Th.s Đinh Thị Thu Hoài
Gv Khoa xây dựng Đảng
Trong không khí còn se se lạnh của tiết trời mùa xuân, thực hiện việc đi nghiên cứu thực tế địa phương chúng tôi đã có dịp về thăm xã Hải Tân- một vùng đất giàu truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị.
Hải Tân là một trong những xã vùng đồng bằng ở phía Nam huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Phía Bắc giáp xã Hải Trường; phía Nam giáp xã Phong Hòa (huyện Phong Điền – Thừa Thiên Huế), có con sông Ô Lâu là ranh giới tự nhiên; phía Tây giáp xã Hải Sơn; phía Đông giáp xã Hải Hòa. Cách quốc lộ 1A khoảng 3km và cách bờ biển khoảng 10km nên giao thông ở Hải Tân rất thuận tiện, là một địa bàn nối liền giữa miền duyên hải, đồng bằng với trung du, rừng núi.
Từ xa xưa, vùng đất này là cương vực của nước Chăm Pa, đến đời nhà Lý, đây là vùng đất tranh chấp giữa hai triều đại phong kiến Việt Nam và Chiêm Thành. Năm 1306, vua Chiêm là Chế Mân lấy công chúa Huyền Trân và đổi lấy châu Ô, châu Lý làm quà sính lễ. Năm 1307, Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt và đổi tên là châu Thuận, châu Hóa. Sau này hai châu được gom lại thành phủ Thuận Hóa dưới thời nội thuộc nhà Minh. Đến năm 1802, vua Gia Long đặt 3 doanh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Đức (sau này vua Minh Mạng đổi là Thừa Thiên) thì các thôn thuộc Hải Tân bấy giờ nằm trên doanh Quảng Trị. Nơi đây cũng chính là mảnh đất đã sản sinh ra những người con ưu tú nổi tiếng như: Bùi Dục Tài, Trần Hoàn (Nguyễn Tăng Hích), Nguyễn Khánh Toàn….
Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người dân Hải Tân với lòng yêu nước nồng nàn đã kiên cường, bất khuất chiến đấu với thiên tai, địch họa. Vào tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được thành lập. Tháng 10-1930, chi bộ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) được thành lập. Sau đó trong những năm 1931- 1933, các đồng chí ở chi bộ Phước Tích đã mở rộng phạm vi hoạt động về làng Câu Nhi (xã Hải Tân) và một số làng lân cận khác. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng quần chúng ở Hải Tân. Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), đến cao trào cách mạng 1936 – 1939, ở Hải Tân tuy chưa có tổ chức Đảng nhưng quần chúng đã tích cực tham gia hoạt động truyền bá tư tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại sự đàn áp của thực dân, phong kiến; đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 23-8-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân từ các làng Câu Nhi, Hà Lỗ, Văn Quỹ, Văn Trị giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cùng với các xã bạn tham gia giành chính quyền ở phủ Hải Lăng. Việc giành chính quyền ở Hải Lăng diễn ra rất nhanh chóng, Tri phủ Dương Đình Nguyên cùng hệ thống nha lại tùy tùng đã đem giao nộp hồ sơ, súng đạn cho Ủy ban khởi nghĩa. Sau khi giành chính quyền, ngày 24-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa được đổi thành Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của xã, đó là Hà Câu (Hà Lỗ, Câu Nhi) và Văn Trị - Văn Quỹ. Ngày 12-10-1945, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hà Câu ra đời do đồng chí Liễn làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng ở xã Hải Tân đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, nhân dân Hải Tân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh giữ chính quyền và bảo vệ thành quả của cách mạng tháng Tám.
Trong giai đoạn từ 1945-1975, nhân dân xã Hải Tân đã cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1954 – 1975). Đến ngày 19-3-1975, khi các lực lượng vũ trang Quảng Trị bất thần tiến công vào toàn bộ tuyến phòng ngự của địch ở Quảng Trị, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, lực lượng du kích ở Hải Tân cùng với bộ đội chủ lực phối hợp trên toàn mặt trận đã đồng loạt nổ súng tấn công truy kích địch. Quân địch bỏ chạy về phía Nam, toàn tuyến Mỹ Chánh, Thanh Hương của địch bị đánh úp. Thừa thắng xông lên, lực lượng của xã Hải Tân vượt sông Ô Lâu truy kích địch, giải phóng toàn xã. Lợi dụng thời cơ quân địch hoang mang đến cực độ, nhân dân ta đã nổi dậy, tiêu diệt và lật đổ bộ máy kìm kẹp của chúng, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.
Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống bất khuất, anh dũng, đồng thời với việc nắm bắt chủ trương của Đảng, Đảng bộ Hải Tân đã lãnh đạo nhân dân địa phương xây dựng lại quê hương. Mặc dù hậu quả của chiến tranh để lại hết sức nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn, thêm vào đó thiên tai, dịch bệnh nhưng Hải Tân đã từng bước ổn định sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, Hải Tân đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Nhịp độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2000 – 2005) là 10,96%, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,8 triệu đồng/năm; đến năm 2013 đã tăng lên 20,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 4 lần thời kỳ trước). Mặc dù là một xã thuần nông nhưng lãnh đạo xã đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Về cơ sở hạ tầng, nhờ sự hỗ trợ của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn – một người con của quê hương nên trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang. Hải Tân cũng là một trong những xã đi đầu trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với 98% đường thôn xóm được bê tông hóa. Giao thông nội đồng cũng được quy hoạch khép kín. Đặc biệt, hiện nay xã đã huy động toàn dân chung tay vào việc lắp đặt điện chiếu sáng nên các đường thôn ngõ xóm ngày càng sạch đẹp hơn.
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo ngày càng được phát triển toàn diện, công tác phổ cập giáo dục thực hiện đạt hiệu quả cao. Đến năm 2005, xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Đặc biệt, năm học 2012 – 2013, tỷ lệ đạt học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh cao hơn những năm trước, trong đó có 01 em đạt giải quốc gia. Trung bình mỗi năm toàn xã có khoảng 25 học sinh đỗ đại học hệ chính quy. Để có được kết quả này một phần quan trọng phải kể đến công tác khuyến học hoạt động thường xuyên nhằm cổ vũ tinh thần học tập cho con em trong xã.
Bên cạnh hoạt động giáo dục, hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao cũng được duy trì hàng năm, đặc biệt là các ngày lễ, ngày hội. Năm 2013, xã đã tổ chức đại hội thể dục thể thao lần thứ 2. Đồng thời, thường xuyên tham gia phong trào đua thuyền do huyện tổ chức. Đến nay toàn xã có 86% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, 4/4 làng và các cơ quan đều được công nhận Làng văn hóa, Đơn vị văn hóa.
Công tác y tế cũng được đầu tư về vật chất và con người nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hiện nay trạm y tế xã đã có 1 bác sĩ, 1 y tá, 2 nữ hộ sinh. Trạm xá cũng thường xuyên triển khai các chương trình y tế quốc gia.
Về công tác xây dựng Đảng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã có 8 chi bộ với 130 đảng viên. Đảng ủy thường xuyên tổ chức tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh, của huyện và các văn bản pháp luật của nhà nước cho toàn thể nhân dân. Đặc biệt, Đảng ủy đã thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo nên một không khí thi đua sôi động trong toàn xã. Năm 2013, Đảng bộ được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Với sự cố gắng nỗ lực về mọi mặt, đến nay xã Hải Tân đã đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hải Tân cũng là 1 trong 4 xã điểm được lựa chọn xây dựng nông thôn mới của huyện, đây là một trong những thành công bước đầu của Hải Tân hôm nay.
Như vậy, có thể thấy rằng năm tháng trôi qua, khi chiến tranh đã lùi xa cũng là thời gian để làm lành các vết thương. Từ trong nghèo khó, với sự nỗ lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hải Tân đã từng bước vươn mình, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Chia tay Hải Tân trong một chiều còn lất phất mưa với lòng đầy tiếc nuối, được sự tiếp đón nhiệt tình của lãnh đạo xã chúng tôi hy vọng sẽ một dịp quay trở lại nơi đây để thấy rõ hơn nữa sự chuyển mình của Hải Tân – một mảnh đất kiên cường bất khuất./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hải Tân (2008), Lịch sử Đảng bộ xã Hải tân (1930 – 2005), NXB Thuận Hóa, Huế.
2. Ủy ban nhân dân xã Hải Tân (2013), Báo cáo thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.