Nguyễn Sung
Q. Trưởng khoa NN&PL
Theo Từ điển tiếng Việt, “cò mồi” là kẻ chuyên dẫn dắt người khác vào những trò bịp bợm, ví như con cò làm chim mồi để đánh lừa đồng loại bay đến mà mắc bẫy đã sắp sẵn. Trong xã hội ngày nay, những hoạt động cò mồi diễn ra muôn màu, muôn vẻ trong nhiều lĩnh vực với nhiều chiêu thức và thủ đoạn khác nhau. Nhìn nhận, đánh giá hiện tượng xã hội này như thế nào và các giái pháp để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội là một đòi hỏi cấp bách của xã hội và của mọi công dân.
Muôn màu, muôn vẻ tệ “cò mồi”:
Trên lĩnh vực giao thông vận tải:“Cò mồi” dẫn đường cho phương tiện, tự ý “xé rào” thu phí qua đoạn đường vòng. “Cò mồi” đưa các phương tiện vận tải hàng hóa quá tải tránh trạm cân trọng tải lưu động của cơ quan quản lý. “Cò mồi” bến xe- đối tượng lưu manh hình sự, bảo kê bến bãi, bảo kê xe khách; “Cò mồi” làm thủ tục cấp phép cho xe tải vào đường cấm.“Cò mồi” giấy phép lái xe các hạng…
Trên lĩnh vực y tế: Lợi dụng sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là các đô thị lớn. “Cò mồi” đã xuất hiện ở mọi ngóc ngách của các bệnh viện, không những chỉ trong khám, điều trị, “cò mồi” còn thực hiện các dịch vụ: Giấy chứng nhận sức khỏe, thậm chí “cò mồi” trong đường dây mua bán bệnh án tâm thần; “cò mồi” trong lĩnh vực giám định pháp y, thậm chí “cò mồi” trong việc mua và bán thận (bộ phận nội tạng của người). Điều này không chỉ gây mất an ninh trật tự, tốn kém cho người bệnh mà còn làm giảm lòng tin về y đức và công bằng xã hội.
Trên lĩnh vực du lịch: “Cò mồi” cấu kết để chặt chém khách du lịch. Chúng ta không khó bắt gặp những tựa bài báo đầy bức xúc: “Mánh khóe chặt chém du khách ở Vũng Tàu”, “Quán ăn tại vũng Tàu lại bị tố chặt chém”. Có du khách đã bức xúc thốt lên trên diễn đàn internet trước vấn nạn chặt chém tại Vũng Tàu: “Tôi đi Vũng Tàu, ấn tượng đọng lại không phải cảnh đẹp mà là vấn nạn chặt chém. Tôi tự hỏi: tại sao chúng ta cứ phải đến Vũng Tàu để bị chặt chém?”. Tệ hơn, có du khách đã thẳng thừng tuyên bố: “Tôi thề không bao giờ đến Vũng Tàu nữa”.Những hình ảnh đó gây phản cảm và bức xúc trong dư luận.
Trên lĩnh vực thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước: Thực hiện đề án 1215 năm 2006 của Chính phủ “Về việc trợ cấp xã hội cho người tâm thần”, số lượng người tâm thần, động kinh tăng mạnh, những năm gần đây. Theo số liệu của Phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có khoảng 166.500 người mắc bệnh tâm thần, Nhà nước phải tài trợ tổng cộng 720 tỷ đồng/năm. “Cò mồi” Giấy Chứng nhận tâm thần đã xuất hiện để phục vụ “nhu cầu” này. Vì thế nên tình trạng trong năm một huyện có hơn 450 người được cấp Giấy chứng nhận này để được thụ hưởng chính sách của Đề án 1215 của Chính phủ.
Những thực tế đáng buồn trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
- Hệ thống thể chế nhà nước ta chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ và chặt chẽ. Nhiều quy định của pháp luật cũng như hệ thống các thủ tục hành chính còn nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng.
- Nguồn lực phục vụ cho các hoạt động quản lý chưa bảo đảm về con người cũng như trang thiết bị phục vụ công vụ.
- Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, liên tục; nhiều lúc còn buông lõng.
- Việc xử lý các vụ việc tiêu cực liên quan đến tệ “cò mồi” chưa được xử lý đến nơi, đến chốn và chưa nghiêm minh.
- Quyền làm chủ, quyền giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị- xã hội và của nhân dân chưa được Nhà nước bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy.
Nhằm từng bước hạn chế và đẩy lùi tệ “cò mồi” trong xã hội hiện nay, tôi đề xuất mấy giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Nhà nước từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, nhất là những quy tắc, quy định và những thủ tục hành chính dễ bị tệ “cò mồi”lợi dụng. Hiện nay, những lĩnh vực nào trong đời sống xã hội mà những quy định của thể chế không đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ thì khi thực hiện hoạt động đó trong thực tế sẽ bị lợi dụng.
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện những thủ tục hành chính, dịch vụ công cho công dân và tổ chức. Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có tính chất quyết định trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống căn bệnh “cò mồi” hiện nay. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ ba, các cơ quan, tổ chức thường xuyên thực hiện những dịch vụ công phải ban hành các qui định về xử lý các hành vi tiêu cực và thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời biểu hiện tiêu cực. Những cơ quan thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công dễ bị nạn “cò mồi” lợi dụng thiết lập đường dây nóng nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt được thông tin và xử lý. Trên cơ sở những quy định của cơ quan đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện những dịch vụ công phải viết cam kết không vi phạm tiêu cực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vi phạm những quy định của cơ quan, đơn vị. Thực hiện việc xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, nạn “cò mồi ” là hiện trạng nhức nhối cho xã hội, để ngăn chặn và đẩy lùi nó không thể chỉ bản thân những cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện dịch vụ công đơn thương, độc mã đấu tranh, phòng chống mà vấn nạn này phải huy động toàn xã hội tham gia, trong đó có vai trò quan trọng của cả hệ thống chính trị các cấp. Nhà nước cần có những quy định cần thiết tạo những cơ hội, điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia tích cực và có hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội này.
Thứ năm, thực hiện lộ trình chuyển đổi một số dịch vụ công do Nhà nước thực hiện sang phương thức xã hội hóa, tư nhân hóa. Thực tế hiện nay, nạn “cò mồi” thường tập trung ở những dịch vụ mà Nhà nước đang trực tiếp làm. Những dịch vụ công được chuyển đổi sang dịch vụ tư sẽ giảm được áp lực về con người, ngân sách và trang thiết bị, phương tiện đối với các cơ quan nhà nước; mặt khác giải pháp này tạo nên sự cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức.
Thực hiện những giải pháp cơ bản trên, tôi thiết nghĩ những tiêu cực mà tệ “cò mồi” gây ra cho công dân, tổ chức và xã hội sẽ từng bước được khắc phục, trật tự, an ninh xã hội sẽ được giữ vững.