Nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay

Thứ tư - 02/02/2022 14:08
 
                                                                                       CN. Hoàng Văn Cường
                                                                                      Phòng TC, HC, TT, TL
 
          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sau, rộng như hiện nay, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thực tế hiện nay, Công đoàn Việt Nam hoạt động trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã nhận định:Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế”.
          Cũng như công đoàn cả nước, những năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng, chất lượng. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng đã quan tâm hơn đến việc chỉ đạo việc thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp, công nhân lao động đã nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nên việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở doanh nghiệp có nhiều thuận lợi. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn thực hiện kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực; hoạt động CĐCS ở doanh nghiệp từng bước đi vào thực chất và có nhiều đóng góp tích cực xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200 công đoàn cơ sở với 4,5 vạn đoàn viên. Trong đó có 286 CĐCS với 11.217 đoàn viên trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn.
            Một là, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ (chiếm trên 70%), sản xuất kinh doanh không ổn định, tình hình dịch bệnh, thiên tai làm cho nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động; việc làm của người lao động không ồn định nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng tìm cách né tránh, trì hoãn việc thành lập tổ chức công đoàn.
          Hai là, một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa tranh thủ được sự chỉ đạo cấp ủy đảng. Trách nhiệm phối hợp của chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng cấp có nơi còn thiếu thường xuyên, chặt chẽ. Nguồn lực tập trung cho công tác phát triển đoàn viên còn hạn chế.
          Ba là, hoạt động của một số CĐCS khu vực ngoài nhà nước chưa hiệu quả. Nội dung hoạt động CĐCS doanh nghiệp còn đơn điệu, chưa thu hút đoàn viên, người lao động tham gia. Đội ngũ cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp thường xuyên biến động; kỹ năng, nghiệp vụ công đoàn còn nhiều hạn chế; chưa giành nhiêu thời gian cho hoạt động công đoàn. Một số cán bộ CĐCS chưa nắm chắc các quy định của pháp luật lao động, công đoàn nên khó khăn trong việc tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, mạnh dạn đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết của cán bộ công đoàn nhiều nơi còn thiếu kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu chính đáng của đoàn viên.
         Bốn là, một số chủ doanh nghiệp, công nhân lao động nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, sự cần thiết phải thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Người lao động chưa mạnh dạn, chủ động đứng ra thành lập Ban vận động để thành lập tổ chức công đoàn, vì chưa có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp, ngại chủ doanh nghiệp gây khó khăn trong công việc.
          Năm là, một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa có giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Biên chế chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở còn ít, một số công đoàn ngành chỉ có 1 người nên việc tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS còn hạn chế.
          Để nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, công đoàn các cấp tỉnh Quảng Trị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau.
          Thứ nhất, cần tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngay 12/6/2021 của Bộ Chính Chính trị về đối mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình “Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, sắp xếp hệ thống tổ chức, nâng cao chât lượng đội ngũ cán bộ công đoàn giai đoạn 2018-2023”.
          Thứ hai, cần tích cực khảo sát nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công nhân lao động trên địa bàn, đặc biệt là những doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập CĐCS có kế hoạch tập trung tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS. Chú trọng vận động phát triển đoàn viên ở những doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn nhưng có nhiều lao động chưa gia nhập tổ chức công đoàn.
          Thứ ba, công đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở cần đổi mới, đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên theo hướng có sự tham gia tích cực của người lao động vào quá trình vận động thành lập CĐCS; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo về quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc đại diện cho người lao động ở những nơi chưa có tô chức Công đoàn.
          Thứ tư, cần tăng cường trách nhiệm của các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh để hướng dẫn, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để kịp thời bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
          Thứ năm, cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện các quy định pháp luật lao động, công đoàn. Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tô chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
          Thứ sáu, chăm lo, củng cố, xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS. Đổi mới phương pháp, nội dung tập huấn cán bộ CĐCS khối doanh nghiệp theo hướng tăng cường tập huấn chuyên đề, các kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đàm phán, thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.
          Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cho cán bộ CĐCS. Tập trung nguồn kinh phí để triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, công nhân lao động. Động viên, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, các cá nhân có thành tích trong việc phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.
          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sau, rộng như hiện nay, đặc biệt là sau khi Việt Nam ký kết các hiệp ước thương mại thế hệ mới, vai trò của tổ chức công đoàn càng trở nên quan trọng. Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII đã khẳng định: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.”  Cùng với công đoàn cả nước, Công đoàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đặc biệt là nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
  2. Báo cáo số 308/BC-LĐLĐ, ngày 9/8/2021 của của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị sơ kết 5 năm thc hiện Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên
    và các t
    chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nưóc
    trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây