Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ sáu - 05/05/2023 09:59
 
                                                                  ThS.Lê Thị Tường Anh
                                                                            Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
    Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Đây là hoạt động nhằm hiện thực hoá quyền dân chủ của công dân, là sự cụ thể hoá quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đây cũng là biểu hiện sinh động phản ánh bản chất dân chủ của Nhà nước ta, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mặt khác, thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
    Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tiếp Công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018; Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trên cơ sở đó ngày 22/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân định kỳ, đột xuất tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh số 45, đường Trường Chinh, Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND tổ chức tiếp công dân định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, nếu ngày 25 trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thì bố trí tổ chức tiếp công dân vào ngày làm việc tiếp theo và niêm yết thông báo tại trụ sở Ban Tiếp công dân cho công dân được biết. Ban Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các vụ việc phát sinh, phức tạp để được chỉ đạo, giải quyết; trước các phiên tiếp công dân định kỳ (ít nhất 05 ngày), Văn phòng UBND tỉnh phát hành giấy mời lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan tham gia tiếp công dân cùng Chủ tịch UBND tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy định 11-Qđi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về  Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 và Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể để công dân tự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, đảm bảo việc khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị còn chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.
    Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chủ tịch UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân năm sau đều giảm hơn so với năm trước. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh đã được thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật; một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại địa phương chưa phát sinh tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, vượt cấp lên cấp Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước.
    Tình hình kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại theo Báo cáo số 210/BC-UBND ngày 30/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị  như sau: Trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 45 đơn khiếu nại, giảm so với cùng kỳ năm 2021 là 17 đơn. Trong đó đủ điều kiện thụ lý và đã thụ lý giải quyết 20 đơn/02 vụ việc, cụ thể: Thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh là: 09 đơn (đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là: 06 đơn/06 vụ việc; đang giải quyết là: 02 đơn/02 vụ việc; đình chỉ giải quyết là: 01 đơn/01vụ việc); Thẩm quyền giải quyết của Giám đốc các sở, ban ngành là 02 đơn/02 vụ việc (đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là: 01 đơn/01vụ việc; rút đơn, đình chỉ giải quyết là: 01 đơn/01vụ việc); Thẩm quyền quyết của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã là:  09 đơn/09 vụ việc (đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là: 05 đơn/05vụ việc; rút đơn, đình chỉ giải quyết là: 04 đơn/04 vụ việc).
    Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, chưa đáp ứng hết nhu cầu gặp trực tiếp lãnh đạo để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của công dân. Nhiều nơi chưa gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ chế phối hợp giữa bộ phận tiếp công dân với bộ phận tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng nên nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp chưa chính xác, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Trình độ năng lực của cán bộ tiếp công dân ở một số nơi chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Ý thức pháp luật, sự hiểu biết và tiếp nhận các chế độ chính sách pháp luật của nhà nước đối với một số công dân còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và kịp thời. Bởi vậy, công dân và người tiếp công dân gặp không ít khó khăn trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
    Để đổi mới, nâng cao chất lượng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thực hiện một số giải pháp sau:
    Một là, cần thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 35 và Quy định 11của Bộ Chính trị cũng như các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi hành về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nêu cao vai trò của người đứng đầu UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trong việc chú trọng công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất, tăng cường trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân, kịp thời giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu rõ, cũng như giải quyết các vụ việc thỏa đáng, đúng pháp luật.
    Hai là, bố trí đủ cán bộ và lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng làm công tác tiếp dân. Bên cạnh nắm vững kiến thức chuyên môn, vận dụng chuẩn xác các qui định của pháp luật vào công việc hằng ngày, cán bộ tiếp dân phải có tinh thần trách nhiệm cao, gần gũi công dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, luôn có ý thức cầu thị, linh hoạt nhạy bén trong xử lý tình huống, có thái độ ứng xử phù hợp, thông minh. Rèn luyện nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong tiếp công dân sẽ có tác dụng hết sức to lớn.
    Ba là, thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định; kịp thời tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo khi được giao nhiệm vụ, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ngay từ cơ sở.
    Bốn là, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đến từng người dân nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, có nhiều nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người nghe nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
    Năm là, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo khiếu nại, tố cáo. 
    Công tác tiếp dân của các ngành, các cấp là một việc làm quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc. Nó vừa thể hiện rõ quan điểm “ lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước ta, vừa giúp cho cơ quan nhà nước giải quyết có hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân; nắm được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ở các địa phương từ đó hoạch định một cách chính xác chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Tạo dựng cơ chế và phương thức cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ thực sự, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực./.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây