ThS.Nguyễn Quốc Thanh
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Phát huy dân chủ cơ sở, nhấn mạnh vai trò của Nhân dân, đề cao vai trò chủ thể vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển và trong toàn bộ tiến trình xây dựng đất nước theo quan điểm “dân là gốc”, coi đây là sức mạnh của dân tộc, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết – dân chủ - kỷ cương và sáng tạo…Việc hoàn thiện tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và bổ sung “Dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, càng khẳng định vai trò của Nhân dân trong quá trình phát triển đất nước.
Quan điểm “dân thụ hưởng” thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng ( lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước) sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa thụ hưởng và cống hiến nếu được thực hiện được đúng sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Như vậy, “dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như đòi hỏi mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, kiểm soát thực thi các chính sách, còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất. Để “dân thụ hưởng” đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải thật sự tận tụy và sự cống hiến vượt trội hơn nữa, cán bộ phải xác định tinh thần là công bộc của dân.
Vấn đề dân giám sát và dân thụ hưởng là những vấn đề rất là quan trọng, có ý nghĩa lớn được đề cập tới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nếu như chúng ta phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân thì có thể ngăn ngừa từ sớm những tiêu cực trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người dân chỉ thực sự thụ hưởng, khi và chỉ khi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở thành dịch vụ công ích minh mạch, chứ không phải “xin cho” hay “ban phát”.
Để dân thực sự được thụ hưởng trong thực hiện dân chủ cơ sở theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, thời gian tới cần phải nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện theo quy định của Hiến pháp. Thường xuyên tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tôt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Muốn thực hiện quyền làm chủ thì trước tiên Nhân dân phải hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về các quyền tự do dân chủ ở cơ sở của mình. Chỉ khi nào người dân biết sử dụng và phát huy các quyền dân chủ thì các lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, các quyền và lợi ích của mỗi người dân mới được bảo đảm. Đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực chất và hiệu quả, đồng thời chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, xâm hại lợi ích của nhân dân. Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương các cơ quan, đoàn thể, đơn vị…trước hết là trong các tổ chức đảng; công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm hại đến quyền làm chủ của Nhân dân.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, tập trung các nội dung: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm các quy trình của Quy chế dân chủ ở cơ sở, không cắt xén hoặc hình thức hóa các hoạt động. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thực sự “của dân, do dân, vì dân”. Các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Cần công khai minh bạch tất cả những hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng (ngoại trừ những vấn đề bí mật quốc gia) bao gồm cả việc giám sát của nhân dân đối với công tác cán bộ. Có như vậy người dân thực sự thụ hưởng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.