Tăng cường công tác thanh tra giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ bảy - 05/12/2015 16:36

GVC. Lê Quang Thể
P. Trưởng phòng TC-HC-QT



Hoạt động thanh tra giáo dục tại trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng về đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Trong những năm gần đây, Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng hoạt động thanh tra giáo dục và đã đạt được một số thành tích đáng kể.

Thứ nhất, thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03/09/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nhà trường cơ bản đã xác định tương đối rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra giáo dục. Thanh tra giáo dục ở Nhà trường là cán bộ kiêm nhiệm, chịu sự quản lý trực tiếp của Hiệu trưởng, giúp Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu thực hiện thanh tra về công tác đào tạo, bồi dưỡng trong phạm vi hoạt động của nhà trường nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, năng cao chất lượng đào tạo.

Thứ hai, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra giáo dục ở trường chính trị tỉnh giám sát việc thực hiện các quy chế, quy định về quản lý đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Nhà trường. Tham mưu giúp Hiệu trưởng giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trong phạm vi hoạt động của nhà trường.

Thứ ba, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan trung thực, công khai, dân chủ và không làm cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc có liên quan nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm các quy chế, quy định về quản lý đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Nhà trường.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà công tác thanh tra giáo dục ở Trường Chính trị Lê Duẩn chưa được thực hiện đúng với vị trí của nó:

Đó là, hiện nay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chưa có Quy chế thanh tra ở trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nên việc thực hiện còn lúng túng về con người, chức năng nhiệm vụ và chế độ chính sách.

Việc tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra chưa nhiều, mà mới chỉ tập trung vào công tác thi cử (trong thi cử mới chỉ thực hiện chủ yếu thanh tra coi thi) còn các hoạt động khác của công tác đào tạo, bồi dưỡng như: đầu vào, đầu ra các lớp đào tạo, bồi dưỡng, việc thực hiện chương trình…chưa được thực hiện thường xuyên. Mặc dù, công tác chiêu sinh, quản lý học viên; hoạt động thi, kiểm tra; chấm thi, chấm kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ, thu học phí, lệ phí tuyển sinh…cơ bản đảm bảo đúng quy định. Đến nay nhà trường chưa có đơn thư phản ánh, khiếu nại tố cáo về lĩnh vực này; nhưng cũng cần tăng cường kiểm tra, giam sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra. 

Nhận thức về công tác thanh tra và hoạt động thanh tra ở Nhà trường chưa thống nhất và đúng với vị trí, vai trò của nó nên việc chỉ đạo của Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu chưa có kế hoạch, có nề nếp. Mặt khác, nội dung công tác thanh tra ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định rõ nên việc thực hiện còn lúng túng là thanh tra giáo dục hay thanh tra thủ trưởng để xác định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho hoạt động thanh tra ở trường.

Để công tác thanh tra giáo dục ở trường Chính trị Lê Duẩn đáp ứng yêu cầu đặt ra, theo tôi cần giải quyết tốt những vấn đề sau đây:

Một là, cá nhân được cử làm thanh tra phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan; am hiểu về nghiệp vụ, có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, có kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý, có năng lực xem xét, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý sau thanh tra, đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản về học vị, ngạch, bậc cần thiết và uy tín nghề nghiệp.

Hai là, cần xây dựng kế hoạch thanh tra; theo dõi tiến độ thực hiện; ra quyết định thanh tra, văn bản kết luận thanh tra và các quyết định có liên quan sau thanh tra; trên cơ sở quy chế về thanh tra các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy định phụ cấp cụ thể cho cán bộ làm công tác thanh tra theo quy chế chi tiêu nội bộ; các bộ phận liên quan trong trường tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất và tài chính để thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. 

Ba là, tổ chức, cá nhân được thanh tra hoặc có yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Kết hợp chặt chẽ với Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Ban thanh tra nhân dân thanh tra theo yêu cầu các chuyên đề: Tuyển sinh, chấm thi và các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan.

Phải khẳng định rằng hoạt động thanh tra giáo dục ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một hoạt động quan trọng trong việc bảo đảm kỷ cương, nề nếp của hoạt động giáo dục, tăng cường pháp chế XHXN và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Mong rằng được sự quan tâm đúng mức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác thanh tra tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trường Chính trị Lê Duẩn trong giai đoạn hiện nay./.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây