Nguyên nhân và giải pháp đối với công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn trong thời gian tới

Thứ ba - 01/12/2020 14:29
ThS.Lê Thị Thu Huyền
ĐUV-Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản. Cùng với công tác tổ chức, chính trị và đạo đức, công tác tư tưởng tạo nên sức mạnh chính trị tinh thần to lớn trong Đảng và toàn xã hội. Chính vì vậy, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã luôn coi trọng công tác tư tưởng, xác định đây là mặt trận hàng đầu, góp phần quyết định cho mọi thắng lợi cách mạng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tính chủ động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Công tác tư tưởng là nhân tố đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ "Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc". Tư tưởng là một hình thái ý thức xã hội, kết quả của quá trình nhận thức hiện thực khách quan, trở thành kinh nghiệm và sự hiểu biết trong tâm trí của con người, tạo cơ sở chỉ đạo hành động con người vì lợi ích bản thân. Tư tưởng của mỗi cá nhân không dễ nắm bắt, bởi vì nó là suy nghĩ trong đầu óc. Vậy nguyên nhân của công tác tư tưởng có thể biểu hiện như sau:
Thứ nhất, do “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” dẫn đến thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, do đối tượng nhận thức thấy lợi ích chưa đúng, cảm thấy bị “trù”.
Thực tế cho thấy, khi có “vấn đề” về tư tưởng thì hầu như tất cả các cán bộ, đảng viên, viên chức sẽ bộc lộ qua thái độ, phát ngôn, hành động. Khi tư tưởng không thông thì đảng viên, viên chức sẽ không nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, hiệu quả công việc không cao.
Trong công việc hàng ngày, các yếu tố liên quan đến quyền lợi bao gồm lợi ích vật chất (chế độ đãi ngộ, chế độ chính  sách, thu nhập, khen thưởng,…), lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên, đề bạt, bổ nhiệm...) dễ phát sinh vấn đề tư tưởng. Suy cho đến cùng vì lợi ích mà nãy sinh diễn biến tư tưởng,  xung đột, bất ổn cơ quan đơn vị, nói rộng ra là bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến tập thể. Thế nếu vì lợi ích thì đi giải quyết vấn đề đó, để cá nhân đảng viên có tâm tư sẽ nhận thấy đúng, nếu họ chỉ vì cá nhân họ thì tìm cách giải quyết như thế nào để họ nhận thức và khắc phục, phải giải quyết vấn đề lợi ích đó trước đã, phải làm thông tư tưởng trước tiên, chứ đừng “đổ thêm dầu vào lửa” hay “té nước theo mưa”. Như thế theo quy luật “tức nước vỡ bờ”, “giận cá chém thớt”, người có vấn đề tư tưởng sẽ không giải quyết được tư tưởng, dẫn đến đơn thư tố cáo kiện tụng. Vấn đề nội bộ của đơn vị nếu có vấn đề gì thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích không phải của một người mà của nhiều người. Cần phải nhận thưc rằng, Tư tưởng của mỗi cá nhân không dễ nắm bắt, bởi vì nó tự diễn biến bên trong.  Giải quyết các vấn đề tư tưởng không thể sử dụng mệnh lệnh mà phải bằng phương pháp thuyết phục và cách duy nhất là thông qua con đường đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn và với tinh thần xây dựng.
Mặt khác, người đảng viên có vấn đề tư tưởng nên “tự soi” lại bản thân mình, tự xem mình có gì cần phải điều chỉnh không. Đối với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Chi uỷ viên, lãnh đạo các khoa, phòng xem các bộ phận giải quyết vấn đề lợi ích trong từng đơn vị như thế nào? Đã thực sự học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ là đạo đức cách mạng, phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau để cùng nhau giải quyết những khúc mắc, phải có tinh thần cùng nhau xây dựng, mỗi người tự nhận thức, điều chỉnh theo phương châm mình vì mọi người. Việc giải quyết vấn đề tư tưởng phải quán triệt nguyên tắc tính Đảng. Bởi vì tính Đảng  là nguyên tắc cơ bản nhất của công tác tư tưởng, chi phối các nguyên tắc khác. Tính Đảng chính là công việc của bản thân Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đảm bảo cho công tác tư tưởng đi đúng định hướng, phát huy tác dụng, hiệu quả công tác tư tưởng. Bất cứ ai làm gì phải nghĩ cho tập thể trước, nếu lãnh đạo cũng như bản thân mỗi đảng viên chỉ chăm chăm vì cá nhân thì không bao giờ giải quyết được vấn đề tư tưởng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh khi nào Đảng phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên các mặt trong đó có công tác tư tưởng, mà công tác này liên quan nhiều vấn đề, có nhiều nguyên nhân, nếu xem nhẹ nó thì không được lòng dân. Đổi mới hay xóa đói, giảm nghèo, chống covi19….đều phải thực hiện từ công tác tư tưởng , khi đã thông suốt rồi trên dưới một lòng đoàn kết thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của công tác tư tưởng. Để làm tốt công tác tư tưởng của Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tư tưởng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng.
Nâng cao nhận thức của các chi bộ và đảng viên trong Đảng bộ Nhà trường, đặc biệt là của Đảng uỷ, các chi ủy, chi bộ và đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Ban Giám hiệu về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách. Cần làm cho toàn Đảng bộ, đảng viên thấy rõ: không làm tốt công tác tư tưởng, không nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng cho cán bộ, đảng viên thì không thể có sự đồng thuận, nhất trí cao trong tư tưởng và hành động, do đó cũng không thể có những thành tựu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường và xây dựng Đảng. Cần đề cao trách nhiệm, xây dựng và thực hiện quy chế làm công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ Nhà trường, từ Đảng ủy đến các chi bộ. Bí thư Đảng ủy, Ban Giám hiệu, trưởng các khoa, phòng phải trực tiếp làm công tác tư tưởng, chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tư tưởng của đảng bộ, đơn vị mình. Trong công tác tư tưởng cần kết hợp bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng với phê phán triệt để những biểu hiện tư tưởng phi vô sản; biểu dương ưu điểm đi đôi với phê bình nghiêm khắc khuyết điểm. Xây và chống là hai mặt của quá trình giáo dục tư tưởng, có quan hệ gắn bó với nhau, không thể chỉ chú trọng một mặt và bỏ qua mặt kia. Xây phải đi liền với chống, lấy xây làm chính.
Hai là, xây dựng và thực hiện cơ chế tiếp xúc, đối thoại với đảng viên, giảng viên, viên chức, trong đó có sự phối hợp giải quyết những vấn đề tư tưởng bức xúc của đảng viên, giữa các phòng, khoa và các tổ chức đoàn thể và bộ phận làm công tác tư tưởng.
Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường hàng năm phải lập kế hoạch chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của Đảng bộ, có biện pháp giải quyết kịp thời. Xây dựng cơ chế các cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đảng viên, viên chức, giải quyết các vấn đề bức xúc của viên chức. Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của các loại hình tuyên truyền, đặc biệt là công tác tuyên truyền qua các buổi họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, họp các tổ đảng cho phù hợp với trình độ, nhu cầu của các đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt theo Chỉ thị 10-CT/TW; tăng cường công tác giáo dục chính trị- tư tưởng; thường xuyên nắm bắt, đánh giá, định hướng tư tưởng; kiên trì giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ. Các đảng viên trong chi bộ mạnh dạn góp ý lẫn nhau trên tinh thần xây dựng vì sự tiến bộ chung của tập thể và của đồng chí mình. Gợi mở để đảng viên, viên chức nói lên suy nghĩ của mình. Qua đó, chi bộ sẽ biết được tư tưởng đảng viên.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức tiến hành công tác tư tưởng.
Công tác tư tưởng góp phần trực tiếp và thiết thực trong việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn giảng viên, viên chức để mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do vậy, nội dung công tác tư tưởng phải tiến hành thường xuyên, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Nhà trường; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý; tìm những giá trị đồng thuận cao; phù hợp với đối tượng. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XIIvà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tăng cường “nói đi đôi với làm”, “xây đi đôi với chống”, “biểu dương và phê bình”, lấy giáo dục, thuyết phục và nêu gương làm trọng tâm trong tổ chức thực hiện. Công tác tư tưởng cần tập trung vào những thắc mắc, bức xúc nhất của giảng viên, viên chức trong từng giai đoạn. Cần phân nhóm đối tượng để có nội dung, hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng nhóm. Các chi bộ cần trực tiếp nghiên cứu nghị quyết để xác định những nội dung liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị và trực tiếp triển khai cho đảng viên và phổ biến cho đảng viên ở cấp của mình. Phát huy dân chủ trong công tác tư tưởng; mở rộng dân chủ trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện mở rộng thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên. Thông tin kịp thời có định hướng là rất quan trọng để nâng cao dân trí, hướng dẫn dư luận, giáo dục chính trị - tư tưởng, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các chi ủy, chi bộ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đồng thời xây dựng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công tác tư tưởng. Trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy nhà trường, các chi ủy, chi bộ, chất lượng công tác tư tưởng được quyết định bởi phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ trên mặt trận tư tưởng. Đồng thời, cần có sự đầu tư kinh phí và phương tiện kỹ thuật thỏa đáng cho công tác tư tưởng. Lãnh đạo luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, từ lối sống, phát ngôn, thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức xây dựng tập thể đoàn kết, sinh hoạt dân chủ, công khai, công bằng. Lĩnh vực công tác tư tưởng thường đòi hỏi cán bộ  phải có năng khiếu nhất định, do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng thường khó khăn, phức tạp, mất nhiều công sức mới có cán bộ giỏi; cần có chính sách sử dụng hợp lý để phát huy hết năng lực của đội ngũ cán bộ này vì với đặc thù của Đảng bộ Nhà trường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận thực hiện công tác tư tưởng của Đảng tại Đảng bộ nhà trường; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm kiêm nhiệm công tác tư tưởng tại các chi uỷ, Đảng uỷ, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới. Tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều 30 và Điều 32 Điều lệ Đảng. Nâng cao tính khoa học, không ngừng mở rộng dân chủ trong công tác tư tưởng; đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với các luồng tư tưởng thù địch, các biểu hiện và hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ tư tưởng của các tổ đảng, chi bộ, khoa, phòng, đoàn thể, trên các lĩnh vực công tác phải luôn quán triệt chủ trương, đường lối quan điểm, tư tưởng của Đảng, bám sát thực tiễn đất nước, đi sát cuộc sống của viên chức; có phẩm chất, đạo đức trong sáng,thể hiện tính gương mẫu về nhân cách, bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng; tinh thần trách nhiệm cao, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp công tác, biết sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phương tiện mới trong thời đại công nghệ thông tin để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của Đảng, của đất nước trong thời kỳ mới.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Triển khai sâu rộng nhiệm vụ xây dựng đạo đức đối với đối với đảng viên và quần chúng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Công tác tư tưởng cần dự báo và định hướng tư tưởng đúng, kịp thời, nhất là khi có tình hình biến động phức tạp. Mặt khác, công tác tư tưởng phải nắm bắt diễn biến tư tưởng, giải đáp thấu đáo, kịp thời nguyện vọng, đòi hỏi của đảng viên và viên chức.  Nếu nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của viên chức, sẽ khơi dậy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần chăm lo cải thiện khối đại đoàn kết của đơn vị.
Xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, cấp bách, lâu dài với nhiều nội dung, trong đó xây dựng Đảng về tư tưởng là nội dung trọng yếu nhất. Thực hiện tốt được những giải pháp nêu trên sẽ là tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Nhà trường, tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận, thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây