ThS. Nguyễn Thị Hồng Sâm
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
Ngày 27/1/2023 chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris. Thắng lợi này là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Pari là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Với Quảng Trị, chỉ vài tháng sau hiệp định Paris, mảnh đất này lần thứ ba được chọn làm “thủ đô”trong bối cảnh đặc thù của đất nước.
Lần thứ nhất, khi chúa Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở Ái Tử năm 1558, Quảng Trị là miền đất dựng nghiệp. Lần thứ hai, xứ Cùa (huyện Cam Lộ) được chọn làm thủ đô kháng chiến khi Vua Hàm Nghi lập căn cứ Tân Sở (1885) chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp khi kinh đô thất thủ. Gần 100 năm sau, năm 1973, Cam Lộ một lần nữa lại được chọn là “thủ đô kháng chiến” của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) .
Với việc giải phóng Quảng Trị, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam không chỉ trên các chiến trường mà việc tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới trên mặt trận ngoại giao cũng vô cùng quan trọng. Chính phủ cách mạng lâm thời của CHMNVN cần có một trụ sở làm việc, tiếp các Nguyên thủ quốc gia đến thăm , các đại sứ trình quốc thư …Nhiều người dân sống tại khu vực này cho biết từ tháng 3 năm 1973 nhân dân bắt đầu thấy các đoàn công tác đến khảo sát địa điểm xây dựng trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN). Sau khi khảo sát, Trung ương đã chọn vùng đất thuộc xóm Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ ) làm nơi xây dựng trụ sở làm việc.
Ngay khi chọn được địa điểm xây dựng, các chuyến tàu liên tục vận chuyển vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn ván từ miền Bắc vào cập cảng Đông Hà. Đơn vị được chọn thi công là hơn 500 cán bộ, công nhân của Công ty xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An .Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất công trình, một nhóm kỹ sư thông tin liên lạc của Bưu điện Hà Nội được khẩn trương vào đây với nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cũng như trực đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN ra Hà Nội.
Đặt mục tiêu phải hoàn thành “công trình thủ đô” cho kịp ngày 6/6/1973 , dự kiến Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 4 năm thành lập (6/6/1969 - 6/6/1973), trong khi mảnh đất Quảng Trị vẫn còn ngổn ngang một bãi chiến trường, điều kiện thi công cực kỳ khó khăn, thiếu thốn nhưng tất cả đều quyết tâm và làm việc cả ngày lẫn đêm để trụ sở được hoàn thành đúng như kế hoạch.
Sau khi tập kết vật liệu và các phương tiện, các đơn vị đã thi công xuyên ngày xuyên đêm với khí thế thần tốc. Khởi công vào ngày 6/5/1973 và ngày 30/5/1973 công trình được hoàn thành.
Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được xây dựng trên diện tích 17.300m2, chia làm 2 khu độc lập: A và B. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, Nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, nhân viên cán bộ của Chính phủ. Kết cấu của các khu nhà trụ sở Chính phủ CMLT CHMNVN theo kiểu nhà lắp ghép: hai xông, mái nhọn, vài kèo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ. Ba mặt của khu trụ sở được các hào sâu của thành Tiểu Tràng Sơn bảo vệ chắc chắn.
Khu trụ sở được xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn nhưng vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như: Điện, máy nước, vườn hoa, cây cảnh... đặc biệt khu nhà tiếp khách của Chính phủ rất trang nhã và lịch sự. Khu chính phủ được phân bố hài hòa giữa các dãy nhà quy hoạch thoáng đẹp, trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cổ thụ và cây cảnh, đặc biệt các hàng dừa trong khu trụ sở là biểu tượng sức sống quật cường của nhân dân và cách mạng miền Nam.
Với tinh thần quyết tâm thời chiến, việc xây dựng “Khu chính phủ” hoàn thành như một chiến dịch buộc phải chiến thắng. Sáng 6/6/1973 hàng ngàn người dân trong vùng giải phóng Quảng Trị đã có mặt tham dự Lễ mít tinh do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức. Không chỉ các thành viên Chính phủ, buổi lễ còn có sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước; đặc biệt đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu tới dự, làm lễ trình Quốc thư. Cũng tại nơi đây, vào cuối năm 1973, các đồng chí lãnh đạo của các nước anh em, trong đó có đồng chí Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba; đồng chí Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân miền Nam. Đặc biệt câu chuyện đồng chí Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị và trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN đã truyền đi nguồn cảm hứng tích cực với công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, âm vang của nó lan rộng ra cả bạn bè quốc tế với hình ảnh của vị lãnh tụ đến từ đất nước Cuba trong bộ đồ chiến trận, đứng trên xác xe tăng Mỹ, kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam như một cam kết đồng chí anh em mà như sau này có lần vị lãnh tụ Cuba đã nhắc : “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng dâng hiến máu của mình” .
Chưa đầy hai năm sau buổi mít tinh đó, ngày 30/4/1975 lịch sử đã sang trang, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đã giành thắng lợi hoàn toàn. Khu trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN được giao cho một đơn vị quản lý thêm một thời gian rồi chuyển giao lại cho một đơn vị xây dựng dân sự quản lý.
Tháng 8/1985, cơn bão số 8 đã thổi bay hệ thống nhà cửa còn lại trong Khu Chính phủ. Sau ngày tái lập tỉnh (7/1989), những người làm công tác bảo tồn di tích tỉnh nhà đã lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền và được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1991. Những nỗ lực của ngành văn hóa tỉnh nhà sau đó, Khu Chính phủ đã dần phục dựng lại các công trình trên chính nền nhà xưa, với kết cấu, vật liệu đảm bảo như nguyên bản.
Sau khi khôi phục nhà trình Quốc thư và Bia kỷ niệm di tích, ngày 24/3/2019, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông đã tổ chức khởi công phục dựng Nhà làm việc Bộ Ngoại giao của Di tích Chính phủ CMLTCHMNVN.
Cùng với đơn nguyên nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, các công trình khác đang xây dựng hồ sơ phục chế để khu di tích này ngày càng hoàn thiện, xứng đáng là một di tích được quan tâm và thu hút du khách trong các tour tuyến tham quan Quảng Trị.
Có thể nói, chiến thắng mở ra “vùng giải phóng Quảng Trị” thời điểm 1972 và Hiệp định Paris 1973 là tiền đề để Quảng Trị thêm một lần nữa trở thành “thủ đô kháng chiến”. Chỉ với hai năm từ 1973- 1975 làm “thủ đô” nhưng vai trò lịch sử của mảnh đất này, của di tích này trong tiến trình đấu tranh thống nhất Tổ quốc dài hơn con số thời gian kia rất nhiều, và di tích này mãi mãi là một mốc son trên bản đồ Quảng Trị !
Ảnh :
Ảnh 1: Bia di tích trong khuôn viên trụ sở
Ảnh 2: Những hình ảnh trình Quốc thư năm 1973 được trưng bày ở khu di tích hôm nay
Ảnh 3: Toàn cảnh khu di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN
Ảnh 4: Lãnh tụ Fidel thăm vùng giải phóng Quảng Trị (tư liệu)
Ảnh 5: Nhà làm việc Bộ Ngoại Giao CP CMLTCHMNVN
Ảnh 6. Phòng tiếp khách của CPCMLTCHMNVN tại khu di tích.