An ninh con người nhìn từ góc độ bảo đảm an ninh lương thực và y tế - Thực hiện định hướng của Đại hội Đảng khóa XIII

Thứ năm - 31/03/2022 09:06

 
                                                ThS. Nguyễn Sung
                                                            Khoa Nhà nước và pháp luật
        Trong “Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc, “an ninh con người” bao gồm 7 thành phần: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Hiên nay, các nước thành viên của Liên hợp quốc đã có sự thống nhất về các nội dung trên của Báo cáo. Tổ chức Liên hợp quốc đưa ra khái niệm “an ninh con người” đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của người. Theo nhận thức mới, an ninh con người được hiểu con người trở thành chủ thể chính của an ninh và cần được ưu tiên bảo vệ. Thuật ngữ “an ninh con người” lần đầu tiên được Đảng ta đưa vào văn kiện Đại hội XII:“Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”[1]. Mặc dù đưa ra muộn gần 22 năm so với Liên hợp quôc, nhưng những vấn đề liên quan đến nội dung này được Đảng ta đề ra những nội dung đinh hướng khá toàn diện, sâu sắc cả về lý luận, pháp lý và thực tiễn từ Đại hội XII cho đến nay.
      Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.[2]  
Vấn đề an ninh con người được Đảng ta đề cập đến rất nhiều lần trong văn kiện Đại hội XIII: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người[3]; “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa[4]; “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người[5]...
       Ở nước ta, an ninh con người luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng thực hiện.  "An ninh con người là trung tâm, là mục tiêu phấn đấu, đảm bảo cho sự phát triển chính trị, xã hội. Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo đảm cho cuộc sống của người dân" [6]. Có thể nói việc xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các định hướng của Cương lĩnh năm 2011 của Đảng và Hiến pháp 2013. Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. An ninh con người được hiểu: An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
       Vấn đề bảo vệ con người, chăm lo cho con người và đùm bọc con người là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa, nay dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự đồng thuận, đoàn kết của hệ thống chính trị và của toàn dân sực mạnh được nhân lên gấp bội.
        Điều đầu tiên liên quan đến an ninh con người đó là vấn đề “cơm ăn, áo mặc”. Ngay những ngày đầu, trong Luận cương chính trị năm 1930, Đảng ta xác định rõ chính sách đối với ruộng đất: “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông". Chính cương vắn tắt của Đảng cũng khẳng định:“Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm công chia cho cho dân cày nghèo”. “Dân cày nghèo” là con người, lấy ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo cũng là công việc bảo vệ an ninh con người. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân tuyên bố bãi bỏ các luật lệ về ruộng đất của chế độ cũ. Tiếp đó, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh về giảm tô, bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê. Năm 1953, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Luật Cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến, cường hào… chia cho nông dân thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Sau đó, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân…”. Năm năm sau khi thống nhất nước nhà, năm 1980 Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1980. Điều 19 Hiến pháp quy định: Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất…, đều thuộc sở hữu toàn dân.. Đây chính là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là điều kiện quyết định để bảo vệ an ninh con người. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đổi mới trong nông nghiệp. Một nước nông nghiệp, từ chỗ  người dân thiếu ăn, Nhà nước phải đi nhập khẩu gạo, đến nay đã trở thành một những nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhất, nhì trên thế giới.
        Năm 2020, 2021 và mấy tháng đầu năm 2022, COVID-19 hoành hành trên thế giới và Việt Nam.  Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, nhiều quy định nhằm hỗ trợ, bảo vệ người dân, bảo vệ an ninh kinh tế trong đại dịch covid 19. Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 11-năm 2021, ngân sách Nhà nước đã chi 56.270 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Trong đó, Trung ương đã chi 25.350 tỷ đồng, các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương (NSĐP) là 30.920 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là 7.940,1 tỷ đồng để mua vaccine.
       Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%); giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP; tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022…
      Trong xã hội, vấn đề bảo vệ con người, chăm lo cho con người, đùm bọc, chia sẻ giữa con người với con người trong bão lụt năm 2020, trong đại dịch 2020 và 2021 đã làm nên hiệu ứng lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng. Các mô hình “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM sách”… đã trở thành mô hình tương trợ, lan tỏa tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc những cảnh đời khó khăn trong mùa dịch, khơi dậy và tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Những việc làm kịp thời này đã hỗ trợ cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn F0 cách ly tại nhà vượt qua nguy hiểm, đem lại sự sống cho con người. Rồi sự chia sẻ những “Tô cháo 0 đồng”, Bữa cơm 0 đồng”, “Xăng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”… Rồi mô hình “Gian hàng 0 đồng” với phương châm “cần gì thì lấy đó”, “lấy vừa đủ”, “Ai thiếu đến lấy – ai thừa đến cho”, bà con tại các điểm tạm thời phong tỏa đều cảm thấy vui mừng khi đến chọn những món hàng cần thiết như gạo, mì, rau, củ, quả, thịt, cá …và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình mình. Những phần quà tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa trong thời điểm này, chứa đựng muôn vàn tình cảm của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đâu đâu trên đất nước hình chữ S này, cũng có những câu chuyện hết sức cảm động, nhân văn như những tháng ngày qua, những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện đã lan tỏa, thấm đẫm và đã trở thành cốt cách, văn hóa của con người Việt Nam.
      Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, vấn đề an ninh con người ở nước ta cũng vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể hệ thống chính trị của đất nước ta phải có sự quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục từng bước những hạn chế liên quan đến an ninh kinh tế, an ninh y tế mà Đảng ta đã chỉ ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII : “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập".
                                                              
 
 
[1]: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,Hà Nội, 2016, tr. 135.
[2]: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,Hà Nội, 2021, tr331, tập 2.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 116.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 147.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 148.
[6]: Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây