Vai trò của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng khối đại đoàn kết và việc tăng cường khối đại đoàn kết theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Thứ hai - 06/12/2021 14:13
 
                                                                             ThS. Đinh Thị Thu Hoài
                                                                             Phòng QLĐT&NCKH
          Đồng chí Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn luôn quan tâm đến việc nêu cao tinh thần đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa truyền thống của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ và đoàn kết và đại đoàn kết, đồng chí Lê Duẩn đã nổ lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết với các nước Đông Dương, các dân tộc tiến bộ trên thế giới nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
          Thứ nhất, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
          Đối với Việt Nam, một nước có nhiều dân tộc sinh sống, đồng chí lê Duẩn xác định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là đoàn kết tất cả các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, đàon kết để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, giúp đỡ đồng bào miền núi tiến kịp đồng bào miền xuôi, làm cho tất cả các dân tộc dù đông người hay ít người đều tiến lên chủ nghĩa xã hội cùng một nhịp. Dân tộc anh em nào quá ít người và gặp nhiều khó khăn, được giúp đỡ, được chăm sóc để tăng thêm dân số. Cả dân tộc Việt Nam ta như một vườn hoa trong đó mỗi dân tộc anh em là một loài hoa quý. Mỗi dân tộc đều được phát huy những truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình để góp phần làm cho vườn hoa lớn càng thơm, càng đẹp” (Lê Duẩn, Tây Nguyên đoàn kết tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.14). Với quan điểm đó qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn quan tâm đến công tác đoàn kết toàn dân.
          Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Nam Bộ đã hình thành nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng song chưa có sự thống nhất về lãnh đạo của Đảng. Một số nhóm đôi lúc còn mất tinh thần đoàn kết trong quá trình tranh giành ảnh hưởng với nhau. Trong tình thế đó, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng chính sách đại đoàn kết một cách tài tình. Đồng chí đã chủ trì hội nghị thực hiện việc hợp nhất hai phái Tiền Phong và Giải Phóng, định hướng cho tổ chức đảng các cấp trong toàn Xứ ủy lãnh đạo kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, đồngchí cũng vận động các tôn giáo, đảng phái và đội ngũ trí thức cùng tích cực tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quá trình vận động của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã vận động những người theo các tôn giáo khác nhau tham gia vào Mặt trận đoàn kết dân tộc.
Trong kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Phó Bí thư, tiếp đến là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều đóng góp xây dựng khối đoàn kết tại miền Nam.
    Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Duẩn đã chấp bút viết tác phẩm “Đề cương cách mạng miền Nam”, sau đó được Xứ ủy Nam Bộ thảo luận, góp ý và thông qua vào cuối năm 1956. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng đề ra những tư tưởng lớn, những chủ trương, chính sách để xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đáp ứng những yêu cầu khách quan đang đặt ra cho cách mạng miền Nam. Bản đề cương nêu rõ: Thực chất của việc xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất là “bố trí lực lượng các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các thành phần trong dân tộc để đánh bại kẻ thù của cách mạng” (Lê Duẩn, Tuyển tập (1950-1965), Nxb CTQG, HN, 2007, tập 1, tr.129). Về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, bản Đề cương xác định: Mặt trận dân tộc thống nhất phải có tính giai cấp rõ ràng nhưng lại phải “đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết. Để tránh bệnh “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi, phải thu hút tiểu tư sản, trí thức, sinh viên tham gia, làm động lực cho phong trào cách mạng, đồng thời phải rất coi trọng việc phân hóa, lôi cuốn và tranh thủ nhân sĩ, tư sản dân tộc, địa chỉ, đi sâu vận động, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo.
    Với tinh thần của bản Đề cương, cùng với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch với lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, HN, 1961, tr.9). Với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng, cách mạng miền Nam đã có danh nghĩa chính thức, phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng. Mặt trận thực sự trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.
    Thứ hai, về đoàn kết ba nước Đông Dương và các nước xã hội chủ nghĩa
    Với cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn không chỉ quan tâm củng cố khối đoàn kết toàn dân mà còn chỉ đạo tăng cường chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đồng chí khẳng định: Ra sức củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa về mọi mặt giữa nước ta với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em, làm hết sức mình để góp phần cùng các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khôi phục và củng cố đoàn kết, tăng cường ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và trên tinh thần quốc tế vô sản, có lý, có tình theo Di chúc của Hồ Chủ tịch. Với hai nước láng giềng, Lào và Campuchia, ông yêu cầu phải bảo vệ và phát triển mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị anh em, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, làm cho ba nước vốn đã gắn bó với nhau trong cộng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước, vì lợi ích cách mạng của nhân dân các nước ở Đông Nam châu Á và trên thế giới.
    Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm duy trì và củng cố hòa bình ở Đông Dương, phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 12 – 1960), đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Tôn trọng và thi hành đầy đủ Hiệp nghị Giơnevơ về Việt Nam cũng như về Lào và Campuchia, chống ách thống trị của đế quốc mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam, đòi hòa bình thống nhất Việt Nam; chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai can thiệp vũ trang vào Lào; tăng cường quan hệ hữu nghị và phát triển sự hợp tác kinh tế và văn hóa với các nước láng giềng và các nước khác trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và mười nguyên tắc của Hội nghị Băngđung”. (Lê Duẩn, Tình ình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, tr.50). Với sự nhất trí về đường lối chiến lược và hợp đồng tác chiến hiệu quả cao, nên cách mạng mỗi nước đã từng bước đánh thắng chiến tranh xâm lược của Mỹ trên khắp chiến trường Đông Dương. Mỗi thắng lợi trên chiến trường Việt Nam đều có ảnh hưởng đến hai nước Lào và Campuchia và ngược lại. Với sự phối hợp tác chiến trên từng địa bàn, trong từng chiến dịch, quân và dân Việt Nam đã liên tiếp giành thắng lợi trong mùa khô 1965-1966, 1966-1967. Đặc biệt, sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, cùng với đòn quân sự có tính chất quyết định trong trận Nậm Bạc đầu năm 1968 ở Lào đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang và bị động mở rộng chiến tranh sang Campuchia.
    Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả Lào và Campuchia, biến Đông Dương thành một chiến trường (năm 1970), đồng chí Lê Duẩn nhận định: Ta tiếp tục duy trì và phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Đối với các nước láng giềng, Đảng ta tiếp tục củng cố và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa nước ta với Lào và Campuchia. Từ năm 1969 đến năm 1973, chiến tranh lúc này lan rộng trên toàn cõi Đông Dương. Trên quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia tiếp tục phối hợp tác chiến trên khắp các chiến trường. Với tình đàon kết gắn bó của ba nước Đông Dương đã làm cho đế quốc mỹ liên tiếp thất bại trên khắp các mặt trận ở ba nước vào cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Pari (21-1-1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và sau đó phải ký Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.
    Có thể nói, trải qua mọi biến động của lịch sử, quan điểm về xây dựng tình đoàn kết đã trở thành một nguyên lý và một đạo lý quan trọng khiến cho dân tộc ta vượt qua mọi thách thức, khó khăn và giành được những những thắng lợi lớn trên các bình diện khác nhau. Ngày nay, đất nước đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, hơn bao giờ hết Đảng ta vẫn nêu cao tinh thần phát huy dân chủ và thực hiện đại đàon kết toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm này vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển lên một tầm mới và ngày càng hoàn thiện hơn những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
    Một là, đã khái quát quan điểm của Đảng đối với các tầng lớp nhân dân, khẳng định những quan điểm chung nhất là: Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội.
    Hai là, trong phần nói về giai cấp công nhân đã bổ sung nhiệm vụ, giải pháp về hoạt động của công đoàn: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhấn mạnh yêu cầu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế”(6), chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay.
    Ba là, trong phần nói về giai cấp nông dân, đã nêu giải pháp trong điều kiện mới: Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. Đặc biệt nêu giải pháp, có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
    Bốn là, đối với trí thức, bên cạnh khẳng định quan điểm: Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức. “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài”(7), nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.
    Năm là, đối với đội ngũ doanh nhân, bên cạnh các quan điểm đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã bổ sung: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng, khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Sáu là, nhấn mạnh khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ. Quan tâm tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.
    Bảy là, đề xuất quan điểm về xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
    Tám là, nhấn mạnh yêu cầu về động viên cựu chiến binh, công an hưu trí. Tăng cường vai trò của hội viên trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong điều kiện mới, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống.
    Chín là, đối với người cao tuổi, Báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa. Nhấn mạnh chủ trương tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
    Mười là, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, bổ sung quan điểm: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt là: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(8). Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
    Mười một là, tiếp tục thực hiện các chủ trương về vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
    Mười hai là, trong điều kiện mới, coi trọng nhiệm vụ hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
    Mười ba là, nêu tên cuộc vận động mới: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân./.
 
1, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.84-85; tr.65.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.167.
3, 4, 6, 7, 8. Đảng  Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021 t.1,  tr.173; tr.174; tr.166; tr.167; tr.170.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây