Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 16/01/2023 08:38

 
                                                                                                    GV. Nguyễn Hải Lý
                                                                                                    Khoa Lý luận cơ sở 
 
Chế biến gỗ là quá trình chuyển hóa gỗ nguyên liệu dưới tác động của thiết bị, máy móc hoặc công cụ, hóa chất để tạo thành các sản phẩm có hình dáng, kích thước, thành phần hóa học thay đổi hẳn so với nguyên liệu ban đầu. Ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất, có vị trí vai trò quan trọng trong khu vực công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ nói riêng và ngành công nghiệp chế biến nói chung. Ngành công nghiệp chế biến gỗ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đây là ngành chủ chốt trong chuỗi giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp trên cả ba phương diện sản xuất – chế biến – tiêu thụ; là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Quảng Trị là tỉnh có điều kiện và địa hình đa dạng, ngoài vùng đồng bằng của các lưu vực sông và ven biển thì vùng đồi núi, trung du của tỉnh phần lớn được kiến tạo bởi đất đỏ bazan rất thích hợp trồng các loại cây công nghiệp nhất là cao su và keo. Với vùng nguyên liệu dồi dào, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng chế biến sâu và trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp lớn cho sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Với tiềm năng, lợi thế đó nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị vẫn chưa được đầu tư chế biến sâu và chưa có được thị trường ổn định 90% sản phẩm được bán qua khâu trung gian, riêng sản phẩm của Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị có thị trường xuất khẩu ổn định. Công nghệ chế biến hiện nay của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn còn thô sơ manh mún mang nặng tính thủ công. Về cơ bản nguồn gỗ rừng trồng trên địa bàn có khả năng đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy và cơ sở chế biến hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay một số nhà máy hoạt động không đạt công suất thiết kế, nhất là các dự án sản xuất viên nén gỗ, ván ghép thanh, … do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; giao thông vận tải, thuế, lưu thông gỗ nguyên liệu… nên khối lượng gỗ nguyên liệu thu gom, xuất bán ra các tỉnh lân cận khá lớn (khoảng trên 1/3 tổng sản lượng khai thác trên địa bàn). Mặt khác, các sản phẩm cung ứng cho thị trường hiện nay của ngành chế biến gỗ của tỉnh chỉ mới dừng lại ở dạng nguyên liệu thô đó là những sản phẩm như gỗ thanh nguyên liệu, dăm, ván ép… cho nên giá trị mang lại chưa cao.
Về quy mô ngành công nghiệp chế biến gỗ
Một là, số lượng doanh nghiệp
Ngành chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị có nhiều thay đổi, năm 2015 có 84 doanh nghiệp tăng 31 doanh nghiệp (2010), bình quân giai đoạn 2010 – 2015 ngành CNCB tỉnh Quảng Trị có tốc độ tăng 9,65%/năm đến năm 2018 là 112 doanh nghiệp, năm 2021 thì có 186 doanh nghiệp[1] (138 cơ sở, 48 nhà máy) tăng 102 doanh nghiệp.
Như vậy, so sánh giữa ngành CNCB gỗ Quảng Trị với toàn ngành CNCB của tỉnh ta thấy: năm 2010 số doanh nghiệp chế biến gỗ chiếm 40,77% so với toàn ngành CNCB và giảm xuống 39,07% năm 2015 và năm 2021 tăng 48,8%. Điều này cho thấy trên địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp trong ngành CNCB gỗ tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng tốc độ phát triển số lượng doanh nghiệp có chậm hơn so với toàn ngành CNCB của Tỉnh. Doanh thu bình quân/tháng của 48 nhà máy chế biến gỗ là 216.893.732 (1000đ)/tháng; đối với các 138 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ thì doanh thu bình quân /tháng là 32.728.000 (1000đ)/tháng[2]. Trong đó: 46% doanh nghiệp chế biến gỗ có qui mô siêu nhỏ, 49% doanh nghiệp chế biến gỗ qui mô nhỏ, 1,7% qui mô vừa và 2,5% qui mô lớn. Có thể thấy rằng, doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Quảng Trị chủ yếu có qui mô vốn vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Điều này có thể khẳng định rằng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp của tỉnh thấp, thiếu vốn để đầu tư vào máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nên dễ nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 100% doanh nghiệp chế biến gỗ là doanh nghiệp của người Việt không có doanh nghiệp nước ngoài tham gia ngành nghề này.
Trong 10 năm trở lại đây, sự phát triển ngành CNCB gỗ được nhìn nhận là tăng về số lượng cơ sở chế biến, tăng công suất, công suất thiết kế của nhiều doanh nghiệp được mở rộng và được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam (VFA, 2020) tổng công suất của các cơ sở chế biến gỗ hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 2.525.740 tấn/năm với nhiều sản phẩm công nghiệp phong phú và đa dạng (gỗ dăm, gỗ xẻ, ván ép, gỗ dán, ghép thanh, viên nén…).
Hai là, năng lực sản xuất của doanh nghiệp (vốn, lao động)
Đối với quy mô với vốn, trong giai đoạn 2010- 2020 thì quy mô vốn sản xuất trong DN CNCB Gỗ Quảng Trị có xu hướng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc ngành CNCB gỗ của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh xu hướng mở rộng và đầu tư hơn để phát triển các sản phẩm của ngành. Với tốc độ tăng bình quân năm của tỉnh Quảng Trị là 25,79%/năm[3]. Đặc biệt, trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư mạnh trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ như: Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị, Công ty TNHH Phương Thảo (thành phố Đông Hà), Công ty CP Long Hưng Thịnh, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị (huyện Hải Lăng), Công ty CP Tiến Phong, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (huyện Cam Lộ), Công ty CP Lâm sản Quảng Trị (huyện Vĩnh Linh) và nhiều doanh nghiệp và các cơ sở cưa xẻ nằm rãi rác ở các huyện, thị xã, thành phố… Năm 2020 Công ty TNHH MTV Hào Hưng xây dựng nhà máy sản xuất ván ghép thanh, ván ép, viên nén và dăm gỗ xuất khẩu. Dự án có quy mô 6,67 ha, tổng vốn đầu tư 318 tỷ đồng. Trong đó, công suất ván ép 50.000 m3; ván ghép thanh 12.000 m3; viên nén năng lượng 50.000 tấn và dăm gỗ 50.000 tấn mỗi năm…
Về kết quả sản xuất của ngành công nghiệp chế biến gỗ
Giá trị sản xuất của ngành năm năm 2015, giá trị sản xuất của ngành CNCB gỗ Quảng Trị đạt 1.136,79 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 19,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành CNCB của toàn tỉnh. Năm 2019, giá trị sản xuất ước đạt 2.700 tỷ đồng, chiếm 33,8% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chế biến của toàn tỉnh; năm 2020 giá trị sản xuất của ngành CNCB gỗ Quảng Trị đạt 3.150 tỷ đồng[4], tăng bình quân 16%/năm. Có thể thấy ngành CNCB gỗ đóng góp quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô ngành vẫn còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại và giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp.
Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp làm từ gỗ đều có xu hướng giảm theo thời gian, chỉ riêng nhóm sản phẩm ván ép có mức tăng trưởng ổn định và đều đặn, đặc biệt khối lượng sản phẩm năm 2016 tăng 86% so với năm 2015. Năm 2010 tổng khối lượng sản phẩm công nghiệp làm từ gỗ 219.974m3 đến năm 2015 đạt 265.249m3 tăng 20,58%, đến năm 2021 đạt 697.501m3 tăng 265.249m3 so với năm 2015. Điều này cho thấy, số lượng sản phẩm công nghiệp làm từ gỗ của tỉnh tăng mạnh với nhiều loại gỗ: gỗ xẻ, gỗ dán, ván ép, dăm gỗ….
Trong những năm qua, ngành CNCB gỗ đã có những bước tiến vượt bậc trong chiếm lĩnh thị trường trong nước và kim ngạch xuất khẩu gia tăng hàng năm, giá trị cán cân thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng cao và dành được vị trí mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao hằng năm. Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng và dăm gỗ của các doanh nghiệp Quảng Trị đã có sự thay đổi trong năm 2015 theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 – 2020 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 18,65 triệu USD, năm 2016 đạt 1,44 triệu USD, đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.012.908 tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 88,776 triệu USD; năm 2020 đạt 102,3 triệu USD [5]chưa đạt mục tiêu Đề án đặt ra (120 tỷ đồng); năm 2021 giảm còn 77,5 triệu USD[6].
Về nhu cầu về nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp chế biến gỗ
Cùng với sự phát triển của ngành CNCB gỗ thì nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu phát triển một cách mạnh mẽ. Năm 2015, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 242,3 nghìn ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng là 100,7 nghìn ha đến năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt trên 112.127 ha; diện tích rừng sản xuất đạt khoảng 114.932 ha; có trên 23.400 ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC; năm 2020 diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 293.242,3 ha đất có rừng, trong đó diện tích đất có rừng là 245,8168 nghìn ha và đất quy hoạch phát triển rừng 48,05120 nghìn ha. Năm 2021 tổng diện tích rừng hiện có là 245,996.00 nghìn ha[7]. Như vậy, nguồn nguyên liệu này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến lâm sản trong tỉnh. Điều đó cũng cho thấy tỉnh Quảng Trị có lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất chủ yếu, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.
So sánh tốc độ tăng trưởng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Trị và cả nước cho thấy diện tích rừng tự nhiên giảm 1,3% ngược lại tỉnh Quảng Trị có mức tăng 3,5% trong giai đoạn 2010-2015, giai đoạn 2015 – 2021 là 1,525%. Tốc độ tăng trưởng rừng trồng của cả nước là 26% và tỉnh Quảng Trị là 9,8% trong giai đoạn 2010-2015, giai đoạn 2016 – 2021 là 2,1%/năm. Tương tự, tốc độ tăng trưởng bình quân năm rừng trồng mới của cả nước là 23,2% và của tỉnh Quảng Trị là 7,07%. Như vậy tốc độ tăng diện tích rừng trồng mới của tỉnh Quảng Trị thấp hơn so với cả nước.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tại Quảng Trị tăng liên tục qua các năm, năm 2010 là 4.042,60 nghìn m3 đến năm 2015 sản lượng gỗ khai thác đạt 9199,2 nghìn m3, tăng 5156,6 nghìn m3, tương ứng tăng bình quân 1031,32 nghìn m3/năm với tốc độ tăng bình quân năm là 17,78%, năm 2019 đạt 19,5 triệu m3; năm 2020 đạt 20,5 triệu m3 và năm 2021 là 32 triệu m3. Năm 2010, sản lượng gỗ khai thác của cả nước đạt 4.042,6 nghìn m3. Tương tự, sản lượng khai thác gỗ của Quảng Trị tăng từ 105,70 nghìn m3 năm 2010 lên 399,00 nghìn m3 năm 2014 tương ứng tăng 58,66 nghìn m3/năm với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 39,39%. Đến năm 2019 đạt 951.048 m3, năm 2020 đạt 922.854 m3 và năm 2021 đạt 944.013 m3 giảm 7.035 m3 so với năm 2019.
Qua phân tích trên có thể thấy được rằng, trong những năm gần đây các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh của ngành công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ đã có nhiều đóng góp cho xã hội, mang lại nguồn thu nhập cho tỉnh đặc biệt là nguồn thu ngoại tệ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến gỗ trong thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế và có dấu hiệu của sự phát triển mang tính thiếu bền vững. Cụ thể: 90% các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh chỉ mới dừng lại ở dạng nguyên liệu thô đó là những sản phẩm như gỗ thanh nguyên liệu, dăm, ván ép… hàm lượng chế biến thấp. Trên thực tế chúng ta vẫn chưa tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh; sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế biến còn thấp trình độ lao động phần lớn còn thô sơ, áp dụng khoa học công nghệ trong chế tạo sản phẩm còn hạn chế;
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên tập trung chủ yếu ở những nội dung sau:
Một là, trong những năm gần đây tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông, cảng biển, kho tàng bến bãi, phương tiện bốc xếp hàng hoá… để phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa trong đó có ngành sản xuất chế biến gỗ đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của tỉnh cũng như của ngành gỗ nói riêng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng bến cảng cho ngành nhưng thực tế số lượng còn khá ít, còn thô sơ chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài cho ngành.
Hai là, hầu hết các doanh nghiệp của ngành chế biến gỗ của tỉnh hiện nay còn khá khiêm tốn, quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ chưa hiện đại còn khá lạc hậu (số lượng doanh nghiệp có quy mô dưới 1 tỷ đồng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao), chuyên môn của các doanh nghiệp chủ yếu là gia công nguyên liệu cho các công ty lớn trong nước và xuất khẩu ra thị trường bên ngoài,.
Ba là, mặc dù năng lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu của tỉnh được đánh giá cao trong khu vực không những đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tuy nhiên để tham gia tạo ra “sản phẩm cuối cùng” thì chất lượng gỗ nguyên liệu của chúng ta vẫn chưa đảm bảo. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng cốt yếu do sự chênh lệch giá cả của gỗ làm nguyên liệu ván ép và gỗ để làm nguyên liệu tạo ra sản phẩm cuối cùng không cao chính vì vậy người trồng có sự lựa chọn, so sánh giữa cái được – cái mất, rủi ra xảy ra.
Bốn là, trong cạnh tranh những sản phẩm cuối cùng của ngành công nghiệp chế biến gỗ về giá thì hầu hết các doanh nghiệp gỗ ngoại tỉnh như Quy Nhơn, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng bến cảng được đầu tư hiện đại. Đây là sức ép rất lớn đối với các ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh khi tham gia sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững hơn và trở thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp của địa phương, UBND tỉnh này đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025”. Trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD; đưa đồ gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường. Thì cần định hướng một số nội dung như sau:
- Đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm tạo nên sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao;
- Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ phải trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia;
- Phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phải phù hợp với định hướng qui hoạch phát triển vùng;
- Phát triển công nghiệp chế biến gỗ phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tập trung đầu tư vào những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao;
- Phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, kết hợp với nhập khẩu công nghệ cao.
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững hơn trở thành nền tảng đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đối cơ quan quản lý nhà nước
          - Cần tập trung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong sản xuất và chế biến sản phẩm từ gỗ; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng chính phủ về một số nhiệm vụ về giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản gỗ phục vụ xuất khẩu.
- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch ngành chế biến, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành CNCB gỗ theo hướng chế biến sâu và phát triển bền vững.
- Chú trọng công tác đào tạo cho những công nhân kiến thức và kỹ năng, tay nghề phù hợp với sản xuất gỗ và chế biến sản phẩm gỗ; nâng cao trình độ vận hành máy móc, thiết bị của công nhân; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành sản xuất, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của đội ngũ quản lý…
- Cần chú trọng phát triển dịch vụ Logistics phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay tại Quảng Trị, dịch vụ vận tải (đường bộ và đường biển) và dịch vụ kho tàng bến bãi là hai hình thức dịch vụ Logistics phổ biến và có nhiều lợi thế nhất…
- Huy động và điều chỉnh cơ cấu đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ như nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất chế biến gỗ hiện có, từng bước chuyển đổi mặt hàng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển ngành và xu hướng thị trường; Khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ.
- Nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xúc tiến và xây dựng chiến lược thị trường, nhằm tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ để phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước; Hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp chế biến gỗ kết hợp hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại trên địa bàn. Tập trung xây dựng thương hiệu hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ có chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm theo hướng chế biến sâu; tăng cường tổ chức công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hoạt động như tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm gỗ Quảng Trị với các địa phương khác…; tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ để hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở sản kinh doanh chế biến gỗ.
Đặc biệt, cần nâng cao năng lực dự báo thị trường (dự báo trung hạn và dài hạn) về: số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ mà thị trường cần; tìm kiếm thị trường ổn định. Đồng thời, hình thành mối quan hệ gắn kết chuỗi doanh nghiệp trong cung ứng - sản xuất - tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.
- Đẩy mạnh hoạt động quảng cáo và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp
- Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu hiện có như keo, tràm, bạch đàn, xoan, cao su, ván MDF... để sản xuất sản phẩm. Nguyên liệu là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ. Hiện nay ở tỉnh ta đã có nhiều dự án phát triển nguyên liệu đã và đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh triển khai thực hiện như: Tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng gắn với thuê đất, thuê rừng theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức thực hiện Quyết định số 3359/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2773/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt hiệu chỉnh số liệu diện tích chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh quy định tại Quyết định số 3359/QĐ-UBND. Do đó, các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu chủ động có kế hoạch ký hợp đồng thu mua nguyên liệu từ các nguồn nêu trên.
- Huy động nguồn lực và phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo công nghệ cao, từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận các nguồn tài chính để đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao có thể tham gia chuỗi sản phẩm công nghiệp chất lượng của khu vực và quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng đã nêu quyết tâm tận dụng các cơ hội mang lại từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”[8] để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư dữ liệu, thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng, việc sở hữu và tiếp cận được nguồn thông tin chính xác với tốc độ nhanh là một trong số các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do đó, đối với các doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói chung, và doanh nghiệp ngành CNCB gỗ tỉnh Quảng Trị nói riêng đang có nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tin chắc rằng, nếu thực hiện được tất cả những giải pháp nêu trên sẽ thực hiện mục tiêu đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Quảng Trị trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu tổng quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”[9]./.
 

[1] Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị: Tổng hợp nhà máy, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2022
[2] Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị: Tổng hợp nhà máy, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2022
[3] Niêm giám Thống kê tỉnh Quảng Trị, H.2021.
[4] Niêm giám Thống kê tỉnh Quảng Trị, H.2021, tr.333
[5] Báo cáo số 1717/BC-SCT của Sở Công thương, ngày 10 tháng 11 năm 2020 về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại năm 2020, giải pháp thực hiện trong năm 2021
[6] Báo cáo số 1921/BC-SCT của Sở Công thương, ngày 24 tháng 11 năm 2021 về Tình hình phát triển công nghiệp, thương mại năm 2021, giải pháp thực hiện trong năm 2022
[7] Niêm giám Thống kê tỉnh Quảng Trị, H.2021, tr.234
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.329
[9] Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Văn kiện Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, N.2021, tr.53.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây