TS. Dương Hương Sơn
ĐUV, Phó Hiệu trưởng
Công tác tư tưởng là một trong 3 bộ phận cấu thành quan trọng của công tác xây dựng Đảng và được xác định ở vị trí hàng đầu. Công tác tư tưởng có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự thống nhất cao trong tổ chức đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Là hoạt động nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên, đến với mỗi người dân; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhằm biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng; Là cơ sở nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề cập đến một nội dung quan trọng, quyết định đến thành bại của công tác tư tưởng đó là lực lượng làm công tác tư tưởng.
Lực lượng làm tư tưởng chính là con người làm công tác tư tưởng. Để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng đòi hỏi thông qua lực lượng làm công tác tư tưởng. Với phương châm công tác tư tưởng là toàn đảng bộ, chi bộ và mọi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng, lấy quần chúng giáo dục quần chúng. Trong đó, trước hết là cấp uỷ, bí thư phải chủ động, tích cực làm công tác tư tưởng, huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân làm công tác tư tưởng dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng. Đối với tổ chức Đảng, cấp uỷ phải xây dựng được đội ngũ cán bộ tuyên giáo làm tham mưu và tổ chức thực hiện công tác tư tưởng ở cơ sở. Tuy công tác tư tưởng là công việc của toàn thể cán bộ, đảng viên và cả quần chúng. Song, về cơ cấu lực lượng làm công tác tư tưởng có thể xác định:
1. Xét theo góc độ chức năng của công tác tư tưởng bao gồm các lực lượng:
- Lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo: đó chính là các tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng, trong đó Bí thư được xem là “tư lệnh” của mặt trận tư tưởng, người được trao nhiệm vụ cao nhất về công tác tư tưởng; thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý.
- Lực lượng làm công tác tham mưu gồm: Tuyên giáo của cấp uỷ; bộ phận làm công tác văn hoá, thông tin, truyền thông,... có nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ, cơ quan và thủ trưởng cơ quan trong chỉ đạo thực hiện công tác tư tưởng; đồng thời tham mưu và giúp cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong công tác tư tưởng.
- Lực lượng trực tiếp làm công tác tư tưởng, còn gọi là lực lượng tác chiến, là người trực đưa chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng.
2. Xét theo mức độ chuyên môn hoá
- Lực lượng chuyên trách làm công tác tư tưởng: đó là lực lượng cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên giáo của Đảng.
- Lực lượng bán chuyên trách là các cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên của tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội.
- Ngoài ra còn có lực lượng làm công tác tư tưởng trong nhân dân như giá làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ hưu trí,....
Với việc xác định lực lượng làm công tác tư tưởng như ở trên, với đặc thù là trường học chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp cho tỉnh, trường chính trị nói chung, Trường Chính trị Lê Duẩn nói riêng có đối tượng của công tác tư tưởng có thể xác định cơ bản: Cán bộ, giảng viên, đảng viên trong Nhà trường và học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hoặc dự nguồn lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh. Do đó, công tác tư tưởng của Đảng bộ Nhà trường tập trung vào 02 nhóm đối tượng cơ bản với những nhiệm vụ khác nhau.
Thứ nhất, đối với cán bộ, đảng viên của Nhà trường. Công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng (Đảng bộ, chi bộ Nhà trường) tập trung thực hiện đó là:
- Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ được Tỉnh uỷ Quảng Trị giao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà.
- Tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn thực hiện và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước do Nhà trường, Công đoàn phát động. Nhất là các phong trào rèn tay nghề trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; sáng kiến công tác phục vụ; bảo vệ an ninh, an toàn, vệ sinh trường học;
- Không ngừng tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Xây dựng đời sống văn hoá mới trong mỗi gia đình cán bộ, đảng viên. Xây dựng văn minh, văn hoá trường Đảng trong thực thi các hoạt động công vụ.
- Đẩy mạnh vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ, xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức trong sạch, liêm chính.
- Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ, chi bộ đối với đảng viên. Tích cực đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và âm mưu“diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
- Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, đối với đối tượng là học viên. Học viên học tại Trường là những người được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đa phần có kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm quản lý. Vấn đề đặt ra đối với họ trong công tác tư tưởng chính là giáo dục lý luận chính trị; giáo dục đạo đức cách mạng và kiến thức, kỹ năng trong công tác Đảng, đoàn thể. Phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để họ thực hiện và vận dụng vào thực tiễn công tác.
Với đặc thù về công tác tư tưởng ở trên, lực lượng làm công tác tư tưởng ở Đảng bộ Trường Chính trị Lê Duẩn bao gồm: Bí thư Đảng uỷ, Đảng uỷ, trong đó trực tiếp tham mưu và giúp cấp uỷ triển khai thực hiện các mặt công tác tư tưởng là Đảng uỷ viên phụ trách công tác tuyên giáo. Bên cạnh đó, để triển khai đến các cán bộ, đảng viên thì Bí thư chi bộ, chi uỷ, chi uỷ viên phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền của chi bộ. Ngoài ra, một lực lượng không kém phần quan trọng của trường chính trị nói chung trong công tác tư tưởng đó chính là đội ngũ giảng viên, người trực tiếp đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, công chức, viên chức để họ biến thành hành động cụ thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Với ý nghĩa đó, việc xây dựng lực lượng làm công tác tư tưởng ở Trường Chính trị Lê Duẩn cần hướng đến là:
1. Thực hiện công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Nhà trường
Thứ nhất: Bí thư Đảng uỷ, các Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ là lực lượng nòng cốt. Vừa là lực lượng lãnh đạo nhưng đồng thời là lực lượng chủ đạo trong công tác tư tưởng. Trong đó, Bí thư Đảng uỷ có vai trò quan trọng trong lãnh đạo cấp uỷ xây dựng và triển khai các nội dung về công tác tư tưởng, phân công và chỉ đạo các uỷ viên BCH triển khai công tác tư tưởng. Trong các UV BCH thì uỷ viên phụ trách công tác tuyên giáo chính là bộ phận tham mưu của Đảng uỷ trong việc ban hành, hướng dẫn các Chi bộ và tham mưu tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ, Đảng uỷ và của cấp trên về công tác tư tưởng.
Thứ hai: Bí thư, Chi uỷ viên các chi bộ: Chi bộ Liên khoa, Chi bộ Hành chính, Chi bộ Phòng QLĐT và NCKH. Trong đó, Bí thư chi bộ là người có vai trò triển khai, định hướng công tác tư tưởng theo trong chi bộ và theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Thứ ba: là đảng viên các chi bộ, Đảng bộ và toàn thể quần chúng của Nhà trường. Đảng viên vừa là người có quyền được tiếp nhận các chủ trương, chính sách, có quyền trong việc xây dựng các nội dung của chi bộ, Đảng bộ về công tác tư tưởng nhưng đồng thời là người có trách nhiệm quán triệt các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tuỳ theo vị trí công tác để tham gia vào công tác tư tưởng cùng với chi bộ, Đảng bộ và Nhà trường quán triệt đến quần chúng, giúp họ nhận thức rõ hơn về chức trách nhiệm vụ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Nhà trường. Ngoài ra, còn giúp họ tự giáo dục và nhắc nhở lẫn nhau trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tư cách là cán bộ, nhân viên của trường Đảng tỉnh.
Thứ tư: Các tổ chức đoàn thể của Nhà trường (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công, Hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh). Mỗi tổ chức, đoàn thể của Nhà trường đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thành viên của mình, là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng bộ. Các tổ chức đoàn thể đều có trách nhiệm tham gia, tham mưu với cấp uỷ tổ chức thực hiện các phong trào, các hoạt động chính trị - xã hội phục vụ tốt hơn cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Bên cạnh đó, còn là cơ sở để giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng thành viên của tổ chức đoàn thể đó.
2. Thực hiện công tác tư tưởng đối với học viên của Nhà trường
Công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ, của Nhà trường gắn với giảng dạy, giáo dục lý luận chính trị cho học viên. Đây là chức năng cơ bản của trường chính trị nói chung. Đối với công tác này thì đội ngũ thực hiện công tác tư tưởng chính là đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên phải có phẩm chất chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức lối sống; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực giảng dạy để truyền thụ kiến thức, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người học.
Tựu chung lại, vì công tác tư tưởng có đặc thù chuyên môn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải tiến hành mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng, nên để đạt được hiệu quả cao; để cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống; để đảm bảo cho con người được tuyên truyền có niềm tin, giữ vững niềm tin, hành động tích cực, sáng tạo đúng mục đích của Đảng, người cán bộ làm công tác tư tưởng phải là những người “vừa hồng vừa chuyên”. Đó phải là những người trung thành, kiên định với những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”... Người làm công tác tư tưởng phải học tập không ngừng và học tập ở mọi nơi, mọi lúc để làm giàu vốn tri thức của mình. Mỗi người đều phải “học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách báo, v.v.. có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”[1], để có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không lạc hậu, thoái bộ so với yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó là sự tâm huyết với công việc, tinh thần trách nhiệm cao và luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, trung thực, thẳng thắn, lời nói phải đi đôi với việc làm; đồng thời, phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng, phải sâu sát thực tế và liên hệ mật thiết với quần chúng… Đó chính là yêu cầu về tài và đức - những nhân tố làm nên thành công của người làm công tác tư tưởng.
Thực tiễn cho thấy, ở mỗi giai đoạn cách mạng có những nhiệm vụ chính trị khác nhau, do đó công tác tư tưởng có những mục tiêu khác nhau, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từng thời kỳ. Song, để hoàn thành trọng trách của mình, đảm bảo cho công tác tư tưởng có sức sống, sức thuyết phục, thì người làm công tác tư tưởng phải luôn rèn đức, luyện tài để thuyết phục quần chúng từ hiểu chưa đúng đến hiểu đúng, từ chưa tin yêu đến tin tưởng, đảm bảo cho quần chúng hành động tích cực, sáng tạo, đúng mục đích./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn