Thực trạng công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay và những vấn đề đặt ra

Thứ ba - 01/12/2020 14:33
ThS. Trần Hoàng
ĐUV -  Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
- Kính thưa ThS. Nguyễn Hữu Thánh, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhà trường cùng các đồng chí chủ trì chương trình tọa đàm khoa học;

- Thưa quý thầy, cô giáo cùng các đồng chí!

          Qua được nghe báo cáo đề dẫn và các bài tham luận, các tác giả đã làm rõ khái niệm và nội hàm của công tác tư tưởng. Từ góc độ lý luận cho thấy,  công tác tư tưởng của Đảng là hoạt động của Đảng tác động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm xây dựng, xác lập, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó định hướng nhận thức, xây dựng  niềm tin và thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, giá trị đạo đức đúng đắn, thúc đẩy hành động của mọi người, góp phần tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tính chủ động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm khoa học này, tôi xin được trình bày tham luận về “Thực trạng công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay và những vấn đề đặt ra”.
Kính thưa các đồng chí !
Trường Chính trị Lê Duẩn là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Quảng Trị, thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Khóa XII. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó, Đảng ủy Nhà trường rất coi trọng việc xây dựng và tăng cường công tác tư tưởng của Đảng bộ. Thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, thông qua việc thường xuyên quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã góp phần giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; nắm vững và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu; thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là trọng tâm, là nội dung cốt lõi phản ánh được yêu cầu của công tác tư tưởng đối với người giảng viên và là thực trạng công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay. Từ việc làm tốt công tác tư tưởng đã tạo nên được sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của tập thể viên chức nhà trường, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Thứ hai, để thực hiện tốt công tác tư tưởng, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám hiệu xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chế của Nhà trường như Quy chế Dân chủ, Quy chế Chi tiêu nội bộ, Quy chế Bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, Quy chế Xây dựng đơn vị văn hóa, Quy chế Phát ngôn…để tạo cơ sở cho các mối quan hệ công tác theo hướng công khai, dân chủ, góp phần xây dựng và củng cố đoàn kết trong nội bộ nhà trường.
Thứ ba, việc thực hành dân chủ trong Nhà trường luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu thực hiện tốt. Các mặt hoạt động như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; kế hoạch công tác năm; công tác tháng, tuần; công tác điều động, bố trí, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; các chế độ chính sách, các chế độ phúc lợi tập thể…luôn được bàn bạc dân chủ, công khai và thông tin đầy đủ, kịp thời nên đã tạo được sự thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường.
Với phẩm chất chính trị được rèn luyện qua thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên và các thể chế, quy chế từng bước được Đảng ủy, Ban Giám hiệu  hoàn thiện theo hướng công khai, dân chủ đã tạo ra động lực, phát huy được tinh thần, trách nhiệm, khơi dậy được tư duy đổi mới, sáng tạo và đã tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động. Đó là cơ sở, là mạch nguồn để cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thực tiễn sinh động đó khẳng định rằng công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn luôn ổn định và phát triển theo hướng tích cực, là động lực phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây ở Đảng bộ Trường chúng ta nảy sinh những vấn đề mà một số đảng viên còn băn khoăn và cho rằng là những vấn đề về công tác tư tưởng như: Việc phân công bài giảng, giờ giảng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chưa phù hợp hoặc không đủ giờ chuẩn; việc lấy phiếu thăm dò phục vụ cho công tác cán bộ có mức tín nhiệm không cao; không đạt được các danh hiệu về thi đua, khen thưởng hoặc giảng viên dạy giỏi như mong muốn; những kỳ vọng trong sắp xếp vị trí công việc chưa đáp ứng theo nhu cầu của cá nhân; chưa được xét nâng lương trước thời hạn; chưa được cử đi tham quan, học tập trong và ngoài nước; chưa được xem xét quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo…Thậm chí trong cuộc sống đã có những biểu hiện thiếu chân thật với đồng chí, đồng nghiệp…Theo tôi đây là những vấn đề mang ý chí chủ quan của cá nhân, trong phạm vi của một vài cá nhân, gắn với những lợi ích cá nhân hoặc tâm lý của nhóm nhỏ một vài cá nhân, nhưng nhiều khi lại được suy diễn một cách chủ quan, thiếu căn cứ, thậm chí vấn đề được đẩy đi xa hơn so với thực tế nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ. Vì vậy, cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc để có phương thức xử lý thỏa đáng. 
Tôi cho rằng những vấn đề nêu trên không phải là công tác tư tưởng mà sự cần thiết phải nhận thức rõ và gọi đúng tên, đúng bản chất của vấn đề sẽ là cơ sở để giải quyết yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Cần thấy rằng đó chỉ là những vấn đề  bức xúc có tính nhất thời của một vài cá nhân. Thiết nghĩ, thông qua sự giãi bày, đối thoại chân thành giữa cá nhân với cá nhân hoặc với các cấp lãnh đạo, với những người có trách nhiệm của Nhà trường thì có thể giải toả được những tâm lý bức xúc, những vướng mắc một cách có lý, có tình trên cơ sở quy định của pháp luật, Điều lệ, quy định của Đảng và quy chế của Nhà trường. 
 Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi nhận thức về thực trạng công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay và những vấn đề đặt ra. Hy vọng tại diễn đàn này và từ nhiều góc độ tiếp cận khác, các bản tham luận khác theo phân công của Ban Tổ chức tọa đàm sẽ phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao trong Đảng bộ chúng ta vẫn tiềm ẩn những yếu tố có thể gây mất đoàn kết? Tại sao đồng chí, đồng nghiệp với nhau nhưng ở một vài cá nhân chưa thực sự chân thành với nhau, chưa thật sự đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau? và có thể nói được là đã bắt đầu có một vài dấu hiệu, hiện tượng “Bằng mặt chứ không bằng lòng”…Cá nhân tôi nghĩ rằng cần phải thống nhất và nhận thức đúng những vấn đề đang đặt ra đó để cùng nhau chia sẻ trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, để cùng hướng đến mục tiêu chung nhằm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Xây dựng mái trường này thực sự là một địa chỉ để khi nói tới Trường Chính trị Lê Duẩn là nghĩ đến một mái trường cách mạng với hình ảnh của những đồng nghiệp chân thành, những thầy, cô giáo mô phạm, đáng kính, uyên thâm về kiến thức, mẫu mực về đạo đức, chuẩn mực trong hành vi ứng xử và giỏi về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; những viên chức mẫn cán và được rèn luyện trong môi trường văn hóa trường Đảng nên rất mẫu mực từ thái độ đến phẩm chất đạo đức; là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng, văn hóa chính trị của Đảng; là trung tâm đào tạo và rèn luyện ra những thế hệ học viên hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và mỗi chúng ta luôn tự hào là người cán bộ, giảng viên của ngôi trường thân yêu đó./.
Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm lắng nghe của các đồng chí !

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây