Th.s. Trần Hữu Hòa
GV Khoa LLM-LN,TTHCM
Thực hiện Quyết định 184-QĐ/TW ngày 03-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014, về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Sau gần 2 năm thực hiện giảng dạy chương trình ở Trường Chính trị Lê Duẩn, là giảng viên giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi có những ý kiến chia sẻ như sau:
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta hiện nay. Chính vì vậy, khi nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là nghiên cứu một lý luận cách mạng, khoa học trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, chúng ta cần phải nhận thức rõ ở đây là nghiên cứu về một con người, một lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta và là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Vì vậy, để tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở cần phải thấm nhuần, hiểu rõ và thực hiện theo tư tưởng, tác phong, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn qua giảng dạy thời gian qua với 9 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, cho thấy:
Về ưu điểm: Kết cấu chương trình môn học tư tưởng Hồ Chí Minh có 5 chuyên đề với 20 tiết giảng và có 16 tiết là các hoạt động khác như: thảo luận, giải đáp phần học, hướng dẫn ôn thi là phù hợp với tình hình của thực tiễn công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Giảm tải áp lực cho người học, các chuyên đề được kết cấu khoa học hơn chương trình cũ, phù hợp với đào tạo hệ tập trung sáu tháng. Nội dung của môn học lựa chọn những vấn đề cơ bản, cốt lõi, cập nhật những kiến thức mới về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Gắn lý luận với thực tiễn, tạo điều kiện tốt cho giảng viên liên hệ, vận dụng những quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phù hợp của nội dung, kết cấu, và thời hạn của môn học tôi thấy còn những vấn đề cần trao đổi.
Thứ nhất, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng ta năm 1991 đã ghi rõ: Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ đây, Tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy trong tất cả trường đại học như một bộ môn bắt buộc đối với mọi ngành học. Với những nội dung chủ yếu như tư tưởng Hồ Chí Minh về Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam.... là một thể thống nhất, không thể tách rời. Tuy nhiên, trong chương trình lần này bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam” lại chuyển về khoa Xây dựng Đảng và được xếp vào trong môn học Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam là chưa thật sự hợp lý.
Thứ hai, hiện nay trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta quán triệt: Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác tin cậy với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, rộng mở, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Thời gian qua, những vấn đề từ thực tế tình hình thế giới như Xyria, Ucraina… và ở nước ta, đặc biệt là vấn đề biên giới Tây Nam và Biển Đông, cho thấy đối ngoại, ngoại giao là một lĩnh vực cực kì quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Quan điểm của Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao là một nội dung sâu sắc được thực hiện trong tiến trình của cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Ngoài di sản tư tưởng ngoại giao vô cùng sâu sắc quý giá. Người còn để lại cho chúng ta một phong cách ngoại giao đặc sắc, hấp dẫn, có sức thuyết phục, lôi cuốn mạnh mẽ. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao, cũng như phương pháp, thái độ, ứng xử ngoại giao Hồ Chí Minh đối với quần chúng nhân dân nói chung và trong cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở nói riêng là việc làm rất khẩn thiết.
Thứ ba, chương trình đã rút ngắn thời gian nhưng nội dung không rút gọn, nhiều bài còn tăng thêm nội dung. Trong kết cấu thời gian chương trình cũ có 5 tiết giảng và có một bài vận dụng. Ở chương trình mới rút ngắn còn 4 tiết, nhưng nội dung bài giảng lại thêm phần vận dụng. Vì thế, để bố trí giảng viên giảng một bài đòi hỏi phải có kiến thức toàn bộ môn, được kinh qua giảng nhiều lớp. Không chỉ vậy, người học nếu là đối tượng cán bộ cấp cơ sở sẽ không đủ thời gian và trình độ để tiếp thu tốt kiến thức. Cho nên, tạo áp lực lớn cho người dạy và khó tạo hứng thú cho người học.
Từ những thực tế nêu trên, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời, để thực hiện tốt việc giảng dạy và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình trung cấp lý luận chính trị- hành chính mới(2014). Bản thân tôi có những đề xuất như sau:
Một là, chuyển bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam” trong môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam về môn Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đúng và phù hợp với nội dung môn học.
Hai là, rà soát, biên soạn chuyên để tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao để đưa vào trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính mới, nhằm đảm bảo tính thời sự cũng như thực tiễn hiện nay của cách mạng Việt Nam.
Ba là, xem xét khôi phục trở lại đối với chuyên đề “Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở” vào trong chương trình mới. Thực hiện giảm tải cho nội dung bài giảng, đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, nhằm tránh những vướng mắc, chủ quan, rập khuôn, máy móc mà phải trên cơ sở cái "cốt lõi", "tinh thần" của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.