Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn là quá trình tiến hành việc xây dựng, ban hành, phổ biến chuẩn của cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn và áp dụng một cách khoa học, sáng tạo các chuẩn đó vào thực tiễn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở phường, xã, thị trấn nhằm mục đích tạo ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng thời kỳ.
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, tiêu chuẩn cán bộ cũng phải có những thay đổi, các khâu trong công tác cán bộ cũng phải có sự đổi mới để ngang tầm với giai đoạn lịch sử mới. Làm tốt công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ sẽ tạo ra được đội ngũ cán bộ tốt, đội ngũ cán bộ tốt có vai trò quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc là môi trường thực tiễn để rèn luyện, tuyển chọn và đào tạo cán bộ; kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn được nâng lên.
Hiện nay, âm mưu “diễn biến hòa bình” đang còn là một nguy cơ lớn
. Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh kế quốc tế, các thế lực thù địch đang lợi dụng âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lợi dụng, mua chuộc những cán bộ cơ hội, thoái hóa biến chất, len lỏi, làm suy yếu đội ngũ cán bộ từ bên trong; xâm nhập vào các địa bàn dân cư và các nhóm dân cư ở phường, xã. Chúng lợi dụng những điểm sơ hở, chưa chặt chẽ của chính sách đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm gây rối an ninh trật tự ở địa phương, làm mất ổn định tình hình chính trị của đất nước. Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này cần phải có một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, có đạo đức lối sống trong sạch. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn.
Chúng ta đều biết rằng, Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới tiến hành công nghiệp hoá- hiện đại hoá trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chủ nghĩa xã hộ trên thế giới tuy đang lâm vào thoái trào nhưng vẫn là ước mơ và mong muốn của đại đa số nhân loại trong tương lai, đây đó vẫn không ngừng diễn ra những cuộc chiến tranh phi nghĩa, sự phân biệt sắc tộc mất ổn định chính trị. Hơn lúc nào hết dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới nhận rõ chân giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đồng thời góp phần phong phú thêm kho tàng lí luận chủ nghĩa Mác- Lênin. Do vậy mà hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là về công tác cán bộ, đang và sẽ còn rất nhiều tổ chức và các quốc gia quan tâm, nghiên cứu. Ngày nay, trên thế giới, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, rất khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, can thiệp lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Vì vậy, không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, cống hiến và năng khiếu đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Phong trào cách mạng của quần chúng là trường học lớn của cán bộ. Dựa vào dân để phát hiện, kiểm tra, giám sát cán bộ.
Ở trong nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, những kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Kinh tế phát triển chưa ổn định, thiếu bền vững, vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, các lợi thế tự nhiên, lao động rẻ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, diễn biến của dịch Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp đòi hỏi năng lực lãnh đạo, quản lý, là đầu tàu gương mẫu của cán bộ chủ chốt cấp xã. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí có mặt trầm trọng hơn; nhất là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, tăng cường các hoạt động chống phá ta về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta; tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn luôn là lực lượng quan trọng, quyết định đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Cán bộ lãnh đạo phải là người có năng lực thật sự, không chỉ nắm vững về chuyên môn mà còn phải có năng lực lãnh đạo, quản lý, là đầu tàu gương mẫu, là người “dẫn dắt” tổ chức không ngừng tiến lên.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn đan xen, lồng ghép vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Đó là thước đo bản lĩnh cách mạng, sự mẫn cảm và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta, trong đó có vai trò rất lớn của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; vừa đào tạo, bồi dưỡng trong trường lớp vừa rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực có nhiều khó khăn; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu, giữa tính phổ biến và tính đặc thù.”
[1] Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII cũng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng cơ cấu hợp lý cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.”
[2]
Để thực hiện được mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài nói trên, công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn ở tỉnh Quảng Trị cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp về mục đích, yêu cầu, ví trí vai trò quan trọng của công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn. Triển khai, hướng dẫn các đảng ủy cơ sở phường, xã, thị trấn; nắm vững nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ nói chung, công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nói riêng.
Thứ hai, căn cứ trên cơ sở những quan điểm của Đảng, quy định của các cơ quan Trung ương về tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt là những tiêu chuẩn chung về cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) đã đề ra và Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về ban hành Quy định về Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 13/2019/TT-BNV, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ công chức cấp xã và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiến hành xây dựng và ban hành quy định riêng về tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn. Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn phải từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành của chính quyền phường, xã, thị trấn và bảo đảm có tính khả thi.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả vận dụng tiêu chuẩn cán bộ vào các khâu trong công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn đạt chuẩn đã đề ra. Việc vận dụng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo chủ chốt phường, xã, thị trấn phải đảm bảo tính đồng bộ và tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ phường, xã, thị trấn; mạnh dạn thay thế những cán bộ lớn tuổi, hạn chế về chuyên môn để bố trí cán bộ có năng lực, triển vọng, từng bước chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở phường, xã, thị trấn.
Thứ tư, xây dựng các quy chế vận dụng tiêu chuẩn để phát huy vai trò trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận dụng tiêu chuẩn cán bộ vào quá trình chuẩn hóa và quá trình phấn đấu, rèn luyện của đối tượng chuẩn hóa theo hướng phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân.
Cuối cùng, tiếp tục quán triệt và thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đổi mới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác quy hoạch cán bộ. Mỗi cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có tư duy chiến lược, có tầm nhìn xa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch cán bộ. Cấp ủy các cấp cần thực hiện đúng nguyên tắc, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của các cấp ủy đảng và phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Mở rộng dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu cán bộ tài năng, cán bộ trẻ, cán bộ nữ nhằm đáp ứng yêu cầu mới.