Tư duy sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế của Tổng Bí thư Lê Duẩn - Gợi ý về phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 21/08/2024 14:06
 
TS. Thái Thị Hồng Minh
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn
 
       Tổng Bí thư Lê Duẩn thường nhắc tới luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, đồng thời khẳng định “không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi”. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo xuyên suốt khi đứng trước những vấn đề mới đặt ra đối với lý luận cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kinh tế, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng tập thể đã định hướng đúng đắn cho việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
       Tư duy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế
       Tư duy đổi mới về kinh tế của Đảng ta, trong đó có vai trò của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã hình thành từ rất sớm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Tổng Bí thư Lê Duẩn khi vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương đề ra, cùng với Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc đem ruộng đất tịch thu của thực dân Pháp, việt gian, ruộng đất vắng chủ và của địa chủ yêu nước hiến cho kháng chiến để chia, cấp cho nông dân nghèo; phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, động viên các tầng lớp nhân dân cả nông thôn và thành thị đứng lên cứu nước. Sau năm 1954, theo mô hình Liên Xô trước đây và Trung Quốc, cơ chế quản lý kinh tế tập trung đã được vận hành ở Việt Nam với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ còn hai thành phần là khu vực quốc doanh và khu vực hợp tác xã. Cơ chế kinh tế này đã tạo ra ưu thế trong thúc đẩy nhanh tích tụ vốn, theo đó, mặc dù bị chiến tranh chi phối sâu sắc, miền Bắc Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 1960-1965.
       Xuất phát từ thực trạng những năm 1980 của đất nước, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa ra yêu cầu để làm tốt chức năng tổ chức, xây dựng kinh tế nói riêng, khâu quyết định hiện nay là phải khẩn trương kiện toàn các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp đến bộ máy quản lý kinh tế, văn hoá… Trong bộ máy kinh tế ở Trung ương, trước hết phải kiện toàn các cơ quan tổng hợp như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ ban Vật giá, Ngân hàng, Bộ Vật tư, Bộ Lao động, Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Tổng cục Thống kê, là những cơ quan có tác dụng cực kỳ quan trọng đối với việc xây dựng một nền kinh tế có kế hoạch.
       Tổng Bí thư Lê Duẩn ngay từ đầu đã ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, trước hết là đổi mới cách khoán sản phẩm cho người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1981. Lịch sử đổi mới nông nghiệp là minh chứng cho việc phải qua nhiều thử nghiệm và sáng tạo mới đạt tới chân lý. Khi Trung ương chưa tìm hướng bứt phá mở đường phát triển sản xuất nông nghiệp thì Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phú đã áp dụng mô hình “khoán hộ”; 15 năm sau thì xuất hiện “khoán chui”, “khoán sản” của Bí thư Thành uỷ Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng là cơ sở ra đời “Chỉ thị 100” của Ban Bí thư tháng 01/1981 và Nghị quyết “Khoán 10” (tháng 4/1988) của Bộ Chính trị khoá VI. Sau này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động và kích thích sản xuất.
       Tư duy về đổi mới kinh tế, đổi mới đất nước đã xuất hiện từ trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (năm 1982), Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nghiêm khắc chỉ rõ mặt tiêu cực của cơ chế quan liêu, bao cấp và từng bước xoá bỏ cơ chế này. Tại Đại hội V, Tổng Bí thư đã trình bày Báo cáo chính trị, trong đó, phê bình hai loại nhận thức: (i) “Chủ quan nóng vội”, đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương; (ii) “Bảo thủ, trì trệ”, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi các chính sách, chế độ, nên đã kìm hãm sản xuất. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn yêu cầu: “đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hoá hiện hành. Xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp… vừa nắm vững giá trị sử dụng, vừa rất coi trọng giá trị và quy luật giá trị” [1, tr.86-87].  Tư duy sáng tạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn đậm dấu ấn khi Đảng ta bước đầu khởi xướng quá trình đổi mới quản lý kinh tế từ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế. Tổng Bí thư nhận định: “Đảng và Nhà nước ta đã có những cố gắng to lớn khắc phục một bước cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp và xúc tiến việc hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới nhằm thực hiện đúng những nguyên tắc quản lý kinh tế, vừa đảm bảo sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương vừa mở rộng và phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các cơ sở, các địa phương, các ngành trong sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ tập thể của quần chúng lao động, khuyến khích mạnh mẽ tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế” [2, tr.372]. Tại Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng, khoá V (tháng 7/1984), trong bài phát biểu “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế”, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định “đổi mới quản lý kinh tế hiện nay là làm cho mọi cơ sở đều có quyền chủ động sản xuất, kinh doanh… Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội cho thấy kế hoạch hoá là một trong những vấn đề cơ bản và cấp bách, nhưng lại khó khăn và phức tạp của công cuộc vận dụng các quy luật kinh tế, phát huy những động lực nhiều mặt của chế độ mới” [3, tr.192-194].
       Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, mà “trước hết là tư duy kinh tế” cũng là kế thừa, phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới từ trước đó. Cơ cấu sản xuất và đầu tư, cơ cấu các thành phần kinh tế và cơ chế quản lý từng bước được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của cuộc cách mạng nước ta trong tình hình mới; xác định kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ. Đối chiếu với lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu ra và được thể hiện trong đường lối của Đảng qua các Đại hội IV và V, nhận thức rằng không có sự phủ định mà chỉ có sự kế thừa, phát triển theo hướng tiếp nhận và phát huy những giá trị cơ bản và lâu dài; đồng thời, bổ sung các thiếu sót, sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Đường lối đổi mới này được thực tế kiểm chứng và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến nay.
       Nhiều bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định mệnh đề “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là cơ chế hoàn chỉnh, vừa khoa học, vừa cách mạng trong nghệ thuật điều hành và quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước. Ba yếu tố: Đảng - Nhà nước - Nhân dân luôn đứng trong mối quan hệ biện chứng, là nguyên lý, là quy luật cơ bản và sống còn của cách mạng Việt Nam tiếp tục đi lên để bảo vệ và xây dựng thành công sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Đây là sự kế thừa truyền thống cách mạng của Đảng, là sự áp dụng sáng tạo và linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ con đường chủ nghĩa xã hội là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất; cách mạng kỹ thuật; cách mạng tư tưởng và văn hoá. Trong đó công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm, cách mạng kỹ thuật giữ vị trí then chốt, nhằm xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và những con người mới xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quá trình cải biến quan hệ sản xuất đi đôi với tiến hành cách mạng kỹ thuật, biến lao động thủ công thành lao động cơ giới; là quá trình phân công lại lao động xã hội phát triển ngành nghề với quy mô lớn vừa đi sâu vào chuyên môn hoá vừa tăng cường hợp tác hoá; là quá trình xây dựng một nền kinh tế dân tộc tự chủ, đồng thời mở rộng kinh tế với nước ngoài, trước tiên với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.
       Đi sâu phân tích về vấn đề đổi mới quản lý kinh tế, từ năm 1970, qua tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: Quản lý kinh tế là quản lý một cơ thể sống phát triển theo những quy luật khách quan. Một chế độ quản lý chỉ được coi là thích hợp khi nào nó phản ánh đầy đủ những quy luật phát triển chung của cả nền kinh tế cũng như những biểu hiện đặc thù của nó trong từng địa phương, trong từng thành phần, từng tế bào ở từng thời kỳ. Là một sản phẩm khách quan thường xuyên biến đổi tuỳ theo trạng thái kinh tế, nó bác bỏ mọi thái độ tuỳ tiện, máy móc, lối làm việc quan liêu xa rời thực tế, nó đòi hỏi những người lãnh đạo các ngành, các cấp phải sâu sát với đời sống kinh tế, phải nhạy cảm với những nhân tố mới phát sinh ra trong thực tiễn. Nếu không nhận rõ những vấn đề có tính quy luật chung, không quán triệt những tư tưởng cơ bản của đường lối thì sẽ không thể có những quyết định đúng về quản lý kinh tế. Theo Tổng Bí thư những vấn đề có tính quy luật chung ấy bao gồm 10 điểm: (i) Nhân dân lao động làm chủ tập thể tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng; (ii) Xây dựng cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp; (iii) Gắn liền kế hoạch với hoạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch làm trung tâm; (iv) Tiến hành cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa; (v) Làm chủ phân phối lưu thông; (vi) Mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, đẩy mạnh xuất - nhập khẩu; (vii) Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới; (viii) Đáp ứng nhu cầu đời sống, tích luỹ để công nghiệp hoá và bảo đảm quốc phòng, an ninh; (ix) Xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; (x) Sử dụng sức mạnh tổng hợp của cách mạng.
Ngay tác phẩm lý luận cuối cùng của Tổng Bí thư Lê Duẩn “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế” - bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 6, khoá V, tháng 7 năm 1984, trong khi các đảng anh em dùng các khái niệm “cải tổ”, “cải cách”, Đảng ta đã dùng khái niệm “đổi mới” để thể hiện việc phải thay đổi cách nghĩ và cách làm cho phù hợp với quy luật khách quan, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, tư duy phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và nhất quán, trong đó một bộ phận quan trọng hàng đầu là các pháp luật, thể lệ, chế độ về kinh tế được Tổng Bí thư nhìn nhận từ thực tiễn: “Hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta chưa phát triển, nhiều mặt hoạt động chưa được chế định thành luật lệ và phần luật lệ, và phần luật lệ đã có tồi thì còn những chỗ chưa thể hiện đúng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nhiều cái đã lạc hậu, nhiều chỗ thiếu ăn khớp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế… Trong lĩnh vực kinh tế, phải bổ sung pháp luật và thể lệ về kế hoạch hoá, về hạch toán kinh tế, về lao động, vật tư, tài chính, về hợp đồng kinh tế và hội đồng trọng tài, về nghĩa vụ và quyền lợi mỗi công dân, mỗi đơn vị cơ sở, mỗi ngành, mỗi cấp. Pháp chế xã hội chủ nghĩa phải hoàn toàn thống nhất với nhau, từ luật của Nhà nước cho đến các quy định của các cơ quan chính quyền các cấp” [4, tr.326].
       Một số gợi ý về phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị
       Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà lãnh đạo tài ba của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn quan tâm hỗ trợ tỉnh Bình Trị Thiên xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ tư duy đổi mới, sáng tạo, những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong lĩnh vực kinh tế của Tổng Bí thư Lê Duẩn, gợi ý về phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị như sau:
       Một là, phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương
       Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo Nhân dân phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, vươn lên từ tiềm năng, đất đai và lao động. Sức mạnh cả nước kết hợp với khả năng từng vùng. Thực hiện đúng những nguyên tắc quản lý kinh tế, vừa đảm bảo sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương, vừa mở rộng và phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các cơ sở, các địa phương. Phát huy lợi thế từng địa phương, như khi về Vĩnh Linh ngay sau ngày ký kết Hiệp định Pari, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp, đắt tiền hơn, phát triển công nghiệp và có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu” [5, tr.441). Tổng Bí thư đã chỉ ra tiềm năng của vùng đất bazan màu mỡ của Vĩnh Linh cũng như của Quảng Trị và chỉ đạo Trung ương giúp đỡ Bình Trị Thiên hình thành nên vùng chuyên canh cây cao su, cây cà phê, cây hồ tiêu ở Quảng Trị - những loại cây công nghiệp phù hợp thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Về Triệu Phong, Tổng Bí thư cho rằng: “Thuỷ lợi cùng với tiềm năng đất đai và lao động là điều kiện tiên quyết để làm giàu”. Nhờ đó, công trình thuỷ nông Thạch hãn - một công trình thuỷ lợi lớn nhất trên vùng đất Quảng Trị đã ra đời, cung cấp nước cho hàng nghìn hécta ruộng với năng suất lúa tăng gấp 2 - 3 lần. Năm 1982, đứng bên bờ đê Thạch Hãn - nơi có công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã không giấu được những giọt nước mắt xúc động: “Trước bảo Quảng Trị nghèo, giờ không nghèo nữa”.
       Hai là, phát triển đa dạng ngành nghề dựa trên lợi thế cạnh tranh
       Định hướng phát triển kinh tế theo Tổng Bí thư Lê Duẩn là “Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hoá” [6, tr.951-952].
       Ba là, xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực
       Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ ra rằng, để có một nền sản xuất lớn, hiện đại; phát huy mọi khả năng về lao động và tài nguyên; giải quyết những khó khăn trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải ra sức xây dựng một cơ cấu kinh tế thích hợp: ngay từ đầu phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Quá trình phát triển từ sản xuất nhỏ, phân tán thủ công lên sản xuất lớn, hiện đại phải là quá trình vừa xây dựng những công trình quy mô lớn, vừa phát triển nhiều loại cơ sở vừa và nhỏ, rất nhỏ, trên từng địa bàn, thậm chí trên từng huyện. Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh phát huy hết mọi khả năng về lao động, trí tuệ, tài nguyên, tiền vốn, hình thành chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” làm một vấn đề thuộc bản chất của chế độ chúng ta. Đồng thời, “kết hợp kinh tế và quốc phòng xây dựng huyện thành pháo đài bảo vệ Tổ quốc” [7, tr.68], xây dựng kinh tế phải gắn liền với củng cố quốc phòng - an ninh./.
       Tài liệu tham khảo:
  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.43, tr.86-87. 
  2. Lê Duẩn, Tuyển tập (1975-1986), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.III, tr.372.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 1.45, tr.192-194.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.41, tr.326
  5. Tỉnh uỷ Quảng Trị - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.441.
  6. Lê Duẩn: Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.951-952.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.44, tr.68.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây