ThS. Hoàng Tiến Dũng
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
Kế thừa kinh nghiệm của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vận dụng sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, ngay từ buổi đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử: “dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số Nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.
Ngày 15-10-1949, cách đây đúng 72 năm, trong một bài báo nổi tiếng đăng trên tờ “Sự thật”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng cơ bản về công tác dân vận của một Đảng cách mạng. Tác phẩm đó được coi là cương lĩnh về công tác vận động quần chúng. Tư tưởng của Người đã dẫn dắt Đảng ta tiến hành công tác dân vận giành được những thành tựu quan trọng, góp phần quyết định vào thắng lợi của cách mạng nước ta cho đến hôm nay.
Vậy vấn đề đặt ra ở chỗ, để tiếp tục thực hiện tốt “Dân vận khéo” trong tình hình hiện nay theo chúng tôi phải thực hiện tốt hai vấn đề : Hiểu được nội hàm của luận điểm và đề ra những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.
Đầu tiên, phải hiểu rõ nội hàm của luận điểm mà Người đã đề cập, vì hiểu rõ được nội hàm của luận điểm thì chúng ta mới làm tốt những điều mà Người chỉ dạy về công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”. Tuy chỉ với 8 chữ hết sức ngắn gọn, nhưng nội hàm của nó chứa đựng những nội dung mang tính triết lý, thực tiễn và sinh động.
Trước hết, Người muốn nói đến vấn đề phải có quan điểm đúng đối với dân và với công tác dân vận. Đây là điểm mấu chốt, bởi lẽ không có nhận thức, quan điểm đúng về con người, về Nhân dân thì làm sao có thể có “dân vận khéo”
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chúng ta phải hiểu thấu đáo khái niệm “Dận vận là gì?”. Theo Người, dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng của toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho.
Thứ ba, khi nói “Dân vận khéo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, trong từng thời kỳ cách mạng cũng như trong từng thời gian cụ thể nhất định, việc xác định mục tiêu, nội dung dân vận đúng hay không đúng sẽ quyết định đến việc thành công hay không thành công của mọi công tác cách mạng. Ngày nay, vấn đề này càng quan trọng hơn.
Thứ tư, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nội dung cũng hết sức quan trọng nữa đó là phương thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác dân vận. Đây là lý do mà Người không dùng cụm từ “dân vận tốt” “dân vận hay” mà lại dùng “dân vận khéo”. Điều đó Người muốn nhấn mạnh đến nghệ thuật trong công tác dân vận.
Từ chỗ nhận thức đầy đủ nội hàm của luận điểm, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ với những phẩm chất và năng lực sau đây :
Một là, Trong thời đại khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiến như vũ bão thì chuẩn mực về trí tuệ đặt lên hàng đầu là rất cần thiết để họ có đủ sức tìm tòi, nghiên cứu, suy nghĩ, tư duy thấu đáo mới phát hiện và giải quyết những vấn đề đặt ra, giải quyết thấu đáo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, cán bộ dân vận phải có uy tín, giỏi tuyên truyền, thuyết phục.
Ba là, cán bộ dân vận phải có tác phong quần chúng. Phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Bốn là, cán bộ dân vận phải biết nêu gương.
Năm là, phải đưa cán bộ làm công tác dân vận vào rèn luyện, trưởng thành từ phong trào quần chúng, được Nhân dân tín nhiệm, tin yêu.
Với những nét khái quát nhất về nội hàm luận điểm “Dân vận khéo việc gì cũng thành công” và một số yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất định công tác dân vận sẽ đạt được những kết quả như mỗi chúng ta kỳ vọng.