Từ kết quả thử nghiệm mô hình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Lăng và những vấn đề đang đặt ra hiện nay

Thứ bảy - 05/12/2015 16:20

Lê Thu Huyền
Khoa Xây dựng Đảng

 
Cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chương trình hành động số 72/CT-TU của Tỉnh ủy Quảng Trị để cụ thể hóa thực hiện nghị quyết 26 Hội nghị TƯ 7 khóa X trên địa bàn tỉnh nhà. Đối với Hải Lăng, trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phạm vi toàn quốc của Chính phủ và các Bộ, ngành TƯ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có những chủ trương, quyết sách cụ thể, xuất phát từ nội lực để có cách làm phù hợp về xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hải lăng, bước đầu đạt được một số kết quả:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Huyện đã tăng cường duy trì công tác tuyên truyền thường xuyên và liên tục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thực sự thấu đáo về mục đích, nội dung và tầm quan trọng của chương trình nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, để người dân xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và tự giác tham gia.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dưng NTM, huyện Hải Lăng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi và điều quan trong là lãnh đạo địa phương đã định hướng được các làm phù hợp, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở. Đến nay, bình quân các xã trong toàn huyện đã đạt được 9,5 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, xã thấp nhất cũng đã đạt 8 tiêu chí. Quan điểm của huyện là phải phát triển đồng đều vì mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các xã khó khăn càng cần phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, giúp đỡ, không chạy theo thành tích, không có tư tưởng xã điểm . Nét nổi bật của Hải Lăng trong thời gian vừa qua là đã huy động sự vào cuộc của của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện không phải do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban (như Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT - BNNPTNT - BKHĐT - BTC) mà do Bí thư Huyện ủy là Trưởng Ban, đây là quyết định của đúng đắn của BTV huyện ủy vì nếu Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban chỉ đạo thì sẽ không “chỉ đạo” được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp huyện vào cuộc mà đây chính là lực lượng hết sức quan trong trong vận động và tổ chức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng NTM có hiệu quả. BTV cũng thành lập các Tổ chỉ đạo xã đã xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng Kế hoạch, Chương trình công tác trọng tâm hàng năm với các đầu việc cụ thể, định kỳ quý/lần tổ chức họp kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện và bổ sung nhiệm vụ cho quý tiếp theo. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, công tác kiểm tra đôn đốc và đánh giá, rút kinh nghiệm luôn duy trì thường xuyên để kịp thời phát hiện ra những địa phương làm có hiệu quả cần biểu dương và nhân rộng mô hình cũng như những tồn tại vướng mắc cần tháo gở kịp thời. 

Thứ hai, về công tác tập huấn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm của các địa phương.

Cơ sở để huyện Hải Lăng đưa ra Ban chỉ đạo nông thôn mới khác các địa phương khác trong tỉnh là bài học rút ra từ mô hình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Ninh mà huyện đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân tham quan, học tập để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và năng lực sản xuất cho người dân, thông qua các mô hình sản xuất có hiệu quả trong xây dựng NTM ở các địa phương khác sẽ giúp địa phương học tập và chia sẽ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất. Huyện tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác xây dựng nông thôn mới cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp và các đơn vị tư vấn như kỹ năng lập kế hoạch có sự tham gia, phương pháp lập đề án xây dựng NTM, phương pháp tuyên truyền và hướng dẫn cơ chế tài chính trong quá trình xây dựng nông thôn mới cấp xã… Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở nhất là cán bộ xã, thôn về nội dung, phương pháp, nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới vì đây chính là đội ngũ trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí tại địa phương, cơ sở.

Thứ ba, về việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất và khai thác lợi thế so sánh.

Trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành danh mục các đề tài khoa học, dự án nhằm xây dựng mô hình sản xuất cũng như ban hành các chính sách hổ trợ phát triển cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Một số đề tài khoa học có tác dụng rất thiết thực mà huyện đang áp dụng trong quá trình chỉ đạo các địa phương như giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, giải pháp phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện đến năm 2020; xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lí và khai thác chợ; trồng và quản lí cây xanh đô thị, công trình công cộng, các tuyến giao thông nông thôn. Ngoài ra, huyện cũng đã kịp thời triển khai mô hình riêng, đó là ban hành Bộ tiêu chí “thôn nông thôn mới” và “gia đình nông thôn mới” để áp dụng trên địa bàn huyện. Theo bộ tiêu chí này sẽ phát huy tốt nhất động lực của công tác thi đua trong xây dựng nông thôn mới.

Căn cứ để huyện ban hành ban hành sản phẩm chủ lực là phải có chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn theo chiều sâu, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng gắn liền với giải quyết thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ thông tin thị trường, lấy thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng để sản xuất sản phẩm chủ lực, căn cứ vào thị trường đầu ra sản phẩm nào thị trường chưa ổn định thì không đầu tư sản xuất hoặc làm từ từ; chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm khi có thị trường ổn định. Huyện đang thử nghiệm và nhân rộng mô hình phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu của sản phẩm mà huyện nhà có lợi thế so sánh như: bò lai sinh sản Brahman, cam và một số cây ăn quả, rừng đạt tiêu chí cấp chứng chỉ FSC…

Chủ trương của huyện nhà để chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà trong đó có tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huyện đã xác định có 4 vấn đề cần tập trung ưu tiên, đó là: giống, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xác định quy mô, mô hình phù hợp và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phầm. Chủ trương này nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, góp phần thị trường đầu ra ổn định. Hiện tại các mô hình sản xuất đang đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rừng và cây ăn quả; trong đó trồng xen canh mít Thái Lan với cao su, mít làm vành đai chắn gió cho cao su; mô hình trồng lúa đặc sản, mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi cá chình lồng . Đặc biệt, mô hình trang trại tổng hợp, nuôi bò lấy phân ủ với võ lạc để bón cho cam, trồng cỏ voi, cỏ Mombasa làm thức ăn tại chỗ cho bò đang là mô hình khép kín rất hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng đã trồng được 8 ha cam k4 ở vùng gò đồi xã Hải Phú có hiệu quả và thị trường đầu ra ổn định. Mặt khác, tiềm năng vùng gò đồi của huyện có thể phát triển cây ăn quả tập trung có diện tích hàng nghìn ha.

Thứ tư, về việc huy động nguồn lực.

Chủ trương của huyện nhà là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tâm huyết của cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm tạo ra sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ trong cán bộ, nhân dân, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả triển khai và thực hiện chương trình. Vì thế, cán bộ Đảng viên trong huyện hàng năm đã lựa chọn một việc cụ thể trong các nội dung “Chỉnh trang nông thôn” để đăng ký “làm theo” tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; lấy đó làm kết quả danh hiệu thi đua cuối năm.

Việc huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển xây dựng NTM là vấn đề mà huyện luôn trăn trở. Bên cạnh huy động nhân dân phát huy nội lực, chủ động, tự giác đóng góp xây dựng NTM; huyện đã có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thu hút các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vốn vào địa bàn nông thôn và cam kết hợp tác lâu dài cả trong sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm như xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp ở xã Hải Thượng, cụm công nghiệp Diên Sanh; đồng thời có chính sách, cơ chế đặc thù cho những xã khó khăn. Huyện đã xây dựng và phát động thực hiện chủ đề “ Chỉnh trang nông thôn” với 6 nôi dung: Phát quang, hiến đất, mở rộng nền đường; thắp sáng đường quê; cải tạo vườn tạp; chỉnh trang nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng; xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi. Phong trào đã thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; chỉ sau 1 năm phát động, toàn huyện đã mở rộng nền đường được 164,25km (có 650 hộ dân tự nguyện hiến đất), thắp sáng 111km đường với 3.771 bóng điện, có 2.059 hộ dân của 19 xã thực hiện cải tạo vườn tạp, 1.875 hộ chỉnh sửa, xây nhà tắm, 672 hộ xây dựng lại chuồng trại chăn nuôi tách biệt với khu nhà ở, xử lý môi trường bằng hầm khí Biogas… Tổng số vốn đầu tư cho hoạt động “Chỉnh trang nông thôn” do nhân dân tự đóng góp ước tính trên 70 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định khi một chủ trương hợp lòng dân thì sẽ khơi dậy nguồn lực xã hội hóa to lớn trong nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng nói riêng và các địa phương khác ở Quảng Trị đang nãy sinh những vấn đề cần kịp thời tháo gỡ.

Để thực hiện trọn vẹn 19 tiêu chí Nông thôn mới ở tất cả 19 xã trong toàn huyện thì có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, đặt biệt là những vướng mắc từ việc ban hành chậm trễ hoặc thiếu tính thực tiễn của các văn bản quy định của cấp trên. 

Thứ nhất, là việc đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí. Đến nay Trung ương chưa có văn bản quy định về cách đánh giá kết quả thẹc hiện đối với từng tiêu chí, vì vậy việc đánh giá đạt hay chưa đạt một số tiêu chí ở địa phương hiện nay chỉ mang tính tương đối, thí dụ: Thông tư 41/2013 /TT-BNNPTNT ngày 04/03/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới quy định để đạt tiêu chí số 1 (quy hoạch), xã phải có quy chế quản lý quy hoạch được “cấp có thẩm quyền” phê duyệt nhưng “cấp có thẩm quyền ” là cấp nào thì không quy định rõ. Thực tế cho thấy ở một số tỉnh đã ban hành quy định tạm thời hoặc khung điểm hướng dẫn để đánh giá công nhận kết quả thực hiện tùy theo đặc thù của địa phương. Huyện nhà cũng đã ban hành “Quy định tạm thời về đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hải Lăng” để các xã có căn cứ đánh giá, phấn đấu.

Thứ hai, việc áp dụng rộng rãi thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản do người dân và cộng đồng trong xã tự làm nhằm phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là một chủ trương hợp lòng dân phù hợp với thực tế và giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Quyết định số 498/QĐTTG ngày 21/3/2013 được ban hành, mặc dù UBND huyện đã ban hành danh mục các công trình áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù đối với các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện nhưng do nhiều vướng mắc từ các quy định của cấp trên nên việc áp dụng vẫn còn rất hạn chế.

Trên cơ sở các quy định sữa đổi của Trung ương (QDD342/QĐ-TTG, Thông tư 41/2013/TT – BNNPTNT, Thông tư 05/2014/TT – BVHTTDL…), nhằm tháo gỡ những khó khăn đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện nhà cũng đã hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với các quy định sữa đổi của Trung ương. Về phía địa phương, đang tập trung rà soát đánh giá kết quả thực hiện đối với từng tiêu chí lớn, tiêu chí nhỏ trong Bộ tiêu chí NTM; từ đó đề ra giải pháp và lộ trình cụ thể để hoàn thành từng tiêu chí. Đến năm 2015 có thể huyện Hải Lăng chưa hoàn thành chỉ tiêu 20% số xã đạt chuận NTM nhưng đến năm 2020, huyện phấn đấu có trên 50% số xã hoàn thành 19 tiêu chí.

Thứ ba, trong quá trình triển khai có một số nội dung mà huyện đã điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài đó là: mở rộng thêm nền đường làm chổ tránh, đổ xe ở những đoạn có thể mở rộng (tùy theo quy định đường trục thôn có nền đường 4m, mặt đường 3m thì không đảm bảo cho 2 xe ô tô tránh nhau). Mặt khác, huyện cũng đang quy hoạch bổ sung quỹ đất ở những khu vực có vị trí thuận lợi có thể xây dựng các tiểu đô thị làm điểm nhấn thay đổi bộ mặt dân cư nông thôn, vừa tạo nguồn quỹ đất để đấu giá. Huyện cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường sống trong điều chỉnh đồ án quy hoach nông thôn mới đó là: chú trọng việc quy hoạch để từng bước xây dựng các kiểu công viên, hồ nước sinh thái, quy hoạch bổ sung cây xanh ở các khu dân cự tập trung, hình thành các tiểu đô thị phân bổ đều khắp trên các địa bàn các xã trong huyện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn. 

Từ kết quả đạt được của huyện Hải Lăng trong quá trình xây dựng NTM, cho thấy sự vận dụng năng động, sáng tạo, nhạy bén của lãnh đạo địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn huyện đặt ra đặc biệt là vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân trên địa bàn huyện. Vì vậy, chương trình NTM ở huyện Hải Lăng đã phát huy được nội lực, sự chủ động, tự giác, đóng góp của nhân dân. Những thành công ban đầu của huyện Hải Lăng là cơ sở để các địa phương khác nghiên cứu và nhân rộng mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương mình. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây