ta (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trong tiến trình đàm phán tại Hội nghị Paris (bắt đầu từ 13/5/1968).
          Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là nỗ lực lớn của ta nhằm làm thay đổi cục diện chiến trường tại miền Nam và tạo thêm thuận lợi mới trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Ngày 01/5/1972, quân Giải phóng cắm cờ chiến thắng trên Thành Cổ Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Nhờ thắng lợi này, ngày 08/5/1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải nhượng bộ, từ bỏ yêu sách vô lý muốn có hiệp định hòa bình thì điều kiện tiên quyết là quân đội từ miền Bắc vào chi viện cho Nhân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ phải rút khỏi miền Nam.
Với nỗ lực tái chiếm Quảng Trị, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, Mỹ đã hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn mở nhiều đợt phản công vào Thành Cổ. Kết quả là quân đội Sài Gòn với lực lượng tham chiến chủ yếu là 2 sư đoàn chủ lực (Dù và Thủy quân lục chiến) hứng chịu những thiệt hại rất nặng nề. Đến ngày 16/9/1972, trận chiến ác liệt tại Thành Cổ Quảng Trị chấm dứt, quân ta rút về bờ Bắc sông Thạch Hãn. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm bám trụ kiên cường, chiến đấu quyết liệt ở khu vực Thành Cổ (28/6 đến 16/9/1972) là “bản anh hùng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam trong đấu tranh vì nền tự do, độc lập và thống nhất non sông”[3].
          Lúc này, Quảng Trị bị chia cắt dọc bờ sông Thạch Hãn. Ở bờ Bắc, vùng giải phóng Quảng Trị đã nối liền với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nhân tố chi phối tiến trình đàm phán tại Hội nghị Paris trong nửa đầu tháng 12/1972. Sau trận “Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), Hiệp định Paris được kí kết (27/01/1973), ta đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tiếp tục tiến lên “đánh cho ngụy nhào”. Quân Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ rút đi để lại sự suy yếu không thể cứu vãn của quân đội Sài Gòn, là thời cơ để quân và dân hai miền Nam - Bắc tiến lên đánh bại chúng hoàn toàn, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.
          Ngay trước khi Hiệp định Paris được kí kết, Nguyễn Văn Thiệu ban hành Công điện hỏa tốc số 004-TT/CĐ ra lệnh treo cờ trên toàn quốc (23/01/1973) nhằm mục đích “tràn ngập lãnh thổ”[4]. Cờ được phân phối cho các đơn vị hành quân và công tác chính trị, mỗi quân nhân nhận ba lá cờ cắm tại các vị trí trọng yếu: đình chùa, nhà thờ, trường học, cầu cống, đồi núi cao điểm, nhà dân[5]. Không dừng lại ở đó, ngụy quyền Sài Gòn còn yêu cầu mỗi gia đình phải treo một lá quốc kỳ kể từ 12 giờ ngày 24/01/1973[6]. Mỗi trụ sở cơ quan, các tòa hành chánh đô, tỉnh, thị, trụ sở quận, xã, phường, khóm, ấp, các nhà buôn, xí nghiệp, hàng xưởng, nơi tiện ích công cộng… đều phải treo quốc kỳ kể từ thời gian trên. Mỗi nơi như vậy phải chuẩn bị hai lá cờ, một lá để sử dụng ngay, một lá để dự phòng.
          Với âm mưu và thủ đoạn phá hoại Hiệp định trắng trợn đó, lệnh ngừng bắn đã không được chính quyền Sài Gòn nghiêm túc thực hiện. Ngay trong đêm 27/01, rạng ngày 28/01/1973, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 15 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên và 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu (tại Quảng Trị và Thừa Thiên có cuộc hành quân Đại bàng 72/M)[7]. Tính đến ngày 31/01/1973, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 694 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên[8]. Trên nhiều tuyến giáp ranh ở Quảng Trị, quân đội Sài Gòn lấn ra cắm cờ giành đất. Trận chiến Cửa Việt (từ đêm 25/01 đến ngày 31/01/1973) diễn ra rất quyết liệt, được thừa nhận là trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, quân ta đã đánh bại cuộc hành quân Tango City, khiến chúng phải từ bỏ quyết tâm lấn chiếm vùng giải phóng tại Quảng Trị.
        Bên cạnh những trận chiến khốc liệt chống địch lấn chiếm là những cuộc đấu tranh chính trị không kém phần quyết liệt giữa ta và địch. Ngày 09/02/1973, Bộ Chính trị điện chỉ đạo Khu ủy Trị - Thiên - Huế in nhiều bản Hiệp định Paris, nghị định thư, lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, 10 chính sách binh vận, 10 chính sách vùng giải phóng, những lời nói của Bác Hồ về lòng yêu nước và chính sách đại đoàn kết dân tộc, v.v... phổ biến rộng rãi trong binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn. Yêu cầu vận dụng các điều khoản về ngừng bắn, về hòa hợp dân tộc, về tự do dân chủ, để đấu tranh công khai, hợp pháp với quân đội Sài Gòn[9].
         Sang tháng 01/1974, tại hầu hết các chốt (trừ chốt ở Sãi, Triệu Phong), phía cách mạng tổ chức tiếp xúc với tất cả đơn vị binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn. Có những ngày, mỗi chốt tiếp xúc được từ 200 đến 300 ngụy quân nhằm tuyên truyền thắng lợi một năm thi hành Hiệp định Paris, tuyên truyền các chính sách của cách mạng, gây không khí vui tươi, hoà hợp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc; một số nơi, phía cách mạng tổ chức biểu diễn văn nghệ, chơi bóng chuyền chung với quân đội Sài Gòn, tổ chức chiếu bóng cho binh lính quân đội Sài Gòn xem. Ở chốt Nại Cửu, một số thủy quân lục chiến đồng thanh hát ca khúc “Buông súng”, và nói rằng: “Bài này do chúng tôi sáng tác, chúng tôi chỉ mới hát thôi chứ chưa có thời cơ thực hiện, các anh thông cảm cho...”[10]. Có thể nói, đợt tấn công binh vận của ta trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1974 đạt kết quả tốt, phía cách mạng tiếp xúc được trên diện rộng với nhiều lực lượng quân đội Sài Gòn[11]. Qua tiếp xúc, cán bộ cách mạng thấy rõ tâm tư của đa số binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn đều “chán ngán chiến tranh, mong muốn hoà bình, hoà hợp...”[12].
          Quảng Trị cũng được chọn là một trong hai địa điểm chính để trao trả tù binh cùng với Lộc Ninh. Điều 8 Hiệp định Paris[13] quy định việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và kết thúc không chậm hơn ngày Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973). Vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam giải quyết trên nguyên tắc của Điều 21 (b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định Genève - TG).  
          Tuy còn giam giữ hơn 200.000 tù chính trị (nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Tân Hiệp, Chí Hòa, Thủ Đức…) nhưng chính quyền Sài Gòn tuyên bố ở miền Nam Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có tù binh và tù thường phạm. Chúng thực hiện nhiều hành vi bất minh như xáo trộn tù chính trị, làm hồ sơ giả (chuyển từ tù chính trị sang tù thường phạm), chuyển tù nhân từ nhà tù này sang nhà tù khác, dã man hơn chúng còn tiến hành các vụ khủng bố, thủ tiêu hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng[14].
          Đến cuối tháng 3/1973, thời điểm kết thúc hoạt động của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên, ta đã trao trả cho phía Mỹ 128 nhân viên quân sự Mỹ và nước ngoài bị bắt, trả cho chính quyền Sài Gòn 5.426 nhân viên quân sự, đồng thời nhận về tổng số 26.492 cán bộ, chiến sĩ. Con số này rất nhỏ so với thực tế có trên 20 vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng còn đang bị chính quyền Sài Gòn cầm tù[15].
          Ngày 12/3/1973, chuyến trao trả đầu tiên ở Quảng Trị diễn ra tại bến sông Thạch Hãn, những người được trao trả lần này là các chiến sĩ bị giam ở nhà tù Phú Quốc. Những người trong bộ phận đón tiếp của ta (đồng chí Lương Chí Hiền - Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Trị phụ trách) đã không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến những thương tích trên người các chiến sĩ cách mạng bởi đòn roi tra tấn của kẻ thù. Song song với đó là việc trao trả những tù binh đang bị ta giam giữ cho phía bên kia. Tham gia vào công tác này có tất cả 5 phái đoàn làm việc trong 5 ngôi nhà bạt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ và Ủy ban Giám sát quốc tế). Nơi hội họp, liên hoan, văn nghệ chung cho các đoàn là hội trường lớn. Cách khu vực trao trả khoảng 5 km về phía bắc là nơi đón tiếp, trung chuyển cán bộ, chiến sĩ được trao trả.
          Trong đợt trao trả ngày 12/3/1973, các chiến sĩ của ta được đưa từ Phú Quốc ra sân bay Phú Bài rồi sau đó chở ra thị xã Quảng Trị. Tại bến sông Thạch Hãn, đại diện phái đoàn ta cùng đối phương tiến hành đối chiếu danh sách, số lượng người có mặt trước khi trao trả. Điều bất ngờ là khi được lệnh xuống ca-nô (một chiếc chở một lượt khoảng 20 người), anh em liền cởi bỏ quần áo được phía địch cấp phát, chỉ mặc một chiếc quần đùi để qua sông.
          Một bất ngờ nữa là khi ca nô còn chưa kịp cập bến, anh em đã lao ngay xuống nước chạy vào bờ, tận hưởng khoảnh khắc mừng vui khi được trở về với đồng chí, đồng bào. Không chần chừ, những người tiếp đón cũng lao từ trên bờ ra sông để chào đón đồng đội trở về. Họ ôm chầm lấy nhau, những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc bất giác ứa ra trên đôi mắt của từng người. Hầu hết những người được trao trả (nam và nữ) về từ nhà tù Phú Quốc, chỉ có một số ít về từ Côn Đảo và các nơi khác. Các tù binh quân đội Sài Gòn cũng được phía ta tiến hành trao trả. Đúng 18 giờ 30 phút ngày 19/3/1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Đến chiều ngày 24/3/1973, đoàn tù binh cuối cùng cũng được trao trả, đó là các chiến sĩ ở trại C8 Phú Quốc. Nhiều người nhanh chóng quay trở lại hàng ngũ chiến đấu, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
          Chiến tranh đã lùi xa trên mảnh đất Quảng Trị, sông Hiền Lương - Bến Hải từ lâu không còn mang nỗi niềm khắc khoải: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Với quyết tâm xây dựng Quảng Trị thành một không gian văn hóa vì hòa bình, hi vọng trong tương lai gần Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu cho những ai yêu chuộng hòa bình trong nước cũng như trên toàn thế giới./.
         
 

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 422.
[2] UBND tỉnh Quảng Trị, Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 (Festival For Peace), Số: 102/KH-UBND, ngày 10/5/2024.
[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VII - Thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 181-182.
[4] Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II (2010), Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 113 (Công điện số 004-TT/CĐ ngày 23/01/1973 của Tổng thống chính quyền Sài Gòn, phông Đệ II CH, hồ sơ số 1229).
[5] Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Sđd, tr. 113 (Công điện mật - hỏa tốc số 006-TTM/TC.CTCT/KH.1 của Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ngày 23/01/1973, phông Đệ II CH, hồ sơ số 1229).
[6] Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Sđd, tr. 114 (Công điện số 106/PThT/73/M ngày 24/01/1973 của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, phông Đệ II CH, hồ sơ số 1229).
[7] Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Sđd, tr. 116 (Bản tổng hợp tình hình sáng ngày 28/01/1973 của Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng chính quyền Sài Gòn, phông Đệ II CH, hồ sơ số 449).
[8] Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Sđd, tr. 117 (Tổng kết hoạt động tháng 01/1973 của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, phông PTTg, hồ sơ số 17.778).
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34 (1973), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 455.
[10] Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Quảng Trị (1974), Báo cáo tình hình tháng 01 năm 1974, số 10/TV, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, tr. 2.
[11] Tính chung, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1974, phía cách mạng đã tiếp xúc được 2.203 lượt binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn (406 lính bảo an, 419 lính biệt động quân, 258 sĩ quan, trong đó có 4 cấp tá), lôi kéo được 4 binh lính mang theo 5 súng các loại trở về với cách mạng.  
[12] Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Quảng Trị (1974), Báo cáo tình hình tháng 01 năm 1974, số 10/TV, Tlđd, tr. 2.
[13] Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, phông Đệ II CH, hồ sơ số 1235.
[14] Chỉ tính riêng các nhà lao miền Tây Nam Bộ, trong vòng hai tháng, từ 27/01/1973 đến hết tháng 3/1973, đã có 18.000 tù chính trị bị đưa đi mất tích. Trong hai ngày 17 và 18/3/1973, đã có 1.500 tù chính trị ở Côn Đảo bị mất tích. Đêm ngày 15/4/1973, đồng bào ta lại phát hiện thêm 25 xác tù chính trị ở Tây Ninh bị kẻ địch đâm chết cột đá thả trôi sông. Đầu tháng 9/1973, trên các sông Tiền, sông Hậu, nhân dân phát hiện có hàng chục xác chết trần truồng, cụt đầu, trói vào cột tre thả trôi sông mỗi ngày. (Dẫn theo Nguyễn Thị Bình và các tác giả (2001), Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 399).
[15] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VIII - Toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 36-37.
 
Tài liệu tham khảo:
[1]. Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Quảng Trị (1974), Báo cáo tình hình tháng 01 năm 1974, số 10/TV, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị.
[2]. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3]. Bộ Nội vụ, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia II (2010), Về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VII - Thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VIII - Toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34 (1973), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7]. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Trung tâm lưu trữ quốc gia II, phông Đệ II CH, hồ sơ số 1235.
[8]. UBND tỉnh Quảng Trị, Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 (Festival For Peace), Số: 102/KH-UBND, ngày 10/5/2024.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây