Tư tưởng gắn với lợi ích

Thứ ba - 01/12/2020 14:35
ThS. Nguyễn Hữu Thánh
Bí thư Đảng ủy - Hiệu Trưởng
Các tham luận đã tập trung trao đổi một số khái niệm, đặc điểm và những vấn đề liên quan đến thuật ngữ tư tưởng, công tác tư tưởng. Không chỉ ở diễn đàn này mà nhiều nơi, hễ có bất cứ biểu hiện gì xảy ra liên quan đến tâm tư cá nhân, tâm lý cá nhân hoặc những hiện tượng tâm lý tiêu cực, hiện tượng tâm lý tích cực; hiện tượng lan truyền tâm lý…đều gán chung cho hai chữ: Tư tưởng. Vậy, chúng ta lý giải những vấn đề này như thế nào, từ cách tiếp cận như thế nào về tư tưởng và công tác tư tưởng để có nhận diện đúng và tác động hợp lý.
Nói đến tư tưởng, tức là chúng ta đang nói đến nhiều phạm trù khác nhau như: Tư tưởng, hệ tư tưởng, quan hệ tư tưởng, quá trình tư tưởng, thiết chế tư tưởng. Trước hết, chúng ta có hiểu nôm na, tư tưởng là sản phẩm của tư duy con người, phản ánh hiện thực khách quan biểu hiện mối quan hệ giữa con người với con người, con người với mối quan hệ với tự nhiên.
Xuất phát từ cách hiểu nôm na đó, chúng ta thấy rằng, tư tưởng có 03 đặc điểm cơ bản: Thứ nhất, tư tưởng gắn với lợi ích; thứ hai, trong xã hội có giai cấp đối kháng thì tư tưởng mang tính giai cấp; thứ ba, sự ra đời, tồn tại và phát triển, mất đi của một tư tưởng đều gắn liền với tồn tại xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội, chịu sự quy định của các quan hệ xã hội sinh ra nó.
Với thời lượng hạn chế và trong điều kiện ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn tôi chọn chủ đề “tư tưởng gắn với lợi ích” để tham luận, tức chỉ chọn một trong ba đặc điểm của tư tưởng.
Như đã đặt vấn đề ở trên thì, khái niệm, đặc điểm, vai trò của tư tưởng đã được trao đổi ở các tham luận khác, để làm rõ mối quan hệ giữa tư tưởng gắn với lợi ích, chúng ta tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan thuật ngữ lợi ích.
Lợi ích theo Từ điển Tiếng Việt, là “điều có lợi, có ích cho một đối tượng nào đó, trong mối quan hệ với đối tượng ấy”. Theo đạo đức học Mác - Lênin, “lợi ích là những điều kiện vật chất, tinh thần có tính khách quan đối với sự tồn tại và phát triển bình thường của các cá nhân, các cộng đồng người, các giai cấp và của xã hội nói chung”.
Với ý nghĩa đó, lợi ích cá nhân được hiểu là những điều có lợi, có ích cho cá nhân nói chung.
Lợi ích cách mạng được hiểu là lợi ích chung của toàn dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử. Trong đó, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam là xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, giành độc lập dân tộc và xây dựng thành công xã hội mới đảm bảo cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân luôn tiềm tàng một mâu thuẫn, quan hệ giữa chúng là quan hệ giữa cái chung và cái riêng nên mâu thuẫn này là mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, chứ không phải là mâu thuẫn đối kháng. Do đó, tập thể  và cá nhân cần có sự điều chỉnh mối quan hệ giữa các lợi ích trên.
Với tư duy chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích của cách mạng, lợi ích của Tổ quốc của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
“Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ”.
Vì “tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc”. Sau này, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên, lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn.
Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.
Vì vậy, mỗi đảng viên trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài…”.
Những lợi ích cá nhân đó phải là lợi ích rất chính đáng. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Bên cạnh đó, nếu quá nhấn mạnh lợi ích cá nhân, con người sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân và ngược lại, chống chủ nghĩa cá nhân không thận trọng sẽ “giày xéo” lên lợi ích chính đáng của cá nhân.
Lợi ích của cá nhân hoặc tập thể được diễn ra trên ba khía cạnh đó là: Lợi ích chính trị; lợi ích tinh thần; lợi ích vật chất. Ba loại lợi ích này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó lợi ích chính trị là quan trọng nhất đối với một chính thể, một giai cấp, một Đảng, Nhà nước vì thế Lênin nói rằng, người ta có thể hy sinh lợi ích về vật chất nhưng không bao giờ và mãi mãi không bao giờ hy sinh lợi ích chính trị.
Trước hết, lợi ích chính trị được biểu hiện ở trong một tập thể, cơ quan, trường học như Trường Chính trị Lê Duẩn đó là, các cá nhân tuỳ thuộc vào sự nỗ lực và cống hiến của mình cũng như phẩm chất đạo đức, chính trị, lối sống để được tập thể đánh giá cao và tín nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; được quy hoạch các chức danh; được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt; nâng ngạch, bậc, chuyển ngạch…đó chính là lợi ích trị.
Trên thực tế, tính từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã có có 25 lượt CBGV được cử đi đào tạo và bồi dưỡng các lớp; nâng ngạch 07 đồng chí; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 19 lượt cán bộ quản lý cấp khoa, phòng, hai lượt BGH; nhiều đồng chí tham gia chi  uỷ, đảng uỷ  của Nhà trường. Như vậy, ở góc độ bảo đảm và bảo vệ lợi ích chính trị cho CBGV, trong những năm gần đây Nhà trường đã thực hiện khá tốt.
Thứ hai, lợi ích tinh thần biểu hiện cụ thể là được ghi nhận, đánh giá cao, được biểu dương, khen thưởng, được tặng giấy khen, bằng khen, huân chương; được tập thể tín nhiệm xếp loại thi đua cao như CSTĐ, lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Có thể điểm qua một vài số liệu để thấy rõ hơn vấn đề xử lý về lợi ích tinh thần ở nhà trường trong 5 năm qua (2015-2020) như sau:
Đối với tập thể: Được tặng 03 Bằng khen của HV; 02 cờ thi đua của HV và UBND tỉnh; 18 lượt khoa, phòng được công nhận tập thể LĐXS và nhận thưởng của UBND tỉnh; 15 lượt tập thể LĐTT được nhận thưởng của trưởng; 12 bằng khen của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
Đối với cá nhân: 13 bằng khen của các cấp đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; 64 giấy khen của Hiệu trưởng tặng cho các cá nhân; 13 kỷ niệm chương; 02 CSTĐ cấp tỉnh; 25 CSTĐCS; 186 LĐTT; 01 điển hình tiên tiến 5 năm (2015-2020) cấp HV; 01 điển hình tiên tiến 5 năm cấp tỉnh.
Thứ ba, lợi ích về vật chất như, nâng lương theo thời hạn, nâng lương trước thời hạn; các khoản thu nhập ngoài lương, thưởng, tết, lễ; các khoản theo chế độ, chính sách quy định về lưu trú, công tác phí…
Từ 2015 đến 2020 có 15 lượt CBGV được nâng lương trước thời hạn. Các khoản tết, lễ, thu nhập ngoài lương được phân chia công khai, công bằng theo Quy chế chi tiêu nội bộ…
Ở góc độ mối quan hệ giữa tư tưởng và lợi ích thì tư tưởng nếu không gắn với lợi ích là tư tưởng vô nghĩa; lợi ích quyết định tư tưởng, muốn giải quyết các vấn đề tư tưởng trước hết phải giải quyết vấn đề lợi ích.
Những năm gần đây, chúng ta đã xử lý vấn đề gốc rễ của tư tưởng đó là xử lý về lợi ích một cách thoả đáng.
Theo Mác thì, tư tưởng không có lợi ích là tự bôi nhọ nó (làm nhục nó). Những năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn đã xử lý khá hài hoà, công bằng, công khai cả ba loại lợi ích trên cơ sở sự cống hiến, đóng góp của mỗi cá nhân mà những cống hiến đó phải được tập thể công nhận và chấp thuận.
Trong thực tế hiện nay, trên bình diện cả nước, những điểm nóng về chính trị, về đền bù, giải toả; sau bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển…sau những vụ rắc rối đó có nguyên nhân từ  vấn đề lợi ích. Theo những biểu hiện thông thường thì, bầu không trúng - tư tưởng; thi không đỗ - tư tưởng; không bổ nhiệm được - tư tưởng; đền bù không đáp ứng như mong muốn - tư tưởng; những lợi ích ngầm, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân không đạt được cũng nảy sinh tư tưởng;  Có tội với cách mạng, có tội với nhân dân dù đã được rộng lượng khoan hồng nhưng vẫn nuôi hận thù với cách mạng, vẫn luôn tìm mọi cách, mọi thủ đoạn nhằm lôi kéo, bôi nhọ, đả kích hòng lật đổ chính quyền cách mạng… Một số trường hợp nổi lên trong thời gian qua như giáo sư Chu Hão, nhà văn Nguyên Ngọc; Trường hợp Lê Đình Kình do phiếu bầu thấp không tái đắc cử chức vụ Bí thư Đảng uỷ đã bất mãn dẫn đến lập “tổ đồng thuận” và dẫn đến kết cục như thế;  hay một số cán bộ dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp, tinh giản bộ máy cũng nãy sinh những biểu hiện của tư tưởng; những phần tử phản động, phản bội Tổ quốc hàng ngày tìm cách rêu rao, tìm cách làm lu mờ những thành quả mà cách mạng đã đạt được. Những biểu hiện này nếu không tự kiềm chế, tự kiểm soát bản thân của mỗi cá nhân sẽ dẫn đến xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đó là con đường  gần nhất để đi đến suy thoái về chính trị, đạo, đức, lối sống.
Vấn đề đặt ra là, đó có phải là tư tưởng không, hay là tâm tư cá nhân, tâm lý cá nhân mà có khi dân gian cho rằng đó là “tiếng lòng cá nhân”. Chỉ khi chúng ta gọi đúng tên, chỉ ra đúng nguyên nhân thì mới có thể khắc phục hoặc xử lý dứt điểm. Sinh thời Bác Hồ có nói:  “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”.
Như vậy, nếu tâm tư cá nhân hay tư tưởng cá nhân ấy mà cốt để bảo vệ lợi ích chính đáng cho bản thân, cho tập thể, bảo vệ lợi ích cách mạng thì chúng ta phải chăm lo đến lợi ích vật chất, tác động vào các động lực chính trị - tinh thần để phát huy sức mạnh cá nhân hoà cùng cộng đồng, cùng tập thể cơ quan, đơn vị. Khi đã tham gia vào cộng đồng, vào một tổ chức hoặc tập thể nào đó thì dù là lợi ích cá nhân nhưng cũng phải được tập thể, cộng đồng thừa nhận tín nhiệm hoặc uỷ quyền.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân,  theo Hồ Chí Minh, trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là “chủ nghĩa cá nhân”, phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.  “Chủ nghĩa cá nhân” được hiểu là “cái gì cũng chỉ biết có lợi ích cho mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, là tập thể, là phải hòa mình vào với dân tộc vào tập thể mình đang công tác, sinh hoạt. Người ví chủ nghĩa cá nhân “như là một thứ vi trùng rất độc”, nó “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm”; Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của tập thể. 
Những người này, còn “kể công” với Đảng, với tập thể, có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng, tập thể “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thoả mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, oán trách tập thể, oán trách người có trách nhiệm và cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”, họ bị trù dập.... Rồi dần dần họ xa rời Đảng, xa rời tập thể, xa rời đồng chí đồng đội - những người đã từng một thời là bạn hữu, đồng nghiệp; thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng, phá hoại tập thể. Cũng vì thế, nhiều lúc công lao của cả một tập thể với thành tích nổi bật cũng bị “đổ xuống sông, xuống bể” chỉ vì một hay một vài cá nhân thiếu tính xây dựng trong tập thể ấy. 
Đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng, tư tưởng gắn bó mất thiết với lợi ích, không thể tách rời lợi ích. Phương pháp luận của vấn đề này là, giải quyết vấn đề tư tưởng phải tác động đến lợi ích. Nếu làm tư tưởng để giải quyết tư tưởng là có thể rơi vào duy tâm. Tuy nhiên, lợi ích ở đây là chúng ta đang nói đến lợi ích chân chính, lợi ích chính đáng được tập thể, cộng đồng chấp nhận./.

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây