Phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 08/01/2024 10:01

 
                                                  ThS. Nguyễn Hải Lý
Khoa Lý luận cơ sở
     Hợp tác xã là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp.
     Luật Hợp tác xã 2012 đã khẳng định được vai trò rấtquan trọng của Hợp tác xã trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn ở nước ta. Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” để đạt được mục tiêu và xuất phát từ thực trạng nước ta điều đầu tiên là phải tạo tiền đề để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại.
     Với địa hình khá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệp và hơn 80% lao động hoạt động trong nông nghiệp thì có thể thấy rằng tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng trong phát triển hợp tác xã nhằm thực hiện thành công  nhiệm vụ của thời kỳ quá độ đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại. Cụ thể: Tính đến tháng 12/2022 toàn tỉnh có 312 hợp tác xã , trong đó có 288 hợp tác xã nông nghiệp và 24 hợp tác xã phi nông nghiệp. Toàn tỉnh có 318 hợp tác xã. Trong khi đó, năm 2020 toàn tỉnh có 318 hợp tác xã, trong đó có 290 hợp tác xã nông nghiệp và 28 hợp tác xã phi nông nghiệp và năm 2019 có 311 hợp tác xã, trong đó có 282 hợp tác xã nông nghiệp và 29 hợp tác xã phi nông nghiệp. So sánh với năm 2020 giảm 06 hợp tác xã (trong đó giảm 02 hợp tác xã nông nghiệp và 04 hợp tác xã phi nông nghiệp) và năm 2019 có tăng 01 hợp tác xã. Trong tổng số 312 HTX có 90.495 thành viên, số lao động thường xuyên tham gia trong HTX là 6.416 thành viên. Tổng số cán bộ hoạt động trong các HTX là 2.027 người, hội đồng quản trị có 857 người, ban kiểm soát 649 người, cán bộ giúp việc có 521 người (trình độ cán bộ qua đào tạo 21,09 % tổng số cán bộ hợp tác xã HTX; Trình độ cao đẳng, đại học trở lên 148 người đạt 6,86%, trung cấp có 309 người đạt 14,23%). Trong lĩnh vực nông nghiệp có 72.771 thành viên, phi nông nghiệp có 22.160 thành viên. Tổng doanh thu năm 2022 trung bình là 2.058.263 nghìn đồng/HTX. Có 12 HTX tham gia chương trình OCOP với tổng số 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm công nhận 4 sao và 9 sản phẩm công nhận 3 sao.
          Bên cạnh những thành tựu đạt được của hợp tác xã hiện nay thì vẫn còn một số hạn chế sau:
         Một là, nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tập thể và phát triển kinh tế tập thể đặc biệt là hợp tác xã trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại chưa xứng tầm với nhiệm vụ.
         Hai là, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn hạn chế, lợi nhuận thấp, lợi ích mang lại cho thành viên chưa tương xứng với đầu tư.
         Ba là, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã còn kiêm nhiệm , đội ngũ quản lý kinh tế của các hợp tác xã chưa được đào tạodo đó còn nhiều hạn chế trong điều hành, thực hiện.
          Để khắc phục những hạn chế trên theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau đây để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong tiến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn theo hướng hiện đại ở tỉnh Quảng Trị :
         Một là, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã
         Trước hết, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với nhiệm vụ, giải pháp này, Đảng bộ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt hợp tác xã.
         Thứ hai, tại địa phương hiện nay thì trên 90% tổng Hợp tác xã hoặt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của loại hình Hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh.
         Thứ ba, biểu dương, giới thiệu, tham quan học tập các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, mô hình sát nhập các Hợp tác xã quy mô nhỏ do Hợp tác xã thực hiện… trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Hai là, không ngừng củng cố và phát triển kinh tế tập thể
         Trước hết, cần tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phát triển kinh tế tập thể theo nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực đầu vào nhằm tăng năng suất, chất lượng của các bộ phận của kinh tế tập thể. Phát huy hơn nữa vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích thành viên trong Hợp tác xã, vận động thành viên Hợp tác xã nâng cao mức vốn góp, thu hút thêm thành viên mới, huy động nguồn lực.
         Đặc biệt, phát triển và hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt kế hoạch phát triển một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.
         Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tập thể
         Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Hợp tác xã. Thí điểm việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên ngành đào tạo về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể; thí điểm triển khai bảo hiểm với một số cây trồng…
         Tỉnh cần tăng cường đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với phát triển Hợp tác xã. Đồng thời, muốn thực hiện có hiệu quả của kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã thì cần kiện toàn và nâng cao năng lực, chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, nhất là cán bộ quản lý Hợp tác xã cấp huyện. Tổ chức và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề về mô hình Hợp tác xã kiểu mới.
         Bốn là, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
         Trước tiên, phải đổi mới cả về tổ chức, phương thức quản lý, phân phối và phát huy dân chủ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của các hộ thành viên, giải quyết được nhiều việc làm, ổn định và tăng thu nhập của thành viên và người lao động. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; vận động thành viên Hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp.
         Đặc biệt đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần hỗ trợ Hợp tác xã chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn. Khuyến khích hợp nhất, sáp nhập và tái cơ cấu lại các Hợp tác xã cùng ngành nghề và địa bàn để có quy mô đủ lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, quy trình nhằm tạo sức hút đối đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Hợp tác xã.
         Năm là, cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển Hợp tác xã
         Huy động mọi nguồn lực cho phát triển Hợp tác xã; khuyến khích, tạo điều kiện để các Hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào Hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh. Hỗ trợ, khuyến khích Hợp tác xã liên doanh, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.
          Đối với tỉnh Quảng Trị, được sự chỉ đạo, quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các sở ban ngành liên quan đã có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đặc biệt là Hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ rằng, với sự quan tâm đó chắc chắn phát triển kinh tế tập thể mà nồng cốt là Hợp tác xã của tỉnh Quảng Trị trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại sẽ trở thành hiện thực./

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây