Tìm hiểu quy định “tạm ngưng hoạt động” trong Luật Phá sản Mỹ

Thứ bảy - 25/12/2021 09:34
 
TS. Dương Hương Sơn
Đảm bảo công bằng trong thanh toán và cứu vãn con nợ lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán là mục tiêu được thể hiện ngày càng nhiều trong luật phá sản của nhiều nước trên thế giới, khác với quan điểm truyền thống của luật phá sản, chủ yếu lấy việc thanh toán con nợ làm mục tiêu. Để đạt được những mục tiêu này, luật phá sản các nước đều có những quy định nhằm cụ thể để thực hiện nó. Trong nội dung trình bày, tác giả giới thiệu một trong số những quy định được nhiều nước nghiên cứu áp dụng nhằm tạo ra sự công bằng trong thanh toán tài sản phá sản, đồng thời giúp quá trình áp dụng thủ tục phục hồi con nợ có cơ hội thành công, đó là quy định “automatic stop” hoặc “automatic stay” trong luật phá sản Mỹ – tác giả tạm dịch là “tạm ngưng tự động”. 
1. Cơ sở hình thành chế định “automatic stop”
Chế định “tạm ngưng tự động” xuất phát từ quan điểm của Luật phá sản Mỹ, sau đó được nhiều nước và khu vực nghiên cứu áp dụng như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,…. Cơ sở hình thành quy định này xuất phát từ từ quan điểm của các học giả Mỹ, cho rằng, khi con nợ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, các chủ nợ, đặc biệt là các chủ nợ nắm bắt được thông tin về tình trạng về tài chính của con nợ sẽ tiến hành các hành vi để yêu cầu con nợ thanh toán cho mình. Trong trường hợp con nợ không có các biện pháp nhằm giảm bớt áp lực từ phía các chủ nợ, hoặc khi tiến hành thanh toán cho một chủ nợ nào đó trong trường hợp con nợ đang có khó khăn về tài chính, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và lợi ích của các chủ thể khác. Chính vì thế vấn đề đòi nợ không chỉ dừng ở một chủ nợ, việc đòi nợ sẽ lan sang các chủ nợ khác. Nhiều chủ nợ không chỉ đồng thời dùng các biện pháp như trình tự hành chính, trình tự dân sự hoặc trình tự ưu tiên thanh toán để yêu cầu con nợ tiến hành thanh toán, thậm chí còn dùng nhiều thủ đoạn gây áp lực cho con nợ nhằm đạt được sự ưu tiên trong thanh toán. Tình trạng của con nợ lúc này được các học giả luật phá sản Mỹ gọi là “common pool” (ý nói con nợ như cá trong cái bể chung, số lượng có hạn nhưng ai cũng muốn câu được nhiều nên sẽ có những tranh chấp, mưu đồ không tốt xảy ra, như các chủ nợ đi đòi nợ trong tình trạng con nợ mất khả năng thanh toán - tg).
Nếu để tình trạng này xảy ra mà không có sự can thiệp của pháp luật, tài sản của con nợ dể bị phân tán, thất thoát trước khi tòa án thụ lý hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tài sản còn lại sẽ không còn nhiều để thanh toán cho các chủ nợ khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của chủ nợ khác, mà còn ảnh hưởng đến khả năng “hồi sinh” của con nợ nếu được áp dụng thủ tục phục hồi. Trong khi đó, luật phá sản là những quy định về giải quyết công bằng trong thanh toán cho chủ nợ khi con nợ lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính và không trả được nợ đến hạn. Dù tiến hành theo trình tự nào, thanh lý hay phục hồi, thì vấn đề thanh toán công bằng, có trật tự luôn luôn được đặt ra. Chính vì vậy, các quy định nhằm chấm dứt các hành vi đòi nợ mang tính chất ưu tiên, hoặc lợi dụng các quyền ưu tiên, sơ hở của con nợ để đạt được sự thanh toán trước và trong khi trình tự thủ tục phá sản diễn ra đều bị đình chỉ bằng những quy định của luật phá sản. Hay nói cách khác, đây là những quy định nhằm tránh tình trạng đòi nợ mang tính chất tự phát của hiện tượng “common pool”. Các học giả luật phá sản Mỹ gọi chế định này là “automatic stop” hay “automatic stay”.
Theo quan điểm này, khi lâm vào tình trạng phá sản con nợ ngay lập tức cần  được sự bảo hộ của pháp luật tránh các yêu cầu thanh toán nợ của chủ nợ, tránh các hành vi đòi nợ làm suy giảm tài sản của con nợ, tạo điều kiện cho con nợ có thời gian để phản bác lại đơn xin phá sản của đương sự, bảo toàn khối tài sản của mình để có cơ hội được hồi sinh. Hoặc giả có rơi vào việc thanh lý tài sản thì sự bảo hộ của pháp luật nhằm tránh sự lộn xộn trong phân chia tài sản, tạo sự công bằng trong thanh toán cho các chủ nợ. Mặc khác, sau khi tòa án thụ lý vụ án phá sản, người quản lý tài sản phá sản cần có thời gian để xác định, thu thập và thu hồi tài sản của con nợ để đảm bảo các thủ tục phá sản diễn ra theo một trình tự nhất định, đảm bảo yếu tố công chính, công bằng trong thanh toán. Chính vì thế, sau khi tòa án thụ lý vụ án phá sản, các hành vi cá biệt, ưu tiên của chủ nợ tự động bị đình chỉ cho đến khi đạt được sự thống nhất trong việc đưa ra các phương án phân chia tài sản, phương án phục hồi (hoặc hòa giải) nhằm đạt đến sự công bằng trong thanh toán nợ của luật phá sản, tạo điều kiện cho con nợ có cơ hội được “hồi sinh”, đây củng chính là ý nghĩa của chế định “tạm ngưng tự động” .
2. Quy định “automatic stop” trong luật phá sản Mỹ
Qui định về “tạm ngưng tự động” trong luật phá sản Mỹ được pháp điển hóa tại Điều 362. Có thể khái quát “tạm ngưng tự động” trong luật phá sản Mỹ như sau: “automatic stop” hoặc “automatic stay” được dùng để chỉ sau khi đương sự nộp đơn xin mở thủ tục phá sản, toàn bộ các hành vi liên quan đến tài sản của con nợ, các trình tự pháp luật (kể cả việc đã khởi động hoặc đang thực hiện các trình tự pháp luật khác như dân sự, kinh tế, thương mại,…) hoặc các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản của con nợ đều bị tạm thời đình chỉ.
Chế định “automatic stop” trong luật phá sản Mỹ được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau:
2.1 Về tính chất và đặc điểm:
Tính chất và đặc điểm của “automatic stop” thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
- “Automatic stop” có liệu lực bắt buộc đối với tất cả các chủ thể, bao gồm cá nhân, các loại hình doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
- “Automatic stop” phát sinh hiệu lực ngay sau khi đơn đề nghị mở thủ tục phá sản được nộp và bất luận đó là nộp đơn theo trình tự tự nguyện hay theo trình tự không tự nguyện.
- Hiệu lực của “automatic stop” kéo dài đến khi vụ án phá sản kết thúc, trừ khi chủ nợ có yêu cầu chính đáng nhằm bảo vệ lợi ích của mình bị xâm hại.
- “Automatic stop” được áp dụng không giống nhau ở các trình tự thanh lý hay trình tự phòng ngừa phá sản.
- “Automatic stop” phát sinh hiệu lực kể từ khi nộp đơn mà không cần biết các chủ nợ có biết đến việc nộp đơn hay không.
- “Automatic stop” không đình chỉ các hành vi hoạt động nội bộ của tòa án khi giải quyết vụ việc phá sản. Nó cho phép tòa án ra các quyết định nhằm chấm dứt “automatic stop” theo thỉnh cầu của chủ nợ hoặc người có lợi ích liên quan có thể đề xuất với tòa án (tức khi chủ nợ thực hiện quyền cứu tế).
- Bản thân “automatic stop” không làm ảnh hưởng đến lợi ích tài sản chung cuộc của chủ nợ, con nợ, người có quyền và lợi ích có liên quan. Nó không để cho người có quyền và lợi ích tự ý phân chia tài sản con nợ, củng không làm cho các quyền và lợi ích này bị vô hiệu mà nó chỉ cho biết các hành vi để đạt được lợi ích cá biệt (như đòi nợ, biến tài sản không có bảo đảm thành tài sản bảo đảm,…) trong trình tự phá sản sẽ bị tạm đình chỉ.
- Phạm vi của “automatic stop” rất rộng, các quy định của pháp luật không thể bao quát hết, song khi phát sinh tình hình đặc thù và căn cứ vào tình hình đặc thù tòa án có thể đưa ra các quyết định tương ứng.
2.2 Phạm vi áp dụng và ngoại lệ của “automatic stop”
a) Phạm vi áp dụng
Khi khởi động trình tự phá sản, Luật phá sản Mỹ cho phép đương sự có thể lựa chọn áp dụng thủ tục thanh lý (được quy định tại chương 7) hoặc áp dụng thủ tục phục hồi (được quy định tại chương 11) và khi nộp đơn thì phát sinh hiệu lực “automatic stop”, nên việc áp dụng “automatic stop” được áp dụng cho cả hai trình tự thủ tục trên.
Về phạm vi áp dụng, luật phá sản Mỹ sử dụng phương pháp liệt kê các hành vi, các trình tự tố tụng bị “automatic stop”. Dựa vào quy định tại khoản a Điều 362 luật phá sản Mỹ, phạm vi áp dụng “automatic stop” rất rộng, khi trình tự phá sản khởi động (bắt đầu bằng việc đương sự nộp đơn), các hành vi sau đây sẽ bị đình chỉ:
(1) Đình chỉ toàn bộ việc bắt đầu hoặc đang tiến hành đối với các trình tự tư pháp (trừ trình tự tố tụng hình sự), trình tự hành chính hay các trình tự tố tụng khác của con nợ sau khi trình tự phá sản được khởi động[1]. Hoặc phục hồi một yêu cầu đòi bồi thường diễn ra trước khi trình tự phá sản được khởi động.
(2) Đình chỉ toàn bộ việc chấp hành phán quyết của tòa án trước đó đối với con nợ hoặc tài sản của con nợ.
(3) Đình chỉ bất cứ hành vi nào thực hiện ý đồ nhằm đạt được hoặc khống chế tài sản của tập đoàn bị mở thủ tục phá sản.
(4) Đình chỉ bất kỳ hành vi nhằm tạo mới, hoàn thiện hoặc thi hành đối với các tài sản đảm bảo trong tập đoàn bị mở thủ tục phá sản.
(5) Đình chỉ các hành vi lấy quyền chủ nợ để tạo ra, hoàn thiện hoặc yêu cầu con nợ chấp hành các biện pháp cầm cố, thế chấp (tức tạo ra, hoàn thiện và thực thi một khoản bảo đảm).
(6) Đình chỉ các hành vi nhằm tập hợp, trưng thu, thu hồi để hình thành các khoản nợ.
(7) Đình chỉ các hành vi nhằm làm phát sinh các khoản nợ của con nợ và làm triệt tiêu các khoản nợ này.
(8) Đình chỉ việc bắt đầu hoặc đang tiếp tục việc chấp hành các quyết định về thuế của tòa án, các trình tự tố tụng về thuế liên quan đến các hoạt động thuế vụ của con nợ.
Các hành vi bị đình chỉ trên có thể phân thành 3 loại:
Một là, các hành vi nhằm vào con nợ. Như các hành vi có ý đồ nhằm làm phát sinh các khoản nợ trước khi bắt đầu vụ án phá sản, bắt đầu hoặc tiếp tục các trình tự tố tụng tư pháp, trình tự hành chính, các hành vi đòi nợ (các thõa thuận này đã được thông qua trước đây), thực hiện các hành vi trả các khoản nợ có bảo đảm. Các hành vi bị đình chỉ này được quy định trong các mục (1), (2), (6), (7), (8) khoản a Điều 362.
Hai là, các hành vi nhằm vào tài sản của con nợ. Tức đình chỉ các hành vi lợi dụng quyền chủ nợ nhằm yêu cầu con nợ tạo ra các khoản bảo đảm, hoàn thiện các thõa thuận về các biện pháp bảo đảm hoặc yêu cầu con nợ  thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Các hành vi này bị đình chỉ theo quy định tại mục 5, Điều 362.
Ba là, các hành vi nhằm vào tài sản của tập đoàn. Các hành vi nhằm vào tài sản của tập đoàn bị đình chỉ bao gồm quy định ở các mục (2), (3), (4) khoản a Điều 362. Luật phá sản Mỹ quy định hành vi nhằm vào tài sản phá sản của tập đoàn bị đình chỉ rất rộng, những hành vi này có thể liệt kê: các hành vi chấp hành các phán quyết của tòa án trước khi đơn xin mở thục tục phá sản được nộp (nhưng chưa thực hiện vào thời điểm nộp đơn); các hành vi nhằm đạt được hoặc khống chế đối với tài sản phá sản của tập đoàn; các hành vi thanh toán tài sản cầm cố, thế chấp (đã thõa thuận trước khi đơn xin mở thủ tục phá sản được nộp) của tập đoàn bị mở thủ tục phá sản.
b) Các trường hợp ngoại lệ
Mặc dù “automatic stop” là biện pháp nhằm bảo hộ đối với tài sản tư bản của con nợ, đảm bảo công bằng trong thanh toán cho các chủ nợ song vẫn có những ngoại lệ nhất định. Theo quy định tại khoản b Điều 362 thì có đến 18 loại hành vi và trình tự tố tụng[2] là không bị áp dụng “automatic stop”, nói cách khác là không bị đình chỉ khi trình tự phá sản khởi động. Mười tám loại hành vi này có thể khái quát thành 4 nhóm hành vi: Một là, việc áp dụng trình tự tố tụng hình sự đối với con nợ.  Luật phá sản Mỹ quy định trong trình tự tố tụng hình sự không thể đồng thời thụ lý kèm theo thỉnh cầu dân sự, do đó tố tụng hình sự không ảnh hưởng đến đến quyền của chủ nợ, con nợ. Hai là, chính phủ thực hiện tính hành chính thông suốt của mình. Trong điều hành Chính phủ có thể áp dụng một số biện pháp hành chính nhất định, việc áp dụng những biện pháp này không đề cập trực tiếp đến tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ kinh doanh của con nợ, nhưng trong tình hình nhất định nào đó có thể ảnh hưởng mức độ đến tài sản của con nợ. Ví dụ như việc thực hiện các chính sách công có ảnh hưởng nhất định đến tài sản con nợ, luật phá sản Mỹ cho phép trường hợp này ngoại lệ. Ba là, một số loại hành vi đặc thù nhưng không làm giảm đi giá trị tài sản của con nợ. Bốn là, các quan hệ nghĩa vụ xuất phát từ quan hệ nhân thân, ví dụ như vấn đề sinh hoạt phí trong ly hôn, thanh toán cho phụ nữ mang thai, việc thanh toán không phải bằng tài sản thuộc tài sản phá sản của con nợ.
2.3 Hiệu lực, kết thúc và quyền được cứu tế trong quy định “automatic stop”
a) Thời điểm phát sinh hiệu lực của “automatic stop”
Luật phá sản Mỹ Điều 362 khoản a quy định thời điểm phát sinh “automatic stop” là khi khởi động trình tự phá sản bắt đầu, tức là khi đương sự nộp đơn xin mở thủ tục phá sản thì hiệu lực “automatic stop” phát sinh mà không cần tòa án phải ra thêm bất kỳ một động thái nào. Điều này củng có nghĩa là “automatic stop” phát sinh không nhất thiết phải đợi đến khi tòa án thụ lý đơn xin mở thủ tục phá sản, các hành vi dù biết (hoặc không biết) việc có đương sự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, mà vẫn tiến hành các hành vi nêu ở Điều 362 khoản a đều vô hiệu.
b) Thời điểm hết hiệu lực của “automatic stop”
Thời điểm hết hiệu lực của “automatic stop” được quy định tại khoản c Điều 362 luật phá sản Mỹ, theo quy định này thì hiệu lực của “automatic stop” kết thúc khi: (1) Những loại tài sản bị đòi nợ không còn là tài sản của con nợ bị phá sản. (2) Vụ án phá sản bị đình chỉ, bị bác bỏ hoặc khi con nợ đạt được chế độ miễn trách.
c) Quyền được cứu tế của chủ nợ trong chế định “automatic stop”
Quyền được cứu tế là một trong những quy định rất thực tế và tiến bộ trong luật phá sản Mỹ, nó cho phép người có quyền, lợi ích liên quan trong quá trình giải quyết vụ án phá sản có thể đề xuất lên tòa án để bãi bỏ “automatic stop”. Quyền này trong thực tiễn thường được các chủ nợ thường xuyên áp dụng, đặc biệt là đối với chủ nợ có tài sản bảo đảm.
Như đã trình bày, ngay sau khi đương sự nộp đơn, các hành vi, trình tự tố tụng tư pháp, hành chính (được nêu ở khoản a Điều 362) sẽ bị “tạm ngưng tự động”. Tuy vậy, tài sản của con nợ do nhiều yếu tố trong thực tế có thể bị ảnh hưởng (như: bị hư hỏng, bị giảm giá trị do bảo quản, quản lý, hoặc do thị trường tác động làm giảm giá trị,….), do đó, nếu không có những biện pháp giải quyết thì các tài sản này sẽ không còn giá trị, hoặc giảm giá trị khi thanh toán cho chủ nợ. Chính vì thế, trong những trường hợp cụ thể, theo sự thỉnh cầu của chủ nợ, tòa án sẽ có các hình thức phù hợp nhằm bãi bỏ “tạm ngưng tự động”, khôi phục quyền của chủ nợ,
Quyền được cứu tế của chủ nợ được quy định từ khoản (d) đến khoản (g) Điều 362 luật phá sản Mỹ. Theo khoản d điều 362 quy định: “Căn cứ thỉnh cầu của người có lợi ích liên quan, thông qua việc thông báo thu thập ý kiến, tòa án phá sản căn cứ vào quy định tại khoản a Điều 362, có thể phê chuẩn tạm thời miễn trừ việc chấp hành đối với “automatic stop”, như đình chỉ, bãi bỏ, thay đổi hoặc đình chỉ có điều kiện đối với quy định “automatic stop””. Theo quy định này, có bốn phương thức để tòa án áp dụng khi chủ nợ có thỉnh cầu khi thực hiện quyền cứu tế nhằm giải trừ “automatic stop”, bao gồm: (1) Chấm dứt (termination) đối với “automatic stop”: quyết định của tòa án có hiệu lực khi ban hành, nhưng không có hiệu lực hồi tố, tức không áp dụng cho các hành vi đã thực hiện trước đó; (2) Bãi bỏ (annulment) đối với “automatic stop”: sau khi tòa án ra quyết định cứu tế, nó không chỉ phát sinh hiệu lực tại thời điểm ra quyết định mà còn có hiệu lực hồi tố đối với các hành vi trước khi ra quyết định, đây là một trong những phương thức áp dụng trong các trường hợp đặc thù như con nợ lạm dụng “automatic stop” trong trình tự phá sản; (3) Thay đổi (modification) đối với “automatic stop”: tức tòa án cho phép người nộp đơn được thực hiện một số hành vi nhất định, nhưng không cho phép người nộp đơn thực hiện hoàn toàn quyền của chủ nợ, ví dụ như tòa án cho phép chủ nợ có thể tiếp tục thực hiện trình tự tố tụng, nhưng không cho phép chấp hành các phán quyết của tòa án về tài sản cho đến khi đạt được sự thống nhất trong các phương án phân chia tài sản, phương án phục hồi; (4) Đình chỉ có điều kiện (conditioning) đối với “automatic stop”: tức “automatic stop” có thể chấm dứt nhưng đi kèm với những điều kiện nhất định, hoặc củng có hiểu là hiệu lực của “automatic stop” vẫn còn, nhưng người quản lý hoặc con nợ phải đáp ứng những điều kiện nhất định, ví dụ như là tài sản của chủ nợ không cần thiết cho quá trình phục hồi hoặc tài sản bảo đảm không được quản lý đúng cách dẫn đến hư hỏng hoặc làm giảm giá trị nghiệm trọng.
Về nguyên nhân để chủ nợ đạt được quyền cứu tế, theo luật phá sản Mỹ có hai nguyên nhân: (hay) (1) Có lý do chính đáng để thực hiện quyền cứu tế, tức người có quyền và lợi ích có liên quan thực hiện việc bảo hộ thiếu đầy đủ đối với tài sản phá sản (ví dụ như để thất thoát, hư hỏng, giảm giá trị,…). (2) Khi xác định được tài sản của con nợ không còn khả năng để thực hiện các biện pháp phục hồi con nợ hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc phục hồi con nợ.
Trong quá trình phục hồi con nợ, việc thực hiện quyền cứu tế không chỉ dừng lại ở những quy định trên. Điều 362 pháp điển hóa luật phá sản Mỹ còn quy định những biện pháp đồng bộ tương ứng, như quy định đến việc sử dụng, bán và cho thuê đối với tài sản phá sản.
2.4. Hậu quả của vi phạm “automatic stop”
Sau khi nộp đơn xin mở thủ tục phá sản thì hiệu lực của “automatic stop” phát sinh, bất luận người có quyền, lợi ích có liên quan có biết hay không biết việc nộp đơn xin mở thủ tục phá sản mà tiến hành các hành vi được nêu ở khoản a Điều 362 đều bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà tòa án đưa ra các quyết định liên quan đến hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm, như tuyên bố hành vi vô hiệu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Hành vi vi phạm quy định “automatic stop” sẽ chịu một trong các loại hậu quả pháp lý sau: (1) Bị tòa án tuyên vô hiệu; (2) Bồi thường thiệt hại; (3) Chịu trách nhiệm pháp lý khác khi không chấp hành các phán quyết của tòa về tuyên hành vi vô hiệu hay bồi thường thiệt hại (trong luật phá pháp Mỹ gọi hành vi này là “mạo phạm pháp đình”).
3. Mục tiêu trong quy định “automatic stop” trong luật phá sản Mỹ và một số vấn đề đặt ra
3.1 Mục tiêu của quy định “automatic stop”
Qua phân tích ở trên cho thấy, để đạt được mục tiêu công bằng trong thanh toán tài sản của con nợ và tạo điều kiện cho con nợ có khả năng phục hồi, chế định “automatic stop” là một bộ phận quan trọng trong luật phá sản Mỹ. Một học giả Mỹ cho rằng, mục tiêu chế định “tạm ngưng tự động” chính là[3]: (1) Tạo ra sự thuận lợi đối với quá trình thực hiện các biện pháp bảo hộ của người quản lý, thanh lý tài sản đối với tài sản của con nợ. (2) Giúp người quản lý, thanh lý tài sản có đủ thời gian để sắp xếp, phân loại các loại tài sản phá sản. (3) Giúp người quản lý, thanh lý tài sản có thời gian để tiến hành giám định, điều tra và thực hiện các yêu cầu của chủ nợ. (4) Giúp con nợ có đủ thời gian để xác định việc thanh lý tài sản hay áp dụng thủ tục phục hồi. (5) Việc đình chỉ tạm thời các hành vi lợi dụng tòa án để tiến hành các hành vi cá biệt là cơ sở để bảo hộ cho lợi ích của toàn thể chủ nợ.
Xét dưới các góc độ lợi ích của chủ nợ, con nợ và quá trình giải quyết trình tự phá sản của tòa án, theo tác giả,  những mục tiêu và kết quả mà chế định “tạm ngưng tự động” còn nhắm đến:
Thứ nhất, bảo hộ cho lợi ích của con nợ. Xét dưới góc độ lợi ích của con nợ mà nói, phá sản thường gây hậu quả tiêu cực trực tiếp đến chủ doanh nghiệp. Song dưới góc độ tích cực, khi con nợ lâm vào tình trạng phá sản, việc áp dụng trình tự phá sản để thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ là một trình tự thanh toán có nhiều yếu tố có lợi cho con nợ. Việc tiến hành thanh toán sẽ được bảo đảm thực hiện thông qua sự cưỡng chế của nhà nước, theo một trình tự mà không chủ nợ hoặc người có liên quan nào có thể sử dụng các mưu mô nhằm chiếm được lợi thế trong thanh toán. Con nợ thậm chí không trực tiếp đứng ra thanh toán, không bị các áp lực phải thanh toán đầy đủ từ các chủ nợ. Chế độ tạm ngưng tự động đã buộc chủ nợ, con nợ, người có liên quan tham gia vào một trình tự mà ở đó quyền và lợi ích của các chủ thể này được thể hiện một cách công bằng.
Sau khi trình tự phá sản được khởi động, các hành vi đòi nợ của chủ nợ hoặc các trình thự thủ tục đòi nợ đều bị đình chỉ tiến hành, tạo cho con nợ có điều kiện và thời gian nhằm phản bác lại đơn xin mở thủ tục phá sản, tính toán, xác định lại tài sản, các khoản nợ của mình mà không sợ áp lực đòi nợ từ các chủ nợ, không sợ các hành vi làm tổn hại đến tài sản và lợi ích của mình. Đối với thủ tục phục hồi, việc đình chỉ các hành vi đòi nợ giúp con nợ dự tính, xây dựng đến các dự thảo phương án phục hồi, thương lượng với các chủ nợ về các biện pháp tổ chức lại kinh doanh mà không bị các áp lực đòi nợ.
Thứ hai, bảo hộ đối với toàn thể lợi ích của chủ nợ. “Tạm ngưng tự động” là một biện pháp bảo hộ đối với lợi ích của các chủ nợ. Nếu không có quy định “tạm ngưng tự động”, khi con nợ lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán, điều chắc chắc là việc thanh toán đầy đủ cho chủ nợ này sẽ làm ảnh hưởng đến việc thanh toán cho chủ nợ khác, và thậm chí nhiều chủ nợ sẽ không được thanh toán. Chính vì thế, “tạm ngưng tự động” giúp cho các chủ nợ đạt được sự công bằng thanh toán trong khối tài sản của con nợ.
Thứ ba, bảo hộ tài sản tư bản không bị mất đi. “Tạm ngưng tự động” sẽ giúp cho tài sản con nợ không bị thanh toán cho các chủ nợ, tài sản đầu tư kinh doanh của con nợ được bảo toàn, điều này có ý nghĩa rất lớn cho con nợ, là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cứu vãn con nợ thoát khỏi tình trạng phá sản khi áp dụng thủ tục phục hồi. Đặc biệt là việc là đối với tài sản bảo đảm, “tạm ngưng tự động” cho phép con nợ có thể sử dụng tài sản được ưu tiên thanh toán này để có thể phục vụ cho việc hồi sinh nếu được áp dụng thủ tục phục hồi.
Thứ tư, “tạm ngưng tự động” giúp tòa án có thời gian tiến hành sắp xếp, bố trí và thực hiện trình tự vụ án được chu đáo hơn mà không phải mất thời gian để đưa ra các phán quyết (như ra các quyết định đình chỉ các hành vi hay trình tự tố tụng), là cơ sở nâng cao hiệu lực giải quyết vụ án. Đồng thời thể hiện tính thống nhất trong việc áp dụng các trình tự tố tụng, tránh các xung đột, mâu thuẫn khi giải quyết đồng thời các trình tự tố tụng. Thông thường, các trình tự tố tụng khác liên quan đến tài sản của con nợ (như dân sự, hành chính, thuế,…) sẽ thông qua các quy định của trình tự phá sản để tiếp tục được tiến hành.
Tóm lại, đối với trình tự phá sản nói chung, chế độ tạm ngưng tự động là biện pháp bảo đảm sự công bằng trong thanh toán. Đối với trình tự phục hồi nói riêng, là biện pháp bảo đảm và bổ sung cho việc trao thêm quyền kinh doanh cho con nợ, giúp cho con nợ có cơ hội “tạm nghỉ”, bãi bỏ tạm thời các áp lực đòi nợ, từ đó tạo điều kiện cho con nợ tiến hành  khởi động trình phục hồi, thúc đẩy quá trình phục hồi tiến hành thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện cho tòa án thống nhất các trình tự tố tụng theo quy định của luật phá sản, đảm bảo tính thống nhất của tòa án trong việc đưa ra các phán quyết, tránh xung đột, mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự./.
 
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.law.cornell.edu/uscode/text/11/362
2. https://www.uscourts.gov/services-forms/bankruptcy/bankruptcy-basics
3. Luật Phá sản Mỹ, Đại học Chính pháp Trung Quốc xuất bản.
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây