CN. Phạm Thị Như Quỳnh
Khoa Lý luận cơ sở
Là một lực lượng đặc biệt quan trọng không chỉ trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc mà ngay cả trong giai đoạn xây dựng đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đội ngũ trí thức luôn có vị trí, vai trò và cống hiến to lớn. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”1 và chỉ rõ: "Trí thức công nông hoá, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần"2. Với một lực lượng đông đảo, bao gồm những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo đồng thời tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho xã hội… đội ngũ trí thức đã và đang có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các kỳ đại hội trước về xây dựng đội ngũ trí thức, ngày 6/8/2008 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến ngang với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị. Việc tập trung, phát huy nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao không chỉ là cơ sở để hoàn thành các kế hoạch của thành thố trực thuộc tỉnh nói riêng mà còn liên quan đến các mục tiêu dài hạn của tỉnh nhà. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, Chương trình hành động số 70-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 19/12/2008, Ban Thường vụ Thị ủy Đông Hà (nay là Ban Thường vụ Thành ủy Đông Hà) đã xây dựng Chương trình hành động số 18-CTHĐ/TU, ngày 25/2/2009 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện trên các lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và các văn bản liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Sau gần 15 năm thực hiện, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn thành phố Đông Hà đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
Thứ nhất, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức
Hiểu rõ vai trò của việc có được môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi ảnh hưởng rất lớn phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nên trong những năm qua, vấn đề này đã được các cấp ủy, chính quyền thành phố Đông Hà đã quan tâm, thể hiện trên những mặt sau:
Một là, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều văn bản phù hợp thực tiễn cơ quan, đơn vị nhằm tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện được nhiều đề án và ứng dụng có giá trị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm làm cơ sở nâng cao chất lượng, phát huy tính sáng tạo, nhiệt huyết của họ.
Hai là, nhằm tạo những điều kiện làm việc thuận lợi nhất có thể để đội ngũ trí thức thực hiện tốt công việc của mình, thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất. Cụ thể: xây dựng khang trang trụ sở làm việc của các cơ quan khối Đảng, HĐND, UBND thành phố, UBND phường và các đơn vị trường học, trung tâm VHTT – TDTT...; trang bị máy vi tính, máy in và một số trang thiết bị khác để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức
Trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, thành phố đã ưu tiên tuyển dụng đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc theo quy định tại Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND, ngày 27/02/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tuyển dụng đào tạo cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý phòng, ban, đoàn thể thành phố và chức danh chủ chốt các phường thuộc thành phố Đông Hà giai đoạn 2013 – 2020 theo Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy và tuyển dụng theo chính sách thu hút, tạo nguồn tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 05/12/2017 của Chính phủ. Với các chủ trương đúng đắn trên, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh nhà, gần 15 năm qua, thành phố đã tuyển dụng được 42 thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và giỏi về công tác tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị của thành phố và UBND các phường.
Công tác thi đua, khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn cũng được quan tâm, nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức có thành tích trong công tác. Gần 15 năm qua, thành phố đã xét và quyết định nâng lương trước thời hạn cho 32 lượt cán bộ, công chức, người lao động; hàng năm, có trên 70% cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trong đó có trên 15% đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp và đã được khen thưởng kịp thời. Đồng thời UBND thành phố cũng kịp thời khen thưởng đột xuất đối với các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người hoạt động không chuyên trách ở phường, khu phố lập được thành tích lớn trong công tác công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm khích lệ, động viên tinh thần của đội ngũ.
Trong việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ; các cấp ủy, chính quyền có nhiều phương thức quản lý phù hợp, mạnh dạn bổ nhiệm một số cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và tương đương.
Thứ ba, phát huy trách nhiệm của tri thức trong các Hội, nhóm và nhiều lĩnh vực
Với quan điểm: xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước và đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Với sự tăng lên về số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức đã tạo ra nhiều sản phẩm, công trình góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có Hội đồng Khoa học và Công nghệ; Hội Khuyến học thành phố và các hội khuyến học phường; 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố; 09 Trung tâm học tập cộng đồng. Đây là những địa chỉ góp phần tích cực để trí thức phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đồng thời tạo nên phong trào thi đua trong nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống; tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức
Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành, các lĩnh vực đối với sự phát triển của địa phương; thành phố đã luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp như: đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố và cán bộ, công chức phường gồm 1.490 người; trong đó, trình độ thạc sĩ có 70 người, trình độ đại học 1.256 người, cao đẳng và trung cấp 164 người; trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp và trung cấp là 349 người. Kết quả trên một lần nữa khẳng định những nỗ lực của các cấp ủy, lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng một đội ngũ trí thức “vừa hồng vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị, tư tưởng, lập trường vững vàng, có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của thành phố. Đồng thời còn chăm lo công tác bồi dưỡng phát triển Đảng đối với đội ngũ trí thức. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thông qua các hội nghị, cuộc họp giao ban..., hoạt động đối thoại giữa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với những người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã cởi mở, dân chủ hơn. Tại đây, các vấn đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận để tranh thủ ý kiến, sự đóng góp của đội ngũ trí thức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hình thành cơ chế tăng cường vai trò tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong việc hoạch định, đề ra những chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Từ đó, tạo nên sức mạnh, sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ trí thức của thành phố đã phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần đưa thành phố ngày càng phát triển, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nhiều năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là: chưa có sự quan tâm đúng mức của một số ít cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phường mẫu mực; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tuy được quan tâm nhưng chưa có sự cân đối giữa các ngành; một số ít cán bộ, công chức tác phong làm việc và kỹ năng còn thụ động; các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức phường còn nhiều bất cập.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin và internet trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi đội ngũ trí thức phải vừa có đức, vừa có tài, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở kế thừa, phát huy qua điểm về các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay được Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ ra, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”3. Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và là “đầu tàu” của tỉnh nhà trong việc thực hiện các mục tiêu chung, thành phố Đông Hà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới, trên tinh thần Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: “Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Kịp thời bổ sung các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 70-CTHĐ/TU “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” gắn với việc ban hành, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.
Thứ hai, cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ trí thức của thành phố, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; đa dạng hóa, kêu gọi và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ trí thức hợp lý về số lượng và chất lượng. Phát huy năng lực sáng tạo và tham gia nghiên cứu khoa học của cộng đồng doanh nghiệp, trí thức trong các doanh nghiệp và trong công tác chuyển đổi số.
Thứ ba, công tác tuyên truyền phải được tiến hành một cách thường xuyên, sâu rộng không chỉ trong hệ thống chính trị, toàn xã hội mà còn trong nhận thức mỗi người dân để hình thành tâm lý và ý thức tôn trọng và tôn vinh trí thức.
Thứ tư, trong công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; khắc phục các bất cập còn tồn tại trong việc thực viện chế độ, chính sách đối với trí thức; thực hiện tốt công tác khen thưởng xem đó là một động lực giúp cán bộ, công chức, viên chức phát huy được năng lực, thể hiện được nhiệt huyết, đam mê từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ năm, kiện toàn, nâng cao năng lực phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức trong các Hội, nhóm trên địa bàn; phát huy dân chủ sở cơ sở; có cơ chế, chính sách để tập hợp đội ngũ trí thức có uy tín, trình độ, kinh nghiệm tham gia vào các hội đồng tư vấn, phản biện, giám định xã hội, đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời cần có sự đề xuất, kêu gọi những nhà trí thức, con em của quê hương công tác, sinh sống trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực phát triển đội ngũ trí thức, phát triển kinh tế - xã hội của cho quê hương.
Thứ sáu, tạo mọi cơ chế và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ chuyên môn của mình thông qua việc mở rộng và đa dạng hoá các hình thức hợp tác về khoa học và công nghệ với các ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài tỉnh; có những chế độ để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng về kết quả làm việc của mình. Đó là những động lực quan trọng để đội ngũ tri thức sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của mình, được phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh.
Từ lý luận và thực tiễn có thể khẳng định, đội ngũ trí thức có vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Do vậy, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW là một cơ sở quan trọng trong việc định hướng các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài. Xuất phát từ quan điểm “con người là trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển” cùng những thành tựu nổi bật sau gần 15 năm xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố Đông Hà, với sự kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác trí thức tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, xây dựng những con người “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tin tưởng rằng, khi động lực, nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ này được phát huy cùng những cơ chế, môi trường làm việc thuận lợi sẽ tạo ra những tiền đề to lớn góp phần đưa thành phố Đông Hà ngày càng phát triển, đạt được các mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực và khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật của tỉnh nhà./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.156.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.59.
[3]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.167.
[4]. Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị, 2020, tr.170.