Công đoàn tỉnh Quảng Trị chủ động, tích cực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, viên chức lao động

Thứ ba - 06/12/2022 08:35
CN. Hoàng Văn Cường
Phòng TC, TC, TT, TL
          Trong bối cảnh hiện nay, người lao động chịu nhiều áp lực bởi sự cạnh tranh cao của nền kinh tế cũng như ảnh hưởng bởi mặt trái kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Vì thế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nói chung và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động nói riêng càng trở nên cấp thiết. Là tổ chức đại diện của người lao động, đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Công đoàn Việt Nam. Làm tốt nhiệm vụ này cùng với việc phát động các phong trào thi đua sẽ tạo nên khí thế hăng say trong công việc, làm cho cuộc sống của người lao động ngày càng tốt đẹp hơn. Qua đó góp phần thực hiện quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII "…khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
          Cùng với công đoàn cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong năm 2022, công đoàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà.
          Một là, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chủ động trong công tác phối hợp, cụ thể trong triển khai chỉ đạo.
Trong công tác phối hợp, LĐLĐ tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 250/CTPH-SVHTTDL- LĐLĐ ngày 22/02/2022 với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị “về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của công chức, viên chức, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2022-2026”. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch số 480/KHPH- LĐLĐ-SVHTTDL ngày 30/03/2022 về “Kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho công nhân viên chức lao động năm 2022”.
Trong triển khai chỉ đạo, Ban Công tác cơ sở LĐLĐ tỉnh đã được phân công trực tiếp hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp triển khai, phát động các phong trào thi đua, tăng cường công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ với các nội dung cụ thể: xây dựng, ban hành các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị về văn hóa công sở; thực hiện và chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử; tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống.
          Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong CNVCLĐ được triển khai linh hoạt, sâu rộng, thiết thực.
LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các địa phương, sở, ban, ngành đoàn thể liên quan để tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, linh hoạt như thông qua các hội nghị, đối thoại, các lớp tập huấn, hội thi, phương tiện thông tin đại chúng...
          Nội dung tuyên truyền thiết thực với người lao động. Đó là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như Bộ luật Lao động 2019; Luật ATVSLĐ; Luật Công đoàn; BHXH, BHYT, BHTN..., các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng trong CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”...
          Kết quả, các cấp công đoàn đã tổ chức 312 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, BHXH, ATVSLĐ... cho 13.580 cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ chốt, CNVCLĐ. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, về các giải pháp đổi mới hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới cho cán bộ CĐCS; đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.
          Công đoàn các cấp chú trọng tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước trong CNVCLĐ; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về xây dựng nếp sống văn minh; tổ chức hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của đoàn viên, CNVCLĐ; từng bước xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp” trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn.
Để công tác tuyên truyền hiệu quả sâu rộng, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ.
          Ba là, công đoàn các cấp tích cực duy trì thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong tổ chức, doanh nghiệp.
Các cấp công đoàn đã duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích như: tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông CNVCLĐ, liên hoan tiếng hát CNVCLĐ...
          LĐLĐ tỉnh đã tập trung hướng dẫn tổ chức các ngày hội lớn trong CNVCLĐ về văn hóa thể thao nhân các đợt cao điểm như: “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy”, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước. LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thao khối CĐCS trực thuộc trung ương, có 16 đơn vị và hơn 200 vận động viên tham gia; nhiều đơn vị tổ chức hội thao ở cấp huyện ngành, thu hút hàng trăm vận động viên tham gia như: Công đoàn Viên chức tỉnh, các công đoàn ngành Công thương, Xây dựng, Y tế, các LĐLĐ Vĩnh Linh, Hải Lăng, Đông Hà... Ở cấp CĐCS tổ chức được hơn 300 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút hàng nghìn đoàn viên tham gia. 100% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã tổ chức tốt Hội nghị người lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động. Xây dựng tốt mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, không để xảy ra đình công, lãn công.
      Bốn là, các cấp công đoàn đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào xây dựng “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đã nghiêm túc, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua như: Phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào xây dựng “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Hơn 95% công đoàn cơ sở (CĐCS) đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát động, ký kết thực hiện phong trào; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai có trọng tâm, trọng điểm với những việc làm thực, hiệu quả. Công đoàn đã chủ động tham mưu phối hợp đưa nội dung thực hiện phong trào vào nội quy, quy chế dân chủ của cơ quan để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Hàng năm có 100% cơ quan đơn vị tổ chức hội nghị CBCC, VC; 98% CBCC xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cơ quan, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa.
          Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã được các cấp công đoàn triển khai gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác, đặc biệt là việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng; xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình vì người dân phục vụ theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác. Các cấp công đoàn chú trọng đến trách nhiệm của người lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức các phong trào thi đua về văn hóa, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
          Để triển khai giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” và xây dựng bộ tiêu chí về “Văn hóa doanh nghiệp”, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 về việc Ban hành Quy định khen thưởng đối với “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động tỉnh Quảng Trị”, bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2023.
          Triển khai Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về triển khai phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức xây dựng thành công mô hình “Tủ sách pháp luật trong các doanh nghiệp như tại: Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms; Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú; Công ty TNHH Thương mại số 1... Việc xây dựng tủ sách, thư viện tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần khuyến khích thói quen đọc sách của công nhân lao động. Năm 2022, LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Quảng Trị hỗ trợ sách, tài liệu, ấn phẩm để bổ sung vào tủ sách tại 05 doanh nghiệp trên địa bàn.
          LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” tại cơ sở, tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các câu lạc bộ trao đổi kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong công chức, viên chức, người lao động. Nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc trong CNVCLĐ đã ra đời như: mô hình “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có ma túy”, “Gia đình nhà giáo văn hóa”, “Gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc”... nhằm tạo sự giao lưu gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về công tác, học tập, lao động sản xuất, giúp nhau xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt. Trên 80% gia đình cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa và hàng trăm gia đình CNVCLĐ tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng.
         Năm là, LĐLĐ tỉnh đã chú trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng cán bộ công đoàn làm công tác xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ
          Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, công tác xây dụng bồi dưỡng lực lượng cán bộ công đoàn làm công tác xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, mà nòng cốt là cán bộ CĐCS và cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
          Cán bộ phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền công đoàn các cấp thường xuyên được cung cấp thông tin, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nên đã phát huy hiệu quả trong công tác; đặc biệt cán bộ công đoàn tích cực bám sát cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, những vấn đề nóng và dư luận trong đoàn viên, người lao động qua đó thông tin, định hướng, báo cáo và có giải pháp giải quyết kịp thời.
          Cùng với kỹ năng, nghiệp vụ, LĐLD tỉnh luôn chú trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết, hết lòng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.
          Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong CNVCLĐ của Công đoàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ ở một số CĐCS, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Một số người sử dụng lao động chưa chú trọng nâng cao trình độ, tay nghề, kiến thức chính trị, pháp luật, chưa quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ. Hoạt động tuyên truyền ở một số CĐCS chưa được quan tâm đúng mức.
          Công tác phối hợp giữa công đoàn với ngành văn hóa chưa được thường xuyên, nội dung phối hợp để nâng cao đời sống văn hóa cho CNVCLĐ chưa phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở... phục vụ người lao động khu công nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của CNVCLĐ chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; vẫn còn một số CNVCLĐ có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...
          Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần CNVCLĐ, Liên đoàn lao động tỉnh cần làm tốt một số giải pháp sau:
          Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong CNVCLĐ về ý thức, tầm quan trọng của hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
          Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua. Thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và các cấp công đoàn. Xây dựng các mô hình tổ chức phong trào thi đua ở cấp cơ sở có hiệu quả rõ nét, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ.
          Thứ ba, chỉ đạo CĐCS trong khu vực hành chính sự nghiệp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc của cán bộ công chức, thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”.
          Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về nhiệm vụ nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLĐ. Phối hợp với các ngành chức năng như Sở LĐTB&XH, BHXH tỉnh, Ban quản lý các Khu Kinh tế tỉnh... để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, lao động trên địa bàn.
          Thứ năm, chủ động tham mưu, phối hợp, vận động tuyên truyền xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ; Gắn xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao với xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu dân cư, khu công nghiệp: giao thông, điện, nước, thông tin...;
          Thứ sau, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn có chuyên môn nghiệp vụ về tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao trong CNVCLĐ; lựa chọn đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết và hết lòng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ.
          Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhân rộng các mô hình hoạt động văn hóa điển hình, gương đoàn viên, CNVCLĐ tiêu biểu.
          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, hoạt động của Công đoàn Việt Nam gặp nhiều thách thức. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TW “xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, ... xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước”, việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công đoàn các cấp. Để thực hiện mục tiêu đó, cùng với công đoàn cả nước, Công đoàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức và nội dung hoạt động, đặc biệt là tích cực, chủ động trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CNVCLĐ, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp./.
 
Tài liệu tham khảo:
1.Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
2.Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
3.Báo cáo kết quả triển khai kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quôc triên khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị ngày 11/10/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây