Sự ra đời của Chiến khu Ba Lòng - 1947 (Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ba Lòng 9/02/1964 – 9/02/2024)

Thứ hai - 11/03/2024 13:33
 
ThS. Trần Văn Toàn
 Khoa Xây dựng Đảng
 
      Sự ra đời của chiến khu Ba Lòng – 1947 là một trong những sự kiện rất quan trọng, thể hiện tư duy cũng như tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy Quảng Trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược,  góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến, đồng thời là nơi củng cố và huấn luyện các lực lượng vũ trang cách mạng góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của cả nước nói chung, quân và dân Quảng Trị nói riêng.
      Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lịch sử dân tộc bước sang trang mới. Ngày 02/9/1945 tại Quảng Trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước đoàn kết, kiên quyết để bảo vệ và giữ vững nền độc lập vừa giành được.
      Trên địa bàn Quảng Trị, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, hệ thống chính quyền cách mạng nhanh chóng được thiết lập và đi vào hoạt động. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chuyển thành Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Trần Hữu Dực làm chủ tịch; Đồng chí Đặng Thí làm Phó Chủ tịch; Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu, Ủy viên Thường trực kiêm nội vụ.
      Tuy nhiên, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tấn công Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Ở trong nước, các thế lực phản động trỗi dậy để chống phá cách mạng. Đất nước ta phải đối diện với ba loại giặc đó là “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”, đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
      Lúc này, Quảng Trị cũng như nhân dân cả nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách: nạn đói đang tiếp diễn, sản xuất bị đình đốn; hơn 95% dân số mù chữ; các tệ nạn xã hội tuy có giảm những vẫn chưa giải quyết triệt để. Chính vì vậy, khó khăn, thách thức đang đè nặng trên vai chính quyền và nhân dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Nhưng với ý chí và truyền thống cách mạng kiên cường, càng trong khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, tài tình, sáng suốt của Đảng, càng đoàn kết một lòng để quyết tâm bảo vệ nền độc lập và xây dựng chế độ mới.
      Trước những khó khăn thách thức đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị nhất tề đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
      Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng lúc này được Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định đó là cần phải thống nhất các lực lượng chiến đấu nhằm bảo vệ chính quyền và tài sản tính mạng của nhân dân. Để thống nhất chỉ huy các lực lượng, Ủy ban quân sự tỉnh được thành lập, các cơ quan, công binh xưởng đóng ở các tỉnh lỵ đều được di chuyển lên phía tây Quảng Trị để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Đặc biệt, Tỉnh ủy yêu cầu Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính tỉnh phải hết sức chăm lo đưa dân di tản. Mỗi huyện, mỗi xã đều lập ban tản cư chịu trách nhiệm sơ tán dân. Những việc làm đó đã có tác dụng tích cực ngăn chặn và hạn chế các mũi tấn công của địch, đồng thời gây cho địch thiếu thốn lương thực trong thời gian đầu.
      Tháng 01/1947, đồng chí Đặng Thí, Bí thư Tỉnh ủy phân tích những thuận lợi, khó khăn trong nước, trong tỉnh và quán triệt chủ trương của Đảng về cuộc kháng chiến chống Pháp là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là dù trong tình huống nào cũng bám sát địa bàn hoạt động, vừa tác chiến vừa đẩy mạnh sản xuất, kiên quyết đấu tranh không cho giặc Pháp bắt người.
      Đúng như nhận định của Tỉnh ủy, đầu năm 1947, thực dân Pháp mở đợt đánh chiếm Quảng Trị từ hai hướng: hướng từ biên giới Việt - Lào tiến theo Quốc lộ 9 về Đông Hà; hướng từ Huế đánh ra theo Quốc lộ 1. Sau khi chiếm xong Đầu Mầu, tiến về Đông Hà và hội quân với lực lượng từ Huế ra tại cầu Lai Phước; đến cuối tháng 3/1947, thực dân Pháp cơ bản đã đánh chiếm xong các vùng đồng bằng, trung du của tỉnh Quảng Trị. Mặc dù quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tỉnh chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiêu hao sinh lực địch và gây cho chúng nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng của địch quá mạnh, do đó, ta vừa chiến đấu vừa rút lui để bảo toàn lực lượng.
      Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị để bảo toàn lực lượng, ngày 17/02/1947, tại làng Lại An, huyện Gio Linh, Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng. Đánh giá tình hình ta và địch, hội nghị chủ trương: “Địch có thể chiếm đất, nhưng ta không để mất dân, địch cố chiếm đồng bằng, ta không phải chỉ giữ vững vùng rừng núi mà còn phải giành giật khu vực đồng bằng đông dân với địch. Địch sẽ ra sức tiêu diệt cơ sở kháng chiến, đánh bật cán bộ, đảng viên, bộ đội lên núi để lập hội tề; nhưng cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang ta quyết không rời quần chúng, giữ vững các căn cứ đồng bằng... Cấp ủy các cấp một mặt phải nhanh chóng chuyển sang chỉ đạo đấu tranh vũ trang, bám đất, bám dân giữ vững cơ sở, khôi phục lực lượng kháng chiến, lãnh đạo chiến tranh du kích ở địa phương, mặt khác phải kiên quyết đập tan kế hoạch lập ngụy quyền, ngụy quân của địch”[1].
      Hội nghị còn đề ra các nhiệm vụ cụ thể như bảo toàn, tăng cường các lực lượng vũ trang, lập các đội tự vệ chiến đấu, phát động toàn dân bao vây kinh tế địch và tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
      Về phía Pháp, sau khi chiếm đóng toàn bộ ba tỉnh Bình Trị Thiên, chúng chia Bình Trị Thiên thành ba chiến khu, dưới chiến khu có các phân khu. Chiến khu Quảng Trị có bốn phân khu: Đông Hà, Quảng Trị, Gio Linh và Khe Sanh. Trong từng phân khu, chúng xây dựng hệ thống đồn bốt, căn cứ dày đặc. Trên Đường 9, giặc Pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xây dựng nhiều đồn bốt ở các vị trí chiến lược, phục kích những nơi nghi có Việt Minh qua lại hoạt động. Dựa vào Việt gian, thực dân Pháp lập danh sách cán bộ, đảng viên ở từng thôn, xã và cho tay sai tập kích vây bắt, thẳng tay chém giết. Chúng đặt giải thưởng: nếu ai chỉ rõ cho chúng biết rõ chỗ ở của bộ đội, cán bộ hoặc tự tay giết được một Việt Minh thì được thưởng từ 1.000 đến 5.000 đồng bạc Đông Dương. Chúng tập trung đủ các sắc lính lùng sục đêm ngày, bắt được người nào nghi là Việt Minh liền chặt đầu cắm cọc, đem chôn trước cổng chợ, ngã ba, ngã tư, nơi có nhiều người qua lại nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Chúng lập hội tề, xây dựng các tổ chức mật thám như an ninh, phòng nhì; lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoạt động ở cơ sở như “bảo vệ quân”, “Việt binh đoàn”, “hương vệ”, “hương binh”. Cùng với các công cụ đó, thực dân Pháp còn rất chú trọng xây dựng các tổ chức phản động như “Việt kiến”, “Quốc dân đảng”, “Đại Việt”, “Liên đoàn Công giáo” “Quốc gia liên hiệp”, “Tập đoàn dân chúng” tạo chỗ dựa về xã hội...
      Thực hiện âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, thực dân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét, đốt phá, gây ra những vụ tàn sát đẫm máu. Chúng dùng chiến lược “tam sạch” (phá sạch, đốt sạch, giết sạch) hòng triệt nguồn sống của nhân dân ta, buộc nhân dân ta chỉ có một con đường đi theo chúng. Đời sống nhân dân cũng như cán bộ, bộ đội thiếu thốn vô cùng. Nhiều nơi, nhân dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Bệnh dịch lan tràn không có thuốc chữa. Bộ đội sốt rét nhiều phải hòa thuốc ký ninh vào nước cho nhiều người uống [2]. Lợi dụng tình cảnh khó khăn của ta, thực dân Pháp tập trung lực lượng đến càn quét, đánh phá, mở rộng vùng chiếm đóng.
      Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, cũng như giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đầu tháng 4/1947 các cơ quan lãnh đạo của tỉnh từ miền núi Vĩnh Linh băng rừng, vượt Đường 9 tiến vào phía nam tỉnh.  Ngày 14/4/1947, Tỉnh ủy mở cuộc họp tại Teng Teng (vùng núi Triệu Phong). Sau khi đánh giá tình hình, hội nghị đề ra nhiều biện pháp để đối phó với địch cũng như củng cố phong trào. Hội nghị quyết định xây dựng chiến khu để ổn định và tập trung cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Tỉnh ủy quyết định chọn vùng đất phía tây hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba   Lòng kéo dài xuống Bơơng để xây dựng căn cứ cách mạng - gọi là chiến khu Ba Lòng. [3]
      Đây là vùng đất có địa thế hết sức lợi hại, một thung lũng dài và khá rộng, đất đai màu mỡ. Vùng Ba Lòng được bao bọc bởi đồi núi cao, hiểm trở, những dãy núi trùng điệp này tạo thành các bức thành vững chắc bảo vệ an toàn cho chiến khu khi bị địch tấn công từ bất kỳ hướng nào. Ngược lại, đặc điểm địa hình này rất thuận lợi cho ta, từ chiến khu có thể quan sát địch từ xa để đề phòng, chống giữ. Căn cứ Ba Lòng án ngữ những con đường giao thông quan trọng, có điều kiện liên lạc quốc tế. Từ Ba Lòng vượt Động Ho ra Cam Lộ, rồi từ đây tỏa đi vùng trung du Cam Lộ, Gio Linh hoặc lên vùng Hướng Hóa. Vùng phía đông của tỉnh như Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong được nối với biên giới Việt - Lào bằng con đường qua khu vực Ba Lòng. Từ Ba Lòng có thể vào Thừa Thiên qua vùng núi Hải Lăng. Nhờ đó, từ Ba Lòng có thể tiến công địch từ khắp mọi phía bằng bộ binh, đồng thời hệ thống giao thông này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu... từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào, từ đồng bằng Triệu Hải lên và từ Ba Lòng đi các nơi. Ba Lòng có sông Thạch Hãn (sông Ba Lòng) chảy qua. Sông nhiều thác ghềnh, bãi đá ngầm hiểm trở, ca nô không thể qua lại, nhưng rất thuận lợi cho các hoạt động của lực lượng kháng chiến. Thuyền nhỏ của quân ta dễ cơ động trên sông để cản bước tiến của địch và vận chuyển hàng hóa. Vùng Ba Lòng đất đai màu mỡ, nguồn nước và lâm thổ sản dồi dào đảm bảo cho lực lượng kháng chiến ở đây có thể sản xuất canh tác, tự cung tự cấp trong điều kiện bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Người dân Ba Lòng, vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn; cần cù, dũng cảm trong trong lao động sản xuất. Nhờ đó, ngay từ khi đặt chân lên vùng đất này, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên của tỉnh đã được nhân dân hết lòng giúp đỡ, nuôi dưỡng, đùm bọc để dần tìm chỗ đứng chân ổn định. Từ năm 1948, Ba Lòng trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và phân khu Bình Trị Thiên trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
      Như vậy, sự ra đời của chiến khu Ba Lòng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạch định các chủ trương, đường lối kháng chiến của quân và dân Quảng Trị nói riêng và khu vục nói chung. Chiến khu Ba Lòng trở thành một mắt xích quan trọng của hệ thống chiến khu miền Trung; đóng vai trò quan trọng trong tuyến giao liên thống nhất Bắc - Nam, vừa là hậu phương lớn và vừa là bàn đạp để tiến công địch; thể hiện sáng tạo của hình thái chiến tranh nhân dân của quân và dân Quảng Trị góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
      Những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình hình thành, tổ chức hoạt động chiến khu Ba Lòng, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội Chủ nghĩa hiện nay. 
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập I, tr. 277.
2. Sđd, tr. 288.
3. Sđd, tr. 289.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây