Một số giải pháp nhằm phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ năm - 02/12/2021 14:19
 
    CN.Phạm Xuân Ngọc
Khoa Xây dựng Đảng
      Phát triển đảng viên nói chung và đảng viên trong các doanh nghiệp là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, đảm bảo tính kế thừa, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới hiện nay.
      Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị có trên 3.300 doanh nghiệp trong các loại hình đang hoạt động tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động; có 50 doanh nghiệp có vốn nhà nước (36 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, 10 doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 04 doanh nghiệp là công ty cổ phần trong đó nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống). Trong đó, tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước là 50 tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở: 12, chi bộ cơ sở: 38), 86 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 1.642 đảng viên. Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là 46 ( bao gồm 11 đảng bộ và 35 chi bộ cơ sở), 78 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 1.444 đảng viên; tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ là 04 (đảng bộ: 01, chi bộ cơ sở: 03) 08 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 198 đảng viên. (1)
      Để tăng cường hiệu quả của kinh tế trong các doanh nghiệp, gắn kinh tế tư nhân với môi trường chính trị, kinh tế của đất nước, đưa nền kinh tế - xã hội phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã quan tâm xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, phát triển các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về vấn đề xây dựng tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp đã được ban hành như: Quy định số 287-QĐ/TW, ngày 08-02-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước”; Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08-02-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống”; Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”, Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, quy định “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”;  Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”(2).
      Trên cơ sở bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20-11-2014 “về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”,  Quy định số 31-QĐi/TU, ngày 17/7/2019 “Về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ” , Quyết định số 399-QĐ/TU, ngày 18-11-2016, ban hành “Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020”. Nhận thức rõ công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng cường lực lượng, trẻ hoá đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối đề ra và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm.
      Các tổ chức đảng thuộc loại hình doanh nghiệp ngày càng xác định đúng đắn phương châm lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là trọng tâm, tập trung công tác xây dựng Đảng là then chốt. Triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy trên tất cả các lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng, các lĩnh vực trọng tâm, thiết yếu, sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà. Trên cơ sở đó, ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội.
      Với những giải pháp toàn diện và đồng bộ, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh kết nạp được 765 đảng viên trong doanh nghiệp, đảng viên là lãnh đạo, quản lý và người gián tiếp sản xuất là 350 đồng chí; đảng viên là công nhân, lao động trực tiếp là 415 đồng chí. Số lượng đảng viên được đánh giá, xếp loại từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên chiếm trên 90%. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 25 tổ chức đảng ngoài doanh nghiệp nhà nước, có 05 chi bộ cơ sở trực thuộc các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ và Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; 20 chi bộ trực thuộc các đảng uỷ xã, phường, thị trấn.
      Tuy nhiên, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng hiện nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế  như: Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng còn ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá không cao; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng còn lúng túng; sinh hoạt chi bộ không đều, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể cho cán bộ ở các doanh nghiệp ít được chú trọng.
      Việc tồn tại những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu là do một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của việc củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp; thiếu những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Một số cấp uỷ chưa gắn kết chặt chẽ trách nhiệm tổ chức đảng với tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong trong công tác phát triển đảng. Mặt trái của cơ chế thị trường cùng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới đã tác động, ảnh hưởng tới nhận thức tư tưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong việc phấn đấu trở thành đảng viên.
      Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục củng cố, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp đạt kết quả cao, các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
      Một là, các cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người sử dụng lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Trong đó cần chú trọng các nội dung sau: tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của người đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng, bền vững, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
      Hai là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong doanh nghiệp, thể hiện sự vững vàng về phẩm chất chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống. Các cấp uỷ có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên dự bị, đảng viên mới. Các tổ chức đảng cần chủ động có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng; phân công cấp ủy viên, các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ và giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên cho từng chi bộ. Cần quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đứng vào hàng ngũ của Đảng để họ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
      Ba là, chú trọng xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp uỷ đảng tại các doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguyên tắc Điều lệ Đảng quy định, vừa phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa bàn, loại hình. Làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức đảng; mối quan hệ giữa tổ chức đảng với các tổ chức, các bộ phận trong doanh nghiệp; có cơ chế đảm bảo thực hiện tốt các mối quan hệ, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Chú trọng cải tiến phương pháp, quy trình công tác phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.
      Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hoá” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với công tác quản lý, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng theo Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư.
      Năm là, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp uỷ đảng, của cả hệ thống chính trị. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; có chủ trương, chính sách, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
      Với những kết quả đạt được, việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chủ doanh nghiệp và người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, từ đó đưa đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh về số lượng, chất lượng, đi vào hoạt động nền nếp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới.
 
Tài liệu tham khảo
 (1). Tỉnh ủy Quảng Trị: Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Quy định số 287-QĐ/TW  và Quy định số 288-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư.
(2).Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 186.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây