Những đổi thay trên quê hương Ba Lòng sau 60 năm ngày chiến thắng

Thứ ba - 20/02/2024 13:35
 
ThS. Lê Thị Thanh Nhạn
Khoa Xây dựng Đảng
      Ba Lòng – một địa danh lịch sử, nơi đây là chiến khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là một thung lũng nằm phía thượng nguồn sông Thạch Hãn, cách thị xã Quảng Trị khoảng 10 km về phía Tây. Từ Ba Lòng tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam, cũng như từ đây đi ra phía Tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn và dễ dàng đến biên giới Việt - Lào. Phát huy truyền thống anh hùng trong cách mạng và kháng chiến, con người vùng chiến khu xưa vẫn viết tiếp khúc tráng ca vượt qua khó khăn, gian khổ để cùng nhau gắng sức đồng lòng xây dựng vùng quê miền núi ngày càng đổi mới.
      1. Chiến khu Ba Lòng được thành lập
      Năm 1947, Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định rút toàn bộ lực lượng vào Ba Lòng. Địa thế hiểm trở nên Ba Lòng có vị thế đặc biệt, bảo đảm các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến.
Ngày 14/4/1947, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp tại Teng Teng thuộc vùng núi huyện Triệu Phong, quyết định chọn “vùng đất phía tây hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơơng; phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng - gọi là chiến khu Ba Lòng”[1].
      Đây là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch; các sự kiện liên quan đến 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên; là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra Bắc vào Nam. Tiêu biểu như đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ, dừng chân tại Ba Lòng năm 1949, đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng đến chiến khu năm 1951...
Trải qua thời gian, mỗi dấu ấn lịch sử ở chiến khu Ba Lòng là những sự kiện vô cùng quan trọng gắn liền với sự tồn tại, trưởng thành, phát triển của lịch sử kháng chiến quê hương, đất nước. Ở đó, cùng với những chiến công vang dội, là những đau thương mất mát, là máu thịt của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống cho mục đích thiêng liêng cao cả là giữ vững nền độc lập dân tộc.
      Sau năm 1954, Ba Lòng nằm dưới sự kìm kẹp của Mỹ - Ngụy. Trên thực tế không còn tồn tại chiến khu nhưng Ba Lòng vẫn là mảnh đất kháng chiến, người dân Ba Lòng đặt niềm tin vào Đảng. Tháng 2/1964, quận lỵ Ba Lòng bị ta tiêu diệt và từ đó quân địch dù rất quyết liệt nhưng vẫn không thể nào kiểm soát nổi. Vùng núi này lại trở thành căn cứ địa cách mạng.
Chiến khu Ba Lòng từ khi ra đời đã trở thành nơi hoạt động, trụ sở của bộ đội chủ lực, cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến, đoàn thể, quân dân bào chế và các công xưởng…; là trung tâm lãnh đạo kháng chiến. Tại đây, đã diễn ra 04 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ II vào tháng 11/1947, lần thứ III vào tháng 3/1949, lần thứ IV vào tháng 4 đến tháng 5/1950, lần thứ VI vào tháng 7/1965) và nhiều hội nghị, cuộc họp... có tính chất quyết định đến công cuộc kháng chiến ở địa phương.
      Có thể nói rằng, tại Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị, từ đây các chủ trương, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị.
      2. Những thay đổi trên quê hương Ba Lòng sau 60 năm ngày chiến thắng
      Chiến tranh đi qua, miền quê Ba Lòng xơ xác, đầy rẫy mảnh đạn, hố bom. Do địa thế nằm gọn giữa thung lũng, bốn phía là núi bao quanh nên người dân nơi đây sống gần như biệt lập với bên ngoài, chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung, tự cấp; Không điện, đường  hay cầu nối qua sông để thông thương với bên ngoài, đời sống người dân Ba Lòng gặp rất nhiều khó khăn.
      Vượt qua bao vất vả, gian nan cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo Ba Lòng những năm trở lại đây đã dần có những thay đổi đáng mừng. Đảng bộ và Nhân dân đã đoàn kết, đồng cam, cộng khổ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường để lao động bền bỉ, giáp mặt với nắng hạn, mưa nguồn, trầm thân với bão lũ, dồn hết sức mình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
      Điều thay đổi có thể thấy đầu tiên là những con đường thảm nhựa phẳng phiu, dài 12km nối trung tâm huyện lỵ Đakrông với Ba Lòng. Tiếp đến, các con đường liên thôn được bê tông hoá, những ngôi trường từ mầm non đến cấp 2, trạm y tế xã, các nhà văn hoá thôn bản được xây dựng khang trang.
      Sự đổi thay của người dân Ba Lòng được đánh dấu bởi sự kiện có điện thắp sáng từ năm 2000. Với số vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng, điện đã về đến từng nhà người dân. Hệ thống bể lọc, đường ống cung cấp nước sạch, đầu tư xây dựng phục vụ từng hộ dân. Nhờ đó, thay vì cuộc sống bị chia cắt, cách biệt giữa núi rừng trước đây, người dân Ba Lòng nay đã có điều kiện thuận lợi đi lại phát triển sản xuất, giao thương với bên ngoài.
      Về kinh tế, toàn xã Ba Lòng hiện có 314ha lạc, 292ha đậu đỗ, gần 90ha ngô với tổng sản lượng khoảng 365 tấn/năm. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân. Rà soát đánh giá theo bộ tiêu chí mới, hiện nay xã đạt 11/19 tiêu chí về Nông thôn mới. Đầu năm 2020, Ba Lòng đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 của Chính phủ, chính thức ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. Trong năm 2023, tổng số vốn thuộc Chương trình Nông thôn mới đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn là 4.531.606.000đồng[2]
Bên cạnh đó, Ba Lòng còn có những thành công đáng chú ý. Bên cạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất, toàn xã còn trồng được 2 vạn cây phân tán, có tác dụng tăng diện tích cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, kết hợp cung cấp gỗ, củi và dịch vụ du lịch. Năm 2023, tổng đàn gia súc, gia cầm là 21.804 con, cụ thể như sau: tổng đàn đại gia súc 1.352 con (trâu 749 con, bò 603 con), đạt 100,7%  kế hoạch[3].
      Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì và phát huy, tổ chức đăng ký thi đua xây dựng thôn văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa; tổ chức họp để thực hiện xét công nhận gia đình văn hóa, kết quả có 767/795 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2023, đạt 96,5%. Chất lượng giáo dục các cấp học được duy trì ổn định và có sự chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả cao. Chất  lượng, trình độ đào tạo của cán bộ quản lý từ cấp mầm non đến cấp THCS đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%; giáo viên cấp Tiểu học và THCS đạt chuẩn 83,7%; giáo viên mầm non đạt chuẩn là 88%. Ba Lòng là xã duy nhất của huyện Đakrông đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học.
      Các chương trình y tế cộng đồng chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, công tác tiêm chủng mở rộng, tẩm màn bằng hoá chất được tổ chức thực hiện đến tận các thôn, bản. Xã duy trì tốt trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người của người dân khoảng 28-29 triệu đồng/năm. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, toàn thể Nhân dân, đặc biệt bà con giáo dân chấp hành rất tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
      Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho Nhân dân.
      Chiến tranh đã lùi xa, hoa đã nở, cây cối đã thắm xanh trên những hố bom tọa độ. Vùng đất Ba Lòng - chiến khu năm xưa nay đang vươn lên, đang đổi mới. Chiến khu anh hùng càng thêm ngời sáng bởi những nụ cười vui. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ba Lòng (1964-2024) là dịp để Đảng bộ và nhân dân Ba Lòng nói riêng, nhân dân Quảng Trị nói chung nhìn lại những chặng đường vẻ vang, những chiến công xuất sắc. Hào khí của những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương, dân tộc, thống nhất Tổ quốc sẽ mãi là điểm tựa, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân Ba Lòng viết tiếp bản hùng ca trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương Quảng Trị phát triển giàu đẹp, thực hiện có hiệu quả những mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Ba Lòng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra.
      Nơi đây, không lâu nữa, sẽ không còn là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà sẽ là một trong những điểm du lịch xanh đáng nhớ trong hành trình về thăm chiến trường xưa trên mảnh đất hùng thiêng Quảng Trị.
 

[1] BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập I (1930-1954), Nxb CTQG, HN, 1996, tr.298-299
[2] UBND xã Ba Lòng, Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh xã Ba Lòng năm 2023, tr.2.
[3] UBND xã Ba Lòng, Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh xã Ba Lòng năm 2023, tr.4

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây