Nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi ở Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ năm - 11/05/2023 10:20
 
                                                                                        ThS. Ngô Thị Thu Hà
                                                                                             Phó Hiệu trưởng
 
      Hội thi giảng viên dạy giỏi là một hoạt động chuyên môn mang tính thường xuyên hay định kỳ được tổ chức ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội thi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn. Thông qua hội thi, Nhà trường có dịp khẳng định và tôn vinh những giảng viên dạy giỏi, tạo điều kiện để giảng viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy và tổ chức quản lý lớp học, khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học và phương pháp giảng dạy hiện đại. Đồng thời, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên.
      Trong phạm vi bài viết này, tôi đề cập một số nội dung sau:
      Những tiêu chí để được công nhận là giảng viên dạy giỏi
      Trước hết, giảng viên dạy giỏi phải là người vững vàng về chuyên môn, giỏi về kiến thức. Theo đó, người giảng viên dạy giỏi phải vững vàng về kiến thức truyền thụ cho học viên, nắm vững được những kiến thức khác có liên quan để truyền tải cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Giảng viên dạy giỏi luôn có sự đào sâu trong tư duy, cập nhật những kiến thức mới, nhất là kiến thức về thực tiễn để luận giải những vấn đề cần trình bày.
      Thứ hai, để được công nhận giảng viên dạy giỏi, bên cạnh truyền đạt tri thức đến người học, thì giảng viên phải có khả năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, giúp học viên tiếp tục tự học, tự bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn.
      Giảng viên dạy giỏi cũng cần có những kỹ năng cần thiết trong xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình giảng dạy. Vì học viên ở trường chính trị là những người lớn tuổi, có trình độ, có thực tiễn và địa vị xã hội nhất định, nên người học luôn đòi hỏi giảng viên phải luận giải những vấn đề mà bài học hay thực tiễn cuộc sống đặt ra.
      Thứ ba, một giảng viên dạy giỏi thật sự là người không chỉ truyền đạt kiến thức đối với học viên, mà còn truyền cảm hứng đến người học, giúp học viên có thái độ, động cơ đúng đắn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, để đánh giá giảng viên dạy giỏi cần đánh giá cả hiệu quả giờ giảng và sự hài lòng của người học.
      Giảng viên dạy giỏi phải có bản lĩnh chính trị, có đạo đức trong sáng, luôn tận tụy với nghề. Một giảng viên dạy giỏi luôn phải hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố tâm, trí, đức. Bởi vì tâm đức, trí tuệ, trình độ và cả nhiệt huyết của người thầy luôn để lại dấu ấn đậm nét trong mỗi học viên.
      Những kết quả đạt được của Trường Chính trị Lê Duẩn về tổ chức “Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường”
      Từ năm 2000 đến nay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hội thi giảng viên dạy giỏi. Hội thi được các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên thực hiện khá nghiêm túc với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Chẳng hạn hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường theo đình kỳ hằng năm. Tổ chức những giờ giảng mẫu của giảng viên đã đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi và có kinh nghiệm, kỹ năng để giảng trước hội đồng giảng viên. Nhà trường tiến hành thực hiện “đôi bạn cùng tiến” giữa giảng viên có kiến thức, kinh nghiệm với giảng viên trẻ.
      Với nhiều hình thức tổ chức đa dạng như vậy để nhằm một mục tiêu xuyên suốt là nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngày càng cao của tỉnh Quảng Trị.
      Có thể khẳng định, hội thi giảng viên dạy giỏi ở Trường Chính trị Lê Duẩn cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu, nội dung. Kết quả đến nay, Nhà trường đã tham gia đầy đủ 07 “Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc”, và 11 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp Học viện. Đặc biệt trong năm 2014 và năm 2020 có 02 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu của mỗi giảng viên và trên hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các khoa phòng có giảng viên tham gia dự thi. Hội thi đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Nhiều giảng viên đã khẳng định được năng lực giảng dạy và có uy tín cao đối với người học. Vì vậy, trong những năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn đã được Thường vụ Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo hai tỉnh Savanakhet và Salavan nước bạn Lào tặng nhiều bằng khen về thành tích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Bạn.
      Một số hạn chế trong quá trình tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi
      Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội thi giảng viên dạy giỏi ở Trường Chính trị Lê Duẩn vẫn còn một số hạn chế  nhất định.
      Thứ nhất, một số ít giảng viên phương pháp giảng dạy còn chưa thực sự phong phú, sự vận dụng và kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực chưa nhuần nhuyễn. Một số giảng viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu nên hạn chế đến chất lượng của giờ giảng. Ngoại trừ những giảng viên có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu của công tác đổi mới giảng dạy lý luận chính trị, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người học.
      Thứ hai, số lượng giảng viên những năm qua có sự biến động lớn. Số giảng viên có kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy lâu năm đã nghỉ hưu khá nhiều (08 giảng viên). Nhà trường tiếp nhận nhiều giảng viên trẻ (10 giảng viên), số giảng viên này được đào tạo chính quy, có kiến thức về chuyên ngành mình được phân công giảng dạy. Tuy nhiên, những giảng viên này còn có những hạn chế về phương pháp giảng dạy, còn thiếu một số kỹ năng trong quá trình xử lý các tình huống trên lớp. Số giảng viên này đã và đang học cao học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của giảng viên. Vì vậy, trong 07 lần Học viện tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi, Nhà trường cử đủ số lượng giảng viên tham gia theo quy định (02 giảng viên) trong bốn lần tổ chức, ba lần còn lại chỉ cử được 01 giảng viên tham gia.
      Thứ ba, một số giảng viên có kiến thức và kỹ năng giảng dạy nhưng e ngại trong việc tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
      Một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng hội thi giảng viên dạy giỏi ở Trường Chính trị Lê Duẩn
      Một là, các khoa, phòng và giảng viên cần quán triệt và thực hiện theo sự chỉ đạo của Hiệu trưởng về Kế hoạch số 1534- KH/HVCTQG ngày 26/12/2022 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII- Năm 2023” và Kế hoạch số 97-KH/TCTLD ngày 30/01/2023 của Trường Chính trị Lê Duẩn “Về việc tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2023” đúng thời gian và quy định. Cụ thể:
      Các khoa tổ chức triển khai hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa đối với giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm để bồi dưỡng và lựa chọn những giảng viên tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường. Mỗi khoa có ít nhất 02 giảng viên tham gia.
      Các khoa và Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện về thời gian và các yếu tố khác nhằm tạo thuận lợi nhất cho giảng viên rèn luyện và tham gia Hội thi.
       Ban Tổ chức Hội thi, Ban Giám khảo và các bộ phận liên quan thực hiện các nhiệm vụ đã được Hiệu trưởng phân công.
      Hai là, đội ngũ giảng viên nhà trường cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hội thi giảng viên dạy giỏi. Trên cơ sở đó, mỗi giảng viên xây dựng động cơ đúng đắn và hành động thiết thực phù hợp. Mỗi giảng viên phải nhận thức được tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi là nhu cầu tự thân của mỗi người. Khi giảng viên tham gia hội thi sẽ là dịp để được rèn luyên về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phương pháp sư phạm và khả năng xử lý các tình huống trên lớp, đồng thời là dịp để đồng nghiệp góp ý thẳng thắn, khách quan những mặt được và chưa được của mình trong quá trình đứng lớp.
      Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc là hoạt động quan trọng được tổ chức năm năm hai lần. Vì vậy, được tham gia hội thi và phấn đấu đạt kết quả cao là vinh dự cũng là trách nhiệm của giảng viên đối với nghề nghiệp của mình và Nhà trường.
      Ba là, mỗi giảng viên có kế hoạch cụ thể để tự rèn luyện nâng cao tay nghề của mình với nhiều hình thức khác nhau.             Giảng viên muốn giảng sâu một bài thì phải nghiên cứu kỹ giáo trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý để bài giảng đảm bảo tính khoa học, tính Đảng. Tuy nhiên, giáo trình là khung sườn để trên cơ sở đó giảng viên phân tích, luận giải các luận điểm, luận chứng một cách khách quan, khoa học. Nhằm thuyết phục người học, giảng viên còn phải tự nghiên cứu các tác phẩm kinh điển để luận giải sâu hơn những vấn đề đã đặt ra, nghiên cứu Văn kiện và Nghị quyết của Đảng, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Tạp chí Xây dựng Đảng và những tạp chí chính thống khác để có những tư liệu phong phú bổ sung làm cho bài giảng sinh động hơn. Bên cạnh tri thức thì kỹ năng rất quan trọng để giảng viên trở thành giảng viên dạy giỏi hay không. Vì vậy, mỗi giảng viên phải luôn tập luyện với những hình thức như tập một mình, tập trước nhóm nhỏ, tập mô phỏng…để tự mình nhận thấy những ưu điểm để phát huy, những hạn chế để khắc phục dần.
      Bốn là, thực hiện nghiêm túc việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, một số ít giảng viên nắm chắc lý luận nhưng kiến thức thực tiễn chưa nhiều nên một số bài giảng, giờ giảng nặng về lý thuyết và nghèo nàn thực tiễn dẫn đến sự khô khan, không hấp dẫn người học. Vì vậy, Nhà trường sẽ tổ chức cho giảng viên đi thực tế với nhiều hình thức, như đi thực tế theo kế hoạch của các khoa mỗi năm hai địa điểm ở các địa phương cơ sở, các doanh nghiệp, các sở, ban. ngành. Giảng viên đi thực tế cùng học viên các lớp theo kế hoạch được quy định trong chương trình trung cấp lý luận chính trị 05 ngày, đi thực tế theo chuyên đề của cá nhân giảng viên từ 10-15 ngày/năm. Bên cạnh đó, kết hợp đi thực tế khi được cử đi tập huấn, đi tham quan nghiên cứu theo phương châm xã hội hóa là chủ yếu. Với nhiều hình thức, cách thức đi thực tế như vậy, giảng viên sẽ thu nhận được nhiều kiến thức thực tế, mặt khác tiếp xúc với nhiều kênh khác nhau sẽ góp phần rèn luyện kỹ năng giao tiếp của giảng viên.
      Hội thi giảng viên dạy giỏi có vị trí, vai trò rất quan trọng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính vì thế, đổi mới và hoàn thiện tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Hội thi giảng viên dạy giỏi tiếp tục sẽ là một kênh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Quảng Trị và góp phần xây dựng trường chính trị đạt chuẩn trong thời gian tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây