Lê Thị Thanh Nhạn
GV Khoa Xây dựng Đảng
Khi nói về vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng. Phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Đúng vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, luôn song hành với việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và đảng viên. Không những thế, công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn phải đi trước, mở đường cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là đối với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hoặc ở những thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng bao gồm nhiều nội dung như: tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ chính trị của tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo….
Đảng bộ xã Tà Long là tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Đakarông, Đảng bộ có 12 chi bộ trực thuộc, với 132 đảng viên. Có thể nói công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở xã Tà Long là một điển hình trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở huyện Đakrông. Là một xã miền núi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong nhiệm kì 2010 – 2015, Đảng bộ xã Tà Long đã làm rất tốt công tác này. Biểu hiện là hàng năm có 100 % cán bộ, đảng viên và khoảng 85% quần chúng nhân dân được học tập chủ trương, nghị quyết của Đảng đặc biệt là các nghị quyết Trung ương khoá XI, pháp luật của Nhà nước như Hiến pháp năm 2013 và một số bộ luật như Luật Đất đai năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006…, các chuyên đề về “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là điều mà không phải đảng bộ nào cũng làm được đặc biệt là một xã miền núi khó khăn như Tà Long. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khoá XI) được Đảng uỷ triển khai nghiêm túc theo đúng quy định nên những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra và khắc phục có hiệu quả. Công tác biên soạn “Lịch sử Đảng bộ xã (giai đoạn 1930 – 2010)” đang được triển khai thực hiện. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhân dân trong xã đoàn kết thống nhất, đặc biệt phong trào “Bản kết bản” đã được phát huy tạo thành sứ mạnh tổng hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng bộ xã Tà Long đưa ra. Kinh tế phát triển và tăng trưởng khá, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được 4/19 tiêu chí. Trong toàn xã có 9/9 thôn được công nhận thôn văn hoá cấp huyện, trong đó có 1 thôn được công nhận thôn văn hoá cấp tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giáo dục tư tưởng chính trị ở xã Tà Long còn gặp một số hạn chế: công tác chỉ đạo của cấp uỷ đôi lúc chưa kịp thời; công tác kiểm tra thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng nhiều khi thiếu thường xuyên; việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị và vận dụng vào thực tiễn của địa phương có lúc chưa thật phù hợp với thực tế.
Từ thực tế đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở Đảng bộ xã Tà Long cần tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên trong toàn xã.
Cấp uỷ phải cụ thể hóa nhiệm vụ lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho đảng viên thông qua một số nội dung, như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương “người tốt việc tốt”. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 22 ngày 30 tháng 1 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên”. Phấn đấu hàng năm có từ 70% đến 80 % chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém, Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chủ trương, nghị quyết, điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phấn đấu hàng năm giám sát 40% đến 45% đối với tổ chức Đảng và 45% đến 50% đảng viên được kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, các buổi họp dân cư. Đặc biệt, qua các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật; hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hội thi “Dân vận khéo”; tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam…sẽ tạo ra được sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, kết hợp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ; gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cấp ủy tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Phấn đấu 100% đảng viên không vi phạm kỉ luật.
Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 - CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phấn đấu hàng năm có 100% cán bộ, đảng viên và khoảng 90% quần chúng nhân dân được học tập các chuyên đề. Mỗi cán bộ, đảng viên định kỳ 6 tháng và 1 năm đều tự giác lựa chọn, đăng ký nội dung làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Cuối năm, lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo đảm số lượng và chất lượng, hoạt động hiệu quả; tăng cường các điều kiện, phương tiện hoạt động theo hướng hiện đại để mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội bảo đảm giỏi về chuyên môn. Đặc biệt chú trọng cán bộ báo cáo viên người sở tại hoặc sử dụng được tiếng của đồng bào. Phấn đấu 100% đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đạt chuẩn theo quy định.
Thứ năm, bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ cần tiếp tục nghiên cứu và nâng cao chất lượng việc biên soạn lịch sử Đảng bộ của xã. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 hoàn thành xong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Tà Long (giai đoạn 1930 – 2010)”.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm, là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Qua chuyến đi khảo sát thực tế, điều mà chúng tôi nhận thấy là sự nỗ lực, phấn đấu và những kết quả mà Đảng bộ xã đã đạt được trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tuy còn khiêm tốn nhưng theo cảm nhận của bản thân tôi đó là những kết quả đáng trân trọng, tự hào đối với một Đảng bộ xã biên giới khó khăn như Tà Long. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự quan tâm chỉ đạo của các ban ngành địa phương và sự cố gắng của nhân dân, Đảng bộ xã Tà Long sẽ đạt được những kết quả cao hơn nữa trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.