Th.s Đinh Thị Thu Hoài
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị Lê Duẩn đã góp phần đào tạo và bồi dưỡng nhiều cán bộ cho các địa phương, cơ sở cũng như các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, việc khai thác, sử dụng giáo trình cũng như tài liệu tham khảo đóng một vai trò rất quan trọng. Thư viện nhà trường chính là nơi cung cấp các tài liệu bổ ích cho giảng viên và học viên. Trước năm 2005, bình quân hàng năm thư viện phục vụ hơn 1.000 lượt bạn đọc, cho mượn 321 cuốn sách, 878 tài liệu và giáo trình. Bạn đọc đến thư viện khai thác thông tin khá thường xuyên và trở thành một hoạt động có nền nếp. Tuy nhiên, hiện nay độc giả đến thư viện tham khảo tài liệu ngày càng ít dần, một phần do bạn đọc truy cập tài liệu thông qua mạng Internet khá phổ biến, một phần hoạt động của thư viện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Về cơ sở vật chất, trước đây, thư viện đã được đầu tư khá đầy đủ, đặc biệt năm 2008, nhà trường xây dựng lại phòng thư viện thoáng mát với diện tích khoảng 60m2. Các thiết bị của thư viện cũng được đầu tư mới như bàn ghế, máy tính, điều hòa… Tuy nhiên, cùng với năm tháng và quá trình sử dụng, thư viện không được đầu tư, trang cấp mới nên các giá đựng sách bằng gỗ đã cũ, sử dụng lâu năm gây khó khăn trong việc trưng bày hết các đầu sách; tủ kính thiết kế còn cồng kềnh, vừa tốn diện tích sử dụng, vừa khó trưng bày tài liệu.
Về tài liệu, đầu sách, trong nhiều năm qua, thư viện nhà trường chưa được chú trọng đầu tư, bổ sung thêm sách mới, tài liệu mới nên số lượng sách, tài liệu tham khảo, tạp chí cũ khá nhiều, hầu hết các loại sách, tài liệu được biếu, tặng và mua từ nhiều nguồn khác nhau tuy rất đa dạng nhưng không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu theo chuyên ngành. Mặc khác, phần lớn tài liệu tra cứu đã lạc hậu nên ít mang tính thời sự, số liệu không còn giá trị sử dụng.
Về cách sắp xếp tài liệu, hiện nay số lượng tài liệu ở thư viện khá nhiều, bao gồm sách chuyên ngành, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành, báo… Tuy nhiên, cách sắp xếp còn lộn xộn, chưa có hệ thống, thiếu khoa học nên chưa thật thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu. Công tác giữ gìn vệ sinh, thực hiện văn hóa, văn minh chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc.
Với thực tế như hiện nay đã làm cho hoạt động và phục vụ bạn đọc của thư viện Trường chính trị Lê Duẩn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, dạy và học của nhà trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nhà trường cần có chủ trương đầu tư kinh phí về việc nâng cấp cơ sở vật chất cho thư viện khang trang hơn. Đặc biệt, đầu tư thêm các giá, tủ đựng sách mới, phù hợp với diện tích và việc trưng bày tài liệu, tiện ích cho việc tra cứu, đặc biệt đối với học viên nước bạn Lào. Nên đầu tư các loại giá có độ bền và dễ xê dịch, sắp xếp; trang bị hệ thống máy tính để các độc giả có thể truy cập thêm thông tin thường xuyên, đặc biệt phục vụ cho học viên các lớp tập trung, ở lại ký túc xá.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tài liệu. Thư viện cần thực hiện loại chuyển những tài liệu cũ và bổ sung thêm các tài liệu mới mang tính cập nhật để phục vụ nhu cầu độc giả. Đồng thời cần bổ sung các loại sách, tài liệu, tư liệu mới hàng năm, đặc biệt là sách về Văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, của Đảng bộ Tỉnh.
Thứ ba, cần sắp xếp lại tài liệu và thay đổi cách tra cứu. Thư viện có thể phối hợp với Chi đoàn nhà trường để thường xuyên dọn dẹp, sắp xếp và phân loại tài liệu hợp lý. Những tài liệu quá cũ thì có thể sắp xếp để lưu trữ hoặc thanh lý, những tài liệu mới thì cần phân loại rõ ràng trên kệ. Ví dụ, một dãy kệ trưng bày sách về lịch sử, một dãy kệ dành cho sách về pháp luật… Ngoài ra, có thể đưa hệ thống đầu sách, tạp chí lên máy tính của thư viện để người đọc có thể dễ dàng tra cứu.
Thứ tư, tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật nghiệp vụ cho thủ thư. Hàng năm, nhà trường cần tạo điều kiện cho cán bộ quản lý thư viện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật thêm những thông tin mới.
Thứ năm, Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu và cán bộ thủ thư cần làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền. Hàng tháng, cán bộ thư viện có thể giới thiệu các loại sách, tài liệu mới cho các bạn đọc thông qua trang Web của trường. Ngoài ra cần có sự phối hợp giữa người quản lý với người dạy để giới thiệu các tài liệu của thư viện đối với học viên. Nhà trường cũng nên có quy chế nhằm khuyến khích giảng viên, học viên khai thác, sử dụng tài liệu của thư viện thường xuyên để đạt kết quả cao trong quá trình dạy và học bởi sách báo chính là tài liệu có giá trị chính thống. Tuy nhiên, khi các độc giả mượn tài liệu đem về, cán bộ quản lý thư viện nên ghi tên sách, tên người mượn và quy định thời gian trả cụ thể để tránh thất lạc tài liệu.
Với vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài liệu cho cán bộ, giảng viên và học viên, trong những năm qua thư viện nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền và hoạt động một cách tích cực. Tuy nhiên, với những bất cập còn tồn tại, tôi hi vọng trong thời gian tới với sự quan tâm của nhà trường, thư viện sẽ từng bước thay đổi về mọi mặt để phục vụ tốt hơn cho độc giả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.