Nâng cao chất lượng đào tạo đối với học viên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn – Những vấn đề đặt ra

Thứ bảy - 05/12/2015 16:39

Ths. Trần Đức Dương
Phó Trưởng Khoa Dân vận

 
Thực hiện Thông báo số 97 – TB/BTCTW ngày 16/5/2007 của Ban Tổ chức Trung ương về việc giao nhiệm vụ cho các tỉnh giáp biên giới của nước ta hợp tác, giúp đỡ các tỉnh giáp biên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giúp đào tạo cán bộ về lý luận chính trị. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của Bạn, đồng thời duy trì, vun đắp, xây dựng, bảo vệ và thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt lâu dài hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Salavan và Savanakhet nói riêng và hai nước Việt Nam – Lào nói chung.

Thực hiện Văn bản thỏa thuận hợp tác đã được cam kết giữa các đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị, nước CHXHCNVN và hai tỉnh Salavan, Savanakhet nước CHDCND Lào, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có Thông báo số 335-TB/TU ngày 26/6/2007 về việc đào tạo cán bộ chính trị giúp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị giao cho Trường Chính trị Lê Duẩn chủ trì cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án. Sau thời gian tích cực nghiên cứu tìm hiểu, khảo sát, xây dựng đề án và lập kế hoạch đào tạo, tháng 7 năm 2008 Trường Chính trị Lê Duẩn bắt đầu phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành mở lớp Trung cấp lý luận chính trị đầu tiên cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savanakhet.
Tính đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã mở được 5 lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho hai tỉnh Salavan và Savanakhet, nước CHDCND Lào với 190 học viên là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, khu vực, cấp huyện. Năm 2014, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm đào tạo học viên Lào. Qua Hội nghị cho thấy, số cán bộ này sau khi được đào tạo đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực lãnh đạo, quản lý và khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào giao phó, đa số được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng và là “sợi dây” kết nối tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Trường Chính trị Lê Duẩn được đánh giá là trường đi đầu trong cả nước trong hệ thống các trường chính trị về công tác đào tạo học viên là cán bộ Lào.

Toàn cảnh Lễ Khai giảng lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính khóa V cho cán bộ 2 tỉnh Salavan và Savannakhet
nước CHDCND Lào

Để có được kết quả đáng ghi nhận đó, ngoài nỗ lực của mình, Nhà trường còn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của Trường Cao đẳng Sư phạm, các sở, ban, ngành có liên quan; chất lượng giảng dạy; công tác phục vụ;…

Tuy nhiên, qua thực tế từ năm 2008 đến nay với 5 khoá học đang đặt ra một số vấn đề và yêu cầu cấp thiết đòi hỏi công tác giảng dạy và quản lý học viên của nước CHDCND Lào cần phải đổi mới, chấn chỉnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo học viên Lào trong thời gian tới. Để đạt được điều đó, theo tôi cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt phương châm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ Quảng Trị trong công tác đào tạo học viên nước CHDCND Lào.

Cần phải nhận thức rằng: việc hợp tác, giúp đỡ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong công tác đào tạo cán bộ về lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của Bạn, đồng thời duy trì, vun đắp, xây dựng, bảo vệ và thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt lâu dài hợp tác toàn diện giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Salavan và Savanakhet nói riêng và hai nước Việt Nam – Lào nói chung. Với phương châm “giúp bạn như giúp mình”, lấy tinh thần “phục vụ”, “giúp đỡ” và xem đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý về học tập, sinh hoạt đối với học viên.

Việc quản lý, tổ chức học viên các lớp Lào có những yếu tố, đặc thù riêng vì đây là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, cụm bản của 2 tỉnh Salavan và Savannakhet. Họ là những người sống xa nhà, khi sang học ở Việt Nam với môi trường hoàn toàn khác: về con người, lịch sử, văn hóa, lối sống, sinh hoạt, ăn, ở, thời tiết… đó là những khó khăn cơ bản, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tổ chức, quản lý lớp học. Do đó, khi được Ban giám hiệu Nhà trường phân công, giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm các lớp Lào, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, GVCN cần phải học hỏi rất nhiều những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, chủ nhiệm của các đồng nghiệp trong Trường và phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý học viên Lào. Vì đây là những học viên “đặc biệt” nên công tác quản lý mang tính “đặc thù” từ phương thức giao tiếp, tổ chức, triển khai các hoạt động học tập và sinh hoạt v.v. Do đó, công tác quản lý học viên Lào là vấn đề luôn được Nhà trường hết sức quan tâm. Do bất đồng ngôn ngữ nên quá trình công tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên tiếp nhận các học viên Lào, GVCN lớp cần phải tiếp xúc, tìm hiểu những học viên nào là những người biết tiếng Việt để tham mưu, đề xuất cho Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo cử những học viên đó vào Ban cán sự lớp. Ban cán sự lớp Lào không nhất thiết phải là người lớn tuổi, người có chức vụ mà điều quan trọng là phải năng động, nhiệt tình, có năng lực quản lý lớp, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, hiểu biết tiếng Việt càng nhiều càng tốt (có thể tham khảo ý kiến của các đồng chí là học viên Lào ở các khóa trước hoặc thông qua phiên dịch). Nếu chọn được những đồng chí thông thạo tiếng Việt sẽ giúp cho Nhà trường và GVCN lớp rất nhiều trong quá trình quản lý lớp học sau này. Sau khi đã lựa chon được Ban cán sự lớp, GVCN cần hướng dẫn cụ thể công việc, phân công nhiệm vụ và vai trò của từng thành viên trong Ban cán sự.

Các giấy tờ, hồ sơ học viên như: Phiếu học viên, nội quy, quy chế của Nhà trường, các văn bản quan trọng liên quan nên nhờ phiên dịch viên giúp đỡ dịch ra tiếng Lào và phổ biến bằng văn bản đến từng học viên để có tính chính xác và thống nhất cao trong nhận thức và hành động, việc làm, nhiệm vụ của học viên sau này. Làm được như thế sẽ đỡ mất thời gian giải thích trong quá trình quản lý nhưng hiệu quả rất cao.

Lãnh đạo Trường cần giao cho lãnh đạo Phòng TC-HC-QT và GVCN lớp tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản, nội dung, thủ tục…về bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng, các chế độ chính sách liên quan để đề xuất, tham mưu với Ban Giám hiệu trong việc phối hợp, liên hệ với các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng làm đúng thủ tục, chế độ cho học viên là người nước ngoài, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên Lào trong quá trình học tập và sinh hoạt.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Việt cho học viên

Hầu hết học viên Lào khi nhập học đều chưa biết nhiều tiếng Việt, chỉ có khoảng 10% biết giao tiếp cơ bản. Trước khi học chương trình LLCT-HC, họ được học 3 tháng tiếng Việt do Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi học xong chương trình Tiếng Việt thì số học viên thông thạo Tiếng Việt cũng không nhiều, nếu biết chỉ biết giao tiếp cơ bản, thậm chí nhiều học viên không biết. Trong khi đó, cán bộ, giảng viên trong Trường không biết tiếng Lào. Do đó, khó khăn trong giao tiếp là điều tất yếu. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy nhiều học viên muốn tiếp xúc, trao đổi với giảng viên và ngược lại nhưng vì bất đồng ngôn ngữ do đó trở thành “cản trở lớn nhất” dẫn đến tâm lý “ngại giao tiếp” trong học tập và sinh hoạt. Vì vậy, nên chăng cần phải tăng thời gian học Tiếng Việt của học viên và tiến tới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Tiếng Lào cho một số cán bộ, giảng viên?

Thứ tư, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng, trình độ của phiên dịch viên trong quá trình dịch giảng

Đa số học viên Bạn Lào lần đầu tiên được học chương trình LLCT-HC với những phương pháp mới, kiến thức mới, có những thuật ngữ về chính trị mới mẽ lại phải học thông qua phiên dịch viên. Đây là vấn đề trăn trở nhất của Nhà trường trong quá trình đào tạo học viên Lào. Nhà trường đã rất quan tâm, có những sáng tạo, linh hoạt từ khâu rút gọn, tinh gọn nội dung chương trình của học viện, đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ, rút kinh nghiệm qua các năm…Do đó chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy ở một số bài chưa cao do phương pháp truyền đạt của giảng viên chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm; hơn nữa một số bài do thuật ngữ chuyên ngành, trong khi đó phiên dịch viên nhiều khi cũng hiểu chưa rõ nên có lúc “dịch chưa thật sát đúng”, thậm chí “dịch sai”.

Do đó, trong quá trình quản lý học viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần phải liên hệ chặt chẽ với các khoa chuyên môn, các giảng viên bộ môn, phiên dịch viên để nắm được thái độ học tập và tình hình trên lớp. GVCN cần chủ động hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên bộ môn, phiên dịch và học viên của lớp, từ đó sẽ có sự thấu hiểu, chia sẻ thông tin từ học viên. Ngoài ra trong những buổi làm việc với lớp, GVCN có thể truyền đạt lại những nhận xét của giáo viên bộ môn, phiên dịch viên để lớp rút kinh nghiệm, từ đó thông tin lại với giảng viên, phiên dịch viên để có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Sự liên hệ chặt chẽ giữa GVCN với khoa chuyên môn, giáo viên bộ môn và phiên dịch viên và học viên còn đảm bảo được sự thống nhất trong việc thực hiện chương trình học, lịch học, kết quả học tập của học viên, gửi giáo án trước cho phiên dịch.

Những vấn đề nêu trên ảnh hưởng rất lớn tới quá trình đào tạo. Do đó cần phải có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, trình độ của phiên dịch viên. Bởi vì trong một bài giảng với một đối tượng học viên rất “đặc thù” như học viên Lào lại phải giảng thông qua phiên dịch thì chúng ta phải xác định là truyền đạt những nội dung, kiến thức gì thật ngắn gọn, đễ hiểu, bổ ích cho học viên, phải đảm bảo được tính đảng (chính trị, tư tưởng), tính khoa học và tính chiến đấu. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với đổi mới phương pháp và sự phối hợp nhịp nhàng giữa giảng viên với phiên dịch viên là rất cần thiết.

Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu thực tế cho học viên

Nhằm thực hiện tốt phương châm đào tạo “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và năng lực công tác của học viên khi trở về cơ quan, đơn vị công tác, xác định đây là nội dung bắt buộc để học viên hoàn chỉnh kiến thức lý luận đã được trang bị trong khóa học, từ khoá I cho đến khoá V, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức cho học viên Lào đi nghiên cứu thực tế tại các thành phố lớn, trong tỉnh ở các khu kinh tế, nhà máy, xí nghiệp… kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực đối với học viên. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế kết hợp tham quan học viên sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hiểu được bản sắc văn hoá và con người Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để tăng cường nhiều hơn nữa các chuyến đi nghiên cứu thực tế kết hợp với tham quan cho học viên Lào. 

Thứ sáu, đổi mới công tác đánh giá kết quả, xếp loại học tập, rèn luyện đối với học viên.

Công tác tác đánh giá kết quả, xếp loại học tập, rèn luyện đối với học viên Lào trong những năm qua được Nhà trường thực hiện theo Quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí minh. Nhà trường đã tổ chức thi vấn đáp từ các môn, các học phần đến thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại học tập. Việc xếp loại rèn luyện của học viên dựa trên việc chấp hành nội quy, quy chế của Nhà trường và pháp luật của nhà nước Việt Nam, ngoài ra còn căn cứ vào tinh thần, thái độ của học viên trong quá trình học tập, sinh hoạt, tham gia các phong trào của lớp, của trường…Vấn đề quan trong đặt ra là việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện cần đi vào thực chất, khách quan hơn, sát hơn với từng học viên cụ thể. (Ví dụ: không thể xếp loại 1 học viên loại giỏi trong đào tạo chứng chỉ Tiếng Việt trong khi lại không biết giao tiếp cơ bản bằng Tiếng Việt). 

Do đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm, các khoa chuyên môn… để đánh giá sát đúng trong việc chấp hành nội quy, quy chế cũng như kết quả học tập của học viên. Đồng thời, Nhà trường cần có kế hoạch phối hợp với tỉnh Savannakhet và Salavan trong việc khảo sát, điều tra nhằm đánh giá kết quả sau đào tạo để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới. 

Thứ bảy, quan tâm đến các hoạt động khác của học viên.

Nhà trường cần chủ động tổ chức các hoạt động tập thể như giao lưu văn nghệ, thể thao giữa cán bộ, giảng viên Nhà trường với học viên; giữa học viên các lớp và học viên lớp Lào. Thông qua các hoạt động này để tạo không khí, sân chơi cho học viên để các thành viên trong lớp có mối quan hệ thân tình, đoàn kết, quan tâm đến nhau hơn, đồng thời qua đó tâm tư, tình cảm, sự hiểu biết giữa giảng viên và học viên sẽ gắn kết và thắt chặt hơn. Cũng thông qua các hoạt động này giúp cho học viên Lào hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cán bộ, giảng viên trong Nhà trường phải là người gần gũi, quan tâm, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm của mỗi học viên, nắm và phải biết rõ tình hình của lớp. Để có được quan hệ tốt đẹp, phục vụ cho công tác, hoàn thành được nhiệm vụ thì cán bộ, giảng viên cần phải có được sự ủng hộ từ phía học viên. Để đạt được điều đó, cán bộ, giảng viên phải là người công tâm, nhiệt huyết, gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn thân thiện, cởi mở, giải quyết công việc liên quan đến lớp có tình có lý. Thông qua các hoạt động, trong sinh hoạt hàng sẽ hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của các học viên trong lớp. Đồng thời có thể tìm hiểu thông qua sơ yếu lý lịch của học viên vì sơ yếu lý lịch là nơi cung cấp thông tin tương đối đầy đủ và chính xác từ quê quán, trình độ, đơn vị công tác, hoặc thông qua gặp gỡ, tiếp xúc trên lớp, ngoài giờ, ở ký túc xá. Cán bộ, giảng viên phải vừa là người thầy, vừa là người bạn, người đồng chí của học viên. 

Thứ tám, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập, sinh hoạt của học viên.

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện của tỉnh cũng như Nhà trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở…Tuy nhiên, với tinh thần và trách nhiệm cao trong công tác đào tạo học viên Lào, tỉnh Quảng Trị và Trường Chính trị Lê Duẩn đã cố gắng nổ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất để đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang cấp những tư trang, vật dụng cần thiết nhất (như wifi, bàn ghế, tủ, chăn ga gối nệm, quần áo, dày dép… đến các thiết bị của các môn thể thao) phục vụ học tập và sinh hoạt cho học viên Lào, được Bạn đánh giá cao. Các chế độ chính sách theo quy định đối với học viên là người nước ngoài được thực hiện đúng, kịp thời. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các phòng chức năng đã thể hiện tốt tinh thần “phục vụ” đối với học viên Lào.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho học viên Lào thời gian tới, tỉnh và Nhà trường cần phải đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất, đặc biệt là Khu ký túc xá (hiện nay đã xuống cấp); đồng thời nâng chế độ chính sách cho phù hợp với thực tế.
Có thể nói công, tác đào tạo học viên Lào là nhiệm vụ rất quan trọng, là khâu đột phá trong quan hệ hợp tác toàn diện “đặc biệt” Việt Nam – Lào. Do đó, đòi hỏi các khâu trong quy trình đào tạo phải thật sự khoa học, biết vận dụng các biện pháp quản lý sáng tạo, khéo léo, linh hoạt để đạt hiệu quả tốt nhất có thể luôn là một yêu cầu đặt ra đối với công tác giảng dạy và quản lý học viên là cán bộ Lào với tổng thể những vấn đề đặt ra như đã nêu trên. Những suy nghĩ trên đây hy vọng là những gợi ý góp phần nhỏ bé cho công tác đào tạo học viên các lớp Lào ngày càng tốt hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các tỉnh Bạn Lào của Nhà trường trong thời gian tới./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây