Ths.Lê Thị Tường Anh
Khoa Nhà nước-pháp luật
Khuyến công là một hoạt động nhằm thúc đẩy, khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ công nghiệp nhất là công nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương, vùng còn gặp những khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh Quảng trị đã rất quan tâm đến công tác khuyến công và xúc tiến thương mại. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV đã xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp “Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có khả năng cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như: chế biến nông-lâm-thủy sản; chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp điện và năng lượng; sản xuất cơ khí và các sản phẩm từ kim loại; sản xuất và cấp nước sinh hoạt; ưu tiên thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, công nghiệp sạch, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và bảo đảm môi trường; đồng thời coi trọng phát triển các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn”.
Qua 10 năm triển khai hoạt động từ khi có Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, với sự chỉ đạo, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Công tác khuyến công đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần gia tăng giá trị sản xuất chung của ngành. Số cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tăng lên đáng kể và ngày càng có chất lượng; lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn cũng gia tăng và chiếm trên 90% tổng số lao động của ngành công nghiệp tỉnh. Với sự tăng trưởng mạnh đó, trong nhiều năm công nghiệp nông thôn đã góp phần tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động, chiếm đến 96% lực lượng lao động toàn ngành, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực nhằm thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và kinh tế tỉnh nhà. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công tăng qua các năm (bình quân tăng 15% so với năm trước). Tổng kinh phí khuyến công (Quốc gia và địa phương) từ 2004 đến 2013 là 25 tỷ đồng và đã thu hút được hơn 350 tỷ đồng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình.
Công tác tuyên truyền về các chương trình khuyến công luôn được quan tâm, thông qua việc phát hành Bản tin giấy và Chuyên mục truyền hình phát trên sóng QTV. Đến nay công tác tuyên truyền đã thực hiện và phát sóng hơn 108 chuyên mục “Trang Công Thương Quảng Trị” với thời lượng 12 phút/chuyên mục; Phát hành 26 số Bản tin Công Thương Quảng Trị; Duy trì hoạt động trang thông tin điện tử khuyến công tại địa chỉ http://khuyencong. quangtri.gov.vn, cung cấp thông tin hoạt động ngành công thương trên mạng Internet; Ngoài ra còn phối hợp với Ban chuyên đề 7 & Khoa giáo - Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế thực hiện chuyên mục “Phát triển ngành nghề ở nông thôn Quảng Trị” phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và chuyên mục Khuyến công Quảng Trị phát sóng trên VTV1. Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, thì công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được quan tâm tạo điều kiện. Qua đó, đã tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn do Cục Công nghiệp địa phương tổ chức, đã góp phần quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh, giới thiệu hình ảnh, chính sách ưu đãi và danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh đến rộng rãi trong cả nước.
Thông qua các chương trình khuyến công đã tạo điều kiện khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống góp phần vào đời sống kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn làm nghề tiểu thủ công nghiệp, với sản lượng ngày càng một tăng, chủng loại hàng hoá ngày càng phong phú đa dạng đóng góp đáng kể cho tiêu dùng nội địa làm tiền đề cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có phần đóng góp đáng kể của công tác khuyến công tỉnh nhà. Thời gian qua, chương trình khuyến công đã hỗ trợ cho 88 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề, hợp tác xã đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo công nhân kỹ thuật vận hành dây chuyền sản xuất. Với sự hỗ trợ của khuyến công, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được áp dụng và nhân rộng. Song song với việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, thì công tác du nhập và phát triển ngành nghề mới trong nhiều năm qua cũng được các cấp uỷ Đảng và chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện như: nghề mây tre đan, mộc mỹ nghệ, thêu ren, sản xuất ván ghép thanh, đồ gỗ nội thất, may công nghiệp, chế biến thủy sản. Đến nay, công tác khuyến công tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho hơn 3700 lao động nông thôn. Các hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, nên hầu hết lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo.
Có thể khẳng định rằng những mục tiêu của hoạt động khuyến công đã được thực hiện, đặc biệt là hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp; hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường đã khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của họat động khuyến công trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, để công tác khuyến công phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh nhà mà trước hết là tiểu thủ công nhiệp có thể rút ra một số kinh nghiệm về hoạt động khuyến công như sau:
Một là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng và hình thức tuyên truyền phù hợp đến tận cơ sở.
Hai là, tăng cường sự phối hợp các ngành, các cấp, tạo sự đồng tình của chính quyền địa phương nơi tổ chức thực hiện đề án và có sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc triển khai thực hiện các đề án. trong xây dựng kế hoạt và triển khai thực hiện hoạt động khuyến công.
Ba là, trong tổ chức triển khai việc đào tạo nghề, truyền nghề cần gắn kết với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, các hộ cá thể có năng lực, có thị trường làm nòng cốt.
Bốn là, việc lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành công nghiệp của từng địa phương.
Năm là, tranh thủ tìm nguồn vốn từ đầu tư của Chính phủ, ngành và địa phương, đồng thời có kế hoạch huy động thêm nguồn vốn từ sự trợ giúp đóng góp của các hiệp hội, nghiệp đoàn theo hướng khuyến khích phát triển trong liên hoàn về chuỗi sản phẩm.
Mặc dù ra đời muộn hơn so với chính sách khuyến nông, khuyến ngư...Hoạt đông khuyến công còn mới mẽ, cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đặc biệt hệ thống các văn bản liên quan đang từng bước hoàn thiện, song trong thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đang dần khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.