Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai- Lý luận và thực tiễn trong giảng dạy

Thứ hai - 25/10/2021 06:47
ThS. Nguyễn Sung
                           Khoa Nhà nước và Pháp luật
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin luôn khẳng định: Trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu về ruộng đất là vô lý nhất và quyền tư hữu về ruộng đất là hoàn toàn vô lý. Ông cho rằng, loài người không tạo ra đất đai, nó rõ ràng là có trước con người. Vì thế không một ai có quyền sở hữu đất đai. Tiếp tục kế thừa và phát triển những nhận định trên của C.Mac, V.I.Lênin đã đi đến kết luận rất khoa học về sự cần thiết phải quốc hữu hóa đất đai để xóa bỏ địa tô tuyệt đối nhằm mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, hai ngày sau, chính V.I. Lênin đã soạn thảo và ban hành hai Sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết là Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Trong Sắc lệnh về ruộng đất đó, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước Nga xô-viết đã được luật hóa.
Về vấn đề sở hữu đất đai, ở mỗi quốc gia khác nhau thì cũng có những quy định khác nhau. Đơn cử như ỏ Mỹ, sở hữu nhà nước (quyền sở hữu của liên bang và các bang ở Mỹ) chỉ chiếm 42% tổng diện tích. Ở Nhật Bản ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu công  cộng chỉ chiếm 35%. Ở Anh cùng các nước và khu vực trong khối Liên hiệp Anh, ruộng đất về cơ bản thuộc sở hữu nhà nước. Ở Canada, ruộng đất thuộc sở hữu công cộng của Liên bang và tỉnh gọi là đất hoàng gia tổng cộng chiếm tới 90% diện tích lãnh thổ. Ngược lại, cũng có những nước như nước Đức, ruộng đất chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân. Dù thuộc sở hữu tư nhân nhưng ở đây, theo quy định của pháp luật, nhà nước có quyền lực, căn cứ theo nhu cầu phát triển kinh tế, trưng dụng ruộng đất của tư nhân và chuyển chúng thành sở hữu công cộng khi cần thiết.
Ở Việt Nam, Luận cương chính trị năm 1930, Đảng ta xác định: “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông", tiếp theo đó  Chính cương vắn tắt của Đảng cũng khẳng định:“Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm công chia cho cho dân cày nghèo”.Có thể nói đây chính là nền móng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai-  tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất này. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vượt lên bao gian khổ, hy sinh làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Giành được độc lập, chính quyền đã quy định bãi bỏ những luật lệ bất công của chế độ thực dân, phong kiến. Ngày30 tháng 01 năm 1946 , Chủ tịch Hồ Chí Minh (Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa) kí Sắc lệnh số 15 SL Về bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê. Điều 1, Sắc lệnh quy định: “Kể từ ngày mồng một tháng giêng năm 1946, bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê. Những nhà ở, những xưởng thợ, những kho chứa dù bằng gạch, bằng gỗ, bằng bê tông, bằng kim khí, lợp ngói hay tôn, vân vân...ở ngoài phạm vi các thành phố và các tỉnh lỵ chỉ phải chịu thuế đất ở thôi”.
Ngày 04 tháng 12 năm 1953 , Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Luật Cải cách ruộng đất. “Điều 1. Mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là:
 - Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam; xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ,
 - Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân,
 - Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển,
 - Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến,
 - Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phòng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc”.
   Đến Hiến pháp năm 1959 ( bản Hiến pháp thứ 2 của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Điều 12 quy định:“Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu của toàn dân”.
Năm năm sau khi nước nhà thống nhất, để chuẩn bị cho việc Quốc hội khóa VII- Kỳ họp thứ nhất thông dự thảo Hiến pháp 1980, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị lần thứ tám – Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, tại Hội nghị này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu chỉ đạo như sau:Nhân đây tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong dự thảo Hiến pháp- Hiến pháp 1980-  mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân.
 Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội, đúng với thực trạng ruộng đất nước ta, phù hợp với lợi ích toàn xã hội và cũng phù hợp lợi ích của chính nông dân”.
Đứng trên lập trường của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phân tích một cách khoa học đối với vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai:
“Thật vậy, nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là tất cả những tư liệu sản xuất cơ bản phải thuộc về của chung. Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải thống nhất quy hoạch và có chính sách khai thác hợp lý, đầu tư thích đáng, bảo vệ và bồi bổ đất đai trên phạm vi cả nước cũng như ở từng vùng kinh tế, làm sao cho toàn bộ đất đai bảo đảm nuôi sống hơn 50 triệu người, làm sao đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà.
 Chỉ với điều kiện chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân mới làm được như thế.
 Là sở hữu toàn dân, song ruộng đất được giao cho các tập thể hợp tác xã và nông dân lao động cá thể sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật; những hộ lao động đang sử dụng tất nhiên được tiếp tục sử dụng. Tập thể hoặc cá nhân khi sử dụng đất đai đều có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ và khai thác theo chính sách và kế hoạch của Nhà nước”.[1]
Có thể nói rằng những luận điểm cách mạng và khoa học mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định như trên là những căn cứ vững chắc để bắt đầu từ 1980, Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trong Hiến pháp: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trong qúa trình thực hiện hình thức sở hữu toàn dân về đất đai, nhằm từng bước khắc phục những hạn chế và bất cập, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối để định hướng, trên cơ sở đó, Quốc hội đã thực hiện việc sửa đổi Luật Đất đai. Luật đất đai là đạo luật được Quốc hội sửa đổi nhiều lần nhằm khắc phục những bất hợp lý, để theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Nghị quyết số 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI,“về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã định hướng để Quốc hội sửa đổi và ban hành Luật Đất đai năm 2013. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quyền sử dụng đất của người sử dụng đất và trách nhiệm quản lý đất đai của đại diện chủ sở hữu. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW“về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, trên cơ sở đó để thực hiện việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành.
Trong thực tiễn của quá trình xây dựng đât nước, chế định sở hữu toàn dân về đất đai đã bảo đảm và phát huy được tính ưu việt sau:
Thứ nhất, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân nên đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một tất yếu. Nhân dân ta đã đổ xương máu làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành quả đó đã giành lại non sông gấm vóc của cha ông để lại thì đất đai đó phải thuộc về sở hữu của toàn dân. Cách mạng đã đem lại quyền và lợi ích cực kỳ quan trọng đối với nông dân, đó là quyền và lợi ích thực hiện gắn liền phương châm “Người cày có ruộng”, bảo đảm người nông dân luôn có tư liệu sản xuất để sinh tồn trên chính Tổ quốc của mình.
Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung, lợi ích chung của toàn dân. Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai hạn chế được tình trạng đầu cơ đối với đất đai, nhất là đối với đất nông nghiệp.
 “Vì đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là thành quả của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay” [2].
Thứ hai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là điều kiện hết sức quan trọng trong giai đoạn đất nước ta thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngoài hình thức sở hữu toàn dân thì không có một hình thức nào có thể đưa đất nước vào con đường đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Hình thức sở hữu này đã bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để Nhà nước ta thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên toàn lãnh thổ, để xây dựng và phát triển đất nước
 Thứ ba, đất đai thuộc sở hữu toàn dân phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam, tạo điều kiện cho người sử dụng đất nâng cao giá trị sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích chính đáng của mình. Chế độ sở hữu này bảo đảm được sự bình đẳng, tính công bằng trong việc Nhà nước thực hiện thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Đất đai không thể tập trung trong tay của các “chủ đất”, “địa chủ” như thời thực dân phong kiến và nông dân có quyền chiếm hữu, sử dụng đất đai của mình. Điều này đã ngăn chặn được xu hướng dùng quyền sở hữu đất để nô dịch lao động. Qua nhiều lần sửa đổi,  Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm. Luật cũng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, đất đai thuộc sở hữu toàn dân giúp cho đất nước phát huy được nguồn lực đất đai phục vụ cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân không thể được bảo đảm khi đất đai của quốc gia, đất nước thuộc nhiều hình thức sở hữu. Nhà nước không thể điều hành, quản lý và huy động được đất đai vào việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của đất nước.“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân đã giúp cho đất nước phát huy được nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội, góp phần bảo đảm công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…”[3] 
Thứ năm, sở hữu toàn dân về đất đai, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là điều kiện cần thiết và quan trong để Nhà nước có thể thực hiện vai trò kiểm soát và quản lý nguồn đất đai cũng như điều tiết các quan hệ lợi ích đất đai có lợi cho quốc gia, cho người sử dụng đất trực tiếp. Sự kiểm tra, quản lý và điều tiết này của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bảo đảm được công bằng, sự bình đẳng trong xã hội. Sự điều tiết này phần nào có thể khắc phục được những vấn đề liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo về thu nhập từ đất đai. Mặt khác, sở hữu toàn dân cũng tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước bằng thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo ra những điều kiện trong việc hoạch định chính sách vĩ mô, xây dựng nền tảng các cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Hiện nay, luận điệu các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng: phải đa dạng hóa sở hữu đất đai, phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nóng hiện nay trong xã hội là việc khiếu kiện lâu ngày, khiếu kiện đông người, tố cáo liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai của Nhà nước… Để đấu tranh chống lại những luận điệu thù địch này, một mặt chúng ta luôn khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trung thành tuyệt đối với Hiến pháp mặt khác trong quá trình quản lý đất đai, Nhà nước ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luât và các chính sách về đất đai,  phải khắc phục được những hạn chế, thiếu sót mà Nghị quyết số 19- NQ/TW đã chỉ ra trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai. Đổi mới các chinh sách quản lý đất đai như định hướng của Đảng đã đặt ra: “ Đổi mới chính sách quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường  quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Công khai, minh bạch quản lý, sử dụng đất công” [4]. Đây là quan điểm mang tính định hướng, chỉ đạo quan trọng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021-2030) của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề đất đai và quản lý đất đai./.

[1] Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ tám – Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV
[2] Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai năm 1993 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa IX.
[3] Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI,  “về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,H.202, tI, tr 238.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây