Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Thứ sáu - 29/11/2019 15:49
Ths. Ngô Thị Thu Hà
 Phó Hiệu trưởng
 
Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng và khoa học là lý luận tiên phong dẫn đường để Đảng Cộng sản Việt Nam làm tròn vai trò tiên phong, lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trong tình hình thế giới hiện nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò quan trọng của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung và giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị nói riêng.
Ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG về thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xác định đây nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao, nên Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hướng dẫn số 475 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở 7 giải pháp mà Nghị quyết 35 đã đưa ra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Trường chính trị tỉnh thành phố là đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Trường Chính trị Lê Duẩn yêu cầu giảng viên phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
Trước hết, mỗi giảng viên phải nắm vững nội dung cơ bản của Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Phải trả lời được ba câu hỏi: Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Bảo vệ nền tảng tưởng tưởng của Đảng là phải bảo vệ cái gì? Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải bảo vệ như thế nào? Song song với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi giảng viên xác định muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, thì bản thân mình phải nghiên cứu kỹ những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảng viên “không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim, vào óc” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn. Như vậy, giảng viên không chỉ nắm vững nội dung của vấn đề mình cần trình bày, mà đã thấm sâu, nhuần nhuyễn và trở thành nội lực của bản thân.
Thứ hai, từ bổn phận là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nên trong quá trình nghiên cứu, giảng bài, phải đảm bảo được các yêu cầu: Truyền đạt các nội dung của Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khách quan, tính khoa học, tính Đảng.
Trong quá trình giảng dạy, cần phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng ta, đồng thời phản bác lại những luận điểm sai trái, thù địch.
Chẳng hạn khi giảng bài “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, giảng viên cần phân tích để làm rõ đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc ta. Năm 1991, khi “bức tường Beclin” sụp đổ, nhiều học giả tư sản cho rằng đó là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực và cũng có không ít những người cộng sản hoài nghi về chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có thể khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội khoa học (theo nghĩa rộng, chủ nghĩa xã hội khoa học là chủ nghĩa Mác-Lênin) với bản chất cách mạng và khoa học vẫn là lý luận tiên phong để dẫn đường cho giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Còn sự sụp đổi của “bức tường Beclin” là báo hiệu sự sụp đổ của những “mảnh”, những “mảng” của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô. Giảng viên phải khẳng định xã hội loài người đã và đang trải qua các hình thái kinh tế- xã hội theo trật tự từ thấp đến cao. Đó là quá trình phát triển tuần tự của sự phát triển lịch sử, đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, là sự lựa chọn đúng đắn của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Cũng chính trong thời điểm khó khăn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự bản lĩnh, chủ động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 khẳng định: “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư thực dân, phong kiến còn nhiều. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền độc lập của nhân dân ta”. Đồng thời nêu “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”.
Quyết tâm đó một lần nữa được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011): “Nước ta xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội  vớ kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
 Thực tiễn hơn 33 năm đổi mới đã chứng minh rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong quá trình đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có tính bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc ta.
Trong quá trình phân tích, lý giải giảng viên phải làm nổi bật được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những thành tựu to lớn đó. Giảng viên không chỉ đơn thuần phân tích luận điểm, cung cấp luận cứ, luận chứng mà còn khẳng định niềm tin, sự tự hào và tin yêu của mình đối với Đảng, đối với những thành quả mà dưới sự lãnh đạo của Đảng nên nhân dân ta đã giành được trong suốt gần 90 năm qua.
Bài học mà Đảng ta rút ra qua 30 năm đổi mới: “Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh ngày nay là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng đó là con đường hợp quy luật để có một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp cách mạng đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Đồng thời, giảng viên phải phân tích để thấy được những thách thức, mà Đảng, nhân dân ta phải đối mặt, phải giải quyết trong thời gian tới“Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng có nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”
Thứ ba, trong tình hình thế giới đang diễn ra với những diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá cách mạng, muốn xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, khẳng định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại những luận điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, của cả hệ thống chính trị, liên quan đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, giảng viên trường chính trị phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Mỗi giảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Khi giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin mãnh liệt thì việc giảng dạy lý luận chính trị sẽ có chất lượng, hiệu quả hơn. Trong quá trình giảng bài, giảng viên thể hiện rõ tính khoa học, tính Đảng và tính chiến đấu. Như vậy, giảng viên sẽ giúp học viên một lần nữa hiểu rõ, nắm vững kiến thức lý luận chính trị và tiếp thêm niềm tin vững chắc vào Đảng, vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Giảng viên phải khẳng định và làm nổi bật được ba mươi ba năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
        Mặt khác, mỗi giảng viên phải luôn trau dồi rèn luyện đạo đức theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với quyết tâm “Mỗi giảng viên là một tấm gương về đạo đức. Mỗi học viên là một tấm gương tự học, tự sáng tạo”, sẽ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa giảng viên và học viên, giữa giảng viên với giảng viên nhằm xây dựng môi trường văn hoá trường Đảng. Đó là môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu tính nhân văn hướng tới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Có thể khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong đó, giảng viên trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Lê Duẩn nói riêng có vai trò quan trọng cần được nhận thức và thực hiện đầy đủ, kịp thời. Khi đội ngũ giảng viên trường chính trị thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại các luận điểm sai trái thù địch không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc và nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới./.
Tài liệu tham khảo:
1.Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, HN.
2.Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN.
3.Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia, HN.
4. Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây