Th.s Dương Thị Châu Phụng
Giảng viên Khoa Dân vận
Xã Triệu Lăng mà một trong 18 xã của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là một xã còn gặp nhiều khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển Miền Trung, phía Tây giáp Xã Triệu Sơn, phía Đông giáp Biển Đông, phía Nam giáp với xã Hải An của huyện Hải Lăng, phía Bắc giáp với xã Triệu Vân. Qua chuyến đi thực tế vừa qua, bản thân tôi rất vui mừng trước sự phát triển đổi thay của một vùng quê mà trước đây người ta gọi là “miền cát trắng”. Hôm nay, những con đường dài thẳng tắp; những ngôi nhà, mái trường lợp ngói đỏ rực rỡ trong ánh nắng ban mai; những làng sản xuất truyền thống hoạt động ngày càng hiệu quả; đời sống của nhân dân đã được phát triển lên một tầm cao mới cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ghi nhận những thành quả đã đạt được của xã Triệu Lăng đó chính là sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và nhân dân tại địa phương.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh toàn diện của xã nhà, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Lăng, Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng uỷ, sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Hội LHPN Huyện Triệu Phong, toàn thể cán bộ và hội viên phụ nữ xã ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, cụ thể hóa các nhiệm vụ, bám sát vào tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của Hội. Hội viên phụ nữ xã Triệu Lăng có 878 hội viên, BCH Hội Phụ nữ xã gồm có 9 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ có 3 đồng chí. Với nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Lăng đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cụ thể:
Thứ nhất, Hội Phụ nữ xã cùng với các chi hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên phụ nữ thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; những quy chế, quy định của địa phương. Ban Chấp Hội lồng ghép được 3 buổi tuyên truyền về 4 phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; tham gia học tập Nghị quyết TW 8 ( khóa XI) với chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền về tình hình biển đảo. BCH Hội phối hợp tổ chức 13 buổi tuyên truyền các nội dung liên quan đến Luật Bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng chống HIV/AIDS; tham gia 04 lớp tập huấn về tuyên truyền phổ biến pháp luật, về kỹ năng tiếp cận nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở; tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Phòng chống tham nhũng với 60 lượt chị em tham gia.
Thứ hai, Hội Phụ nữ xã đã vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. BCH Hội chỉ đạo các chi hội tập trung tuyên truyền các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”,“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”... Với các nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: hội họp, triển khai văn bản, phát tài liệu sinh hoạt hội viên, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn hoá văn nghệ, hội thi tìm hiểu. Hội đã chú trọng việc phối hợp với trạm y tế tổ chức lồng ghép chiến dịch tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Thứ ba, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. BCH Hội Phụ nữ xã Triệu Lăng qua nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của hội viên đã chỉ đạo tập trung xây dựng các mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, các hoạt động giúp đỡ và đỡ đầu hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hội đã tổ chức giúp đỡ, đỡ đầu bằng nhiều hình thức như vay vốn để chị em đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, buôn bán và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách ở địa phương. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận xã vận động phụ nữ tham gia các cuộc hội họp, có ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Các chị chi hội trưởng, thành viên BCH Hội Phụ nữ tham gia thành viên tổ hoà giải, phát huy vai trò của mình trong việc tham gia giám sát các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Hội xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát các nội dung về an sinh xã hội có lên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ và trẻ em như: chế độ chính sách đối với phụ nữ đơn thân, chế độ bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi...
Thứ năm, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Hội Phụ nữ xã đã tập trung chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội. BCH Hội đã tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của hội viên. Như vận động các chi hội thu và nộp hội phí, quỹ tình thương đạt 100%. 100% chi hội đều vận động xây dựng quỹ để hoạt động. Chủ tịch và phó chủ tịch Hội LHPN xã đều có trình độ trung cấp về chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị. BCH Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động ở chi hội để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc có thể xảy ra.
Hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Lăng đã góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế - văn hoá – xã hội tại địa phương. Song, trên thực tế, khi tiếp cận với công việc cũng như qua trao đổi trực tiếp với Ban Chấp hành Hội, tôi nhận thấy, hoạt động của Hội Phụ nữ xã còn gặp một số khó khăn. Đó là: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao chính trị, tư tưởng cho phụ nữ có nơi có lúc chưa kịp thời, chưa đến tận hội viên; năng lực và trình độ cán bộ Hội chưa đồng đều; phong trào của một số chi hội chưa thật sự sáng tạo, chủ động trong tổ chức các hoạt động, còn phụ thuộc vào kế hoạch của cấp trên; tỷ lệ phụ nữ tham gia học tập các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương còn thấp. Nhận thức của một số phụ nữ còn hạn chế nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động, hoạt động của Hội; tỷ lệ thu hút hội viên ở một số chi hội còn gặp nhiều khó khăn; các mô hình phát triển kinh tế còn ít, thiếu sự quan tâm đầu tư của Hội…
Do vậy, để nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả công việc của BCH Hội Phụ nữ xã Triệu Lăng, qua thực tế thu nhận được, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã về hoạt động của Hội Phụ nữ nói chung và Ban chấp hành phụ nữ xã nói riêng. Đặc biệt, Đảng uỷ xã cần chú trọng trong công tác chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tư duy đổi mới, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội.
Thứ hai, kiện toàn Ban Chấp hành Hội đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, đủ về số lượng, đủ năng lực triển khai các nhiệm vụ công tác Hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, cán bộ chi, tổ thông qua đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện qua thực tế công việc. Hội phụ nữ xã cần chủ động tham mưu chính sách cán bộ Hội, tăng cường tham mưu để cán bộ Hội được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ. Chủ động tổ chức các khoá tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày để cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hộ cấp cơ sở và cán bộ các chi tổ.
Thứ ba, Hội Phụ nữ xã cần đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội. Hội phối hợp với ngành chức năng vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, công thương nghiệp theo hướng hiện đại và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt là tổ chức triển khai cho bà con ngư dân cải tiến phương tiện đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản trên địa bàn. Hội phối hợp với các ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ làm chủ phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương như sản xuất nước mắm, mô hình nuôi tôm thẻ trên cát gắn với việc thực hiện bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, Hội Phụ nữ xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tổ hoà giải tại địa phương. Vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hoá gia đình; xây dựng mô hình “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt”, các chương trình mục tiêu quốc gia “Phòng chống trẻ suy dinh dưỡng”, “Nước sạch vệ sinh môi trường”; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hoạt động xoá mù chữ cho hội viên, phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn và cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng…
Thứ năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo chất lượng các hoạt động phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hội viên, phụ nữ và nhân dân có nhận thức đúng đắn, tích cực tham gia xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn theo hướng nhanh và bền vững.
Để phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn đang tồn tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Lăng cần sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ hơn nữa của Thường vụ Đảng uỷ, UBND xã, các ban, ngành địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Hội nhất định sẽ phấn đấu không ngừng, tăng cường sự thống nhất, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.