Quảng Trị đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng đến xây dựng chính quyền số để phục vụ dân tốt hơn

Thứ tư - 27/04/2022 14:59
 
                                                               ThS.Lê Thị Tường Anh
                                                                     Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tư duy và hành động từ mô hình truyền thống sang phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa tổ chức dựa trên nền tảng kỹ thuật số, dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi quy trình nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh: nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. 
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị, phiên bản 1.0 và Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị, phiên bản 2.0 làm cơ sở cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển đô thị thông, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau. Vì vậy ngày 24/06/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1567/QĐ-UBND chỉ đạo triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung thuộc dự án Xây dựng chính quyền điện tử. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh (LGSP) đã được triển khai thực hiện và đã tích hợp với Nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (NGSP), trực tiếp liên thông văn bản quốc gia (VDXP), LGSP của tỉnh cũng đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và dịch vụ công của các Bộ, ngành Trung ương. Hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận giải quyết trên Hệ thống thông tin Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Hệ thống Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách của Bộ Tài chính vào hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, phục vụ công tác thống kê báo cáo tình hình giải quyết hồ sơ của Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Tài chính tỉnh; kết nối Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và truyền thông.
Để phục vụ quản lý, giám sát chỉ đạo điều hành lãnh đạo tỉnh đối với lĩnh vực hành chính công tỉnh đã xây dựng API cơ chế cập nhật dữ liệu từ Cổng dich vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh cung cấp cho Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị (IOC tỉnh). Kết nối liên thông, tích hợp Cổng dịch vụ công tỉnh với dịch vụ VNPOST của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Trị triển khai thủ tục cấp điện trung áp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông mức độ cao trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỉnh đã thành lập và khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Trung tâm IOC của tỉnh là hệ thống công nghệ thông tin có chức năng giám sát, điều hành, tổng hợp nhiều hoạt động của tỉnh nhằm thu thập, chuẩn hoá dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển bền vững. Trung tâm được triển khai gồm 11 thành phần, trong đó có trung tâm giám sát điều hành giao thông, an ninh công cộng, thông tin báo chí và truyền thông, dịch vụ hành chính công và trung tâm giám sát an ninh mạng. Thiết lập kênh giao tiếp nhằm kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền như Cổng thông tin phản ánh hiện trường, hệ thống tổng đài AI 1900868674. Để Trung tâm IOC tỉnh hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan tại địa phương sẽ triển khai các giải pháp, các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và phát triển đô thị thông minh. Trong số các chức năng mà Trung tâm IOC tỉnh Quảng Trị đảm nhận, Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và Trung tâm Giám sát, điều hành an ninh công cộng sẽ được triển khai thử nghiệm ở thành phố Đông Hà. Hai trung tâm này sẽ kết nối với hệ thống camera giao thông và tích hợp camera an ninh để giám sát xử phạt vi phạm giao thông, xử lý hình ảnh thông minh qua thuật toán nhận diện sinh trắc học giúp tìm kiếm các đối tượng nghi vấn. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng (SOC) tỉnh và chia sẻ dữ liệu mã độc, an toàn thông tin mạng tỉnh lên Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC thành phố Đông Hà cũng được thành lập đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính phục vụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Quảng Trị
Bên cạnh những kết quả  đã đạt được, thực tế cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng chuyển đổi số của tỉnh Quảng Trị  gặp không ít khó khăn, thách thức: Yêu cầu đặt ra là kỹ năng và khung năng lực của cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi để phù hợp cách thức quản lý, vận hành mới, do đó cần có quá trình, thời gian để đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế, nhất là ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan khối Đảng, đoàn thể của tỉnh; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tài nguyên dữ liệu số chưa được khai thác hiệu quả, nhất là phân tích thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; thương mại điện tử ở mức thấp. Ở một số ngành, lĩnh vực, người đứng đầu còn hạn chế về tâm thế thay đổi, ngại đổi mới, chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang điện tử.
Từ thực tế nêu trên, để đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong việc chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Xây dựng chiến lược và các kênh truyền thông trực tuyến để đẩy mạnh việc tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức vào chương trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, triển khai thành công chuyển đổi số làm nền tảng cho phát triển kinh tế số.
Thứ hai, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung theo hướng chuyên nghiêp, chuyên sâu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số. Có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tim vào các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực quan trọng.
Thứ ba, tăng cường cung cấp thông tin, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển hạ tầng chuyển phát, logistics và đổi mới mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai chuyển đổi số toàn diện ở cấp xã;
Thứ tư, xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho các dịch vụ, tiện ích trong kinh tế số, xã hội số của tỉnh phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Xây dựng, phát triển nền tảng số của tỉnh phục vụ chuyển đổi số như: nền tảng điện toán đám mây, tích hợp dữ liệu, dữ liệu mở, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, định danh và xác thực điện tử, thương mại điện tử.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn. Chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, vì vậy người đứng đầu các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần theo dõi sát sao tiến độ triển khai, thực hiện chương trình chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương hỗ trợ, giúp đỡ, đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây