Sau Hiệp định Genève (21/7/1954), đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau: Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ở miền Nam, Mỹ tiến hành chủ nghĩa thực dân mới với việc dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Để đè bẹp lực lượng cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ban hành và thực thi chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” hết sức tàn bạo song vẫn không làm lung lay ý chí chống quân xâm lược và bè lũ tay sai của nhân dân miền Nam. Ngược lại, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ (11/1963), phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên toàn miền Nam phát triển mạnh, tiêu biểu là chiến thắng Thạnh Phú (Bến Tre, 1/1964). Nhằm đưa phong trào cách mạng ở Quảng Trị tiến kịp với các chiến trường toàn miền, thúc đẩy phong trào
“Đồng khởi” nông thôn đồng bằng, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đề ra chủ trương tiến công vào quận lỵ Ba Lòng. Cuộc tiến công diễn ra chớp nhoáng vào lúc 2 giờ 30 phút rạng sáng 9/2/1964 (theo kế hoạch ban đầu là vào lúc 1 giờ 00 phút). Đây là chiến thắng có ý nghĩa to lớn đối với chiến trường Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
1. Đôi nét về quận lỵ Ba Lòng dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn
Trong kháng chiến chống Pháp, Ba Lòng là chiến khu của tỉnh Quảng Trị (từ năm 1947). Sau Hiệp định Genève (21/7/1954), chính quyền Ngô Đình Diệm đặt ở đây một Phái viên Hành chánh trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngày 25/6/1956, Nha Liên kiểm Hành chánh và Tài chánh Trung Việt khuyến nghị cần đặt tại Ba Lòng một chức Đại diện Hành chánh.
Từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai chính sách dinh điền và thành lập dinh diền Cùa, Ba Lòng ngày càng được chú ý và được nâng lên quận hành chánh, quận lỵ đóng ở Đá Nổi. Ba Lòng lúc này không chỉ được xem là “lá chắn thép” bảo vệ dinh điền Cùa mà còn là nơi ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng từ miền Tây về trung du và đồng bằng Quảng Trị. Chính quyền Ngô Đình Diệm cho triệt hạ làng kháng chiến, tiến hành xây dựng trụ sở quận lỵ, bốt quân sự, đồng thời điều hai đại đội bảo an cùng nhiều trung đội dân vệ đóng chốt ở đây, mở nhiều tuyến đường chiến lược từ La Vang, Tân Lệ lên Ba Lòng; từ Ba Lòng qua Cùa, lên Đường 9; từ Ba Lòng lên Trại Cá. Về quân sự, Ba Lòng có
“nhiều công sự kiên cố, vững chắc nhất trong toàn tỉnh, được bố trí bằng các lực lượng canh giữ, hỗ trợ vòng trong, vòng ngoài dày đặc…” [1].
Để quản lý ngày càng chặt chẽ hơn địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngày 17/5/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm chia Quảng Trị thành 7 quận, 86 xã: 1. Quận Trung Lương (3 xã), 2. Quận Gio Linh (6 xã), 3. Quận Cam Lộ (13 xã), 4. Quận Hướng Hóa (15 xã), 5. Quận Triệu Phong (18 xã), 6. Quận Hải Lăng (24 xã), 7. quận Ba Lòng (7 xã: Ba Lương, Ba Xuân, Ba Thành, Ba Hy, Ba Bình, Ba Lình, Ba Đăng) [2].
Sau hội nghị tổng kết công tác dân vệ cuối năm 1961, chính quyền Ngô Đình Diệm đề ra chính sách mới quy định lương dân vệ viên: 900 đồng, A trưởng: 1.200 đồng, B trưởng: 1.400 đồng, C trưởng: 1.700 đồng; riêng ở quận Ba Lòng, chính quyền Ngô Đình Diệm còn lấy ruộng đất công cấp cho mỗi gia đình dân vệ một mẫu.
Đầu tháng 3/1962, Tỉnh trưởng Quảng Trị triệu tập cuộc họp với thành phần tham dự từ trưởng thôn trở lên, bàn việc lập
“ấp chiến lược” trên phạm vi toàn tỉnh. Đến tháng 4/1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đã rào xong một tuyến
“ấp chiến lược” dọc vùng giáp ranh từ giới tuyến trở vào (các xã Linh Châu, Cam Lộc, Triệu Hòa, Triệu Sơn, Ba Lòng, Hải Thành...), và một số thôn dọc Đường 9 (Ba Trang, Khe Mèo, Vân Kiều...), hình thành một tuyến chia cắt đồng bằng với miền Tây [3].
Quận lỵ Ba Lòng đến thời điểm đầu năm 1964 không chỉ đơn thuần là một cơ quan hành chính mà còn là một cứ điểm. Đá Nổi trước đây là ấp chiến lược lúc này đã được chính quyền Sài Gòn nâng lên thành thị trấn. Xung quanh quận lỵ Ba Lòng có rào 3 lớp kẽm gai đi kèm với hệ thống chiến hào, bãi mìn, lô cốt, ụ súng. Lực lượng địch ở đây gồm có bảo an (cấp đại đội - Đại đội 912) và dân vệ (cấp trung đội).
Choáng váng trước cuộc tập kích vào Ba Lòng (rạng sáng 9/2/1964) của quân giải phóng, chính quyền Sài Gòn tại Quảng Trị bắt đầu nảy ra ý định bỏ quận hành chánh Ba Lòng. Ngày 23/5/1964, chính quyền Sài Gòn đã cải biến quận Ba Lòng thành Cơ sở Phái viên Hành chánh đặt dưới sự quản lý của một Phái viên Hành chánh dưới quyền Tỉnh trưởng Quảng Trị. Các xã thuộc quận Ba Lòng được sáp nhập vào quận Triệu Phong. Như vậy, đến đây Ba Lòng đã chính thức bị xóa với tư cách là đơn vị hành chánh cấp quận.
2. Chiến thắng Ba Lòng (9/2/1964)
2.1. Chủ trương của ta
Giữa lúc phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đang diễn ra, từ ngày 15 đến ngày 31/7/1963, Hội nghị Khu ủy V mở rộng lần thứ III họp, xác định nhiệm vụ của cách mạng Khu V trong nửa cuối năm 1963 và năm 1964. Hội nghị quyết định đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Khu V. Riêng Liên tỉnh 1 (gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Đà) phải chuẩn bị mọi mặt để đến đầu năm 1964 có thể phát động quần chúng phá thế kìm kẹp, phá
“ấp chiến lược”, giành lại một phần nông thôn đồng bằng, đồng thời tích cực giữ vững và củng cố căn cứ miền núi, bảo đảm hành lang chiến lược [4]. Trên cơ sở chủ trương của Khu ủy V, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định mở cuộc tiến công tiêu diệt quận lỵ Ba Lòng nhằm đưa phong trào cách mạng ở Quảng Trị tiến lên.
Sở dĩ ta chọn tấn công giải phóng quận lỵ Ba Lòng là nhằm mục đích tạo hành lang hoạt động nối liền với căn cứ để tiến công mở rộng xuống đồng bằng, hỗ trợ phá “ấp chiến lược” - “ấp tân sinh”; hoạt động tiếp tế bằng thuyền bè của địch cho quận lỵ rất khó khăn bởi quận lỵ Ba Lòng (thị trấn Đá Nổi) nằm dọc sông Ba Lòng, nước chảy xiết, có nhiều thác ghềnh, một số chỗ rất cạn, người dân có thể lội qua được, do vậy chủ yếu phải vận chuyển tiếp tế theo đường bộ tỉnh lộ; khi diễn ra trận đánh thời tiết khá lạnh, gần sáng có sương mù, thuận tiện cho việc tiếp cận địch; Ba Lòng có nhiều công sự kiên cố nhưng địch bố phòng còn sơ hở, lực lượng không quá mạnh (bảo an và dân vệ), khả năng hiệp đồng tác chiến yếu, tinh thần quân địch hoang mang dao động sau hai lần đảo chính quân sự (đặc biệt là cuộc đảo chính ngày 30/1/1964); ta lại có cơ sở cách mạng trong dân nên nắm rõ các vị trí trọng yếu và hoạt động của địch trong quận lỵ, quân ta có thể chắc thắng khi tiến hành cuộc tập kích.
2.2. Diễn biến
Rạng sáng 9/2/1964, thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, được sự phối hợp của Đại đội đặc công 12, Đại đội bộ binh 55 bộ đội địa phương tỉnh (C55) đã đột nhập vào quận lỵ Ba Lòng (thị trấn Đá Nổi) [5]. Chỉ sau 25 phút, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn quận lỵ, Quận trưởng Trần Đình Lãm phải bỏ chạy (theo tài liệu của địch thì chỉ sau 05 phút tiến công, quân giải phóng đã làm chủ các vị trí trọng yếu trong quận lỵ). Kết quả, ta tiêu diệt và làm bị thương 66 tên, bắt sống 32 tên (có cả Quận phó), thu 98 súng (2 đại liên, 1 trung liên, 2 cối 81 ly, 2 cối 60 ly…) cùng nhiều quân trang, quân dụng và toàn bộ hồ sơ tài liệu của quận lỵ Ba Lòng [6].
Phân tích về nguyên nhân thất bại ở quận lỵ Ba Lòng, chính quyền Sài Gòn cho rằng sở dĩ chúng hứng chịu những hậu quả nặng nề như vậy là do:
1. Về phòng thủ: Canh gác lơ là; không có hỏa lực trọng pháo yểm trợ; Quận Ba Lòng nằm ở địa thế hiểm nghèo nhưng không có đơn vị chính quy trấn đóng mà chỉ có bảo an và dân vệ phòng thủ.
2. Về tiếp viện: Đường giao thông không đảm bảo an ninh, việc liên lạc đã gián đoạn nhiều tháng; Quận trưởng muốn về tỉnh thì phải đi bộ ra 7 cây số mới có phương tiện để về; trực thăng không hỗ trợ tiếp tế được vì trời mưa.
3. Về trách nhiệm quản lý: Quận trưởng Ba Lòng không đủ khả năng để đảm trách nhiệm vụ, lâm trận thì mất bình tĩnh; chủ quan, lơ là trong phòng bị tuy đã được mật báo của Chi cảnh sát quốc gia Ba Lòng và nhận được chỉ thị của lãnh đạo Tỉnh và Tiểu khu về việc quân giải phóng sẽ tấn công quy mô lớn vào Ba Lòng. Đã vậy còn tổ chức lễ cầu siêu trong 3 ngày (28, 29, 30 tháng 1/1964), tổ chức liên hoan lúc 18h30 ngày 8/2/1964, tức ngay trước khi quận lỵ Ba Lòng bị quân ta tập kích; thậm chí sau buổi liên hoan Quận trưởng còn tổ chức đánh bạc tại tư thất của mình [7].
Tuy vậy, những lý do này cũng chưa phải là nguyên nhân thất bại quyết định của chính quyền và quân đội Sài Gòn tại Ba Lòng. Theo chúng tôi, nguyên nhân thất bại quyết định dẫn đến thất bại nhanh chóng của địch ở quận lỵ Ba Lòng chính là sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành tại miền Nam Việt Nam. Một khi chấp nhận làm tay sai cho Mỹ, đi ngược lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, phản bội quyền lợi dân tộc thì chính quyền và quân đội Sài Gòn sẽ không thể có ý chí sắt đá và lòng gan dạ như Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau chiến thắng Ba Lòng (9/2/1964) của phía cách mạng, ngụy quyền Sài Gòn rút bớt quân ở Phong Điền (Thừa Thiên) đưa ra Ba Lòng, tăng cường cho Ba Lòng 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội biệt động, đại đội 124 bảo an, 1 trung đội súng cối 81 ly, 1 trung đội pháo binh 105 ly. Nhằm giảm áp lực cho Ba Lòng, ngày 10/2/1964, quân đội Sài Gòn tổ chức cuộc hành quân
“Lam Sơn 102” tại miền cận sơn hai quận Triệu Phong và Hải Lăng. Tiếp đó là cuộc hành quân
“Lam Sơn 104” (từ ngày 12 đến ngày 19/2/1964) ở Ba Lòng với mục đích “
trấn an nhân tâm và xây dựng lại cơ sở hành chính tại quận này” [8].
Tin chiến thắng Ba Lòng nhanh chóng lan ra trong và ngoài tỉnh. Các gia đình có chồng, con, em bị ngụy quân, ngụy quyền bắt đi lính kéo đến quận lỵ đòi Quận trưởng phải trả người thân. Một số lính ngụy Việt Nam Cộng hòa hoang mang, lo sợ, giả vờ ốm đau hoặc xin nghỉ phép trở về nhà ăn Tết cùng gia đình. Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Trấm để mừng chiến thắng, thu hút hơn 3.000 đồng bào của 74 thôn vùng giáp ranh và lân cận về tham dự. Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường bố phòng quanh thị xã Quảng Trị, Đông Hà, vùng giáp ranh, Quốc lộ 1 để ngăn chặn và uy hiếp không cho quần chúng nhân dân đi lại vui xuân [9].
2.3. Ý nghĩa lịch sử
Thứ nhất, thắng lợi của quân giải phóng Quảng Trị ở Ba Lòng đã gây tâm lý bi quan và hoang mang cực độ trong quân đội Sài Gòn khiến chính quyền Sài Gòn phải ra lệnh
“phạt nặng Quận trưởng” [10].
Thứ hai, về phía cách mạng, đây là lần đầu tiên ở Trị Thiên, quân giải phóng tập kích một quận lỵ và giành được thắng lợi, là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường Quảng Trị tính đến thời điểm tháng 2/1964,
“phất cao lá cờ đầu của Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” [11]; hiện thực hóa chủ trương của Khu ủy V, từ đây, tính chất
“khu đệm” của Quảng Trị đã không còn rõ nét như trước; một vùng giải phóng liên hoàn nối liền với các khu căn cứ hình thành, tạo bàn đạp để đưa lực lượng của ta xuống hoạt động ở vùng đồng bằng.
Thứ ba, chiến thắng Ba Lòng góp phần cổ vũ phong trào phá
“ấp chiến lược” -
“ấp tân sinh” của nhân dân Quảng Trị đầu năm 1964. Theo báo Nhân Dân (số 3644, ngày 21/3/1964), trên địa bàn Gio Linh, Hải Lăng, Ba Lòng, Cam Lộ, trong vòng 22 ngày (từ ngày 31/1 đến ngày 21/2/1964), quần chúng nhân dân đã nổi dậy phối hợp với du kích địa phương phá được 46
“ấp chiến lược” - “ấp tân sinh” [12].
Thứ tư, chiến thắng Ba Lòng là nguồn động viên to lớn, là lời hiệu triệu nhân dân nông thôn đồng bằng Quảng Trị vùng lên tiến hành
“Đồng khởi” nông thôn đồng bằng, bắt đầu từ đầu tháng 7 năm 1964 và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 1965.
60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng Ba Lòng diễn ra (9/2/1964 - 9/2/2024), chúng ta có dịp nhìn lại một chiến thắng đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Ba Lòng đã một lần nữa minh chứng cho lòng yêu nước, sự mưu trí, dũng cảm của quân đội và Nhân dân ta, trong đó nổi bật lên vai trò của Đại đội đặc công 12 và Đại đội bộ binh 55 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Truyền thống này cần được Đảng bộ và nhân dân Ba Lòng tiếp tục giữ gìn, phát huy trong hiện tại và tương lai./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022),
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 134.
[2] Việt Nam Cộng hòa,
Danh sách các đơn vị hành chánh tỉnh Quảng Trị theo Nghị định số 215-BNV ngày 17/5/1958, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Bản sao).
[3] Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị (1962),
Báo cáo tóm tắt một số tình hình địch nắm được trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1962, ngày 25/4/1962, Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, tr. 2.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002),
Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 24 (1963), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 923.
[5] Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Trị (2005),
Một số trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị (1945 - 1975), Tập I, Quảng Trị, tr. 50-51.
[6] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022),
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập II (1954 - 1975), Sđd, tr. 133-134.
[7]
Tóm lược vụ Việt Cộng tấn công quận lỵ Ba Lòng (Quảng Trị) ngày 9/2/1964, ngày 25/2/1964, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Bản sao), tr. 3.
[8] Tỉnh trưởng Quảng Trị kính gởi ông Tổng ủy trưởng tân sinh nông thôn (1964),
Trích yếu Báo cáo kết quả thực thi “ấp tân sinh” tháng 2/1964, Số 835/QT/ATS/1, ngày 25/2/1964, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Bản sao), tr. 4-5.
[9] Thường vụ Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị (1998),
Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Quảng Trị, tr. 99.
[10] Phân tách Công văn mật số 685/QT/NA/QV/1-M ngày 12/2/1964 về việc Việt Cộng tấn công quận lỵ Ba Lòng 9/2/1964 của Tỉnh trưởng Quảng Trị, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Bản sao).
[11] Lê Chưởng (1979),
Đất nước vào Xuân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 243.
[12] Báo
Nhân Dân (1964), “Quảng Trị: 22 ngày, phá 46 ‘ấp chiến lược’”, (3644), ngày 21/3/1964, tr. 1.