Ths. Hoàng Tiến Dũng
TRưởng Khoa Dân vận
Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị- hành chính được Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quyết định dùng làm tài liệu giảng dạy, học tập ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 21-4-2014. Quá trình trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy bộ môn nghiệp vụ công tác Mặt trận và đoàn thể nhân dân, thông qua trao đổi với đồng nghiệp, học viên, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm và với suy nghĩ là tìm ra những phương pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.
Như chúng ta đã biết bộ môn nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng hiên nay. Chính vì lẽ đó, trong mọi hoạt động của mình, Đảng ta luôn quan tâm và dành nhiều công sức để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trong này. Đối với các trường Chính trị của 63 tỉnh trong cả nước, việc giảng dạy các chuyên đề Mặt trận và các đoàn thể cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Tuy nhiên, để giảng dạy tốt các chuyên đề này quả thực là rất khó cho giảng viên trực tiếp giảng dạy. Trong các đợt tập huấn tại học viện cũng như qua những lần góp ý bằng văn bản, chúng tôi cũng đã đề cập nhiều về vấn đề này với mong muốn là tìm ra những phương pháp hay, phù hợp để thực hiện tốt các chuyên đề này. Từ thực tiễn giảng dạy bộ môn nghiệp vụ công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, chúng tôi thấy có mấy khó khăn sau đây :
Khó khăn trước tiên là phải kể đến đó là đối tượng học viên. Học viên tham dự học tập đại đa số là cán bộ các sở, ban, ngành, do đó việc học tập phần nghiệp vụ công tác đoàn thể lại ít liên quan đến công tác của họ, nếu có chăng là bồi dưỡng, bổ sung thêm nhận thức về công tác dân vận. Do vậy quá trình thực hiện các chuyên đề này quả thực là khó cho người giảng và người học.
Khó khăn thứ hai chính là nội dung một chuyên đề nhưng lại áp dụng cho nhiều đối tượng nên giảng viên phải luôn năng động, sáng tạo để có phương pháp phù hợp cho từng đối tượng. Muốn làm được điều đó thì giảng viên phải có nhiều kinh nghiệm, phương pháp phải rất linh hoạt, nắm thực tiễn ở cơ sở, luôn cập nhật thông tin.. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng học viên thì nắm kỹ hơn giảng viên (Đối với đối tượng học viên đang làm công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở), điều mà cũng thường gặp ở một số chuyên đề.
Khó khăn thứ ba là hiện nay cấp cơ sở là cấp đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, tính phức tạp cũng theo đó càng gia tăng, nên khi đề cập đến nghiệp vụ công tác Mặt trận và các đoàn thể thì không phải tất cả những kiến thức trong giáo trình có thể giúp học viên giải quyết được tất cả những vướng mắc tại cơ sở.
Với những khó khăn đó, trong quá trình giảng dạy chương trình mới, kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra đó là, một mặt bám sát nội dung trong giáo trình, mặt khác là tùy theo đối tượng của lớp học để triển khai phương pháp phù hợp. Ví dụ, đối với học viên công tác ở các sở, ban, ngành, chúng tôi chỉ giảng khái quát các chuyên đề, thiên về lý luận để trang bị những điều cơ bản nhất để họ có nhận thức chung về các chuyên đề chứ không tập trung nhiều vào phần nghiệp vụ cụ thể. Ví dụ, chuyên đề Mặt trận chúng tôi dành nhiều thời gian phần chức năng giám sát và phản biện xã hội. Chuyên đề nghiệp vụ Hội nông dân thì chúng tôi dành nhiều thời gian giới thiệu khái quát bức tranh về nông nghiệp Việt Nam và những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…. Đối với học viên các lớp đào tạo tập trung đang công tác tại xã, phường, thị trấn thì chúng tôi tập trung đi vào phần nghiệp vụ, đặc biệt là đề nghị họ cho biết những vướng mắc hiện nay tại cơ sở trong việc thực hiện các nghiệp vụ. Học viên ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, có cả vùng sâu, vùng xa nên đi sâu vấn đề này để cùng nhau phân tích, tranh luận, tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả. Đối với tôi, khi sử dụng linh hoạt phương pháp này, bản thân cũng thu được vốn tri thức, kinh nghiệm mà chỉ có thông qua thực tiễn cơ sở, mình mới có thể nắm bắt và hiểu được bản chất của vấn đề.
Trên đây là một số kinh nghiệm mà chúng tôi đúc rút được trong quá trình thực hiện chương trình công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở mà Khoa Dân vận đã và đang thực hiện giảng dạy cho hai loại hình đào tạo tập trung và tại chức. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có thêm một thời gian nữa vì đặc thù của các chuyên đề này là giữa lý luận và thực tiễn còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta còn phải tiếp tục phân tích, mổ xẻ để làm rõ kể cả tầm vĩ mô lẫn vi mô nhằm làm cho các chuyên đề thật sự sinh động, thực tiễn và hiệu quả. Như đã nói ở trên, đây mới chỉ là những suy nghĩ có tính chất bước đầu về việc giảng dạy các chuyên đề của Khoa Dân vận, rất mong sự đóng góp, trao đổi và góp ý thẳng thắn của quí bạn đọc để chúng tôi tiếp tục bổ sung, tích lũy thêm những kinh nghiệm với mục đích là cứ mỗi năm thông qua công tác thực tế cơ sở, nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giảng dạy các chuyên đề Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.